Lưu trữ

18/11/12

Ai ơi bưng bát cơm đầy…




CÂY LƯƠNG THỰC. Nhà báo Huỳnh Kim, cây bút vàng của Đồng Bằng Sông Cửu Long, vừa có bài viết: Ai ơi bưng bát cơm đầy ... giới thiệu sách mới “Sản xuất lúa và tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ và TS Lê Anh Tuấn - biên soạn, do NXB Tổng hợp TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn ấn hành, tháng 10-2012. Thấp thoáng sau tác phẩm và bài viết là hình bóng của những người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo và những dâng hiến âm thầm, lặng lẽ của những người gắn bó với nghề nông để mang lại bát cơm đầy hơn , ngon hơn cho người dân...

Từ hàng nghìn năm qua và hàng nghìn năm tới, chắc chắn hạt gạo vẫn là nguồn lương thực ổn định trong thực đơn của người Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa tới giờ, người Việt Nam gọi bữa ăn là bữa cơm. Hằng triệu người dân các nước khác, chắc hẳn cũng vẫn cần có cơm gạo dài lâu.

Với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến cuối thế kỷ thứ 20, vùng này đã trở thành nơi giữ vai trò chính bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và giúp Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Năm 2011, dù bị lũ lụt nặng, ĐBSCL đã làm ra trên 51% trong hơn 41 triệu tấn lúa của cả nước và chế biến xuất khẩu được hơn 90% trong số hơn 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả nước. Tới tháng 11-2012, xuất khẩu gạo của nước ta đang dẫn đầu thế giới và có thể xuất được 7,7 triệu tấn vào cuối nay năm, theo VFA.

Nhưng rồi câu chuyện sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL trong tương lai sẽ ra sao khi mà vùng châu thổ này đang và sẽ là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất về biến đổi khí hậu của trái đất?

Đọc cuốn sách “Sản xuất lúa và tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” (do NXB Tổng hợp TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn ấn hành, tháng 10-2012), có thể giúp ta tìm được câu trả lời.

Sách do hai nhà giáo và cũng là nhà khoa học đang làm việc tại trường Đại học Cần Thơ - PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ và TS Lê Anh Tuấn - biên soạn. PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ giới thiệu tổng quan về sản xuất lúa, tài nguyên giống lúa, các mô hình canh tác lúa và về vai trò của nông dân trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. TS Lê Anh Tuấn giới thiệu về điều kiện tự nhiên vùng ĐBSCL, bức tranh chung về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu và việc thích nghi với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Trong chương cuối, hai tác giả cùng đưa ra nhận định về tương lai của câu chuyện sản xuất lúa ở ĐBSCL trong thời biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cuốn sách như một cẩm nang kiến thức phổ thông về sản xuất lúa và biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, rất cần cho những ai quan tâm tới đề tài này.

Đọc xong cuốn sách, chợt nhớ tới câu ca dao:

Ai ơi bưng bát cơm đầy 
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

Từ bao đời nay, câu ca dao ấy nhắc ta nhớ tới công lao làm ra hạt gạo của bao người, mà trực tiếp là của nhà nông. Và phải chăng, câu ca dao ấy cũng ẩn chứa nỗi lo về mùa màng lúa gạo khi mà ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên trái đất sẽ chẳng chừa một ai, nếu ta không lường trước được bao điều “cay đắng”?

♥ Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên ra ngày 13-11-2012


Không có nhận xét nào:

Người theo dõi