Lưu trữ

18/12/11

Xây dựng Nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên

CÂY LƯƠNG THỰC. GSTS Nguyễn Văn Luật, anh hùng lao động, nguyên Viện Trưởng Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, vừa gửi bài Xây dựng Nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên, đồng hành bởi Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Lộ trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) ở tỉnh Điện Biên đến năm 2015 là 20/98 xã , hiện có xã Thanh Chăn đang vươn lên dẫn đầu , sau đó là xã Mường Phăng, và nhiều xã khác như Thanh Hưng, Thanh Yên, Thanh Xương và xã Ăng Tờ huyện Mường Áng...Theo Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng mô hình nông thôn mới thì xã Thanh Chăn là một trong 11 xã được Trung Ương chọn làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới trong cả nước. Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn Cà Văn Pánh cho biết mặt bằng dân trí thấp, có gần 1.200 hộ, trong đó có 60% là người Thái Đen và Thái Trắng (chỉ khác nhau về tập quán) và người Khơ Mú; 80% dân số làm nông nghiệp. Theo anh Trần Văn Hân, Phó Chủ tịch xã, Thanh Chăn dù mới bắt đầu xây dựng vài năm gần đây mà đã đạt 12/19 tiêu chí, và vài năm nữa, vào năm 2013, có thể đạt đủ 19 tiêu chí. Hiện nay, nhiều tiêu chí đã hoàn thành như đường giao thông, đường vành đai biên giới, đường ống dẫn nước sinh họat, y tế, giáo dục, điện (100% hộ có điện dùng), nước sạch, trường học; các công trình văn hóa như sân vận động, nhà thi đấu đa năng, trung tâm học tập cộng đồng, chợ trung tâm.., đang “cán đích” đưa vào sử dụng. Hộ nghèo trước chiếm tỷ lệ trên 30% nay còn 17,7%. Đường ô tô đi từ thành phố Điện Biên đến Thanh Chăn tuy còn xấu, nhưng mạng lưới giao thông xã đi lại dễ dàng.

Như vậy, hạ tầng cơ sở ở xã Thanh Chăn NTM được cải thiện rõ rệt, mức thu nhập của dân theo báo cáo tăng 1,4-1,5 lần so với mức bình quân của xã trước đây 2 năm, cán bộ và nhân dân phấn khởi. Một điều nữa đáng mừng là cán bộ địa phương, cán bộ ngành nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, các nhà khoa học trẻ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (VKHKTMNPB) cùng với cán bộ khuyến nông của tỉnh và huyện Điện Biên đều hợp tác tốt trong việc chuyển giao “cần câu cá” giúp nông dân phát triển nông nghiệp tòan diện ở vùng thuần nông này. Kết quả ban đầu cũng rất rõ: Cải tạo diện tích đồi gò trồng CAQ: xòai, hồng Xiêm, chanh, bưởi, nhãn, cam xen ổi đuổi rầy chổng cánh gây bệnh Greening; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu.. ;nuôi cá rô Phi đơn tính, nuôi cá tổng hợp, nuôi tôm càng xanh. Chương trình hỗ trợ 50 con bò, đưa tổng số đàn trâu bò của Thanh Chăn lên gần 1000 con; cả xã đã xây dựng hơn 600 hầm biogaz, trong đó giúp 100% cho 54 hộ nghèo. Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết gia súc gia cầm đã được đưa ra khỏi gầm nhà sàn, là kết quả của việc kiên trì vận động bà con nông dân từ bỏ tập quán không tốt cho sức khỏe con người, và xác nhận mô hình nuôi nhốt là tốt nhất. Giống cỏ nuôi trâu bò cho năng suất và chất lượng cao Watemala, cùng với nhiều giống CAQ, giống chè, giống tôm càng xanh, giống cá rô đơn tính, giống lúa.. các đơn vị hữu quan địa phương và Viện VKHKTMNPB đưa về và hướng dẫn nông dân sản xuất trên hàng chục ha mô hình. Sự hưởng ứng và tiếp thu của nông dân còn thể hiện tên gọi thân thương mà bà con đặt cho những nhà khoa học kỹ thuật trực tiếp chuyển giao công nghệ, như cô Cá rô đơn tính, cô Tôm càng xanh, câu bưởi Diễn, cậu Trà xanh.. Tôi rất vui khi liên hệ với việc đưa giống lúa mới vào ĐBSCL trước đây, bà con nông dân, cả anh lái xe ôm gọi anh hai ôm em (OM), ôm em cực sướng (OMCS), bác lá Kim vàng chữa đau răng, chặn cơn hen xuyễn..

Trong đợt nghiên cứu khảo sát nhanh phong trào XDNTM này, tôi được biết nhiều cán bộ Trung ương đã đến Thanh Chăn và có những chỉ đạo rất thiết thực, như Nguyên PTT Trương Vĩnh Trọng (anh Hai Nghĩa), nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ..; những cán bộ lãnh đạo địa phương sâu sát như bà BT tỉnh ủy Lò Mai Chinh,
TB Dân vận Lò Thị Mại.., và nhiều cán bộ trong ngành rất năng động như ThS Hiển Giám đốc Sở, PCT xã phụ trách nông nghiệp Hân, CB khuyến nông Mai, Xuân, Lò Thi Thùy..Trong số những CB này, nhiều người là con cháu của chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa. Các vị trên ít nhiều đã để lại dấu ấn giúp Thanh Chăn hòan tất 19 tiêu chí NTM. Tuy vậy mà Thanh Chăn không vướng vào tình trạng mô hình nông nghiệp Định Công, Thạnh Thắng, Quỳnh Lưu ở thập kỷ 60 của thế kỷ trước: tốn kém tiếp quá nhiều đòan khách đến.

Tỉnh Điện Biên nói chung và Thanh Chăn nói riêng, nằm trong vùng rừng núi Tây Bắc, nhưng rừng đến nay bị khác khác gỗ khá triệt để, nên ý nghĩa kinh tế không còn là bao. Chủ lực của nền kinh tế hiện nay vẫn là nền sản xuất lúa gạo. Giống lúa nào ở đồng bằng đưa lên mà trụ được đều cho gạo chất lượng cao hơn, năng suất không thua kém mà có khi hơn ở đồng bằng. Hiện nay ở tỉnh Điện Biên sản xuất bằng giống lúa IR64 đến từ ĐBSCL vào giữa những năm 80 TK trước, với tên ban đầu là OM89, chiếm tỷ lệ diện tích cao nhất, khỏang 40%, trước đó là 70%, trong tổng số 15.000 ha lúa; sau đó là các giống nhập từ Trung Quốc như Bắc Thơm, khỏang trên 30%. Trước đây không lâu, 3.000 ha lúa ở lòng chảo Điện Biên, trong đó có xã Thanh Chăn cũng dùng lúa IR64 như trên, còn nay thay dần bằng giống lúa Bắc Thơm bán được giá và lời trên 1 đơn vị diện tích cao hơn. Theo đồng chí Giám đốc Sở, đã có nơi làm hai vụ lúa trên năm, dân thu nhập 120 triệu đồng.


Trong khi còn ở tình trạng độc canh lúa trên thì một nền nông lâm ngư nghiệp đa canh, đa dạng đang phát triển ở địa phương miền núi này, mà mô hình XDNTM Thanh Chăn đang thể hiện vai trò đi đầu mặc dầu mới ở bước đầu. Sự có mặt của Viện VKHKTMNPB có cơ sở chính khang trang tại Phú Thọ, có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ Thanh Chăn phát triển nông nghiệp tòan diện và đạt 19 tiêu chí NTM nhanh hơn. Không những Viện đã có nhiều giống cây con nông lâm nghiệp với công nghệ sản xuất và chế biến hiện đại, mà Viện còn nằm trong hệ thống Viện Khoa học. Nông nghiệp Việt Nam (VASS), có thể tiếp nhận và chuyển giao nhanh chóng những thành tựu nghiên cứu phù hợp của hàng chục viện bạn, kể cả kinh nghiệm sản xuất hay ở hàng chục tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Hòang Liên Sơn, ở đâu Viện cũng có điểm nghiên cứu, nhằm chuyển giao đến Thanh Chăn trong sự nghiệp góp phần XDNTM. PGSTS Lê Quốc Doanh, một Viện trưởng trẻ rất năng động, đã nhiều lần đến Thanh Chăn, cử nhiều nhà khoa học trẻ của Viện xuống xã cùng với cán bộ địa phương, giúp bà con nông dân sản xuất thử và làm mô hình mở rộng như đã đề cập phần nào trong phần viết trên


Chúng tôi đến Điện Biên từ Phú Thọ, đi ban đêm vào tuần trăng tròn, chỉ cảm nhận hạ tầng cơ sở được nâng cấp qua đường ô tô và điện sáng từ các nhà dân trong tầm nhìn, không thấy đèn dầu, đèn điện đều dùng bóng compac tiết kiệm điện năng. Có những đọan đường dài không gặp ai đồng hành, chỉ có mặt trăng khi ở bên trái khi bên phải, khi đi trước khi đi sau, ngó ngó, nghiêng nghiêng. Cậu tài xế ngẫu hứng đọc câu ca dao: “Đường lên Tây Bắc loanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Chúng tôi cảm nhận sự hùng vĩ vùng Tây Bắc ở góc độ khác, góc độ điện khí hóa, hiện đại hóa vào ban đêm Khi về, đi một mạch hơn 500 km từ sáng đến tối là đến Hà Nội. Đường nhựa tốt hơn cả đường đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL. Ban ngày thấy hai bên đường còn nhiều nhà tranh vách tạm bợ, nhà sàn. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng đường, điện, nước và những cơ sở hạ tầng khác đang đánh thức vùng Tây Bắc, và cả vùng núi phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội.


Tiềm năng cần kể đến đầu tiên là RỪNG, mặc dầu rừng kinh tế ở đây đã bị khai thác quá mức, trong khi vùng Tây Bắc có tỉnh Yên Bái nhờ tiếp sức của Chương trình 5 triệu ha rừng mà độ che phủ đạt gần 60%, 12 vạn lao động chiếm ¼ dân số của tỉnh sống nhờ rừng. Chúng tôi đã tham mưu với địa phương và PGS Doanh về thành phần cây rừng không chỉ là cây lấy gỗ, mà nên xen vào những cây rừng lương thực thực phẩm, như hạt rẻ, cây rau sắng, cây hồ đào, cây mít ăn hạt, cây xa kê hay cây bánh mì..; rừng cây ăn quả thích hợp như nhiều lòai cây có tập quán nhưng có giống mới và lòai cây mới di thực về; rừng cây công nghiệp như cây chè, và những cây công nghiệp khác; kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng..


Tiềm năng phát triển sản xuất cây lương thực thực phẩm ngắn ngày mà hiện chủ lực vẫn là cây lúa theo hướng đa dạng sản xuất trên ruộng lúa. Có tới 80% dân số làm nông nghiệp như ở xã Thanh Chăn, và cả ngàn trâu bò cầy kéo thì vắng bóng máy nông nghiệp ở đây là điều dễ hiểu. Vì vậy, đánh thức tiềm năng này phải là công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hồi còn làm Bộ trưởng, ông Lê Huy Ngọ có tặng Điện Biên 2 giàn dụng cụ gieo lúa theo hàng trước cả khi miền Bắc có phong trào mở rộng khá nhanh diện tích áp dụng cải tiến kỹ thuật này. Ngòai lợi ích giảm nhanh được công lao động sản xuất lúa trong khi công lao động ngày một khan hiếm, một lợi ích vô giá là người phụ nữ khỏi phải cúi cấy, cả bà già, em gái, các chị có chửa, trong mùa đông thì chân phát cước nứt nẻ; mùa hè nước nóng nung đỏ chân. Hồi cuối những năm 80 TK trước, tiến bộ kỹ thuật này được Nông trường Sông Hậu áp dụng khỏang 6 000 ha; tỉnh Trà Vinh áp dụng trên hàng vạn ha. Lúc đầu chúng tôi phải ký cam kết nếu có thất thóat phải bù, nhưng chỉ đến nửa vụ là nông dân tự hủy cam kết này. PGS Viện trưởng Doanh có dự định sẽ đưa hàng chục giàn dụng cụ gieo lúa theo hàng và cho cán bộ kỹ thuật cùng với cán bộ khuyến nông địa phương tập huấn cho cho bà con nông dân. Một thông tin mới: theo một tổng kết của tỉnh Lạng Sơn, gieo thẳng hàng bằng giàn kéo tay giảm được 85 – 90% lao động làm mạ và cấy, tiết kiệm được hàng triệu đồng/ha.


Trong bối cảnh diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp, dưới sự lãnh đạo của các cấp Đảng và Chính quyền, Thanh Chăn và nhiều xã
ở vùng Trung Du và Miền Núi phía Bắc sẽ dẫn đầu trong việc góp phần tích cực mô hình xây dựng mô hình nông thôn mới với ý nghĩa quan trọng tương tự như việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh phía Nam./.

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi