Trang liên kết chính

23/1/10

Nhiên liệu sinh học: xu thế tương lai Việt Nam

CÂY LƯƠNG THỰC Theo VietNamNet 22.1.2010, Ban điều hành đề án của Chính phủ về phát triển nhiên liệu sinh học (NLSH) do Bộ Công thương chủ trì vừa tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển NLSH và thực địa tại một số nhà máy, vùng nguyên liệu tại Phú Yên.
Mô tả ảnh.

Xu thế tất yếu trong tương lai.

Trước tình hình ngày càng cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, việc nghiên cứu, phát triển sản xuất và sử dụng NLSH đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng không ngoài xu thế ấy. 

Tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn 2025” nhằm mục tiêu: Phát triển NLSH, một dạng năng lượng mới, tái tạo để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.


Sau 2 năm triển khai, đến cuối năm 2009 hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai sản xuất thử sản phẩm ... NLSH có đủ hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia. Năm 2009 có 3 dự án xây dựng và sản xuất thử nghiệm, xem xét 2 hồ sơ dự án phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến dầu diesel sinh học.
Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học đầu ngành về NLSH, quy hoạch vùng nguyên liệu cây trồng để phục vụ sản xuất NLSH của Việt Nam đều khẳng định: “Vấn đề phát triển NLSH là xu thế tất yếu trong tương lai”.


Kinh nghiệm của những nước có thế mạnh về lĩnh vực này như Brazil, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc… cho thấy việc sản xuất NLSH, Ethanol không chỉ tạo nên nguồn lợi lớn từ việc thay thế nhiên liệu sinh học cho nguồn nhiên liệu hóa thạch mà nó còn bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tạo công ăn việc làm bền vững cho người nông dân góp phần phát triển nền kinh tế xã hội.


Mô tả ảnh.
TS Lê Việt Nga đang trao đổi với các chuyên gia nước ngoài.
TS Lê Việt Nga, thành viên Văn phòng Ban điều hành đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn 2025 (Bộ Công thương), cho biết: “Qua khảo sát thực tế tại Phú Yên và các tỉnh miền Trung, có thể khẳng định rằng, vùng đất này có tiềm năng rất lớn và đầy đủ các điều kiện nói trên để có thể đầu tư sản xuất loại nhiên liệu sạch này với 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.


TS Lê Việt Nga cho biết: Phú Yên đang sẵn có một vùng nguyên liệu rất dồi dào để phục vụ cho ngành công nghiệp phát triển NLSH. Đó là mía, sắn, rỉ đường với diện tích và sản lượng lớn đủ sức để phục vụ một nhà máy có quy mô lớn. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng như các tỉnh miền Trung còn một số lớn diện tích đất nông nghiệp đồi núi cằn cỗi có thể phát triển những đối tượng cây trồng làm nguyên liệu cho sản xuất NLSH như cây cao lương ngọt, Jatropha (cây cọc rào)...


Một điều thuận lợi nữa là lãnh đạo tỉnh, ngành công nghiệp Phú Yên rất quan tâm đến vấn đề này. Tại Phú Yên một số doanh nghiệp cũng đã nhận ra nguồn lợi từ sản xuất NLSH bước đầu phục vụ cho sản xuất của mình như nhà máy đường Tuy Hòa, nhà máy sắn Sông Hinh, sản phẩm NLSH đã giúp họ giảm đến hơn 80% tiền để đầu tư mua nhiên liệu phục vụ cho việc sản xuất của nhà máy.


TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công thương) khuyến nghị: “Cần cân đối các vấn đề như đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực (nguyên liệu cho phát triển NLSH là cây công nghiệp, liên quan đến người nông dân), phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo đầu ra cho người nông dân... phải đảm bảo phù hợp với điều kiện cũng như quy hoạch chiến lược của tỉnh. Một vấn đề khác cũng hết sức lưu ý đó là quy trình công nghệ sản xuất phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, hướng tới một chiến dịch sản xuất sạch hơn”.


Sau cuộc hội thảo và chuyến thực địa, nhiều nhà khoa học khẳng định Phú Yên nói riêng và các tỉnh khu vực miền Trung có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn nhiên liệu sạch này.
  • Trần Quới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét