Trang liên kết chính

4/3/10

Giá lúa nằm ngoài hạt gạo

CAYLUONGTHUC. Nguyễn Minh Nhị bài đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Mới vào vụ đông xuân, lúa hồi giữa tháng 2-2010 đang 5.200 đồng/kg, tuột nhanh xuống 4.200 - 4.000 đồng/kg chỉ sau vài tuần. Tốc độ tuột giá đã đi cùng với tốc độ thu hoạch! Trúng mùa rớt giá …  nông dân đau điếng! Lý do đơn giản là nền sản xuất nông nghiệp của ta chưa được tổ chức lại cho phù hợp với hoàn cảnh hội nhập. Giá thành lương thực, nông sản của ta còn cao là do đầu vào bị nhiều tầng nấc trung gian "kê" lên, cách tính lại không đủ nên có khi "lời giả lỗ thật". Còn đầu ra, do nông dân không giữ được sản phẩm lâu hơn, chất lượng tốt hơn để đợi khi có giá. Mặc dù nông dân cũng có khả năng biết thời điểm giá lên, biết cách giữ chất lượng tốt hơn, nhưng vì thiếu các dịch vụ sau thu hoạch, không kho trữ, không tiền trả nợ và không vốn cho vụ mới liền tay nên đành bán tại ruộng…

Mới vào vụ đông xuân, lúa hồi giữa tháng 2-2010 đang 5.200 đồng/kg, tuột nhanh xuống 4.200 - 4.000 đồng/kg chỉ sau vài tuần. Tốc độ tuột giá đã đi cùng với tốc độ thu hoạch!


Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan. Myanmar… đang bị hạn hán, đe dọa mất mùa. Có nơi như Trung Quốc, chánh phủ đang lo đói, lo khát cho cả chục triệu người và cũng ngần ấy đầu gia súc.


Tại Việt Nam đang hạn ở Đồng bằng sông Hồng, ngay ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị hạn và nước mặn xâm nhập, đe dọa mất mùa trên một số diện tích lúa rộng lớn ở các tỉnh ven biển.Chỉ có An Giang, Đồng Tháp và phần lớn diện tích ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… không bị mặn xâm nhập là trúng mùa.


Trúng mùa trên diện tích "cục bộ", trong điều kiện mất mùa trên "đại cục" mà lúa bị rớt giá thì nông dân ta đau điếng!


Còn đổ thừa do chưa có khách hàng ký mua hoặc họ trả giá thấp thì chẳng khác nào "chạy án" với nông dân, bởi khách hàng họ thừa biết cảnh nông dân (và cả doanh nghiệp) của ta thiếu kho, mà báo đài của ta thì thông tin rất đầy đủ, vậy ai mà không ráng nín lại để làm giá có lợi cho mình?!


Mấy năm rồi, chánh phủ có đưa ra giá sàn bảo hiểm cho nông dân, lãi tối thiểu 30 đến 40%. Nhưng giá thành của ký lúa là bao nhiêu thì mỗi cấp, mỗi ngành mỗi khác, đặc biệt là cơ quan nào cũng tính thấp hơn nông dân, mà nông dân thì cũng chưa phải là tính đủ. Vậy cho nên, sau một thời gian làm lúa nhiều người thiếu nợ bán đất mà không hiểu vì sao mình nghèo?!


Vấn đề là ở cách tính giá thành chưa đủ, mà giá thành của nền sản xuất hàng hóa toàn cầu chớ không phải sản xuất hàng hóa nhỏ, thị trường địa phương và nội địa. Vấn đề nữa là chu kỳ sản xuất lúa 4 tháng/vụ; chu kỳ kinh tế - tài chánh là tính năm, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ lúa hoặc 4 vụ màu, bởi mỗi vụ lời lỗ khác nhau; chu kỳ mức sống của nông dân là 5 năm 10 năm mới tính được. Tính ổn định sản xuất là cơ sở đánh giá đời sống.


Nhớ hồi bao cấp, năm 1979 chánh phủ cho giá mua lúa 21 xu/ký, chúng tôi mua 35 xu không được, vậy mà Bộ đề nghị Chánh phủ chỉ nâng lên 27 xu giá chỉ đạo và 55 xu giá khuyến khích. An Giang phải "lách" mua giá 1,5 đồng rồi 2 đồng/ký mới mua được. Vậy là hơn 30 năm rồi chúng ta chưa đánh giá đúng giá trị thật của hạt lúa, bởi giá trị thật của hạt lúa nằm ngoài hạt gạo!


Trở lại câu chuyện thời sự: "trúng mùa rớt giá". Lý do đơn giản là nền sản xuất nông nghiệp của ta chưa được tổ chức lại cho phù hợp với hoàn cảnh hội nhập. Giá thành lương thực, nông sản của ta còn cao là do đầu vào bị nhiều tầng nấc trung gian "kê" lên, cách tính lại không đủ nên có khi "lời giả lỗ thật". Còn đầu ra, do nông dân không giữ được sản phẩm lâu hơn, chất lượng tốt hơn để đợi khi có giá.Mặc dù nông dân cũng có khả năng biết thời điểm giá lên, biết cách giữ chất lượng tốt hơn, nhưng vì thiếu các dịch vụ sau thu hoạch, không kho trữ, không tiền trả nợ và không vốn cho vụ mới liền tay nên đành bán tại ruộng.


Biết bịnh mà không tự trị được. Chỉ có nhà nước mới giúp họ trị được. Không "nhà" nào thay thế. Chỉ có nhà nước giúp tổ chức hợp tác xã và tạo điều kiện chủ động tập trung, tích tụ đất đai để có thêm nhiều trang trại lớn thì mới khắc phục được.


Hợp tác xã - liên kết bốn "nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) sẽ giúp ổn định sản xuất, hạn chế phân hóa giàu nghèo ở nông thôn. Bởi có hợp tác xã thì nhà nước mới có chỗ đầu tư đến tay nông dân để làm lò sấy, kho chứa, xe máy, khoa học kỹ thuật, tiền vốn v.v… mà không qua khâu trung gian nào.


Càng đầu tư qua trung gian, nông dân càng nghèo và các doanh nghiệp kinh doanh vật tư, dịch vụ nông nghiệp và lương thực càng giàu.


Trở lại vấn đề thời sự cũ rích "trúng mùa rớt giá", muốn không còn là "thời sự" nữa là chỉ khi nào nông nghiệp được sản xuất theo hình thức hợp tác xã và trang trại, sản xuất lúa phải có kho dự trữ, có lúa trong kho rồi mới ký hợp đồng v.v… Bởi giá trị hạt gạo nằm ngoài hạt lúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét