Lưu trữ
22/7/09
Các giống lúa công nhận chính thức năm 2009
CAYLUONGTHUC Trang web của Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long vừa giới thiệu các giống lúa công nhận chính thức năm 2009. Đó là giống lúa OM4059, OM4900, OM 6561-12, OM 5199-1. Nguồn gốc, các đặc điểm nông học chính, ưu nhược điểm, khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp) như sau:
Giống lúa OM 4059
Giống lúa OM 4059 được chọn tạo từ tổ hợp lai OM3405/MTL250 trong chương trình chọn tạo giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt được tài trợ bởi tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) từ năm 2000 đến 2003, được chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ quần thể F2 (vụ Hè Thu 2002) đến quần thể F6 (vụ Hè Thu 2004), sau đó đưa vào so sánh sơ khởi từ vụ Đông Xuân 2005-2006. Giống có thời gian sinh truởng 95-100 ngày; chiều cao cây 100-110cm; dạng hình gọn và đẹp, đẻ nhánh khá; số hạt chắc/bông 70-80 hạt, tỉ lệ lép 19-21%, trọng lượng hạt 27-28gr; chiều dài hạt 7,04mm; tỉ lệ bạc bụng cấp 9 là 27,2%; hàm lượng amylose là 24,3%; năng suất đạt 4-5 tấn/ha (vụ Hè Thu) và 6-8 tấn/ha (vụ Đông Xuân); có khả năng chống chịu rầy nâu và bệnh vàng lùn (cấp 3), có khả chịu được đất phèn.
+ Ưu điểm: có thời gian sinh trưởng ngắn (ngang với OM 1490); dạng hình đẹp, đẻ nhánh khá; phản ứng đối với rầy nâu so với giống chuẩn kháng là tương đuơng và ổn định hơn, hơi kháng bệnh vàng lùn; cho năng suất cao và ổn định trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu; chịu điều kiện đất phèn tốt.
+ Nhược điểm: Bị bệnh lép vàng nhẹ và nhiễm bệnh đạo ôn ở vụ Hè Thu; tỉ lệ bạc bụng hơi cao, nhiễm bệnh lùn lúa cỏ cao (85%).
+ Khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp): Giống OM 4059 gieo trồng thích hợp cho cả vụ Đông Xuân và Hè Thu. Giống thích hợp gieo trồng ở các vùng đất thâm canh và chịu được ở vùng đất nhiễm phèn.
Giống lúa OM 4900
Giống OM 4900 do Viện Lúa ĐBSCL tạo chọn từ tổ hợp lai C53/Jasmin 85, các thế hệ con lai được chọn lọc bằng maker phân tử, sau đó các dòng chọn lọc được đưa vào hệ thống khảo nghiệm. Giống OM 4900 có thời gian sinh truởng 105 ngày, chiều cao cây 96-100cm, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, số hạt chắc/bông 139 hạt, tỉ lệ hạt lép 13,2%, trọng lượng 1000 hạt 28,3gr, hàm lượng amylose thấp (16,2%), hạt gạo dài (7,8 mm), không bạc bụng, phản ứng đối với rầy nâu cấp 3,7- 4,3,bệnh đạo ôn cấp 5; bệnh bạc lá cấp 3; chống chịu tốt với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; năng suất đạt 4-5 tấn/ha (vụ Hè Thu) và 6-7tấn/ha (vụ Đông Xuân).
+ Ưu điểm: hạt gạo dài, không bạc bụng; hàm lưọng amylose thấp, cơm dẻo, ngon và có mùi thơm sữa; chống chịu tốt đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
+ Nhược điểm chính: nhiễm bệnh lùn lúa cỏ 50%, hơi nhiễm đạo ôn, TGST hơi dài
+ Khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp): Giống OM 4900 gieo trồng thích hợp cho cả vụ Đông Xuân và Hè Thu. Giống được chấp nhận cao ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và nhiều địa phương khác ở ĐBSCL. Giống phát huy tốt ở các vùng đất phù sa ngọt sản xuất giống lúa chất lượng cao cho xuất khẩu.
Giống lúa OM 6561-12
Giống lúa OM 6561-12 được tuyển chọn từ giống M12 nhập nội từ Mỹ năm 1997, qua chọn lọc dòng thuần, thanh lọc tính kháng sâu bệnh và đánh giá đặc tính nông học, sau đó đưa vào màng lưới khảo nghiệm và nhân giống từ vụ Hè Thu năm 2006. Giống có thời gian sinh truởng 90-95 ngày; chiều cao cây 95-100cm; dạng hình đẹp, hơi yếu rạ; đẻ nhánh khá; số hạt chắc/bông 100-120 hạt, tỉ lệ lép 19-27%, trọng lượng hạt 26-27gr; chiều dài hạt 6,52mm; tỉ lệ bạc bụng cấp 9 là 7%; hàm lượng amylose là 24,09%; có mùi thơm nhẹ; có hàm lượng sắt trong gạo khá cao (5,8mg/kg gạo trắng); năng suất đạt khá cao và ổn định trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu; có khả năng chống chịu rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh vàng lùn (cấp 3-5).
+ Ưu điểm chính: có thời gian sinh trưởng ngắn, có tiềm năng để thay thế OM1490, hoặc bổ sung vào cơ cấu giống cực ngắn ngày (Ao); thấp cây, dạng hình đẹp, đẻ nhánh khá; số hạt chắc/bông cao (tương đương với OM 1490); hạt gạo dài, tỉ lệ bạc bụng thấp; mặt gạo sáng, cơm mềm, ngọt và có mùi thơm nhẹ; hàm lượng sắt trong gạo khá cao; có khả năng thích ứng rộng.
+ Nhược điểm chính: Giống hơi nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn ở vụ Hè Thu, yếu cây, tỉ lệ lép cao, hạt gạo hơi ngắn (6,5 mm).
+ Khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp): Giống OM 6561 gieo trồng thích hợp cho cả vụ Đông Xuân và Hè Thu, rất thích hợp cho vùng 3 vụ lúa/ năm. Giống thích hợp gieo trồng ở các vùng đất thâm canh và một số nơi có điều kiện bất .
Giống lúa OM 5199-1
Giống lúa OM 5199-1 là dòng lai thuần chọn từ tổ hợp lai Khang Dân/OM 2512 thực hiện trong vụ Hè Thu 2003, được chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ quần thể F2 (vụ Hè Thu 2004) đến quần thể F6 (vụ Hè Thu 2006). Giống có thời gian sinh truởng 105-115 ngày; chiều cao cây 95cm; dạng hình đẹp, thân lá thẳng, rất cứng cây; bông thuộc loại bông chùm, nhiều nhánh, đóng hạt khít, ít lép, hạt nhỏ và ngắn (trọng lượng hạt 20,8gr). Giống cho năng suất cao trong cả hai vụ Đông xuân và Hè thu. Giống có tính kháng ngang đối với rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Giống có hàm lượng amylose cao (31,73%) và hàm lượng sắt trong gạo trắng cao gấp đôi các giống lúa đang được gieo trồng tại ĐBSCL.
+ Ưu điểm chính: thân lá thẳng, lá cờ thẳng đứng và xanh khi bông lúa chín; kháng đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá khá; có hàm lượng sắt trong gạo trắng cao gấp đôi các giống lúa đang được gieo trồng tại ĐBSCL; cho năng suất cao trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu; tỉ lệ gạo nguyên cao; chống chịu được rầy nâu; chịu được điều kiện đất phèn mặn tốt.
+ Nhược điểm chính: hạt gạo nhỏ, bạc bụng, cơm khô và hơi cứng khi để nguội; nhiễm bệnh cháy lá
+ Khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp): Giống OM 5199 gieo trồng thích hợp cho cả vụ Đông Xuân và Hè Thu. Giống có khả năng thích nghi với các vùng nhiễm phèn (Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng...) và chống chịu với điều kiện bất lợi tốt.
Xem thêm:
ĐÁNH GIÁ CƠ CÁU GIỐNG LÚA GIAI ĐOẠN 2007-2008
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Lý
Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Nam Bộ
Trong những năm gần đây, cơ cấu giống lúa ở Nam bộ có sự thay đổi đáng kể hàng vụ. Theo số liệu điều tra của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm cây trồng và Phân bón Nam Bộ năm 2007, trong số các giống cực ngắn ngày, giống IR50404 đạt diện tích siêu trội trong cả 3 vụ, chiếm tỷ lệ trên 15% tổng diện tích gieo trồng, vượt xa các giống còn lại và có xu hướng tăng nhanh diện tích trong năm 2008. Việc IR50404 đạt diện tích siêu trội chủ yếu vì diện tích của giống OM1490 giảm nhanh, nhưng chưa có giống cực ngắn ngày tốt khác thay thế; điều này đặt ra vấn đề cần phải điều tiết cơ cấu giống IR50404 cho phù hợp.
Các giống lúa có diện tích sản xuất rộng, ổn định nhiều năm qua là VND95-20, OM576, Jasmine85 và OM2517. Giống OM1490 được khuyến cáo loại bỏ hoặc giảm diện tích, vì vậy từ giống có diện tích đứng đầu giai đoạn 2000-2005, diện tích sản xuất OM1490 đã giảm đáng kể, nhưng vẫn đứng thứ 10 trong vụ ĐX 06/07 và thứ 7 trong vụ hè thu 07. Jasmine85 giữ vị trí quan trọng trong sản xuất ở ĐBSCL (đứng thứ 5 về diện tích), đặc biệt trong vụ ĐX.
Qua năm 2008, đặc biệt trong vụ hè thu, diện tích giống IR50404 tăng đột biến ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL; nhiều tỉnh diện tích IR50404 chiếm tới 50-60% tổng diện tích gieo trồng. Tuy nhiên đến vụ ĐX 2008/2009, do tác động của thị trường và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN- PTNT cùng các địa phương, diện tích IR50404 đã giảm mạnh, thay vào đó nông dân sử dụng các giống cao sản chất lượng cao và lúa thơm đặc sản như OM4900, OM5930, OM6073, Jasmine85, VD20... Ở thời điểm thu hoạch rộ trong vụ ĐX 08/09 hiện nay, lúa IR50404 cho năng suất cao, được giá (giá thu mua IR50404 chỉ thấp hơn các giống chất lượng khoảng 200 đồng/kg), vì vậy xu hướng tăng diện tích sản xuất IR50404 trong vụ hè thu tới là thực tế.
2. Đề xuất cơ cấu giống lúa vụ hè thu và mùa 2009
Hiện tại, dịch hại (rầy nâu, đạo ôn và vàng lùn, LXL) vẫn là mối hiểm họa thường xuyên, việc chuyểnđổi cơ cấu giống lúa theo hướng tăng tỷ lệ nhóm giống lúa chống chịu tốt với rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn cần thiết. Ngoài ra để đảm bảo ổn định nguồn gạo hàng hóa chất lượng cao cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cần coi trọng xây dựng cơ cấu phù hợp giữa các nhóm giống: Chất lượng trung bình - thấp, chất lượng cao, và lúa nếp, đặc sản. Cơ cấu 3 nhóm giống này cần được duy trì ở tỷ lệ: 25% - 55% - 20% như giai đoạn 2006-2007 là phù hợp.
Để sử dụng tốt nhất nguồn giống lúa hiện có, cần xây dựng cơ cấu giống lúa cân bằng toàn vùng cả về khía cạnh chất lượng và chống chịu sâu bệnh hại. Cơ cấu diện tích các nhóm giống lúa theo tỷ lệ 30% giống kháng đến nhiễm nhẹ, 50% giống hơi nhiễm đến nhiễm, và không quá 20% giống nhiễm đến nhiễm nặng rầy nâu, đạo ôn và VL, LXL đã được định hướng trong thời gian qua tiếp tục được duy trì; cần quản lý chặt chẽ cơ cấu giống lúa IR50404, đảm bảo tỷ lệ IR50404 không quá 20% cơ cấu giống từng vùng thông qua mở rộng diện tích các giống lúa ngắn ngày có triển vọng như OM4900, OM6073, OM6162, OM6677, OM6561, OM5199, OM4059, HĐ1, OM6377, OM4218, MTL149... kết hợp với duy trì tỷ lệ hợp lý giống lúa OM2514 và OM1490.
Ngoài ra, trong vụ hè thu, thu đông và mùa tới cần chú ý đến mức độ chống chịu bệnh khô vằn và điều kiện khó khăn như đổ ngã, hạn đầu vụ, phèn mặn… để xây dựng cơ cấu giống phù hợp. Tuy nhiên cơ cấu giống xây dựng chỉ trở thành thực tế khi hệ thống sản xuất giống đủ mạnh để có thể điều tiết cơ bản (trên 50%) nguồn hạt giống cho sản xuất. Trên cơ sở đánh giá cơ cấu giống lúa ở ĐBSCL năm 2008, và kết quả khảo nghiệm, sản xuất thử các giống triển vọng mới, cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng sinh thái ở Nam Bộ đề nghị như sau:
1. Vùng bán đảo Cà Mau: Áp dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn.
§ Giống chủ lực: OM2517, VND95-20, OMCS2000, OM2717, IR50404...
§ Giống bổ sung: OM4498, AS996, OM2718, OM576, OM4495, Jasmine85, ST5, OM4900, OM6561, OM6073, B-TE1...
§ Giống triển vọng: OM6162, OM5472, OM6677, OM 6561...
2. Vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên: Áp dụng các giống lúa thâm canh cao.
§ Giống chủ lực: OM2517, OM4498, OM2395, OMCS2000, IR50404...
§ Giống bổ sung: Jasmine85, OM2717, OM2718, OM1490, OM5930, HĐ1, OM576, OM4900, OM6073...
§ Giống triển vọng: OM6035, OM3689, OM4668, OM5936, OM4218...
3. Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu: Ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao.
§ Giống chủ lực: OM2517, VNĐ95-20, Jamine85, OM2514, OMCS2000, OM4900...
§ Giống bổ sung: IR50404, nếp, OM5930, OM1490, OM2717, OM2395, IR64, TNĐB100, OM6073...
§ Giống triển vọng: OM6062, OM4668, OM6162, OM6035, OM4092...
4. Vùng Đồng Tháp Mười: áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá.
§ Giống chủ lực: IR50404, VNĐ95-20, OMCS2000, OM4498, OM3536...
§ Giống bổ sung: OM2517, OM1490, OM576, OM1490, OM2514, VD20, Jasnine85, OM6561, OM4900, OM6073...
§ Giống triển vọng: OM4088, OM6162, OM5636, OM6561, MTL499, OM5472, OMCS2009...
5. Vùng ven biển Nam bộ: áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình – khá, chịu điều kiện khó khăn.
§ Giống chủ lực: VNĐ95-20, OM2517, IR50404, OM576, AS996...
§ Giống bổ sung: OM3536, OM4498, OM2718, ST5, OM4900, OM6073, OM6561, OM5199...
§ Giống triển vọng: OM6677, MTL499, OM4668, OM6561, OM4059, MTL547, OMCS2009...
6. Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐNB.
§ Giống chủ lực: VNĐ95-20, OMCS2000, ML48, IR64, IR59606, OM6073...
§ Giống bổ sung: VNĐ99-3, OM5930, OM3536, TH6, OM4900, OM4498.
§ Giống triển vọng: MTL499, OM5936, OM6162, VN 21, OM4059...
7. Các giống lúa mùa.
§ Lúa mùa địa phương: Tài Nguyên, Rẽ hành, Một Bụi, Móng chim, Nanh chồn, Marshuri...
§ Lúa mùa cải tiến: OM1350, OM1352, IR42, Tép hành đột biến (THĐB)...
3. Các giống lúa triển vọng cho sản xuất ở Nam bộ
Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm và sản xuất thử năm 2008-2009 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng và Phân bón Nam Bộ, các viện nghiên cứu, trường đại học và trung tâm khuyến nông, trung tâm giống các tỉnh, 15 giống lúa triển vọng điển hình được tổng hợp và trình bày trong bảng dưới đây. Nhìn chung các giống lúa triển vọng đều có đặc tính nông học tốt, năng suất cao ổn định, thích hợp cả hai vụ đông xuân và hè thu, chất lượng gạo khá đến tốt, mức độ chống chịu rầy nâu, bệnh đạo ôn và VL, LXL khá tốt hoặc chấp nhận được.
Trong số các giống liệt kê trong bảng, các giống OM5930, OM4900, OM6561, OM5199, OM6073 và OM4059 đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức; các giống OM4668, VN121, OM6035, OM4088... đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử ở Nam bộ; các giống còn lại là những giống triển vọng ở nhiều tỉnh.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét