DẠY VÀ HỌC. Đất rừng Tây Nguyên đang chuyển đổi nhanh chóng thành đất trồng cà phê, cao su và sắn. Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên hiện đã thành vùng cao su, cà phê chủ yếu trong tổng diện tích cao su của cả nước năm 2010 là 740.000 ha và diện tích cà phê hơn 550.000 ha. Sản lượng sắn Tây Nguyên tăng đột biến gấp sáu lần trong vòng 10 năm từ 351.500 tấn năm 2000 lên 2.179.500 tấn năm 2010 do năng suất sắn tăng gấp đôi và diện tích sắn mở rộng từ 38000 ha năm 2000 lên 133.200 ha năm 2010. Sự cấp thiết phải soát xét, điều chỉnh, tổ chức, quản lý, quy hoạch phát triển trang trại hợp lý; xác định hệ thống cây trồng vật nuôi và quy trình kỹ thuật thâm canh thích hợp, bền vững cho mỗi cây trồng, vật nuôi tại từng tiểu vùng cụ thể. Hoàn thiện giải pháp tổng thể với quan điểm phát triển Tây Nguyên bền vững hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội , văn hóa, môi trường. Trang DẠY VÀ HỌC xin giới thiệu bài Cơ cấu cây trồng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên với quan điểm phát triển bền vững của ông Nguyễn Văn Mễ là Đại biểu Quốc hội khoá 11, nguyên Chủ tịch UBND,HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài này trong cụm bài Đối thoại chiến lược nông nghiệp mới để rộng đường dư luận. Mỗi bài trích dẫn đều thể hiện quan điểm riêng của tác giả và mong được đóng góp ý kiến.
Cơ cấu cây trồng ở các tỉnh vùng Tây Nguyên với quan điểm phát triển bền vững.
Nguyễn Văn Mễ
Tất cả chúng ta đều nhận thức rõ vị trí Tây Nguyên trong chiến lược quốc phòng – an ninh của đất nước. Tuy vậy, Tây Nguyên còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế- xã hội của cả nước nói chung; của vùng duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ và của chính vùng Tây Nguyên nói riêng. Bài viết này không đề cập đến mọi khía cạnh của quan điểm phát triển bền vững mà chỉ xới ra một số vấn đề về bố trí cơ cấu cây trồng có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến yêu cầu bảo vệ rừng và nguồn nước, những yếu tố có tính sống còn đối với vùng cây công nghiệp và cây lương thực lớn nhất Việt Nam ; đồng thời là khu vực có nhu cầu ngày càng cao về nước cho sinh hoạt dân cư và sản xuất công nghiệp.
Trước hết, Tây Nguyên là nơi xuất phát của nhiều con sông lớn đổ về đồng bằng sông Cửu Long như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và tất cả các con sông vùng duyên hải từ Đà nẵng vào cực nam Trung Bộ. Nguồn nước cung cấp cho các con sông này đều gắn liền với ” kho nước ” Tây Nguyên,nơi có diên tích rừng tự nhiên chiếm gần 1/3 diện tích cả nước ( 2.846.500 ha/ 9529.400 ha ) ( 1 ). Nếu tính cả diện tích rừng tự nhiên của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ thì diện tích rừng có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của 19 tỉnh , thành phố chiếm gần 50%. Diện tích rừng đang bị gặm nhắm với tốc độ ngày càng nhanh cả từ phía đồng bằng lên cũng như từ phía Tây Nguyên xuống; chưa kể sự phá hoại rừng theo kiểu da báo trong từng địa phương để đáp ứng yêu cầu của dân cư tại chỗ, của đông đảo người nhập cư và của cả những người có vốn đầu tư từ các đô thị nhắm tới vùng này như một ” thánh địa ” để kiếm cơ hội làm giàu từ các trang trại trồng cà phê, cao su và một số cây trồng có độ che phủ kém khác.
Trong cơ cấu cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng sắn chiếm một tỉ trọng lớn, chỉ sau cây lúa và tăng với tốc độ chóng mặt. Chỉ tính riêng các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông; Lâm Đồng đã tăng từ 38000 ha ( năm 2000 ) lên 88.300 ha ( năm 2005 ) và 133.200 ha ( năm 2010), chiếm hơn 1/4 diện tích cả nước ( 133.200 ha/ 496.200 ha ) ( 2 ). Điều đáng lưu ý là diện tích dành cho việc trồng sắn trong thực tế lớn hơn con số này nhiều vì chỉ sau tối đa ba năm, khi năng suất giảm mạnh , người trồng sắn phải mở ra vùng đất mới để có thể duy trì qui mô sản xuất và đảm bảo thu nhập. Diện tích mở ra thường là những vùng rừng tự nhiên cận kề nương rẫy trồng sắn cũ và việc lấn dần theo kiểu ” tằm ăn dâu ” này đã làm mất đi hàng ngàn hecta rừng và phải nhiều năm sau số liệu rừng bị mất mới được phản ảnh trong thống kê của chính quyền các cấp. Trong số diện tích rừng bị lấn chiếm, có không ít vùng có độ dốc trên 30%, hoàn toàn không phù hợp với việc trồng sắn, vì phần đất màu mỡ sẽ nhanh chóng bị rửa trôi dẫn đến nguy cơ bị sạt lở đất , uy hiếp đến tính mạng, tài sản của đồng bào phần lớn cư trú ở vùng đất thấp hơn, ở các triền núi giáp thung lũng.
Nguyên nhân vì sao có sự phát triển mang tính đột biến của cây sắn? Có phải việc phát triển trồng sắn ở Tây Nguyên đã và đang có một tỉ lệ không nhỏ mang tính tự phát? Vì sao trong lúc nhiều quốc gia có sản lượng sắn lớn đã chủ động thu hẹp vùng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu sắn sơ chế, thì ở nước ta việc chuyển dịch cây trồng đang đi theo hướng ngược lại? Rõ ràng, chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài đều đòi hỏi có sự xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh những mặt tốt về xây dựng mô hình sản xuất tập trung, chuyên canh để vươn lên trở thành nhà xuất khẩu cà phê, cao su hàng đầu thế giới thì công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch về cây trồng ở các tỉnh Tây Nguyên đã bộc lộ sự bất cập. Mối quan hệ giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải, vùng Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh về qui hoạch vùng sản xuất và phân bổ các cơ sở chế biến không được điều tiết ở tầm vĩ mô, nên vùng Tây Nguyên bị tác động mạnh mẽ của ngoại lực để trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho hàng loạt nhà máy chế biến tinh bột mọc lên một cách ồ ạt ở các địa bàn lân cận. Chu kỳ canh tác ngắn; mức đầu tư thấp, lợi nhuận không cao nhưng có thể nhận được trong năm …là những tác nhân kích thích phong trào trồng sắn trong vùng đồng bào các dân tộc, vốn có truyền thống trồng và sử dụng lương thực từ sắn, chuyển từ giai đoạn tự cấp tự túc sang giai đoạn sản xuất” hàng hoá “.
Cũng trong chưa đầy 10 năm, diện tích trồng cao su ở 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ cũng không ngừng mở rộng và trở thành vùng chuyên canh chủ yếu trong tổng diện tích hơn 740.000 ha của cả nước. Diện tích cà phê ở hai vùng này cũng chiếm phần lớn của tổng diện tích hơn 550.000 ha ( 3 ) . Không ít diện tích cao su, cà phê trồng mới cũng từ đất rừng chuyển đổi. Cơ cấu cây trồng ở vùng Tây Nguyên đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó diện tích rừng , đặc biệt là rừng tự nhiên đang ngày càng giảm sút cả về số lượng và chất lượng; thay vào đó là sự tăng trưởng không được kiểm soát tốt đối với diện tích trồng cây công nghiệp và các loại cây lương thực thực phẩm ngắn ngày khác, trong đó có cây sắn.
Sự giảm sút diện tích rừng gây ra hậu quả tức thì là sự suy giảm nguồn nước dự trữ và đáp ứng nhu cầu tại chỗ cũng như nguồn cung cấp cho sản xuất và đời sống dân cư ở vùng hạ lưu khu vực duyên hải Trung Bộ và Đông Nam Bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh và vùng động lực phía Nam. Bài toán cân đối nguồn nước của toàn vùng chưa tìm được lời giải tối ưu vì có quá nhiều ẩn số, đòi hỏi phải lượng hoá sự sụt giảm do mất rừng và tính toán những tác động xảy ra do chế độ vận hành tài nguyên nước của hàng chục nhà máy thuỷ điện lớn, nhỏ.. đã làm cho lưu lượng nước chảy qua hệ thống sông ngòi trong khu vực sụt giảm nghiêm trọng. Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu qua các cửa sông Thu Bồn, Vu Gia ở Quảng Nam và Đà Nẵng; sự thiếu hụt nước sinh hoạt đã xuất hiện ở Thành phố Buôn Mê Thuột và một số địa phương của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum là những chỉ báo không thể xem thường.
Đã đến lúc cần làm rõ quy hoạch, kế hoạch bố trí cơ cấu cây trồng và các cơ sở chế biến nguyên liệu trong từng địa phương gắn với toàn vùng Tây Nguyên; với các địa bàn lân cận cũng như với cả nước theo hướng ưu tiên bảo vệ rừng và giải quyết hài hoà, hợp lý mối quan hệ giữa các loại cây trồng dài ngày- trung bình và ngắn ngày; trong đó, cần xác định rõ phạm vi, giới hạn về mặt diện tích có thể chấp nhận được của cây cao su, cà phê và cây sắn . Quy hoạch đó phải được chi tiết hoá đến từng vùng, thậm chí đến từng thửa đât, kèm theo những qui định về áp dụng chế độ thâm canh, luân canh; chống xói mòn , bảo vệ đất. Mặt khác, cần có những giải pháp về tuyên truyền, giáo dục ; về các chế tài hành chính và luật pháp..được áp dụng một cách mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác quản lý quy hoạch bố trí cơ cấu cây trồng nói chung và quản lý, bảo vệ rừng nói riêng. Đồng thời cũng cần làm rõ phạm vi quản lý, trách nhiệm của bộ máy nhà nước, của người sử dụng đất, của các chủ rừng; trong đó có trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương; giám đốc các nông lâm trường; hợp tác xã..Kiên quyết không để tiếp tục xảy ra tình trạng ” lâm tặc ” và những người dân vì lợi ích ngắn ngày, đã và đang vô tình hay cố ý huỷ hoại diện tích rừng tự nhiên ít ỏi còn lại và gây ra sự giảm sút ” kho nước ” có liên quan đến sự phát triển bền vững sản xuất và đời sống của hàng chục triệu người vùng Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Trước mắt, cần tập trung giải quyết những yếu kém, bất cập của việc phát triển khá nhanh nhưng thiếu tính vững chắc của vùng sắn nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nguyên; từng bước sắp xếp lại các nhà máy chế biến tinh bột trong khu vực; cân nhắc kỹ chủ trương xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học từ sắn vì việc này làm tăng nguy cơ giảm sút diện tích rừng, vốn là giải pháp tối ưu để giải quyết khí thải độc hại./.
( 1 ), ( 2 ), ( 3 ) : Các số liệu dẫn chứng lấy từ Niên giám thống kê do Tổng cụ Thống kê phát hành năm 2005 và 2010.
Những trang đăng bài này
Tin Nông nghiệp Việt Nam
Cây Lương thực
Dạy vả học Đại học Nông Lâm HCM
Dạy và học trên BlogtiengViet
(Bài theo đúng bản email do tác giả gửi)
Cây Lương thực
Dạy vả học Đại học Nông Lâm HCM
Dạy và học trên BlogtiengViet
(Bài theo đúng bản email do tác giả gửi)
Đôi nét về tác giả:
Nguyễn Văn Mễ tóm tắt tiểu sử đại biểu quốc hội
Dư địa chí Thừa Thiên Huế: Lãnh đạo UBND tỉnh các thời kỳ
Phát hành bộ tem Cố đô Huế – di sản văn hóa thế giới
Lễ khai mạc Festival Huế 2002 dài 1 tiếng 45 phút
Phạm Ngọc Minh Đôi lời gửi ông Nguyễn Văn Mễ
Thừa Thiên – Huế có chủ tịch HĐND và UBND tỉnh mới
Ăn rừng
Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét