Lưu trữ

28/11/11

Lúa thu đông 2011 ở ĐBSCL trúng đậm


CÂY LƯƠNG THỰC. Lúa Thu Đông 2011 ở ĐBSCL trúng đậm, tin mới nhận của GSTS. Nguyễn Văn Luật vừa gửi trang cây lương thực. Diện tích sản xuất lúa Thu Đông năm nay khoảng 640.000 ha. Đồng thời, giá cũng trúng đậm với một kg lúa bán được 7.000 - 8.000đ, có khi tới 9.000 -10.000đ. Sản lượng thóc toàn vùng trong năm 2011 khoảng 23 triệu tấn so hồi mới giải phóng chỉ có trên dưới 5 triệu tấn, trong đó sản lượng thóc vụ Đông Xuân đạt 10,5 triệu tấn, Hè Thu đạt 8,7 triệu tấn, lúa Thu Đông đạt 3,2 triệu tấn, lúa mùa đạt gần 0,9 triệu tấn. Lúa Thu Đông làm trên chân ruộng ba vụ lúa (Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông) hiện có 440.000 ha, còn lại khoảng 200.000 ha làm trên chân đất một đến hai vụ lúa. Tỷ lệ đất ba vụ lúa hiện nay ở ĐBSCL có  27% diện tích canh tác lúa. Như vậy, nếu hội đủ điều kiện, ta có thể làm lúa Thu Đông lên đến một triệu ha. Những vấn đề khoa học kỹ thuật cần bám sát thực tế để mang lại nguồn thu nhập và lợi ích kinh tế cao hơn cho người dân (HK tổng hợp).





Lúa Thu Đông ở ĐBSCL trúng đậm
GSTS. Nguyễn Văn Luật


Sản xuất lúa vụ Thu Đông nói riêng và cả ba vụ lúa nói chung ở ĐBSCL có kết quả tốt đẹp đang thể hiện tiềm năng tăng vụ và tăng năng suất lớn để tăng sản lượng; đồng thời cũng thấy rõ hơn những vấn đề tồn tại cần khắc phục nhằm tận dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lực sản xuất của bà con nông dân với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Chính quyền các cấp. Lũ lớn năm nay xấp xỉ lũ năm 2.000, số người bị chết là 34 người, còn năm 2000 là 481 người. Thiệt hại do lũ lớn năm nay lộ ra nhiều điều cần khắc phục.

Vụ Thu Đông năm 2011 ở ĐBSCL, một vụ lúa mà có năm trước đây có khuyến cáo không làm, nhưng kết quả sản xuất lại rất ngọan  mục:  Diện tích sản xuất lúa Thu Đông toàn vùng khỏang 640.000 ha. Đồng thời, giá cũng trúng đậm với một kg lúa bán được 7.000 - 8.000đ, có khi tới 9.000 -10.000đ. Sản lượng thóc toàn vùng trong năm 2011 khoảng 23 triệu tấn so hồi mới giải phóng chỉ có trên dưới 5 triệu tấn, trong đó sản lượng thóc vụ Đông Xuân đạt 10,5 triệu tấn, Hè Thu đạt 8,7 triệu tấn, lúa Thu Đông đạt 3,2 triệu tấn, lúa mùa đạt gần 0,9 triệu tấn. Lúa Thu Đông làm trên chân ruộng ba vụ lúa (Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông) hiện có 440.000 ha, còn lại khoảng 200.000 ha làm trên chân đất một đến hai vụ lúa. Tỷ lệ đất ba vụ lúa hiện nay ở ĐBSCL có  27% diện tích canh tác lúa. Như vậy, nếu hội đủ điều kiện, ta có thể làm lúa Thu Đông lên đến một triệu ha.

Sản xuất lúa vụ Thu Đông nói riêng và cả ba vụ lúa nói chung có kết quả tốt đẹp như trên đang thể hiện tiềm năng tăng vụ và tăng năng suất lớn để tăng sản lượng; đồng thời cũng thấy rõ hơn những vấn đề tồn tại cần khắc phục nhằm tận dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lực sản xuất của bà con nông dân với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Chính quyền các cấp. Bộ đội cùng thanh niên ở An Giang và một số nơi đứng  khoác vai nhau làm giảm dòng chảy cho tuyến sau củng cố bờ bao xong trong ngày, bình thường là phải hàng chục ngày.

Về mặt khoa học và công nghệ, sự tồn tại lớn nhất vẫn là nước, như ông cha ta thường nói: "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Vùng ĐBSCL có điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa là: ở đâu, và khi nào chủ động tiêu tưới là ở đó sản xuất lúa tốt. Nói cách khác, chúng ta có thể tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL nhiều hơn nữa, có thể gấp rưỡi hiện nay,  nếu như khi nào, và ở đâu có sản xuất lúa thì khi đó, ở đó được đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về nước. Bởi vì, nhiệt độ và ánh sáng, cùng với độ dài của ngày cho phép ta sản xuất lúa quanh năm, không cần và không thể can thiệp được. Còn lương mưa và nước đến hàng năm thiên nhiên ban tặng cho ĐBSCL là rất dồi dào, kể cả khi lượng nước từ ngòai vùng đến gỉảm dần do việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu, nếu như chúng ta biết cách tận dụng nước tại chỗ tốt.
Đã có chuyên gia khí tượng thủy văn đề xuất đào hồ trữ nước ở nơi thích hợp từ những năm 80 của thế kỷ 20. Một chuyên gia đầu ngành về thủy lợi vừa vui mừng thông tin: Chính phủ đã đánh giá "Quy hoạch kiểm soát và sử dụng nước lũ ở ĐBSCL phê duyệt ngày 21/06/ 1999 là hoàn toàn  đúng  đắn. Dự án này đã trải qua 4 cơn lũ: 2000, 2001, 2002 và 2011, và đã được chứng minh bằng thực tế, mặc dù đầu tư chưa được hoàn chỉnh”. Đối với các địa phương có sản xuất lúa Thu Đông, sau trận lũ 2011 này, đã thấy cần phải củng cố hay đắp thêm bờ vùng, bờ bao ở đâu và thế nào, đồng thời có mong muốn “nâng cấp” bờ vùng lên bờ bao; bờ bao lên đê bao, các khu dân cư chống lũ nên bố trí trải dài dài theo đê bao ở  nơi có thể; và mong được Nhà nước đầu tư để có những trạm bơm nhỏ ở những nơi cần thiết.. Để làm được tốt, cần có chuyên gia ngành thủy lợi vào cuộc.

Về canh tác lúa, cũng như những năm trước, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các cơ quan chức năng liên quan  thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn luôn có khuyến cáo cụ thể về thời vụ lúa với các giống lúa thích hợp. Một yêu cầu chung  cho vụ sản xuất lúa Thu Đông cũng như vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu bền vững là: Rút ngắn chu kỳ sản xuất lúa tiếp nối nhau chiếm ruộng. nhằm giúp bà con nông dân chủ động, linh họat hơn trong tăng vụ, và né lũ, né hạn, né mặn.

Dùng giống lúa cực sớm dưới 90 ngày, đã được xếp vào một nhóm riêng, nhóm Ao, có thể xếp hàng đầu trong giải pháp “giảm thời gian chiếm ruộng của vụ lúa”. Thực tế sản xuất đã chứng minh trên hàng triệu ha gieo trồng bằng các giống cực sớm nhóm Ao có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, và tính kháng sâu bệnh như những giống dài ngày hơn thuộc nhóm A1, A2 và B. Giống lúa này đối với nông dân sử dụng không khó khăn hơn, nhưng đối với các nhà khoa học lại khó khăn hơn tạo các giống lúa dài ngày hơn. Khi ông Nguyễn Công Tạn làm bộ trưởng đã có nhiều việc làm  khuyến khích. Hồi đó đã có hàng chục giống lúa có TGST dưới 90 ngày, nhiều giống đứng vào hàng “top ten” theo thống kê về diện tích sử dụng. Vào lúc đó, giống ngắn ngày nhất có OMCS6, OMCS7 TGST 65 và 75 ngày; giống cao sản xuất khẩu ngắn ngày nhất có OMCS21, có khỏang 80 ngày. Hiện nay, giống lúa dưới 90 ngày nhiều hơn, ngày càng nhiều cơ quan và nhà khoa học quan tâm tao chọn giống lúa nhóm Ao. Gần đây có giống P6 đột biến, ở miền Bắc có 75 ngày đã đạt 5 tấn, chất lượng gạo tốt.

Đã có nhiều cải tiến phương pháp gieo trồng rút ngắn chu kỳ sản xuất lúa. Dùng dàn kéo gieo sạ lúa theo hàng đã được áp dụng từ ĐBSCL, đến ĐBSH, đến tận miền núi phía Bắc như ở tỉnh Lạng Sơn. Có đến hàng triệu ha gieo trồng lúa bằng phương pháp này. Đã có những tổng kết nêu lợi ích nhiều mặt, như có thể giảm chi phí sản xuất tới cả triệu đồng/ha, nhưng lợi ích ấn tượng nhất là các chị nông dân, bao gồm cả các bà già, bà bầu, em gái khỏi phải cúi cấy rất cực nhọc. Máy cấy còn được sử dụng rất hạn chế, nhưng đã có nhiều mô hình, như trại Nghiên cứu sử dụng giống lúa chịu phèn ở Sóc Trăng có ba máy cấy được bà con nông dân thuê suốt vụ. Làm mạ rồi cấy là phương pháp làm giảm thời gian vụ lúa chiếm ruộng. Nhiều nơi đã cải tiến phương pháp làm mạ - cấy đỡ vất vả hơn.

Đã có những nghiên cứu cơ sở khoa học của quá trình tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng lúa ở ĐBSCL. Ảnh hưởng của việc làm liên tiếp 2 - 3 vụ lúa đến đất, sâu bệnh, đến thu nhập của nông dân được nghiên cứu bởi nhiều cơ quan. Trên cùng một lô ruộng, tính tới nay Viện Lúa QT (IRRI) đã làm thí nghiệm trên 130 vụ; Viện Lúa ĐBSCL làm trên 70 vụ; Trường ĐHCT làm trong bể xi măng kết hợp với nghiên cứu trong điều kiện tự nhiên ở ngòai đồng.. đã rút ra được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tế. Trung tâm NC & PTNN  Đồng Tháp Mười thuộc Viện KHKT Miền Nam có cơ sở tại Mộc Hóa Long An đã thực thi nghiên cứu thí nghiệm liên tục từ năm 2000 đến 2005 về nhiều mặt, trong điều kiện không đê bao, có đê bao lửng và đê bao kín; trồng 2-3 vụ lúa và luân canh lúa mầu; các giống lúa thích hợp với kỹ thuật làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh;  diễn biến của hàm lượng N, P2O5, K2O trong đất, diễn biến  sâu bệnh, và hiệu quả kinh tế. Những kết quả nghiên cứu trên là cơ sở cho các chuyên gia tham mưu với Đảng và Nhà nước về vụ lúa TĐ, về lúa vụ Ba cũng như ba vụ lúa.

Cần có những đề tài/ dự án nghiên cứu triển khai vốn Nhà nước đầu tư tương xứng để không chỉ bổ xung và khẳng định những kết quả đã đạt, mà còn xem xét nên phát triển sản xuất ba vụ lúa đến mức nào, liên tục tăng vụ lúa có làm cho đất cạn kiệt mầu mỡ, có làm cầu nối và tích tụ sâu bệnh dẫn đến bột phát dịch không, hiệu quả kinh tế xã hội và làm thế nào để người nông dân có  thu nhập cao xứng với công đóng góp của họ. Thực tế năng suất và sản lượng tăng liên tục nhiều vụ trong nhiều thập kỷ ở ĐBSCL là lời giải đáp có độ tin  cao. Tuy nhiên, lời giải đáp của bài tóan tăng thu nhập cho người trồng lúa trong ngành hàng lúa gạo là chưa thỏa đáng, chưa công bằng. Nhiều biện pháp về giống và kỹ thuật  mà người nông dân áp dụng để tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL hiện mang tính “tình thế”, yêu cầu kỹ năng cao hơn, sẽ có thể trở thành những biện pháp truyền thống khi biến đổi khí hậu phức tạp hơn. Cho nên việc đầu tư cho nghiên cứu  trên mang tính chiến lược “đón đầu” những khó khăn do xâm nhập mặn, hạn, úng.


Thư điện tử đề ngày 7/7/2009 của TS Trần Văn Đạt liên quan đến việc trồng lúa liên tục có nội dung được tóm lược như sau:” Tôi đồng ý với anh về nông dân vẫn còn trồng 3 vụ lúa/ năm, vì họ không biết trồng gì khác hơn để có lợi hơn.. Sau khi làm việc với FAO 22 năm và với USAID 2 năm, tôi đi đến kết luận là chỉ có chính sách quốc gia mới có thể giúp nông dân khá hơn”. Trong điều hành của Chính Phủ, TT Nguyễn Tấn Dũng đã nói khi nông dân gặp khó khăn  trong sản xuất lúa vụ Ba  và 3 vụ lúa/ năm, các chuyên gia phải giúp, chứ đừng thấy khó là cấm!

Những chính sách về TAM NÔNG, về xây dựng nông thôn mới và nhiều chính sách khác hướng nhằm tăng mức sống của nông dân đang đi vào cuộc sống ngày một thiết thực. Gia đình người trồng lúa khấm khá dần là cơ sở vững chắc nhất cho nền sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực.

GSTS Nguyễn Văn Luật, 28/11/2011

(theo bản email của tác giả)

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM

Dạy và học BlogtiengViet

Gia đình nông nghiệp

NGỌC PHƯƠNG NAM
, DẠY VÀ HỌC

Người theo dõi