Lưu trữ

14/10/14

Sắn Việt Nam tồn tại và bất cập




CÂY LƯƠNG THỰC. "Sắn Việt Nam tồn tại và bất cập" gồm các bài : "Sắp bội thực nhà máy sắn" (Trần Đăng Lâm, Báo Nông nghiệp Việt Nam 2014) . "Những nhà máy nhiên liệu sinh học ở Việt Nam" (Hoàng Kim, Dạy và học 2013)  "Cơ cấu cây trồng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên với quan điểm phát triển bền vững " (Nguyễn Văn Mễ 2012).


Trên thế giới , hướng sử dụng nguyên liệu sắn để chế biến tinh bột, cồn sinh học, tinh bột biến tính, thức ăn gia súc và màng phủ sinh học đang ngày càng được quan tâm. Tại Việt Nam , theo  FAO 2013 “Sắn tiềm năng to lớn là cây trồng thế kỷ 21”, Việt Nam được ca ngợi là điển hình trong thực tiễn đã đưa năng suất sắn lên 36,0 tấn / ha năm 2011 tại nhiều hộ nông dân ở Tây Ninh đạt 400% so với 8,5 tấn/ ha năm 2000. Sắn lát và tinh bột sắn Việt Nam  là một trong mười mặt hàng xuất khẩu chính. Việt Nam hiện có 13 nhà máy nhiên liệu sinh học công suất 1067,7 triệu lít cồn sinh học mỗi năm, 66 nhà máy chế biến tinh bột sắn qui mô công nghiệp và  hơn 2000 cơ sở chế biến sắn thủ công (Hoang Kim, Le Huy Ham et al. 2013). Sắn là sự lựa chọn của nhiều hộ nghèo và người dân ở các vùng đất xấu, bạc màu, khô hạn, cũng là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh do sắn đạt lợi nhuận cao, dễ trồng, ít chăm sóc, chi phí thấp, dễ thu hoạch và dễ chế biến. Thế nhưng cây sắn Việt Nam đồng thời cũng có nhiều tồn tại và bất cập.


SẮP "BỘI THỰC" NHÀ MÁY SẮN

Nông nghiệp Việt Nam. 13/10/2014



NNVN. Trần Đăng Lâm . Với chủ trương của lãnh đạo tỉnh, diện tích sắn tại Đăk Lăk sẽ tăng lên ít nhất hàng chục nghìn ha, kéo theo nhiều hệ lụy. Viễn cảnh là "bội thực" nhà máy sắn, và theo đó rừng chắc chắn sẽ bị chặt phá đi nhiều hơn nữa để lấy đất trồng sắn.


* Thêm 4 NM sắn nữa, rừng tiếp tục bị "cạo trọc"
Mặc dù diện tích trồng sắn của tỉnh Đăk Lăk đã lên tới 28.000-32.000 ha/năm, với 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn nhưng mới đây, UBND tỉnh này vẫn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép xây dựng thêm 4 nhà máy nữa. Đây là động thái có thể làm gia tăng tình trạng mất rừng, tàn phá môi trường và nhiều hệ lụy khác.

“Cạo” rừng để trồng sắn
Những năm trước đây, người dân huyện Krông Bông chưa mặn mà với cây sắn, giờ số hộ có vài chục ha sắn không phải là hiếm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ ở xã Hòa Phong, huyện Krông Bông cho biết: “Thấy người ta trồng sắn có lãi quá, năm ngoái gia đình tôi cũng chuyển 3 ha đất trồng thuốc lá để trồng loại cây này, trừ hết chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Ở đây có nhà còn thuê thêm đất ở các huyện khác để trồng thêm đấy”.

Còn ở xã Cư Đrăm, rất đông đồng bào dân tộc di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc dắt díu nhau vào tận rừng sâu thuộc tiểu khu 1176, ngang nhiên chặt phá cây rừng để lấy đất trồng sắn. Những cánh rừng ở tiểu khu này trước đó không lâu còn ngằn ngặt xanh, thâm u huyền bí, giờ đã bị cạo trọc để thay vào đó là bạt ngàn những sắn là sắn...

Thống kê trong vài năm gần đây cho thấy, diện tích sắn tại Đăk Lăk tăng chóng mặt theo thời giá. Năm 2009, toàn tỉnh có 24.000 ha, năm 2011 tăng lên trên 31.000 ha (sản lượng 610.000 tấn), năm 2012 có gần 26.000 ha (sản lượng 470.000 tấn), năm 2013 trên 29.000 ha (sản lượng trên 570.000 tấn), năm 2014 khoảng 32.000 ha, với sản lượng ước khoảng 1 triệu tấn củ tươi/năm.

Ông Trịnh Tiến Bộ - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Đăk Lăk, cho biết: “Từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo người dân tập trung thâm canh, không ồ ạt trồng mới cây sắn.

Sở dĩ diện tích sắn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây là do từ năm 2008, thương lái Trung Quốc vào thu mua với số lượng lớn, mức giá hấp dẫn nên người dân bất chấp khuyến cáo, đua nhau trồng mới, trong đó có nhiều hộ thậm chí còn phá bỏ một số loại hoa màu truyền thống khác để trồng sắn".

Năm 2013, người trồng sắn được phen điêu đứng khi giá sắn lát bất ngờ rớt xuống còn 1.200 đồng/kg, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, không hiểu do sức hấp dẫn nào mà niên vụ này, diện tích sắn của tỉnh Đăk Lăk vẫn “nhảy” lên tới khoảng 32.000 ha (trong khi quy hoạch ban đầu chỉ có 15.000 ha).

Đơn cử như huyện Ea Súp: Quy hoạch ban đầu là 1.500 ha, trong khi trên thực tế nông dân huyện này đã trồng tới 3.200 ha sắn; huyện Ea H’leo 4.213 ha, huyện Cư M’ga 5.022 ha, huyện Ea Kar 1.022 ha, huyện Krông Bông 3.433 ha... Các huyện này cũng là nơi có 4 nhà máy tinh bột sắn của tỉnh.

Bất ổn từ một chỉ đạo

Theo tính toán của nông dân, bình quân mỗi ha sắn nông dân đầu tư từ 10-15 triệu đồng sẽ thu được 25-30 tấn. Với giá bán cao , trung bình người trồng sắn sẽ thu lãi 30-35 triệu đồng/ha. Chính vì thấy cái lợi trước mắt từ giá trị kinh tế cây sắn mang lại mà người dân đổ xô làm liều, bất chấp mọi khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Theo ông Trịnh Tiến Bộ, chủ trương của tỉnh là không tăng thêm diện tích trồng sắn, nhưng vừa rồi nhiều huyện vẫn đề nghị cho doanh nghiệp xây dựng thêm nhà máy, kích thích mở rộng vùng nguyên liệu.



Với chủ trương của lãnh đạo tỉnh, diện tích sắn tại Đăk Lăk sẽ tăng lên ít nhất hàng chục nghìn ha. Không thể phủ nhận giá trị kinh tế mà cây sắn mang lại, tuy nhiên cần sớm có kế hoạch tăng cường thâm canh, sử dụng các giống mới có năng suất cao tốt hơn là ồ ạt mở rộng diện tích một cách tràn lan.


Điều đáng nói là với cây sắn, chỉ trồng 2-3 vụ, bao nhiêu dinh dưỡng trong đất đều bị hút sạch. Đất trở nên bạc màu, cằn cỗi, khó có thể gieo trồng được loại cây nào khác. Chưa kể việc mở rộng diện tích ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa, nông dân bị ép giá, khó tránh khỏi thua lỗ.

Có nhiều ý kiến cho rằng: Diện tích sắn của tỉnh Đăk Lăk chủ yếu tập trung ở những địa bàn đất xấu, khó phát triển các loại cây khác; hơn nữa nếu trồng sắn theo đúng khoa học kỹ thuật sẽ ít ảnh hưởng đến đất mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Đó chỉ là một cách bao biện của một nhóm người nào đó bởi trên thực tế, do thấy cái lợi lớn trước mắt nên nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng sắn trên tất cả các vùng đất, loại đất mà cây sắn có thể mọc, không cần biết đó là rừng cấm, thậm chí còn phá bỏ nhiều diện tích cây trồng truyền thống khác của địa phương để trồng sắn.

Còn “trồng sắn theo đúng khoa học kỹ thuật” thì cũng mới chỉ dừng lại ở ý tưởng tốt bởi sự tự phát nâng diện tích trồng sắn, chạy theo lợi nhuận trước mắt của thị trường nên “ý tưởng” này - với bà con nông dân, xem ra còn quá… xa xỉ!

Trong khi đó, tại cuộc họp mới đây, ông Hoàng Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh tiếp tục cho triển khai bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm 4 nhà máy tinh bột sắn tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar và Krông Bông với công suất khoảng 20.000 tấn/năm cho mỗi nhà máy.

Lãnh đạo tỉnh này cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT hướng dẫn, thống nhất với các doanh nghiệp xác định, quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo cho hoạt động sản xuất nhà máy trong thời gian tới. Rõ ràng với số các nhà mấy xây thêm thì Đăk Lăk sẽ "bội thực" nhà máy sắn, và theo đó rừng chắc chắn sẽ bị chặt phá đi nhiều hơn nữa để lấy đất trồng sắn.


CÁC NHÀ MÁY NHIÊN LIỆU SINH HỌC VIỆT NAM

DẠY VÀ HỌC 19 tháng 9 năm 2013


 

DẠY VÀ HỌC.Việt Nam hiện có 13 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học đã được phê duyệt đầu tư với tổng công suất 1067,7 triệu lít cồn sinh học mỗi năm, trong đó có sáu nhà máy sản xuất Ethanol đã đi vào hoạt động và một nhà máy đang xây dựng (Bộ Công thương 2012). Tính đến cuối năm 2012, năng lực sản xuất Ethanol nhiên liệu của cả nước đạt 535 triệu lít/năm, đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 (5% Ethanol) hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10 (10% Ethanol). Tuy nhiên các nhà máy nhiên liệu sinh học đang lao đao vì sản phẩm xăng E5 không tiêu thụ được: Đầu tư lớn và lỗ; Nhà máy ethanol hoạt động khó khăn.
Trong số đó, Nhà máy sản xuất Ethanol Đồng Xanh- Quảng Nam công suất 130 triệu lít/năm đi vào hoạt động từ 2011, nhưng đến cuối năm 2012 đang tạm dừng sản xuất. Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước có công suất kế 100 triệu lít/năm, đi vào hoạt động từ tháng 4/2012, đến quý I/2013 cũng đã phải tạm ngừng sản xuất. Nhà máy sản xuất Ethanol sinh học (Dung Quất -Quảng Ngãi) với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm; Nhà máy sản xuất Ethanol Đại Việt- Đắc Nông có công suất thiết kế 70 triệu lít/năm; Nhà máy sản xuất ethanol Tùng Lâm - Đồng Nai công suất thiết kế 70 triệu lít/năm hoạt động từ 2011; Nhà máy sản xuất Bioethanol (Đắc Tô - Kon Tum) với công suất thiết kế 65 triệu lít/năm đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ, công suất 100 triệu tấn/năm đang trong quá trình xây dựng, đã tạm dừng do khó khăn về vốn đầu tư.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện Tập đoàn có khoảng 150 điểm bán xăng E5, mỗi tháng bán được 2.500 m3 xăng E5, cả năm khoảng 30.000 m3, tương đương với 1.500 m3 Ethanol, bằng công suất sản xuất trong 5 ngày của một nhà máy Ethanol. Hiện giá bán 1 lít xăng E5 theo niêm yết giá tại các cửa hàng có bán xăng E5 của PV Oil, xăng A92 đang bán giá 23.150 đồng/ lít, xăng E5 bán giá 23.050 thấp hơn xăng A92 khoảng 100 đồng mỗi lít nhưng nhu cầu không nhiều. Giá xăng E5 xuất khẩu là 13.000 đồng/ lít. 


Theo ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết: do mặt hàng xăng E5 có đặc tính ngậm nước nên cần phải xây dựng kế hoạch triển khai bán xăng E5 theo đúng lộ trình do Chính phủ quy định dựa trên các căn cứ thông tin công khai về kết quả bán thử nghiệm xăng E5 được các cơ quan có chức năng công bố; cần đầu tư hệ thống thiết bị pha trộn tại các kho, đảm bảo phù hợp với tình hình tài chính của Petrolimex trong điều kiện kinh doanh xăng dầu đáp ứng mục tiêu bình ổn giá của Chính phủ.
Sắn Việt Nam làm nhiên liệu sinh học đang  đối mặt với những thách thức mới.

Hoàng Kim
(Bài tổng hợp tin nhanh từ các báo)




CƠ CẤU CÂY TRỒNG VÙNG TÂY NGUYÊN

DAỴ VÀ HỌC 03/06/2012

DẠY VÀ HỌC. Hoàng Kim. Đất rừng Tây Nguyên đang chuyển đổi nhanh chóng thành đất trồng cà phê, cao su và sắn. Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên hiện đã thành vùng cao su, cà phê chủ yếu trong tổng diện tích cao su của cả nước năm 2010 là 740.000 ha và diện tích cà phê hơn 550.000 ha. Sản lượng sắn Tây Nguyên tăng đột biến gấp sáu lần trong vòng 10 năm từ 351.500 tấn năm 2000 lên 2.179.500 tấn năm 2010 do năng suất sắn tăng gấp đôi và diện tích sắn mở rộng từ 38000 ha năm 2000 lên 133.200 ha năm 2010. Sự cấp thiết phải soát xét, điều chỉnh, tổ chức, quản lý, quy hoạch phát triển trang trại hợp lý; xác định hệ thống cây trồng vật nuôi và quy trình kỹ thuật thâm canh thích hợp, bền vững cho mỗi cây trồng, vật nuôi tại từng tiểu vùng cụ thể. Hoàn thiện giải pháp tổng thể với quan điểm phát triển Tây Nguyên bền vững hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội , văn hóa, môi trường. 

Trang DẠY VÀ HỌC xin giới thiệu bài Cơ cấu cây trồng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên với quan điểm phát triển bền vững của ông Nguyễn Văn Mễ là Đại biểu Quốc hội khoá 11, nguyên Chủ tịch UBND,HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài này trong cụm bài Đối thoại chiến lược nông nghiệp mới để rộng đường dư luận. Mỗi bài trích dẫn đều thể hiện quan điểm riêng của tác giả và mong được đóng góp ý kiến.


CƠ CẤU CÂY TRỒNG Ở CÁC TỈNH VÙNG TÂY NGUYÊN VỚI QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG.


Nguyễn Văn Mễ

Tất cả chúng ta đều nhận thức rõ vị trí Tây Nguyên trong chiến lược quốc phòng - an ninh của đất nước. Tuy vậy, Tây Nguyên còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế- xã hội của cả nước nói chung; của vùng duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ và của chính vùng Tây Nguyên nói riêng. Bài viết này không đề cập đến mọi khía cạnh của quan điểm phát triển bền vững mà chỉ xới ra một số vấn đề về bố trí cơ cấu cây trồng có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến yêu cầu bảo vệ rừng và nguồn nước, những yếu tố có tính sống còn đối với vùng cây công nghiệp và cây lương thực lớn nhất Việt Nam ; đồng thời là khu vực có nhu cầu ngày càng cao về nước cho sinh hoạt dân cư và sản xuất công nghiệp.

Trước hết, Tây Nguyên là nơi xuất phát của nhiều con sông lớn đổ về đồng bằng sông Cửu Long như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và tất cả các con sông vùng duyên hải từ Đà nẵng vào cực nam Trung Bộ. Nguồn nước cung cấp cho các con sông này đều gắn liền với " kho nước " Tây Nguyên,nơi có diên tích rừng tự nhiên chiếm gần 1/3 diện tích cả nước ( 2.846.500 ha/ 9529.400 ha ) ( 1 ). Nếu tính cả diện tích rừng tự nhiên của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ thì diện tích rừng có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của 19 tỉnh , thành phố chiếm gần 50%. Diện tích rừng đang bị gặm nhắm với tốc độ ngày càng nhanh cả từ phía đồng bằng lên cũng như từ phía Tây Nguyên xuống; chưa kể sự phá hoại rừng theo kiểu da báo trong từng địa phương để đáp ứng yêu cầu của dân cư tại chỗ, của đông đảo người nhập cư và của cả những người có vốn đầu tư từ các đô thị nhắm tới vùng này như một " thánh địa " để kiếm cơ hội làm giàu từ các trang trại trồng cà phê, cao su và một số cây trồng có độ che phủ kém khác.

Trong cơ cấu cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng sắn chiếm một tỉ trọng lớn, chỉ sau cây lúa và tăng với tốc độ chóng mặt. Chỉ tính riêng các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông; Lâm Đồng đã tăng từ 38000 ha ( năm 2000 ) lên 88.300 ha ( năm 2005 ) và 133.200 ha ( năm 2010), chiếm hơn 1/4 diện tích cả nước ( 133.200 ha/ 496.200 ha ) ( 2 ). 

Điều đáng lưu ý là diện tích dành cho việc trồng sắn trong thực tế lớn hơn con số này nhiều vì chỉ sau tối đa ba năm, khi năng suất giảm mạnh , người trồng sắn phải mở ra vùng đất mới để có thể duy trì qui mô sản xuất và đảm bảo thu nhập. Diện tích mở ra thường là những vùng rừng tự nhiên cận kề nương rẫy trồng sắn cũ và việc lấn dần theo kiểu " tằm ăn dâu " này đã làm mất đi hàng ngàn hecta rừng và phải nhiều năm sau số liệu rừng bị mất mới được phản ảnh trong thống kê của chính quyền các cấp. Trong số diện tích rừng bị lấn chiếm, có không ít vùng có độ dốc trên 30%, hoàn toàn không phù hợp với việc trồng sắn, vì phần đất màu mỡ sẽ nhanh chóng bị rửa trôi dẫn đến nguy cơ bị sạt lở đất , uy hiếp đến tính mạng, tài sản của đồng bào phần lớn cư trú ở vùng đất thấp hơn, ở các triền núi giáp thung lũng.

Nguyên nhân vì sao có sự phát triển mang tính đột biến của cây sắn? Có phải việc phát triển trồng sắn ở Tây Nguyên đã và đang có một tỉ lệ không nhỏ mang tính tự phát? Vì sao trong lúc nhiều quốc gia có sản lượng sắn lớn đã chủ động thu hẹp vùng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu sắn sơ chế, thì ở nước ta việc chuyển dịch cây trồng đang đi theo hướng ngược lại? Rõ ràng, chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài đều đòi hỏi có sự xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. 

Bên cạnh những mặt tốt về xây dựng mô hình sản xuất tập trung, chuyên canh để vươn lên trở thành nhà xuất khẩu cà phê, cao su hàng đầu thế giới thì công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch về cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên đã bộc lộ sự bất cập. 

Mối quan hệ giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải, vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh về qui hoạch vùng sản xuất và phân bổ các cơ sở chế biến không được điều tiết ở tầm vĩ mô, nên vùng Tây Nguyên bị tác động mạnh mẽ của ngoại lực để trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho hàng loạt nhà máy chế biến tinh bột mọc lên một cách ồ ạt ở các địa bàn lân cận. Chu kỳ canh tác ngắn; mức đầu tư thấp, lợi nhuận không cao nhưng có thể nhận được trong năm …là những tác nhân kích thích phong trào trồng sắn trong vùng đồng bào các dân tộc, vốn có truyền thống trồng và sử dụng lương thực từ sắn, chuyển từ giai đoạn tự cấp tự túc sang giai đoạn sản xuất" hàng hoá ".

Cũng trong chưa đầy 10 năm, diện tích trồng cao su ở 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ cũng không ngừng mở rộng và trở thành vùng chuyên canh chủ yếu trong tổng diện tích hơn 740.000 ha của cả nước. Diện tích cà phê ở hai vùng này cũng chiếm phần lớn của tổng diện tích hơn 550.000 ha ( 3 ) . Không ít diện tích cao su, cà phê trồng mới cũng từ đất rừng chuyển đổi. Cơ cấu cây trồng ở vùng Tây Nguyên đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó diện tích rừng , đặc biệt là rừng tự nhiên đang ngày càng giảm sút cả về số lượng và chất lượng; thay vào đó là sự tăng trưởng không được kiểm soát tốt đối với diện tích trồng cây công nghiệp và các loại cây lương thực thực phẩm ngắn ngày khác, trong đó có cây sắn.

Sự giảm sút diện tích rừng gây ra hậu quả tức thì là sự suy giảm nguồn nước dự trữ và đáp ứng nhu cầu tại chỗ cũng như nguồn cung cấp cho sản xuất và đời sống dân cư ở vùng hạ lưu khu vực duyên hải Trung Bộ và Đông Nam Bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh và vùng động lực phía Nam. Bài toán cân đối nguồn nước của toàn vùng chưa tìm được lời giải tối ưu vì có quá nhiều ẩn số, đòi hỏi phải lượng hoá sự sụt giảm do mất rừng và tính toán những tác động xảy ra do chế độ vận hành tài nguyên nước của hàng chục nhà máy thuỷ điện lớn, nhỏ.. đã làm cho lưu lượng nước chảy qua hệ thống sông ngòi trong khu vực sụt giảm nghiêm trọng. Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu qua các cửa sông Thu Bồn, Vu Gia ở Quảng Nam và Đà Nẵng; sự thiếu hụt nước sinh hoạt đã xuất hiện ở Thành phố Buôn Mê Thuột và một số địa phương của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum là những chỉ báo không thể xem thường.

Đã đến lúc cần làm rõ quy hoạch, kế hoạch bố trí cơ cấu cây trồng và các cơ sở chế biến nguyên liệu trong từng địa phương gắn với toàn vùng Tây Nguyên; với các địa bàn lân cận cũng như với cả nước theo hướng ưu tiên bảo vệ rừng và giải quyết hài hoà, hợp lý mối quan hệ giữa các loại cây trồng dài ngày- trung bình và ngắn ngày; trong đó, cần xác định rõ phạm vi, giới hạn về mặt diện tích có thể chấp nhận được của cây cao su, cà phê và cây sắn .

Quy hoạch đó phải được chi tiết hoá đến từng vùng, thậm chí đến từng thửa đât, kèm theo những qui định về áp dụng chế độ thâm canh, luân canh; chống xói mòn , bảo vệ đất. Mặt khác, cần có những giải pháp về tuyên truyền, giáo dục ; về các chế tài hành chính và luật pháp..được áp dụng một cách mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác quản lý quy hoạch bố trí cơ cấu cây trồng nói chung và quản lý, bảo vệ rừng nói riêng.

Đồng thời cũng cần làm rõ phạm vi quản lý, trách nhiệm của bộ máy nhà nước, của người sử dụng đất, của các chủ rừng; trong đó có trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương; giám đốc các nông lâm trường; hợp tác xã..Kiên quyết không để tiếp tục xảy ra tình trạng " lâm tặc " và những người dân vì lợi ích ngắn ngày, đã và đang vô tình hay cố ý huỷ hoại diện tích rừng tự nhiên ít ỏi còn lại và gây ra sự giảm sút " kho nước " có liên quan đến sự phát triển bền vững sản xuất và đời sống của hàng chục triệu người vùng Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Trước mắt, cần tập trung giải quyết những yếu kém, bất cập của việc phát triển khá nhanh nhưng thiếu tính vững chắc của vùng sắn nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nguyên; từng bước sắp xếp lại các nhà máy chế biến tinh bột trong khu vực; cân nhắc kỹ chủ trương xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học từ sắn vì việc này làm tăng nguy cơ giảm sút diện tích rừng, vốn là giải pháp tối ưu để giải quyết khí thải độc hại./.


( 1 ), ( 2 ), ( 3 ) : Các số liệu dẫn chứng lấy từ Niên giám thống kê do Tổng cụ Thống kê phát hành năm 2005 và 2010.



Đôi nét về tác giả:
Nguyễn Văn Mễ đại biểu quốc hội
Nguyễn Văn Mễ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế 

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi