Trang liên kết chính

6/4/12

Giống sắn triển vọng tại Việt Nam

CÂY LƯƠNG THỰC . Ngoài những giống sắn phổ biến ở Việt Nam KM94, KM140, KM98-5, KM98-1, SM937-26, KM98-7,… nhu cầu sản xuất cấp thiết đòi hỏi những giống sắn mới triển vọng có năng suất sắn lát khô, năng suất sắn củ tươi và năng suất bột cao, ít sâu bệnh, thích hợp sinh thái. Dưới đây là bộ giống sắn triển vọng đang được khảo nghiệm ở giai đoạn 2011-2013 của Chương trình Sắn Việt Nam: SVN5 (KM419), SVN1 (KM414), SVN2 (KM397), SVN7 (HL2004-28= KM444), SVN 3 (KM325), SVN4 (KM228 = KM440B), SVN6 (DT3 = KM331?), HB60* (KM390), SVN9 (OMR35-8 = KM297), SVN10 (CM4955-7), SVN8 (HL2004-32 = KM333), SVN11 (NTB-1 = SC6?) , HL23* (KM318). Các giống sắn triển vọng đã được xếp theo thứ tự ưu tiên tuyển chọn cho vùng sinh thái Đông Nam Bộ.



Giống sắn SVN5 (tên giống hiện tại KM419) là con lai của tổ hợp lai BKA900 x (KM98-5 x KM98-5) do Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tuyển chọn ban đầu. Giống sắn ưu tú BKA900 nhập nội từ Braxil có ưu điểm năng suất củ tươi cao nhưng cây giống không thật tốt, khó giữ giống cho vụ sau. Giống sắn KM98-5 là giống tốt đã được tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh cho phép mở rộng sản xuất từ năm 2002 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống năm 2009 (Trần Công Khanh và ctv, 2005).











Giống sắn lai KM419 có đặc điểm: Thân xanh, thẳng, nhặt mắt không phân cành, lá già xanh đậm, đọt non màu tím, củ đồng đều, dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng, năng suất củ tươi 40,2 đến 54 tấn/ha. Hàm lượng bột đạt từ 28,2 -29%. Giống KM419 ít nhiễm sâu bệnh.

Giống sắn SVN1 (KM414) là con lai của tổ hợp KM146-7-2 x KM143-8-1, chính là tổ hợp lai kép (KM98-5 x KM98 -5) x (KM98-1 x KM98-1) do nhóm nghiên cứu sắn Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hố Chí Minh (NLU) và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (IAS) chon tạo và khảo nghiệm năm 2003 (Hoàng Kim và ctv, 2009). Hai giống sắn KM98-1 và KM98-5 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT lần lượt công nhận giống năm 1999 và 2009 (Hoàng Kim và ctv, 1999; Trần Công Khanh và ctv, 2005). Giống sắn KM414 có đặc điểm: thân màu xám trắng, phân cành cao, lá xanh, ngọn xanh, dạng củ không được ưa thích bằng giống KM419, củ màu trắng, thích hợp làm sắn lát khô và làm bột. Năng suất củ tươi đạt 42,3 đến 52,3 tấn/ha; hàm lượng bột đạt 27,8 đến 29,5%.



Giống sắn SVN2
(KM397) là con lai của tổ hợp lai KM108-9-1 x KM219 chính là tổ hợp lai kép (SM937-26 x SM937-26) x (BKA900 x BKA900) do nhóm nghiên cứu sắn Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hố Chí Minh (NLU) và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (IAS) chon tạo và khảo nghiệm năm 2003 (Hoàng Kim và ctv 2009). Giống SM937-6 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống năm 1995 (Trần Ngọc Quyền và ctv, 1995).

Giống KM397 có đặc điểm: thân nâu tím, thẳng, nhặt mắt, không phân nhánh; lá xanh thẫm, ngọn xanh, củ đồng đều, dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng, thích hợp xắt lát phơi khô và làm bột. Thời gian thu hoạch 8-10 tháng sau trồng, năng suất củ tươi 33,0 – 45,0 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,5 – 29,6%, tỷ lệ sắn lát khô 42,5 – 44,3%, năng suất tinh bột 9,2- 13,5 tấn/ha, năng suất sắn lát khô 13,8 – 17,6 tấn/ ha. chỉ số thu hoạch 60 – 63,0%. Giống sắn KM397 chịu khô hạn tốt, rất ít nhiễm sâu bệnh, thời gian giữ bột tương đương KM94.

Giống sắn SVN7 (HL2004-28=KM444) do Viện Cây Lương thực Cây Thực phẩm tuyển chọn ban đầu từ đánh giá tổ hợp lai (GM444-2 x GM444-2) x XVP lai hữu tính năm 2003 của nhóm nghiên cứu sắn Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hố Chí Minh (NLU) và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (IAS). Giống SVN7 có đặc điểm gốc hơi cong, phân cành cao. Lá màu xanh đậm, ngọn xanh nhạt. Dạng củ đẹp, thịt củ màu trắng. Đặc điểm nổi bật của giống SVN7 là rất ít nhiễm sâu bệnh. Năng suất củ tươi đạt 37,5 – 48,3 tấn/ha. Hàm lượng bột đạt 28,3- 29,2%.









Giống sắn SVN3 (KM325) là kết quả chọn dòng tự phối đời ba của tổ hợp lai SC5 x SC5 theo hướng tạo dòng đơn bội kép kỹ thuật CIAT do nhóm nghiên cứu sắn Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hố Chí Minh và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam chọn tạo và khảo nghiệm. SC205 là giống sắn phổ biến nhất ở Trung Quốc hiện nay. Giống sắn SC5 do Học Viện Cây trồng Nhiệt Đới Nam Trung Quốc (SCATC) chọn từ tổ hợp lai ZM8625 x SC8013 công nhận giống quốc gia năm 2000. Hom giống được nhập nội vào Việt Nam từ Viện Nghiên cứu Cây trồng Cận Nhiệt đới Quảng Tây (GSCRI) năm 2002.

Giống sắn KM325 có đặc điểm: thân nâu xám, nhặt mắt, phân nhánh cấp 1, lá xanh đậm, xẻ thùy sâu, ngọn xanh; củ hình dạng đẹp, đều; thịt củ màu trắng. Năng suất củ tươi khảo nghiệm đạt 27,0 -58,0 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 26,2 – 27,6 %, tỷ lệ sắn lát khô 37,8 %, năng suất sắn lát khô 15,3 – 17,2 tấn/ha, nhiễm sâu bệnh nhẹ, chịu thâm canh, thích nghi sinh thái đất đỏ và đất xám Đông Nam Bộ, nhược điểm là hàm lượng tinh bột thấp và chất lượng cây giống không tốt bằng KM94, KM140.

Giống sắn SVN4 (KM228 = KM440B): Giống sắn SVN4 (KM228) là dòng đột biến chọn lọc của 4000 hạt giống sắn KM94 đã qua chiếu xạ bằng nguồn Coban 60 trên hạt khô (Hoàng Kim và ctv, 2004). Giống sắn KM94 đã được trồng thuần cách ly và thu được trên 24.000 hạt sắn khô, sử dụng 16.000 hạt để tuyển chọn 18 cây đầu dòng ưu tú mang ký hiệu KM440 (KM440-1 … KM440-18), dùng 4000 hạt chuyển cho CIAT và sử dụng 4000 hạt để chiếu xạ đột biến lý học, nguồn Co 60 liều xạ 6Kr trên hạt khô cây đầu dòng KM440B (ký hiệu KM228 = KM440B /KM94***


|




Giống KM228 có đặc điểm: thân có màu xanh trắng, không hoặc ít phân nhánh; lá xanh đậm, ngọn xanh nhạt; củ dài, đều, vỏ củ láng, thịt củ màu trắng. Thời gian sinh trưởng 7 – 10 tháng. Năng suất củ tươi trong khảo nghiệm đạt 35 – 47 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột 26 – 27%.

Giống sắn SVN6 (DT3 = KM331?) do Viện Di truyền Nông nghiệp tuyển chọn ban đầu. Giống SVN6 có đặc điểm: thân thẳng, lá xanh, cuống lá đỏ, củ thẳng đẹp, thịt củ màu vàng nhạt. Thời gian thu hoạch sớm 7-10 tháng sau trồng, năng suất củ tươi khảo nghiệm đạt 33,7 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,9 %, tỷ lệ sắn lát khô 37,8 %, năng suất sắn lát khô 12,3 tấn/ha, năng suất tinh bột 9,1 tấn/ha. Giống sắn SVN6 thích nghi sinh thái đất đỏ và đất xám vùng Đông Nam Bộ, nhiễm nhẹ bệnh đốm nâu lá.

Giống sắn HB60* (KM390) do nhóm nghiên cứu sắn Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hố Chí Minh (NLU) và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (IAS) chọn tạo và khảo nghiệm. KM390 là kết quả chọn dòng tự phối đời ba từ tổ hợp lai HB60 x HB60 theo hướng tạo dòng đơn bội kép kỹ thuật CIAT. Hom giống được nhập nội vào Việt Nam từ Trường Đại học Karsetsart (KU) Thái Lan năm 2002. Giống HB60 do Trường Đại học Karsetsart Thái Lan chọn tạo từ R5 x KU50 công nhận giống quốc gia năm 2003. Giống sắn HB60* (KM390) có đặc điểm: thân nâu xám, ít phân nhánh, lá xanh, ngọn xanh; thịt củ màu trắng, tai lá rõ. Thời gian thu hoạch 8 -10 tháng sau trồng, năng suất củ tươi khảo nghiệm đạt 33,0 – 40,0 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,9 %, tỷ lệ sắn lát khô 38,2 %, năng suất sắn lát khô 12,0 tấn/ha. Giống sắn KM390 thích nghi sinh thái đất đỏ và đất xám vùng Đông Nam Bộ, nhiễm nhiều bệnh đốm nâu lá.

Giống sắn SVN9 (OMR35-8 = KM297) do nhóm nghiên cứu sắn Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tuyển chọn ban đầu từ hạt giống OMR35-8 nguồn CIAT Colombia tạo dòng từ giống gốc CM9914 được nhập nội vào Việt Nam năm 2002. Giấy phép nhập khẩu giống sắn của Bộ Nông nghiệp & PTNT số 991/CV-NN-TT Phiếu nhập giống No 298491 nhập 12034 hạt sắn lai 53 tổ hợp từ CIAT-Colombia (mã số nguồn gen KM297). OMR35-8 chọn từ quần thể tự phối của CM9914 là con lai của tổ hợp lai CM7614-8 x SM1565-17. Giống có đặc điểm thân thẳng, phân cành cao, lá già màu xanh đậm, ngọn màu tím, cuống lá màu tím; thịt củ màu trắng, dạng củ đẹp. Giống SVN9 có năng suất đạt 32,8 – 42,5 tấn/ha, hàm lượng bột cao đạt 28,7 – 29,85, thích hợp cho chế biến tinh bột và sắn lát khô.

Giống sắn SVN10 (CM4955-7) do nhóm nghiên cứu sắn Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tuyển chọn ban đầu. Giống CM4955-7 được nhập nội hạt lai vào Việt Nam từ CIAT-Braxil năm 2002. Giấy phép nhập khẩu giống sắn của Bộ Nông nghiệp & PTNT số 991/CV-NN-TT. Phiếu nhập giống No 297895 nhập 7026 hạt từ CIAT-Colombia. CM4955-7 được CIAT tạo dòng từ BKA900 (mã số tập đoàn KM219) là giống sắn ưu tú của Braxil. Giống sắn SVN10 có đặc điểm thân thẳng, nhặt mắt, bộ lá màu xanh nhưng có nhược điểm là thân khó giữ giống cho vụ sau. Dạng củ thẳng, đẹp, thịt củ màu trắng. Năng suất đạt từ 30,5 – 39,8 tấn/ha, hàm lượng bột đạt 24,5 – 26,15%.

Giống sắn SVN8 (HL2004-32 = KM333) do Viện Cây Lương thực Cây Thực phẩm tuyển chọn ban đầu từ hạt giống CM9966-1, nguồn CIAT Colombia được nhập nội vào Việt Nam năm 2002. Giấy phép nhập khẩu giống sắn của Bộ Nông nghiệp & PTNT số 991/CV-NN-TT (mã số tập đoàn KM333) Phiếu nhập giống No 298491 nhập 12034 hạt sắn lai 53 tổ hợp từ CIAT-Colombia. Giống có đặc điểm: Thân thẳng, không phân cành, lá xanh, cuống màu đỏ. Thịt củ màu trắng. Thời gian thu hoạch 8-10 tháng sau trồng, năng suất củ tươi khảo nghiệm đạt 33,7- 39,0 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,9 %, tỷ lệ sắn lát khô 37,8 %, năng suất sắn lát khô 12,3 tấn/ha, năng suất tinh bột 9,1 tấn/ha. Giống sắn SVN8 thích nghi sinh thái đất đỏ và đất xám vùng Đông Nam Bộ.

Giống sắn SVN11 (NTB-1 = SC6?) do nhóm nghiên cứu sắn Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tuyển chọn ban đầu. Giống gốc có thể là SC6 do Học Viện Cây trồng Nhiệt Đới Nam Trung Quốc (SCATC) chọn tạo từ OMR33-10-4 và công nhận quốc gia năm 2001. Giống được nhập nội vào Việt Nam từ Viện Nghiên cứu Cây trồng Cận Nhiệt đới Quảng Tây (GSCRI) năm 2002 với mã số tập đoàn KM320. Giống SVN11 có đặc điểm: thân nâu xám, phân nhánh cấp 2, 3, lá xanh, ngọn xanh; thịt củ màu trắng. Thời gian thu hoạch 8-10 tháng sau trồng, năng suất củ tươi khảo nghiệm đạt 27,8- 39,5 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 25,4- 27,3 %, tỷ lệ sắn lát khô 36,1%, năng suất sắn lát khô 10,0 tấn/ha. Giống sắn SVN11 (NTB-1) nhiễm sâu bệnh nhẹ, thích nghi sinh thái đất đỏ và đất xám vùng Đông Nam Bộ.

Giống sắn HL23* (KM318) là con lai của tổ hợp lai SM2949-1 x (HL23 x HL23) do Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tuyển chọn ban đầu. HL23 là giống sắn ăn tươi chất lượng rất ngon được tự phối đời ba theo hướng tạo dòng đơn bội kép kỹ thuật CIAT sau đó đem lai hữu tính với giống sắn SM2949-1 mang gen kháng virus châu Phi. Hạt sắn lai quần thể giống gốc SM2949-1 có nguồn gốc cha mẹ từ tổ hợp SM805-15 tự phối được nhập nội từ CIAT năm 2002. Giấy phép nhập khẩu giống sắn của Bộ Nông nghiệp & PTNT số 991/CV-NN-TT (mã số tập đoàn KM318) Phiếu nhập giống No 297895 nhập 7026 hạt từ CIAT-Colombia. CM4955-7 được CIAT tạo dòng từ tổ hợp SM805-15 tự phối là giống sắn mang gen kháng virus xoăn lá sắn châu Phi. Giống sắn HL23* có đặc điểm: thân xám trắng, nhặt mắt phân nhánh cấp 1; lá xanh đậm, ngọn xanh; củ dạng đẹp, đồng đều; thịt củ màu trắng. Năng suất củ tươi 22,5- 37,5 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 26,5 – 28,5%. Thời gian thu hoạch từ 8-10 tháng sau trồng. Giống đã được cải tiến tốt hơn so với giống gốc ban đầu HL23.

Trần Ngọc Ngoạn, Hoàng Kim,

Xem thêm: Những giống sắn phổ biến ở Việt Nam

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC
; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

1 nhận xét: