Trang liên kết chính

29/5/10

Cây lúa điểm tin chọn lọc


CAYLUONGTHUC. Hoàng Kim, Hoàng Long, Nguyễn Chí Công điểm tin chọn lọc cây lúa với  những tin chính: Xuất khẩu lúa gạo toàn cầu năm 2010 FAO dự báo đạt 454 triệu tấn tăng 8 triệu tấn so năm 2009. Giống lúa thuần chất lượng VS1 của GS.TS Trần Duy Quý và nhóm tác giả Viện Di truyền Nông nghiệp (bài và ảnh Dương Đình Tường , báo NNVN). Giống lúa Phú Ưu 2 ở Yên Khánh Ninh Bình. Giống lúa QR1 với dự án quy mô 200 ha ở Yên Khánh Ninh Bình. Thông tin về Hội nghị sơ kết vụ hè thu 2010 và triển khai kế hoạch vụ thu đông 2010 ở các tỉnh Nam Bộ ngày 19/5 tại Long Xuyên. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì  và kết luận hội nghị đã yêu cầu các địa phương củng cố và đưa vụ thu đông vào sản xuất chính vụ, thậm chí hướng tới có thể thay vụ lúa hè thu bằng vụ thu đông, vì vụ này thời tiết thuận lợi hơn, năng suất cao hơn và thời điểm tiêu thụ lúa cũng tốt hơn. Thông tin về văn minh lúa nước và sức sống hạt thóc đồng bằng sông Hồng. Mới đây, các chuyên gia khảo cổ học đã thu được những hạt thóc ước tính vài ngàn năm tuổi tại khu khai quật Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội). Bản tin khoa học của GSTS Bùi Chí Bửu :Thực chất dinh dưỡng của gạo lứt theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ; Phân lập gen Bph14, điều khiển tính kháng rầy nâu trên lúa.Xác định gen trong cây lúa điều khiển tính trạng phẩm chất gạo; Không có những trở ngại kỹ thuật đối với lúa biến đổi gen; Lúa gạo GM tốt cho sức khỏe hơn lúa gạo bình thường; ATPase khởi động quá trình phosphoryl hóa tự động ở receptor XA21 và gây ức chế tính miễn dịch tại XA21 trong bộ gen cây lúa. Sự vận chuyển glucose trong cây lúa; Transcriptome và metabolome: phân tích phổ gen của cây lúa mạch chuyển gen

XUẤT KHẨU LÚA GẠO TOÀN CẦU NĂM 2009 VÀ DỰ BÁO 2010

FAO ghi nhận rằng sản lượng thóc toàn cầu trong năm 2009 ước đạt 678 triệu tấn, tăng hơn 10 triệu tấn (2%) so với 2008; là kỷ lục cao nhất lần thứ hai. Các nước ở Châu Á có sản lượng thóc đạt 612 triệu tấn, giảm 12 triệu tấn so với năm 2008, do thời tiết bất thuận, hạn hán ở Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Nepal. Ngược lại, Trung Quốc, Indonesia và Myanmar được mùa. Riêng kế hoạch sản xuất lúa 2010 tại Indonesia sẽ có thể gặp bất lợi do ảnh hưởng El Nin (hạn hán). Tại Châu Phi; sản lượng thóc ước đạt 24,5 triệu tấn, giảm 3% so với năm 2008. Suy giảm này không phải chỉ do Ai Cập giảm kế hoạch gieo trồng lúa, mà còn thiếu nước nghiêm trọng tại Chad, Mauritania, Niger và Tanzania. Trái lại các nước được mùa là Madagascar, Mali, Nigeria và Senegal. Thuận lợi cũng được ghi nhận ở Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribean; sản lượng ước đạt 27,4 triệu tấn. Bão tố đã hành hạ các nước như Cuba, Dominique, Panama. Nhưng thắng lợi lớn được ghi nhận tại Argentina, Bolivia, Brazil, Colombia, và Peru. Sản xuất lúa gạo 2009 tại Úc không tốt lắm do thiếu nước nghiêm trọng.

FAO ước lượng thương vụ gạo toàn cầu trong năm 2009 có chiều hướng suy giảm; số lượng gạo xuất khẩu xung quanh con số 30 triệu tấn, thấp hơn năm 2008 một chút. Năm ngoái, thương vụ gia tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu cực mạnh của các nước Á Châu, đặc biệt là Philippines. Thương vụ của Hoa Kỳ và Brazil cũng gia tăng, trong khi nguồn lúa chảy vào Châu Phi có thể đã bị suy giảm mạnh. Sự phục hồi thương vụ lúa gạo năm 2010 chắc chắn sẽ ổn định hơn, do Thái Lan sẽ tăng cường lượng gạo xuất khẩu, cùng với Trung Quốc, Miến Điện, Việt Nam, Cambodia, Hoa Kỳ và Uruguay.

Năm 2010, nhu cầu sử dụng gạo toàn cầu sẽ tăng thêm 8 triệu tấn (1,5% so với 2009) để có con số cuối cùng là 454 triệu tấn; trong đó, 389 triệu tấn gạo là lương thực cho người. FAO còn dự báo rằng: dự trữ gạo trong năm 2010 sẽ lên con số 123 triệu tấn, có nghĩa là tăng hơn năm ngoái 6 triệu tấn.Giá gạo xuất khẩu trên thương trường thế giới tăng kể từ quý IV của năm 2009; xu hướng sẽ lên đỉnh cao vào tháng 5/2010 rồi xuống trở lại. Điều này phản ánh qua phân tích chỉ số giá của FAO đạt 247 điểm từ tháng 9 đến tháng 12 , tăng 15 điểm.

Xem chi tiết: http://www.fao.org/es/ESC/en/15/70/higlight_71.html

XUẤT KHẨU GẠO SẼ TĂNG VỀ KIM NGẠCH

(trích…)
Mặc dù giá gạo đầu năm được đánh giá là vững ở mức cao hơn nhiều so với đầu năm trước, nhưng thực tế xuất khẩu gạo lại vẫn giảm cả về sản lượng và giá trị. Trong tháng 2, cả nước xuất khẩu 383 nghìn tấn gạo, giá trị 206 triệu USD, nâng tổng khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm lên 764 nghìn tấn, kim ngạch 411 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo giảm 26,78% về lượng và giảm 12,52% về giá trị.

Năm 2009, xuất khẩu gạo tuy lập kỷ lục về khối lượng, nhưng lại giảm về kim ngạch. Năm nay, Hiệp hội lương thực Việt Nam đề ra chủ trương không tăng khối lượng, nhưng phải lập được kỷ lục về kim ngạch, mục tiêu đạt 3-3,2 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu này, giá gạo xuất khẩu bình quân cả năm phải dao động khoảng 500-533 USD/tấn, so với năm 2009 là 405,42 USD/tấn.

Đến nay, số lượng gạo đã ký theo các hợp đồng xuất khẩu là 1,821 triệu tấn. Trong đó, Vinafood II trúng thầu gần 1,286 triệu tấn, chiếm tới 70,6% trong tổng khối lượng trúng thầu. Giá trúng thầu bình quân cả khối lượng khổng lồ này của Vinafood II không chỉ cao ngất ngưởng là 633,51 USD/tấn, mà còn cao hơn 16,14 USD/tấn và 2,61% so với giá trúng thầu bình quân của tất cả đối thủ cạnh tranh còn lại (617,38 USD/tấn).

Đây là căn cứ để tin tưởng rằng tổng khối lượng gạo trên 1,55 triệu tấn xuất khẩu cho Philippines với giá cao ngất ngưởng (1,404 triệu tấn, quy giá FOB khoảng 575 USD/tấn) trong nửa đầu năm nay có lẽ là "bước chạy đà" tốt chưa từng có của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta trong 21 năm qua.

Nguồn: http://www.vaas.org.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=802&Itemid=1

GIỐNG LÚA THUẦN CHẤT LƯỢNG VS1

LUAGAO - Hàng chục năm nay, rất, rất nhiều giống lúa thuần do các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu chọn tạo được tung vào thị trường Việt Nam và đều được tham chiếu, so sánh với Khang Dân 18 và Q5.

Tại sao? Khang Dân 18, Q5 năng suất không có gì nổi bật, chất lượng thậm chí trung bình, thậm chí kém (riêng Q5 nhiều nơi còn được gọi là “gạo lợn” chỉ dùng cho chăn nuôi, làm bún bánh, nấu rượu chứ ít người dùng nó để ăn hàng ngày). Chỉ một lý do duy nhất cho sự tồn tại của chúng, phổ thích nghi rất rộng, năng suất ổn định và là giống của con nhà nghèo, không cần đầu tư nhiều mà vẫn có thu hoạch đều đều, rất yên tâm khi xuống giống trong mọi điều kiện thời tiết.

Thời gian cứ trôi vùn vụt, tiến bộ khoa học cứ tiến lên như vũ bão mà “tượng đài” Khang Dân 18, Q5 vẫn đứng vững, thách thức mọi nhà khoa học, bất chấp những chỉ trích về chất lượng đáng khiêm tốn của chúng. Giáo sư Trần Duy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp và cộng sự đã dày công nghiên cứu, chọn tạo giống VS1 cũng chỉ với một mục đích, giống lúa thuần này có thể cạnh tranh ngang ngửa với những giống lúa thuần có nguồn gốc Trung Quốc kia.

Theo tác giả, VS1 là cái tên đầy kiêu hãnh có nghĩa là Việt Nam Seed 1 (giống lúa của Việt Nam - PV) trước mắt sẽ có mục tiêu phát triển ở Việt Nam, tương lai còn có thể xuất khẩu ra các nước trong khu vực. Nó ngắn ngày hơn Khang Dân khoảng 3-5 ngày, năng suất tương đương, nhưng chất lượng hơn hẳn vì có gen thơm.

Giáo sư Quý tâm sự: “Chúng ta đã là nước xuất khẩu gạo mạnh, giờ nhu cầu không phải đòi hỏi là no bụng nữa. Những giống lúa năng suất khá mà chất lượng kém cần được thay thế bằng những giống có chất lượng. VS1 là một giống như vậy”. Trong hệ thống khảo nghiệm quốc gia rất quy củ cho thấy, so với những giống đối chứng như Bắc Thơm và Hương Thơm, năng suất VS1 vượt 15%, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5-7 ngày, có ưu điểm thích nghi rộng, cứng cây, nhất là kháng bạc lá hơn Bắc Thơm. Về chất lượng gạo VS1 khá tốt, ở thang điểm 4 trên cao nhất là 5 điểm. Khi so sánh với cả giống lúa thuần đã quá quen thuộc và phổ biến là Khang Dân, nó năng suất tương đương, chống đổ tốt hơn, tỷ lệ bạc lá ít hơn… Gạo VS1 khi thổi cơm lên có mùi thơm nhẹ, vị đậm rất dẻo…

Vụ xuân 2010, Trung tâm khuyến nông-Khuyến ngư Vĩnh Phúc đã xây dựng mô hình thử nghiệm giống lúa thuần chất lượng VS1 tại HTX NN Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên). Quan sát trên đồng ruộng về cảm quan cho thấy giống lúa VS1 có thân to, đốt ngắn, cây khá thấp nên có khả năng chống đổ tốt. Ruộng trồng giống này nhìn cũng đẹp mắt vì sạch sâu bệnh hơn giống đối chứng là Khang Dân. Trong vụ xuân 2010 ở giai đoạn phát triển làm đòng gặp thời tiết diễn biến phức tạp (nhiệt độ thấp) nên giống Khang Dân 18 đã bị thoái hoá hoa rất nhiều trong khi VS1 ít bị ảnh hưởng. Kết quả là VS1 vẫn cho tỷ lệ hạt chắc trên bông cao hơn đối chứng. Về tình hình sâu bệnh, một số loại sâu phổ biến như sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn gây hại ở mức độ nhẹ.

Đánh giá về năng suất của HTX cho thấy VS1 có số bông hữu hiệu, hạt chắc cao hơn Khang Dân nên năng suất cao hơn cỡ 20kg/sào. Dựa vào năng suất, chi phí đầu tư và giá cả thị trường, đơn vị này sơ bộ hạch toán, trên cùng một sào đất canh tác, khi cấy VS1 thu lãi cao hơn Khang Dân từ 200.000-205.000đ, tương đương cao hơn 5,5-5,6 triệu/ha. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ nhiệm HTX Phú Xuân, ông Phạm Thanh Tâm cho biết vụ này đơn vị trồng 20 ha VS1. Kinh nghiệm của ông cho thấy, đây là giống lúa đẻ nhiều, nếu trồng mật độ dày thì hơi nhiễm khô vằn. Khi canh tác không được bón quá nhiều đạm, không bón phân lai rai mà bón nặng đầu, nhẹ cuối: “VS1 cây thấp hơn Khang Dân nên chống đổ tốt, chịu các giống sâu bệnh khá tốt. Ưu điểm của nó là gạo trong, không bị gãy, đục như Khang Dân, nhìn thích mắt hơn và ăn thì chất lượng hơn hẳn, dân rất ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng lên tới 50-60 ha”.

Để minh chứng cho chất lượng của giống lúa thuần VS1, ngay sau khi tham quan đầu bờ kết thúc, đại biểu về hội trường đã thấy xuất hiện trên bục lù lù… mấy cái nồi cơm điện đang nghi ngút bốc hơi. Nhiều người còn đang ngỡ ngàng không hiểu có chuyện gì, mấy nhân viên đã mau mắn xúc cơm lên đĩa. Họ cứ tay đĩa đựng cơm, tay đĩa đựng muối vừng, mời từng người xơi. Một mùi thơm thoang thoảng dịu nhẹ như xua đi cái nóng ran của những ngày hè đổ lửa. Tôi cũng véo một ít cơm trên tay, không vội ăn mà nhẹ nhàng đưa lên mũi hít hà rồi mới bỏ vào miệng nhẩn nha nhai. Gạo dẻo, vị khá, nếu so với Khang Dân quả là vượt trội. Phải tự tin về chất lượng của VS1 lắm nên ban tổ chức cuộc hội thảo mới dùng chiêu tiếp thị rất độc đáo như thế này. Nhiều người cũng bị thuyết phục như tôi.

Hiện giống lúa thuần VS1 đã được chuyển nhượng bản quyền cho Cty Cổ phần giống Cây trồng Trung ương toàn quyền sản xuất, cung ứng. VS1 có thay thế được Khang Dân, Q5 hay không và thay thế được bao nhiêu phần trăm, có đáp ứng được những kỳ vọng của các tác giả đã dày công nghiên cứu hay không có lẽ thời gian sẽ là câu trả lời đúng đắn nhất./.

* Thời gian sinh trưởng vụ xuân từ 120-125 ngày, vụ mùa 95-100 ngày. Chiều cao cây từ 100-110cm. Năng suất trung bình 55-60 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 65-70 tạ/ha. Chất lượng gạo tốt.

Dương Đình Tường
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/53560/Default.aspx

GIỐNG LÚA PHÚ ƯU 2 Ở YÊN KHÁNH NINH BÌNH

Sau giống lúa Phú ưu số 1 được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức năm 2009, vụ xuân 2010 Cty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình) tiếp tục “trình làng” giống lúa Phú ưu số 2. Đây là giống lúa lai 3 dòng, “anh em” với giống Phú Ưu số 1 do Cty TNHH Trung Chính, Tứ Xuyên (Trung Quốc) chọn tạo. Từ năm 2006 doanh nghiệp Hồng Quang đã đưa vào khảo nghiệm ở một số địa phương. Năm 2009 Phú ưu 2 được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử. Đây là giống lúa có triển vọng, TGST ngắn (vụ xuân từ 126-130 ngày), gieo cấy được cả 2 vụ trong năm. Đặc biệt có khả năng chống bạc lá khá tốt trong vụ mùa. Hiện nay giống Phú ưu 2 đang được bà con nông dân huyện Yên Khánh chấp nhận đưa vào gieo cấy, thay các bộ giống lúa 3 dòng cũ. DN Hồng Quang đang làm thủ tục để Hội đồng Khoa học Bộ NN-PTNT công nhận chính thức giống này.

(Báo Nông nghiệp Việt Nam)

GIỐNG LÚA QR1 VỚI DỰ ÁN QUY MÔ 200 HA Ở YÊN KHÁNH NINH BÌNH

Dự án (DA) xây dựng vùng SX lúa giống chất lượng cao quy mô 200 ha (từ năm 2010 - 2012) tại xã Khánh Cường và Khánh Trung, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) do UBND huyện Yên Khánh làm chủ đầu tư. Mục tiêu của DA là hình thành mô hình SX giống lúa thuần chất lượng cao, chủ động cung cấp nguồn lúa giống SX hàng hóa cho nông dân… DA đầu tư khoảng 13 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng về thủy lợi và hỗ trợ giống gốc, vật tư nông nghiệp với định mức 2 triệu đồng/ha/vụ.

Từ vụ xuân 2010, Cty TNHH VTNN Hồng Quang (Ninh Bình) được giao chủ trì triển khai DA này, và ký kết hợp đồng với các hộ dân xã Khánh Cường, Khánh Trung SX 103 ha giống lúa chất lượng cao QR1. Đây là giống lúa thuần do Viện Di truyền nông nghiệp, nhóm tác giả DA 15 và DN Hồng Quang phối hợp chọn lọc, sản xuất.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh, tuy giống QR1 gieo cấy sớm hơn so SX đại trà 15 - 20 ngày nhưng vẫn sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, trỗ bông ngắn khoảng 5 ngày. QR1 có chiều cao trung bình, cứng cây, dạng hình gọn, góc lá hẹp, lá đòng đứng, màu sắc lá xanh đến cuối vụ có tác động làm tăng độ mẩy của hạt, tăng năng suất, TGST từ 120 - 125 ngày… Ở vụ xuân 2010 giống lúa QR1 có khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn giống lúa khác, chỉ nhiễm nhẹ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu; đặc biệt chưa thấy xuất hiện bệnh bạc lá, đạo ôn, lùn sọc đen. Trong suốt vụ chỉ xử lý thuốc BVTV 1 lần (phun trừ rầy) nên giảm chi phí và ô nhiễm môi trường.

Qua các yếu tố cấu thành năng suất giống QR1 cho thấy, số bông hữu hiệu cao (từ 9,8 - 10,5 bông/khóm), số hạt chắc trên bông đạt từ 113 - 122 hạt/bông, tỷ lệ lép từ 6 - 8%; năng suất dự kiến 60 - 63 tạ/ha. Ông Ngọc kết luận, qua 4 vụ khảo nghiệm giống lúa QR1 và vụ đầu triển khai DA cho thấy, đây là giống lúa cảm ôn, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, có tính thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt, TGST phù hợp cơ cấu trà xuân muộn và trà mùa sớm; tuy gieo cấy sớm hơn so với đại trà 2 - 3 tuần nhưng vẫn đảm bảo về mặt năng suất, hạt gạo dài, không bạc bụng, tỷ lệ tấm thấp, chất lượng cơm ngon.

Ông Phạm Xuân Khoát, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết, trước khi xuống giống, nông dân lo ngại hỏi cấy sớm mà mất mùa thì ai đền? DN Hồng Quang cam kết nếu mất mùa sẽ đền bằng 1,2 lần giống LT2, được mùa sẽ thu mua 100% sản lượng thóc giống cho bà con. DN còn ứng trước vật tư, cấp không thuốc trừ rầy, HTX hỗ trợ nước tưới… Đến thời điểm này bà con càng phấn khởi hơn khi được mùa.

* Ông Phạm Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh: Đây là DA SX lúa giống chất lượng lớn nhất của tỉnh, là dự án an sinh xã hội, triển khai theo đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 7 về “Tam nông”; đồng thời DA còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”. Để đảm bảo lợi ích, tăng thu nhập cho 300 hộ dân thực hiện DA này, việc SX lúa giống phải thu nhập cao hơn cấy lúa thường, DN phải giữ đúng cam kết hợp đồng, thu mua thóc giống QR1 có lợi cho nông dân. DN và bà con cần lưu ý khâu thu hoạch, khi phơi tránh để thóc bị lẫn giống khác, dẫn đến giống kém chất lượng.

* Ông Phùng Văn Quang, GĐ Cty TNHH VTNN Hồng Quang: Để được “nhận thầu” SX hàng trăm ha lúa giống chất lượng QR1 ở vụ xuân này, chúng tôi xuất phát điểm từ 0,5 kg giống. Cách đây 7 năm, các cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp gửi tôi nửa cân giống này trồng thử. Qua nhiều vụ “âm thầm” theo dõi, giống QR1 đã “bén duyên” với đất Ninh Bình. Kết quả là năm 2009, QR1 đã được Bộ NN-PTNT công nhận SX thử. Vụ xuân 2010 chúng tôi đã cung ứng 80 tấn giống QR1 cho 11 tỉnh, thành; đồng thời SX được trên 500 tấn giống, kịp thời đáp ứng cho vụ mùa tới.

Tiếp xúc với chúng tôi tại buổi hội thảo đầu bờ giống QR1, anh Phạm Văn Vinh, xã viên HTX Nam Cường, xã Khánh Cường hồ hởi nói: “Qua 2 vụ gia đình cấy giống QR1 cho thấy lúa chống chịu sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khỏe, TGST ngắn, tỷ lệ phân bón chỉ bằng 2/3 giống lúa khác; trong khi năng suất lại cao hơn giống khác 30 - 40 kg/sào, gạo trắng trong, không đục như giống T10 và Bắc thơm 7, chất lượng gạo thơm ngon”.

Ông Trần Văn Bách, GĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình đánh giá, trong bối cảnh vụ ĐX ở Ninh Bình hết sức khó khăn do phải đối mặt với hạn hán và sâu bệnh, DA SX lúa giống ở Yên Khánh đạt kết quả khả quan là đáng khích lệ. Mục tiêu của ngành NN-PTNT Ninh Bình đạt trên 50 vạn tấn lương thực/năm, trong đó tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm 30 - 40%. Về lâu dài phải đưa các bộ giống lúa thuần ngắn ngày, năng suất chất lượng cao vào cơ cấu để SX đại trà, rút ngắn được thời gian để làm vụ đông sớm. Qua nhiều vụ khảo nghiệm trên đồng đất Ninh Bình, giống lúa QR1 đã đáp ứng được yêu cầu đó. Đề nghị đơn vị triển khai DA, tác giả giống hoàn thiện quy trình SX, trình Hội đồng Khoa học Bộ NN-PTNT sớm công nhận chính thức để tỉnh cơ cấu bộ giống này.

(Báo Nông nghiệp Việt Nam)

NAM BỘ: THAY VỤ HÈ THU BẰNG THU ĐÔNG?

Sáng qua 19/5, tại TP Long Xuyên (An Giang), Bộ NN-TNNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết vụ hè thu (HT) 2010 và triển khai kế hoạch vụ thu đông (TĐ) 2010 ở các tỉnh Nam bộ do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chủ trì.

Theo Cục BVTV, đến nay các tỉnh, thành phía Nam đã xuống giống được trên 1,1 triệu ha lúa HT, giảm 41.162 ha so với cùng kỳ. Trong đó, riêng khu vực ĐBSCL gieo sạ được 1,054 triệu ha, thấp hơn so với cùng thời điểm năm ngoái gần 34.500 ha. Nguyên nhân chủ yếu là nắng hạn kéo dài, khu vực ven biển không chủ động được nguồn nước ngọt nên phải chờ “mưa già” mới có thể tiến hành gieo sạ. Dự kiến phải đến giữa tháng 6/2010 các tỉnh mới hoàn thành việc gieo sạ lúa HT.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Toàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 120.000/200.000ha lúa HT, diện tích còn lại phụ thuộc vào nguồn nước. Năm nay, tình hình thời tiết nắng nóng đã gây khó khăn cho công tác gieo sạ, do đó Bộ, ngành cần xem xét hỗ trợ địa phương nạo vét lại hệ thống thủy lợi.

Nhờ làm tốt vệ sinh đồng ruộng (cày ải, phơi đất) nên trà lúa HT năm nay phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Cơ cấu giống lúa có sự chuyển biết tích cực, tỷ lệ các giống lúa chất lượng thấp như IR 50404 đều nằm dưới mức khuyến cáo của ngành chức năng. Giá các mặt hàng VTNN tương đối ổn định và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá lúa hàng hóa vụ ĐX hiện vẫn đứng ở ngưỡng trên dưới 4.000 đồng/kg và tiêu thụ chậm nên đã ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư của nông dân.

Trăn trở lớn nhất hiện nay vẫn là khâu cơ giới hóa trong SX và tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói: Hiện nay hệ thống thủy lợi cho nông nghiệp còn nhiều bất cập. Việc đầu tư hệ thống bơm điện để giảm giá thành cho nông dân không triển khai được do ngành điện chậm đầu tư. Còn khâu cơ giới hóa dường như chỉ dựa vào hàng nhập từ Trung Quốc và sáng chế của nông dân chứ ngành cơ khí trong nước gần như chưa có gì.

TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhìn nhận, cái khó hiện này là sản xuất lúa của nông dân vẫn còn manh mún nhỏ lẻ. Vì vậy cần phải bố trí lại sản xuất sao cho hiệu quả, trong đó quan trọng nhất là hướng tới liên kết, hợp tác sản xuất. Mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật ở An Giang có thể coi là một điển hình để các địa phương học tập. Ngay cả trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch, cũng không nên làm theo kiểu hộ gia đình mà nên làm tập trung theo hướng liên kết hoặc làm dịch vụ.

Về thị trường tiêu thụ lúa, ông Phạm Văn Bảy – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến thời điểm này cả nước đã ký hợp đồng xuất được 4,35 triệu tấn gạo, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó có 2 triệu tấn chưa giao (700.000 tấn theo hợp đồng tập trung, còn lại là hợp đồng thương mại). Riêng trong tháng 4 và 5, các DN đã ký mới được 1,3 triệu tấn theo hợp đồng thương mại. Điều đáng mừng là giá xuất bình quân năm nay cao hơn so với cùng kỳ khoảng 52 USD/tấn. Về phương án tiêu thụ là HT cho nông dân, ông Bảy đề nghị các địa phương và Bộ Tài chính cần sớm công bố giá thành để VFA có cơ sở định giá cho các DN thu mua.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ lịch thời vụ, song song đó cần quan tâm chuyển dịch cơ cấu giống lúa, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho XK. “Chúng ta không thể xây dựng vùng nguyên liệu lớn với cùng một giống lúa như Thái Lan, Ấn Độ mà phải dựa trên đặc thù riêng của mình. Bằng cách quy hoạch những vùng lúa đặc sản hoặc những vùng lúa chất lượng cao với cùng một nhóm giống hạt dài, đạt tiêu chuẩn XK”.

Về cơ cấu mùa vụ, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương củng cố và đưa vụ thu đông (TĐ) vào SX chính vụ. Thậm chí hướng tới có thể thay vụ lúa HT bằng vụ TĐ, vì vụ này thời tiết thuận lợi hơn, năng suất cao hơn và thời điểm tiêu thụ lúa cũng tốt hơn. Ngoài ra, cần chú trọng đến vùng sản xuất lúa tôm, nhằm tạo ra vùng sản xuất lúa hữu cơ sinh thái để cung cấp ra thị trường loại gạo sạch chất lượng cao. Riêng về khâu tiêu thụ lúa HT, Thứ trưởng yều cầu VFA phải có phương án cụ thể ngay từ bây giờ, tránh lúa bị tồn đọng như những năm trước. Cần thiết thì mua tạm trữ ít nhất 1 triệu tấn gạo để giữ giá, tránh thiệt hại cho nông dân.

(Báo Nông nghiệp Việt Nam)

VĂN MINH LÚA NƯỚC VÀ SỨC SỐNG HẠT THÓC ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG.

Theo các nghiên cứu cuả Giáo sư Bùi Huy Đáp thì nền Văn minh Sông Hồng có nguồn gốc sâu xa chính là văn minh luá nước. Chuyện kể rằng những hạt thóc ngày xưa to bằng cái thuyền. Các nhà thổ nhưỡng học cuả Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều dễ đi đến thông nhẩt rằng: Đất phù sa Sông Hồng (khoảng 600 ngàn ha) là một trong những loại đẩt tốt nhất cuả loài người về đủ tất cả các tính chất vật lý, hoá học và sự sống trong đất ấy.Cha ông ta gọi đó là đất “ Bờ xôi ruộng mật”. Nếu bạn đến Trung tâm thông tin khoa học và tư liệu đất ( Bảo tàng Đất Việt nam) tại Viện Thổ nhưỡng Nông hoá bạn sẽ dễ dàng nhận thấy điều này.

Người Việt đã trồng luá nước hàng nghìn năm nay và sự thú vị là: Nghệ thuật canh tác luá nước cuả dân Việt đã duy trì độ phì nhiêu đất rất tốt do có sự bảo vệ bề mặt (ngập nuớc ở mức vừa phải) lại có sự thoáng khí lúc cày cấy làm đất và rút nước đi ở thời kỳ thu hoạch cho nên ở đất phù sa Sông Hồng có sự trùng lặp gần như tuyệt đối về cả độ phì nhiêu tự nhiên và độ phì nhiêu thực tế.

Mới đây, các chuyên gia khảo cổ học đã thu được những hạt thóc ước tính vài ngàn năm tuổi tại khu khai quật Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội). Điều đáng quan tâm là hình như những hạt thóc này đang ngủ một cách bình yên những giức ngủ ngàn năm và sẳn sàng tinh giức để nảy mầm chào đón sự kiện 1000 năm Thăng Long. Theo các nguồn tin đáng tin cậy thì Viện Di truyền Nông nghiệp đã được tiếp nhận khoảng 100 hạt thóc này để nghiên cứu và có 6 hạt đã nẫy mầm!

TràMy

(Theo Báo Hà Nôị mới)

BẢN TIN KHOA HỌC CỦA GS.TS. BÙI CHÍ BỬU

Thực chất dinh dưỡng của gạo lứt theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ

Một nửa dân số thế giới phụ thuộc vào lúa gạo trong dinh dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên, người Châu Mỹ vẫn phải bị lệ thuộc vào nguồn dinh dưỡng quan trọng của gạo. Một số người tiêu dùng chưa hiểu rõ tầm quan trọng dinh dưỡng của gạo lứt đối với sức khỏe, đặc biệt làm giảm nguy cơ tim mạch và ung thư. Hội thảo khoa học 2007 với chủ đề Rice Utilization Conference do tổ chức Rice Federation của Hoa Kỳ và cơ quan ARS ở Trung tâm phía Nam của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ thực hiện cho thấy giá trị của lúa gạo như thế nào. Các nhà hoạch định của hội thảo rất ấn tượng bởi con số người tiêu dùng gạo nguyên trong năm 2005 theo “2005 Dietary Guideline” cho người Mỹ. Sau hội thảo đó, tổ chức Rice Federation Hoa Kỳ chấp thuận kiến nghị của FDA cho phép gạo lứt được dùng trong liệu pháp chữa bệnh. Xem chi tiết http://www.ars.usda.gov/is/AR/archive/apr10/rice0410.htm.

Phân lập gen Bph14, điều khiển tính kháng rầy nâu trên lúa

Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Wuhan và Viện Hàn Lâm Nông Nghiệp Trung Quốc hợp tác nghiên cứu gen kháng rầy nâu trên lúa Bph-14. Rầy nâu là đối tượng gây hại nghiêm trọng cho sản xuất lúa của Châu á. Hiện nay có hơn 19 gen kháng rầy nâu đã được công bố, và được sử dụng trong chương trình chọn tạo giống. Gen Bph-4 được nghiên cứu trên cơ sở dòng hóa bản đồ di truyền (map-base cloning). Bph-4 mã hóa protein C (coiled-coil), NP (nucleotide binding, và LRR (leucine rich repeat). So sánh chuỗi trình tự cho thấy gen này mang vùng domain của LRR có chức năng ghi nhận sự xâm nhập của rầy nâu và kích hoạt phản ứng tự vệ. Bph14 ưu tiên thể hiện ở vùng bó mạch dẫn truyền, nơi rây nâu chích hút cây lúa. Thể hiện gen Bph14 làm kích hoạt lộ trình truyền tín hiệu của salicylic acid và làm cho suy giảm callose ở tế bào libe, sản xuất chất ức chế trypsin sau này bị rầy nâu tấn công, nhờ đó, nó làm giảm đáng kể sự ăn của rầy, rầy tăng trưởng kém, và giảm tuổi thọ. Xem chi tiết http://www.pnas.org/content/106/52/22163.abstract?etoc hoặc xem tạp chí PNAS trong tuần này.

Xác định gen trong cây lúa điều khiển tính trạng phẩm chất gạo

Các gen trong hệ thống điều hòa tính trạng phẩm chất nấu nướng và phẩm chất cơm đã được xác định bởi tập thể các nhà nghiên cứu, đứng đầu là Li Jiayang thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc. Kết quả này được in ấn trên Proceedings of the National Academy of Sciences USA nhằm phục vụ việc lai tạo ra những giống lúa có phẩm chất cơm ngon. Phẩm chất cơm và phẩm chất nấu nướng được xác định bởi tính trạng hàm lượng amylose (AC), độ bền thể gel (GC), nhiệt độ hóa hồ (GT) cũng như những tương tác qua lại của chúng, mà người ta chưa hiểu rõ các cơ chế như vậy. Nhóm nghiên cứu tìm thấy có 18 gen tương tác với nhau ảnh hưởng đến sự tổng hợp tinh bột. Các gen liên quan đến tổng hợp tinh bột ở mức độ major và minor xác định 3 tính trạng quan trọng nói trên AC, GC và GT cũng như mối tương quan giữa chúng với nhau. Điều này chứng tỏ rằng có một hệ thống điều tiết rất tinh vi kiểm soát tính trạng phẩm chất cơm và phẩm chất nấu nướng. Nghiên cứu như vậy có thể được cải tiến nhờ công nghệ sinh học đối với 3 tính trạng này cùng một lúc, nhờ chọn tạo giống bằng chỉ thị phân tử để có giống lúa có phẩm chất tốt. Xem chi tiết http://www.pnas.org/content/early/2009/12/11/0912396106

Không có những trở ngại kỹ thuật đối với lúa biến đổi gen

Công nghệ tái tổ hợp DNA và những phương pháp có liên quan nhằm tạo ra cây lúa biotech đã sẵn sàng, từ đó, người ta chắc chắc rằng không có bất cứ những trở ngại kỹ thuật nào để mở rộng phạm vi phát triển chúng ở những nước đang phát triển nghề trồng lúa. Dr. John Bennett, Giáo Sư danh dự của Khoa Biological Sciences, Đại Học Sydney, Australia, dự đoán rằng sẽ có những tăng trưởng ở mức cao hơn về hiệu quả sản xuất lúa biotech với sự du nhập (1) kỹ thuật chủng bằng cách quét trên hoa lúa vi khuẩn Agrobacterium để tránh việc nuôi cấy mô; (2) kỹ thuật tái tổ hợp đồng hợp tử để chèn các gen mục tiêu teo ý muốn thay vì để nó chèn vào ngẫu nhiên, và (3) kỹ thuật chuyển nạp vào plastome cho phép một sự thay đổi những gen mục tiêu trong sự kiện quang tổng hợp ở lục lạp. Trong tạp chí Biotech Rice-Present Status and Future Prospects, số đặc biệt Brief 41 nói về Global Status of Commercialized Biotech/GM Crops 2009 do ISAAA ấn hành, TS Bennett ghi nhận rằng: trở ngại tiềm tàng sẽ phát sinh từ những cái liên quan đến luật lệ của những cây trồng biotech tại những nước trồng lúa phát triển. Đó là Trung Quốc và Ấn Độ, họ sẽ thu được lợi ích từ việc minh bạch hơn các trắc nghiệm về an toàn lương thực và bảo vệ môi trường. Thách thức đặt ra chính là làm sao nâng cao được năng suất ổn định và ưu tiên cho nội dung thay đổi khí hậu. Xem Brief 41 tại http://www.isaaa.org/.

Lúa gạo GM tốt cho sức khỏe hơn lúa gạo bình thường

Theo bài viết của David Tribe, GMO Pundit, vào ngày 26-4-2010 cho thấy ăn nhiều tinh bột, tiêu hóa rất nhanh trước khi nó tiến đến đoạn ruột cuối hoặc ruột già. Một vài trạng thái của tinh bột được gọi là “resistant starch” (tinh bột phản tính) được tiêu hóa nhờ các enzyme ở đoạn trên của ruột non, rồi cung cấp cho vi khuẩn của đoạn ruột dưới, với nguồn năng lượng carbohydrate, để rồi chúng có thể lên men tạo ra các acids. Hiện tượng lên men carbohydrate của thực phẩm thí dụ như của “resistant starch” và chất xơ trong khúc ruột dưới là một tiến trình rất thuận lợi cho sức khỏe con người. Nhìn chung, resistant starch được tiêu hóa chậm hơn để có các dạng đường hòa tan. Sự hấp thu đường vào máu từ “resistant starch” có tính chất chậm từ từ so với tinh bột ở trạng thái “non-resistant starch”. Sự hấp thu từ từ như vậy của sản phẩm tiêu hóa tinh bột (hoặc những carbohydrates khác như chất xơ) làm cho việc thay đổi glucose và insulin trong máu diễn ra ở mức độ vừa phải sau khi ăn. Công nghệ di truyền làm cho công việc na2ydie64n ra suôn sẻ để sản xuất ra giống lúa, lúa mì và mễ cốc khác có tinh bột ở dạng “resistant” (e.g. Regina et al 2006). Tinh bột ở trạng thái non-resistant phân nhánh nhiều hơn. Nhờ cơ chế tắt gen điều khiển sự phân nhánh của tinh bột, tinh bột dự trữ có dạng không phân nhánh có có tính chất “resistant” nhiều hơn cho tiêu hóa. Công trình khoa học này được nghiên cứu bởi Li M, Piao JH, Tian Y, Li WD, Li KJ, và Yang XG (2010), những nhà khoa học Trung Quốc, đã so sánh giống lúa thường và giống lúa biến đổi gen có hàm lượng tinh bột ở trạng thái “resistant” cao, trên các nghiệm thức phản ứng tiêu hóa của người tình nguyện tham gia thí nghiệm. Họ phân tích các thông số huyết học và những chỉ thị về chỉ số tiêu hóa tinh bột. Họ khẳng định rằng những người khỏe mạnh, giống lúa biến đổi gen có mức độ tiêu hóa chậm, có mức độ hấp thụ đường vừa phải và đạt đỉnh insulin ở giá trị vừa phải, sau khi ăn cơm. Công nghệ gen đối với cây lúa giúp người ta cải tiến được hàm lượng tinh bột ở trạng thái “resistant”, tiện lợi hơn cho sức khỏe con người xét về hóa học máu, biểu thị thông qua một trong những chỉ số quan trọng, đó là chỉ số GI. Gần đây, người ta thí nghiệm các bệnh trên chuột, người ta thấy rằng: quá trình tiêu hóa chậm những carbohydrates thí dụ dư tinh bột ở trạng thái “resistant” hoặc chất xơ nhằm làm giảm các triệu chứng viêm nhiễm trên cơ thể chuột, đồng thời làm giảm được khả năng xảy ra của những bệnh kinh niên như viêm ruột kết (colitis), viêm khớp (arthritis), và hen suyển (asthma). Bởi vì sự lên men ở ruột nhờ vi khuẩn tạo ra các acid béo như acetic acid, butyric acid, và propionic acid ( được biết có chuỗi acid béo dây ngắn, viết tắt là SCFAs: short chain fatty acids). Những sản phẩm lên men acid do vi khuẩn tạo ra như vậy vô cùng quan trọng tạo nguồn dinh dưỡng đối với tế bào màng ruột, có thể làm ôn hòa các hoạt động của hệ thống miễn dịch (Maslowski et al 2009). Nghiên cứu này thực hiện trên chuột do Maslowski et al (2009) rất có ý nghĩa đối với các bệnh của người như viêm ruột kết, viêm khớp, và hen suyển. Xem chi tiết http://gmopundit.blogspot.com/

ATPase khởi động quá trình phosphoryl hóa tự động ở receptor XA21 và gây ức chế tính miễn dịch tại XA21 trong bộ gen cây lúa.

Xuewei Chen và ctv. thuộc Department of Plant Pathology, University of California, Davis, CA 95616, đã công bố trên tạp chí PNAS tuần này về những tác động trong quá trình phosphoryl hóa tự động. Thể ghi nhận trên màng tế bào PRR (pattern recognition receptors) là những hợp cần căn bản của phản ứng miễn dịch tự nhiên trong động vật và trong thực vật. Những receptors như vậy chính nó sẽ mang hoặc kết hợp với “non-RD kinases” để kiểm soát những sự kiện bắt đầu trong quá trình truyền tín hiệu miễn dịch tự nhiên. Mặc dù chúng rất quan trọng như vậy, nhưng cách thức chúng điều hòa ra sao những PRRs này vẫn còn là điều bí ẩn. Người ta chứng minh ở đây trong trường hợp cây lúa như sau: PRR, XA21, tác động với XA21 binding protein 24 (XB24), một dạng ATPase chưa được mô tả từ trước đến nay. XB24 khởi động quá trình phopsphoryl hóa tự động (autophosphorylation) của XA21 thông qua hoạt động men ATPase của nó. Các dòng lúa biểu thị sự im lặng gen đối với Xb24 sẽ kích hoạt sự kiện miễn dịch (XA21-mediated immunity), trong khi đó các dòng lúa biểu hiện rõ nét XB24 thì bị tổn thương đối với sự kiện miễn dịch. Hoạt động của XB24 ATPase enzyme yêu cầu một chức năng rõ ràng của XB24. XA21 bị thoái hóa khi có xuất hiện thành phần phân tử kết hợp với pathogen Ax21 nếu XB24 biểu hiện ở mức độ cao. Kết quả này chứng minh rằng có một chức năng bảo tồn khá phổ biến những ATPases trong cơ chế miễn dịch theo kiểu PRR. Xem tạp chí PNAS tuần này http://www.pnas.org/content/107/17/8029.abstract?etoc

Sự vận chuyển glucose trong cây lúa

Trong cây mô hình Arabidopsis, sự phân chia đường trong không bào được trợ giúp bởi các thể vận chuyển có tính chất monosaccharide hoặc OsTMTs. Tuy nhiên, vai trò của phân tử đường này vẫn chưa được phân tích trong cây trồng khác. Jung-Il Cho thuộc Đại Học Kyung Hee, Hàn Quốc, và cộng tác viên thuộc ĐH Zurich, hai người nữa thuộc ĐH Hàn Quốc, đã thực hiện công trình nghiên cứu định tính sự thể hiện chức năng của OsTMT1 và OsTMT2 trong cây lúa (Oryza sativa). Green fluorescent protein (GFP) được sử dụng để phân biệt vị trí của OsTMT1 và OsTMT2 trong tế bào. Kết quả cho thấy rằng những transporters có tính chất đường như vậy định vị trên màng của không bào hoặc tonoplast. Trái lại, thông qua RT-PCR chuyển mã ngược, người ta tìm thấy OsTMT1 và OsTMT2 tỏ ra ưu thế trội trong tế bào thuộc bó mạch của bẹ lá lúa, và có trong tế bào nhu mô dọc theo bó mạch (vascular parenchyma cells), cũng như tế bào lá. Khả năng vận chuyển glucose của OsTMTs đã được nghiên cứu bằng cách sử dụng các không bào đã chọn sẵn của cây Arabidopsis chuyển gen. Kết quả cho thấy OsTMTs có khả năng vận chuyển được glucose. Xem chi tiết http://www3.interscience.wiley.com/journal/123301450/abstract.

Transcriptome và metabolome: phân tích phổ gen của cây lúa mạch chuyển gen

Karl-Heinz Kogel và ctv. thuộc ĐH Justus Liebig, Liên Bang Đức, đã nghiên cứu về hệ phân tử transcript (transcriptome) và hệ thống biến dưỡng (metabolome) của cây lúa mạch. Công trình được công bố trên tạp chí PNAS ngày 6-4-2010. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá các ảnh hưởng bất lợi trong sự kiện thể hiện gen chuyển nạp ở lá của giống lúa mạch có liên quan đến ảnh hưởng di truyền và tương tác giữa cây với vi nấm arbuscular mycorrhizal. Các nhà khoa học đã thiết lập “transcript profiling” (phổ phân tích các phân tử transcript), metabolome profiling (phổ phân tích hệ thống biến dưỡng), và thực hiện kỹ thuật “metabolic fingerprinting” của những mẫu giống nguyên thủy (giống bình thường không có chuyển gen) và giống transgenic. Có hiện tượng thể hiện đặc biệt trên hạt của (1,3-1, 4)-β-glucanase (GluB) trong giống Baronesse (B) cũng như giống chuyển gen Golden Promise (GP) với thể hiện ubiquitous của Trichoderma harzianum endochitinase (ChGP) có tính tối ưu hóa về codon. Họ tìm thấy hơn 1.600 transcripts có tính chất chuẩn mực giữa giống GP và giống B, với các gen có chức năng bảo vệ thể hiện mạnh mẽ ở giống B, cho thấy một sự đáp ứng đa dạng đối với những “subclinical pathogen” trên đồng ruộng. Trái lại, không khác biệt có ý nghĩa giữa giống ChGP và giống GP trên cở sở phân tích transcriptome hoặc phân tích metabolome, cho dù có 22 gen và 4 metabolites (chất biến dưỡng) thể hiện rất nhiều trong khi so sánh giữa giống GluB và B, cho thấy có sự khác biệt đáng kể của hai giống này theo nguyên tắc phân tích thành phần. Sự đồng điều tiết (coregulation) của hấu hết các gen được đề cập trong giống GluB và GP, cũng như kết quả phân tích chỉ thị SSR, cho thấy những alen có khoảng cách xa trong GluB được di truyền từ giống GP. Ảnh hưởng của hai trangenes này trên phổ transcript thấp hơn ảnh hưởng của alen thuộc nhóm “minor”. Xem chi tiết http://www.pnas.org/content/107/14/6198.abstract?etoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét