Trang liên kết chính

14/8/10

Cây lương thực Việt Nam hiện trạng và định hướng phát triển

CÂY LƯƠNG THỰC. Khái quát hiện trạng sản xuất cây lương thực ở Việt Nam. Định hướng nghiên cứu phát triển cây lương thực. Đó là hai nội dung trong bài viết của TS. Hoàng Kim :"Cây lương thực Việt Nam hiện trạng và định hướng phát triển". Tài liệu được biên soạn căn cứ trên "Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2020" của Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2009; các số liệu thống kê của FAO và Tổng cục Thống kê Việt Nam; "Kế  hoạch tổng thể nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020 của MARD, FAO, UNDP/FAO VIE 98/019.08 2001.

CÂY LƯƠNG THỰC VIỆT NAM

Hiện trạng và định hướng phát triển
Khái quát hiện trạng sản xuất cây lương thực ở Việt Nam.
• Định hướng nghiên cứu phát triển cây lương thực.

1. Khái quát hiện trạng sản xuất cây lương thực ở Việt Nam

Nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 22,1% GDP năm 2008, gần 30% giá trị xuất khẩu và trên 60% lực lượng lao động Nông nghiệp nước ta đã tăng trưởng cao và ổn định trong suốt thời gian dài, đạt được những thành tựu to lớn, mặc dù thường gặp những tổn thất nặng nề do thiên tai:.Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp là lĩnh vực duy nhất trong nền kinh tế liên tục xuất siêu, năm sau cao hơn năm trước, kể cả trong những giai đoạn kinh tế gặp khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt khoảng 16 tỷ USD gấp 3,8 lần năm 2000, trong đó tăng trưởng trung bình của các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2000 - 2008 là: gạo 13,6%, cà phê 19,4%; cao su 32,5%; điều 27,8%; hải sản 19,1%. (MARD 2009). Định hướng thị trường trong sản xuất nông nghiệp ngày một rõ nét Hộ nông dân đã trở thành đơn vị tự chủ kinh tế. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã được tổ chức lại có hiệu quả sản xuất cao hơn. Thu nhập của hộ nông dân và hệ thống hạ tầng nông thôn có được cải thiện. Việc phục hồi rừng, nguồn nước và đa dạng sinh học cũng đã có những kết qủa. Tuy vậy, nông nghiệp vẫn còn nhiều trở ngại và thách thức: Bình quân thu nhập nông dân còn rất thấp. Sự khác biệt lớn giữa các vùng, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều vấn đề bức thiết trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang tạo áp lực cho tăng trưởng kinh tế và sự ổn định kinh tế xã hội. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa, ở một nước đông dân, bình quân diện tích đất trên đầu người thấp, tỷ trọng đóng góp GDP, giá trị xuất khẩu và lực lượng lao động cao. Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Sản xuất lương thực là ngành quan trọng nhất của nông nghiệp Việt Nam. Lúa là cây lương thực quan trọng nhất, chiếm diện tích gieo trồng lớn nhất.(Bảng 1). Cây lương thực quan trọng thứ hai là ngô đang có xu hướng tăng ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Cây lương thực quan trọng thứ ba là cây sắn đang có xu hướng tăng ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng núi và trung du Bắc Bộ. Cây lương thực quan trọng thứ tư là khoai lang có xu hướng giảm ở hầu hết các vùng. Những cây lương thực, thực phẩm lấy củ và lấy hạt khác (như khoai tây, khoai môn, khoai mỡ, dong riềng, hoàng tinh cao lương, lúa mì, lúa miến, lúa mạch) chiếm tỷ trọng không nhiều.

Sau 25 năm đổi mới (1986-2010), Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lương thực. Sản lượng lương thực Việt Nam không những đủ cho nhu cầu trong nước mà còn có khối lượng lớn cho xuất khẩu. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 445 kg năm 2000 lên 501 kg năm 2008. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và các sản phẩm sắn (tinh bột sắn và sắn lát) đứng thứ hai trên thế giới sau một thời gian dài thiếu lương thực.



Việt Nam hiện đã đạt được an ninh lương thực trên phạm vi quốc gia . Tuy nhiên để đảm bảo được an ninh lương thực ở cấp hộ gia đình trên phạm vi cả nước vẫn đang còn là một vấn đề lớn, đặc biệt ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên
3. Định hướng nghiên cứu phát triển cây lương thực

Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam 2011-2020 (MARD QĐ số 3310/BNN-KH ngày 12/10/2009) đối với ngành sản xuất lương thưc là “Phát triển sản xuất lúa gạo Việt Nam trở thành mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn có hiệu quả và đảm bảo an ninh lương thực.” Trên cơ sở tính toán cân đối giữa nhu cầu tương lai của đất nước và dự báo nhu cầu chung của thế giới nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đảm bảo quyền lợi hợp lý của người sản xuất và kinh doanh lúa gạo và xuất khẩu có lợi nhuận cao, đảm bảo sản lượng lúa đến năm 2020 đạt hơn 41 triệu tấn lúa trên diện tích canh tác 3,7 triệu ha.

“Phát triển hợp lý các loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh trung bình hoặc thấp, thay thế nhập khẩu” Trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế hợp lý, xác định địa bàn và quy mô sản xuất tối ưu cho những mặt hàng này. duy trì sản lượng tối đa hơn 6,5 triệu tấn ngô hạt năm 2015 và 7,2 triệu tấn năm 2020. Đối với cây trồng áp dụng công nghệ biến đổi gen, tiến hành thử nghiệm và chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở những nơi thích hợp, trước hết áp dụng với cây trồng không trực tiếp sử dụng làm thực phẩm cho người như cây có sợi, cây lấy dầu công nghiệp, cây trồng làm nguyên liệu thức ăn gia súc mà thế giới đã áp dụng rộng rãi. Đối với những cây trồng mới trong tương lai mà thị trường có nhu cầu như cây trồng làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học (chú trọng diesel sinh học), cây trồng làm vật liệu xây dựng, làm giấy, gỗ và lâm sản, cây dược liệu... cần tiến hành trồng khảo nghiệm và sản xuất thử. Nếu có triển vọng thì mở rộng sản xuất hướng vào những vùng kém thích nghi với các cây trồng cổ truyền hiện nay (các vùng đất trống đồi núi trọc, vùng ven biển, vùng khô hạn,…). Trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế hợp lý, quy hoạch diện tích đất thích hợp ở một số vùng chuyên canh địa phương để tổ chức sản xuất một số loại cây thay thế nhập khẩu như ngô, đỗ tương, bông, thuốc lá, dầu ăn,...

Ưu tiên về cây lương thực theo vùng là:

- Vùng núi và trung du Bắc Bộ: lúa, ngô và sắn

- Đồng bằng sông Hồng: lúa, ngô

- Bắc và Duyên hải Nam Trung Bộ: lúa, ngô

- Đồng bằng sông Cửu Long: lúa

- Đông Nam Bộ: lúa, ngô, sắn

Khó khăn và thách thức Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng nhưng sản xuất lương thực đang gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn:

• thiếu các giống có năng suất cao và chất lượng tốt cho xuất khẩu, thích hợp với điều kiện của Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

• Hiệu qủa kinh tế của các cây lương thực thấp, nhất là lúa, so với các cây trồng khác (cây công nghiệp, rau, qủa), hơn nữa , do giá lương thực thấp và biến động mạnh trên thị trường quốc tế. Chất lượng gạo Việt Nam thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và do hạn chế trong công tác thị trường.

• Thiếu công nghệ và thiết bị thích hợp cho thu họach, xử lý sau thu họach, bảo quản , chế biến để giảm tổn thất và tăng giá trị sản phẩm.

• Bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và dịch bệnh.

Chính sách cho nghiên cứu cây lương thực

Để vượt qua những khó khăn và thách thức này và đạt được các chỉ tiêu phát triển , cần phải ban hành các chính sách phù hợp cùng với những đầu tư

Hổ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu các cây lương thực chính (nhất là lúa và ngô) để tạo ra các giống năng suất cao, chất lượng tốt và công nghệ sản xuất tiên tiến phù hợp, đặc biệt cho Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm bảo đảm an ninh lương thực và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Các ưu tiên và chiến lược nghiên cứu cây lương thực

Nghiên cứu sẽ tập trung vào ba cây chính lúa, ngô và sắn. Các ưu tiên và chiến lược cụ thể như sau:

Lúa:

• Cải tiến giống: 1) Phát triển giống có chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của thị trường trong nước và thế giới, phù hợp với các điều kiện sinh thái nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. 2) Phát triển các giống lúa năng suất cao cho các vùng sản xuất thâm canh (lúa lai và siêu lúa); 3) Phát triển các giống lúa thích hợp với các điều kiện bất lợi như hạn hán, ngập úng, chua phèn và mặn.

• Nghiên cứu, đề xuất và chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thích hợp cho các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau nhằm đạt được năng suất tiềm năng.

• Nghiên cứu chế tạo thiết bị và công nghệ cho thu họach, xử lý sau thu họach, bảo quản và chế biến gạo, giảm tổn thất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị thị trường, kể cả giá trị gia tăng thông qua đa dạng hóa các sản phẩm từ gạo.

• Tiến hành nghiên cứu thị trường và tiếp thị đối với gạo, nhất là thị trường xuất khẩu, bao gồm các yếu tố về cung và cầu, giá cả và biến động giá cả ở tất cả các khâu của sản xuất.

• Tiến hành nghiên cứu hiệu qủa trồng lúa và các yếu tố ảnh hưởng.

Ngô:

• Cải tiến giống: phát triển giống ngô (nhất là ngô lai) có năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất lợi, phù hợp với yêu cầu của sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau của cả nước (đặc biệt ở miền Bắc và Đông Nam Bộ)

• Nghiên cứu đề xuất và chuyển giao kỹ thuật tổng hợp thâm canh ngô

• Nghiên cứu và phát triển thiết bị và công nghệ sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản và chế biến ngô, kể cả đa dạng hóa các sản phẩm từ ngô.

• Nghiên cứu thị trường ngô, nhu cầu về ngô cho công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc.

• Nghiên cứu hiệu qủa trồng ngô và các yếu tố ảnh hưởng.

Sắn:

• Xây dựng kế hoạch và quy hoạch để xác định vùng trồng sắn thích hợp

• Phát triển giống: phát triển các giống có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, tỷ lệ chất khô cao làm nguyên liệu cho công nghiệp ; phát triển các giống thích hợp với vùng đồi núi để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.

• Đề xuất và chuyển giao kỹ thuật canh tác tổng hợp cho trồng sắn thâm canh.

• Nghiên cứu, khảo nghiệm và đề xuất thiết bị và công nghệ chế biến sắn thành các sản phẩm lương thực khác nhau, nguyên liệức ăn chăn nuôi và tinh bột.

• Nghiên cứu thị trường sắn cho công nghiệp để phát triển sắn trên quy mô thích hợp.

• Nghiên cứu hiệu qủa kinh tế và tác động của trồng sắn đến môi trường.

Đồi với tiểu ngành cây lương thực nói chung:

Ngoài các phần đề cập trên về các ưu tiên trong nghiên cứu cho từng cây lương thực chính , các nghiên cứu nêu dưới đây là cần thiết chung cho cả tiểu ngành cây lương thực.

Thông tin cần thiết cho các nhà họach định chính sách

• Nghiên cứu cơ sở khoa học để quy họach diện tích thích hợp cho cây lương thực và mức sản lượng lương thực.

• Nghiên cứu các biện pháp đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình.

• Nghiên cứu lựa chọn cây lương thực phù hợp ở các vùng cụ thể.

• Nghiên cứu ảnh hưởng của trồng cây lương thực đến môi trường ở vùng đồi núi.

Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học

• Lúa, ngô, (sắn và khoai): rút ngắn thời gian thuần hóa giống và chuyển các tính trạng chất lượng mong muốn về chất lượng và khả năng chống chịu các điều kiện khó khăn đối với giống mới.

• Khoai tây, sắn và các cây có củ khác: nhân nhanh giống.

• Trong sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu sinh học.

• Trong chế biến lương thực

Đối với mỗi lọai cây lương thực , nghiên cứu cần đặc biệt lưu ý đến (i) hiệu qủa kinh tế, (ii) tầm quan trọng đối với xã hội, (iii) tác động đến môi trường và các nhân tố ảnh hưởng đến từng khía cạnh này, trong khuôn khổ của hệ thống cây trồng ở mỗi vùng sinh thái cụ thể.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2009. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2020. Kèm theo công văn số: 3310/BNN-KH ngày 12/10/ 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

2. FAO 2010. FAOSTAT (1990; 1995, 2000, 2005, 2007, 2008) http://www.fao.org

3. MARD, FAO, UNDP/FAO VIE 98/019.08 2001. Kế hoạch tổng thể nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam. Tầm nhìn đến năm 2020. Hội thảo quốc gia tổ chức tại Hà Nội ngày 3-4 tháng 5 năm 2001 với sự tham gia của 11 cục vụ, 28 viện nghiên cứu, 6 trường đại học, 6 công ty và 8 tổ chức quốc tế (UNDP, FAO, WORLD BANK, DANIDA, GTZ, JICAR, ISNAR)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét