Lưu trữ

16/10/12

Lúa gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng gạo châu Á


CÂY LƯƠNG THỰC Lúa Việt Nam trong chuỗi cung ứng gạo châu Á chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi hiện nay các doanh nghiệp lúa gạo của ba nước Thái Lan, Myanmar, Philippines đã thành lập hiệp hội lúa gạo để phát triển chuỗi cung ứng gạo trong khu vực Đông Nam Á, hướng đến các thị trường lớn như Indonesia, Trung Quốc với những lợi thế so sánh trong đầu tư: Thái Lan cung cấp dịch vụ tiếp thị toàn cầu, Philippines cung cấp công nghệ và giống lúa, Myanmar có vai trò cung cấp đất và tài nguyên. Điều này sẽ tạo nên một OPEC lúa gạo thực sự, có khả năng chi phối giá gạo và ảnh hưởng an ninh lương thực trong khu vực và cả thế giới. Xét về kinh nghiệm quảng bà tiếp thị,lợi thế so sánh về đất đai và nguồn tài nguyên, giống lúa và quy trình kỹ thuật thâm canh lúa... Việt Nam sẽ còn nhiều rủi ro và khó khăn trong xuất khảu gạo không chỉ ở vấn đề phân khúc thị trường kém hơn, sản lượng gạo thấp hơn, thị trường truyền thống đang bị cạnh tranh và thu hẹp. Bài của Đỗ Thiện "Hiệp hội lúa gạo Asian: Vì đâu Việt Nam ra rìa?" đã đề cập điều đó.Giải pháp chính sách và quản lý là một trong những nổ lực để nâng cao giá trị của cây lúa và hạt gạo Việt Nam .  Diễn đàn Nông nghiệp quản lý rủi ro trong phát triển (FARMD), hội nghị thường niên năm 2012: Rủi ro và Lúa Gạo châu Á, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 17-18/10/ 2012 Hội nghị quy tụ các nhân và các tổ chức từ khắp châu Á và phần còn lại của thế giới, những người đang hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo. Hội nghị tập trung vào phạm vi rủi ro ngành công nghiệp gạo của châu Á đang phải đối mặt và thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với việc thực hiện các chiến lược để cải thiện quản lý rủi ro trên toàn ngành gạo châu Á.




>>>Thành tựu và giới hạn của việc áp dụng giống lúa cao sản ở ĐBSCL
>>> Gỡ khó cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 
>>> Nông nghiệp Việt Nam 9 tháng đầu năm 2012 đã xuất siêu trên 8 tỷ USD

HIỆP HỘI LÚA GẠO ASEAN: VÌ ĐÂU VIỆT NAM RA RÌA?

Xét về góc độ kỹ thuật, tài nguyên, quảng bá tiếp thị và cả giống lúa thì trong cuộc chơi với “hội đồng bộ ba” này, tương lai hạt gạo Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 1-10 vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin các doanh nghiệp ba nước Philippines, Myanmar, Thái Lan vừa thành lập hiệp hội lúa gạo để phát triển chuỗi cung ứng gạo trong khu vực Đông Nam Á, hướng đến các thị trường lớn như Indonesia, Trung Quốc… Tại sao Việt Nam “vắng mặt” trong hiệp hội này dù Việt Nam đã vươn lên giành vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo với sản lượng đạt 4,6 triệu tấn tính đến thời điểm nửa cuối tháng 8-2012.

Dù cách đây hơn một tháng, tờ báo Bangkok Post (Thái Lan) đưa tin bộ trưởng thương mại của năm nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan sẽ ký thỏa thuận thành lập Hiệp hội Gạo ASEAN trong sáu tháng cuối năm 2012 nhưng dường như hiện nay Việt Nam đang “ra rìa” trong cuộc chơi OPEC lúa gạo ASEAN - cuộc chơi mà theo Giám đốc điều hành Công ty Agrow Enterprise ở Bangkok Chiaki Furi nhận định rằng cần phải có sự góp mặt của Việt Nam.

Thái Lan lơ Việt Nam để trở thành “đầu tàu”

Có ít nhất ba giả thuyết được đặt ra trước một hiệp hội lúa gạo “phi Việt Nam” của ba nước khu vực ASEAN.

Thứ nhất, Thái Lan có thể là “đầu tàu” của hiệp hội lúa gạo lần này. Việc Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành “cường quốc xuất khẩu gạo” số một thế giới vào nửa cuối tháng 8 vừa qua khiến Thái Lan không khỏi lo ngại. Đó là chưa kể vị thế xuất khẩu gạo Thái Lan giảm đáng kể khi nước này tụt xuống thứ ba thế giới, với 4,36 triệu tấn. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên, theo Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Korbsook Iamsuri, là do chính sách trợ giá gạo cho nông dân của chính phủ Thái Lan khiến quốc gia này không thể giải tỏa gạo trong kho nhằm đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu liên chính phủ trong bối cảnh các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Ấn Độ có thể cung cấp một số lượng lớn gạo với giá rẻ hơn. Đó là chưa tính đến việc Việt Nam đang tiến hành xuất khẩu tập trung “phân khúc thị trường chất lượng cao”, khi gạo thơm và gạo cao cấp Việt Nam có lúc chiếm đến 60% thị phần Hong Kong (Trung Quốc), thay thế Thái Lan. Trên thị trường thế giới, tính đến hết tháng 5-2012, thị phần gạo thơm và cấp cao Việt Nam chiếm 35%, đạt 40,4 triệu USD. Điều này xuất phát từ chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện trong khi giá gạo Việt Nam mang tính cạnh tranh hơn gạo Thái Lan.

Trong bối cảnh đó, ngày 9-9 Hiệp hội Xuất khẩu gạo của Thái Lan đã “đánh động” chính phủ về tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu bắt nguồn từ lượng gạo tồn kho, và hơn nữa là những quan ngại về thương hiệu gạo Thái Lan trước một Việt Nam đang vươn lên nhanh chóng. Trước đó khoảng một tuần, tờ Bangkok Post dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Prasit Boonchoey, bày tỏ ý kiến phản đối việc hợp tác sản xuất lúa gạo Việt-Thái bởi lo ngại Thái Lan “dẫn đàn đi buôn” bởi gạo Việt có thể vượt mặt gạo Thái không chỉ về số lượng như hồi tháng 8-2012 mà còn về cả thị phần gạo chất lượng cao. Việc “đầu tàu” trong hiệp hội lúa gạo sẽ giúp Thái Lan tìm được những hợp đồng “cứu cánh” cho lượng hàng tồn kho hiện tại, lấy lại vị thế cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Thế nên, nếu quả thực Thái Lan là “đầu tàu” cho hội liên hiệp lúa gạo Thái Lan, Philippines, Myanmar kỳ này, thì việc “làm lơ” Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu chỉ có một Thái Lan thì chưa thể quyết định cho cả một hiệp hội lúa gạo khu vực. Yếu tố Philippines cũng cần được xem xét, nhất là trong thời gian gần đây Philippines có những “va chạm” trong những hợp đồng nhập khẩu gạo Việt Nam và nước này đang nuôi tham vọng không nhập khẩu lúa gạo vào năm 2013. Năm 2011, chính phủ Philippines “mở màn” động thái cho phép khu vực tư nhân chiếm nhập khẩu gạo với sản lượng lớn, đạt mức 650.000 tấn trên tổng 850.000 tấn của cả nước. Trong năm này, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines có lúc phải “thua đau”. Rất nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines phải hủy giữa chừng do sự yếu kém trong quá trình đàm phán của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam với các thương lái Philippines. Điều này khiến uy tín doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng do tính thiếu chuyên nghiệp, không chu đáo trong quá trình đàm phán.

Mặt khác, sự yếu kém trong việc quản lý tài chính của các thương nhân Philippines khiến họ chỉ mua được một lượng gạo rất nhỏ từ doanh nghiệp Việt Nam bởi rất ít ngân hàng chịu mở L/C cho thương nhân Philippines. Điều này khiến doanh nghiệp Việt, trước một nhu cầu xuất khẩu cao, trở nên thiếu “mặn mà” với thị trường này. Năm 2012, chính phủ Philippines chính thức quyết định cho phép khu vực tư nhân nhập khẩu toàn bộ lượng gạo trong bối cảnh những bài học thấm thía cùng những khó khăn tồn đọng năm 2011 chưa được giải quyết triệt để khiến quan hệ thương mại gạo Việt Nam - Philippines vẫn còn nhiều trở ngại cho cả hai bên. Trong khi đó, đầu tháng 8-2012, Thái Lan đã tiến hành đàm phán về tăng lên hơn 100.000 tấn gạo trong hạn ngạch xuất khẩu vào Philippines khi Philippines muốn duy trì biểu thuế nhập khẩu gạo cao 40% đến năm 2017. Thế nên, khi các doanh nghiệp Philippines tiến hành ký kết tham gia hiệp hội lúa gạo, việc “lỡ quên” Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bỏ lỡ cơ hội với Myanmar

Về nhân tố Myanmar, chỉ có một giả thuyết đặt ra là Việt Nam đã… chậm chân trong chính sách. Đã có các gợi ý “Liên minh lúa gạo Việt Nam - Myanmar: Tại sao không?” và cả các cảnh báo “đừng để trâu chậm uống nước đục” được báo chí đưa ra trong bối cảnh chính phủ Myanmar tiến hành các cuộc cải cách “phi màu sắc”. Tiềm năng của quốc gia từng được mệnh danh là “Chén cơm của châu Á” trong một thời gian dài xuất phát từ những tiềm năng tự nhiên đã được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin Việt Nam. Thậm chí, không ít các nhà đầu tư đã đến quốc gia này để tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Nhưng nếu nhìn ở cấp độ chính phủ, Việt Nam dường như chưa quyết liệt trong việc đưa ra các chính sách hợp tác nhằm tận dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp trời phú. Chính TS Võ Hùng Dũng, ngay từ đầu năm 2011, đã cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với Myanmar trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Theo đó, Việt Nam có thể tận dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp của Myanmar để đầu tư kinh nghiệm, nguồn vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, chuyển giao quy trình sản xuất, nâng cấp công nghệ... Ông Hùng còn gợi ý: “Chính phủ cần hỗ trợ để các nhà nông học, các nhà kinh tế tham gia các hoạt động tư vấn cho Myanmar, khu vực tư nhân sẽ tham gia khi môi trường kinh doanh thuận lợi”. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, Việt Nam dường như còn dè dặt và chưa có nhiều động thái đáng kể. Việc chính phủ không mạnh tay đầu tư “mở đường” khiến khu vực tư nhân “thiếu ánh sáng” cơ hội. Và trong trường hợp này, Thái Lan, Philippines đã làm tốt điều đó.

Hãy thử vẽ viễn cảnh của gạo Việt Nam khi hiệp hội gạo ba nước Thái Lan, Philippines và Myanmar hoạt động thành công. Khi đó, “bộ ba quyền lực” này, với những lợi thế so sánh trong đầu tư (Thái Lan cung cấp dịch vụ tiếp thị toàn cầu, Philippines cung cấp công nghệ và giống lúa, Myanmar có vai trò cung cấp đất và tài nguyên) sẽ tạo nên một OPEC lúa gạo thực sự, có khả năng chi phối giá gạo và ảnh hưởng an ninh lương thực trong khu vực và cả thế giới. Xét về góc độ kỹ thuật, tài nguyên, quảng bá tiếp thị và cả giống lúa thì trong cuộc chơi với “hội đồng bộ ba” này, tương lai hạt gạo Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ ở vấn đề: phân khúc thị trường kém hơn, sản lượng gạo thấp hơn, thị trường xuất khẩu truyền thống (Philippines, Trung Quốc, Indonesia…) giảm dần, vị thế gạo Việt Nam thấp dần (do Thái Lan phục hồi)… mà giá gạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tất nhiên khi đó, tương lai của người trồng lúa, thương nhân và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chắc chắn sẽ còn “lận đận” hơn hiện nay.


ĐỖ THIỆN (Báo Pháp luật)

NÔNG NGIỆP ĐÃ XUẤT SIÊU TRÊN 8 TỶ USD

10/15/2012

VIETNAM Shiper ngày 15/10/2012. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, kim ngạch nhập khẩu nông sản, vật tư nông nghiệp trong 9 tháng qua là 12,28 tỷ USD, còn kim ngạch xuất khẩu đã vượt 20,4 tỷ USD.

Như vậy, chỉ trong 9 tháng, ngành nông nghiệp đã xuất siêu đạt trên 8,1 tỷ USD với nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, gạo, gỗ, thủy sản… tiếp tục được giữ vững.

Trong 9 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,36 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt 2,85 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 36,8% về lượng và 29,8% về giá trị. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm đạt 2.119 USD/tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức và Mỹ tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Indonesia đã tăng trưởng đột biến với mức tăng lần lượt gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Trước sự “được mùa” của cà phê, mới đây ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- ca cao Việt Nam cho biết: “Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu nước ta đã thống nhất kiến nghị Chính phủ cho phép tạm trữ 300.000 tấn cà phê để điều tiết lượng xuất khẩu có lợi về giá”.

Đối với mặt hàng gạo, trong 9 tháng đã xuất khẩu được 6,2 triệu tấn với giá trị 2,78 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 4,5% về lượng nhưng giảm 6,1% về giá trị. Đặc biệt, giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Giá xuất khẩu bình quân chung 8 tháng đầu năm đạt 452 USD/tấn, giảm 9,2%.

Cũng theo số liệu của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông sản khác cũng có sự tăng, giảm khác nhau. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cao su chỉ đạt 2,05 tỷ USD (giảm 10,1%), điều đạt 1,06 tỷ USD (tăng 3,5%) và tiếp tục giữ vững vị trí xuất khẩu số 1 thế giới. Đặc biệt, các sản phẩm gỗ và lâm sản chỉ trong 9 tháng đã đạt kim ngạch tới 3,4 tỷ USD (tăng 20,4%). Lý do là các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc đều có sự tăng trưởng mạnh.

VIETNAM Shiper (Theo Vinanet)


GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN


GIẢI PHÁP VƯỢT KHÓ

Trong khó khăn chung của nền kinh tế, để giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (DNNNNT) đứng vững và phát triển, bên cạnh việc ban hành các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì các hiệp hội nghề và bản thân doanh nghiệp cũng cần nỗ lực kết nối với nông dân và cơ quan quản lý Nhà nước, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tích cực tìm kiếm thị trường mới...

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Ðinh Ngọc Minh, sau hơn hai năm thực hiện Nghị định (NÐ) 61 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đến nay, mới có 10/63 tỉnh, thành phố cấp "Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn" cho 42 dự án của 42 doanh nghiệp trên tổng số 25.760 DNNNNT với mức ưu đãi rất hạn chế. Cả năm 2010, kinh phí hỗ trợ chưa đến 10 tỷ đồng, năm 2011 khá hơn (hơn 40 tỷ đồng). Các khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách hầu như chưa được thực hiện, nếu có cũng chỉ là nguồn vốn lồng ghép, huy động từ các chương trình khác. Các chính sách về thuế, thuê đất, hỗ trợ đào tạo, công nghệ, tư vấn... chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn gần như không thu hút được doanh nghiệp. Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang gấp rút soạn thảo, xin ý kiến các địa phương, bộ, ngành để trình Chính phủ nghị định mới thay thế NÐ61 về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ hấp dẫn doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn, như hỗ trợ chế biến một số sản phẩm đặc thù mà nước ta đang có lợi thế về sản lượng như cao-su, cà-phê, chè, thủy sản, lúa gạo,...; tập trung vào phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, phát triển thủy - hải sản, chế biến cà-phê ướt, xử lý môi trường của các nhà máy chế biến nông, lâm-thủy sản, chế biến gỗ rừng trồng, chế biến nông sản, thủy sản; giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Hỗ trợ áp dụng sáng chế khoa học - công nghệ trong sản xuất của doanh nghiệp; quy hoạch và xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc tại các nhà máy, chế biến nông, lâm - thủy sản. Về đổi mới cơ chế tài chính, cho phép các doanh nghiệp được sử dụng tiền thuế phải nộp cho Ngân sách Nhà nước để sử dụng đầu tư vào các nội dung có mức hỗ trợ nhỏ theo chính sách quy định tại Nghị định và cuối năm sẽ được quyết toán thuế theo phương pháp nộp và chi đồng thời.

Giải bài toán vốn

Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Tịnh, thực tế ở Hải Dương, hầu hết các doanh nghiệp đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất phổ biến 14%/năm. Ðầu tư vào nông nghiệp mang tính rủi ro cao bởi sự bất thường và phức tạp của thiên tai, dịch bệnh và thị trường bấp bênh thì rõ ràng, các doanh nghiệp không thể chịu nổi mức lãi suất trên. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông nghiệp, nông thôn Việt Nam Lê Khắc Triết thì, khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng của các doanh nghiệp rất khó khăn. Sau khi đã vượt qua những rào cản khắt khe của thủ tục hành chính, lượng tiền vay được cũng chỉ đáp ứng được một phần hai, thậm chí một phần tư nhu cầu thực vay. Chính vì vậy, đã và đang có một thực tế là, tại hầu hết các địa phương trong cả nước doanh nghiệp đang tự "bơi", khi "đuối sức" sẽ buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh, hoặc dừng "cuộc chơi".

Mới đây, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp các Sở NN và PTNT, các hiệp hội chủ động rà soát số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng sản xuất, hàng tồn kho, tỷ lệ hàng tồn kho, tình hình tài chính, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng..., từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ và mở rộng tín dụng cho phù hợp, hiệu quả đối với từng ngành nghề, lĩnh vực của địa phương. Tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có triển vọng tốt, có khả năng phát triển, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường. Ðề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kiến nghị các biện pháp bình ổn giá lương thực, nông sản, chăn nuôi, thủy sản hợp lý nhằm ổn định và phát triển sản xuất, bảo đảm lợi ích cho nông dân.

Kết nối doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, nông dân và thị trường

Thời gian gần đây, trước khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành, Chính phủ, Bộ NN và PTNT đã có nhiều giải pháp đồng bộ để giúp các doanh nghiệp nông nghiệp như: hỗ trợ vốn vay đầu tư sản xuất, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp hằng năm nhằm tiếp thu ý kiến phản ánh về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và bàn các biện pháp tháo gỡ, trợ giúp thông tin cho doanh nghiệp về chính sách của Nhà nước, khảo sát thực địa doanh nghiệp hằng năm để nắm bắt tình hình thực tế và đề xuất kịp thời các chính sách, biện pháp trợ giúp. Tuy nhiên, do những ưu đãi này chưa đủ sức hấp dẫn, nên hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa cao.

Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp đến với nông nghiệp, nông thôn? Rõ ràng, để phát triển sản xuất, nông dân rất cần doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp không thể đứng vững nếu không có chính sách trợ giúp từ Nhà nước và không gắn bó với nhà nông. Ðể làm được điều này, vai trò của các hiệp hội ngành, nghề đã đến lúc cần được phát huy. Theo ông Lê Khắc Triết, các hiệp hội và hội nghề nghiệp cần phải thực hiện tốt vai trò cầu nối, kết nối doanh nghiệp với chính quyền địa phương, các bộ, ngành chức năng và kết nối giữa chính các doanh nghiệp với nhau trong thông tin thị trường, sản lượng để tránh bị ép giá trên thị trường thế giới. Ðồng thời, các hiệp hội sẽ phối hợp các bộ, ngành chức năng để tham gia quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường thế giới.

Thực tiễn khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay cho thấy, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc đưa nền kinh tế sớm ra khỏi suy thoái kinh tế thông qua việc tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho số đông dân cư. Vì vậy, phát triển và giúp đỡ DNNNNT tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, góp phần ổn định kinh tế đất nước.

*
* *

Theo Dự thảo Nghị định mới dự kiến thay thế NÐ 61 do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư soạn thảo, sẽ chỉ còn 15 lĩnh vực nông nghiệp thuộc danh mục ưu đãi đầu tư (theo NÐ 61 là 28 lĩnh vực). Tuy nhiên, mức ưu đãi lại lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí tương đương 50% thuế phải nộp cho ngân sách để chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng;... Nhìn chung, mức hỗ trợ của Nhà nước sẽ chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn của dự án.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, để thực hiện mức ưu đãi trên, tổng nguồn vốn thực hiện mỗi năm khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 5.000 tỷ đồng, vốn hỗ trợ qua thuế khoảng 3.000 tỷ đồng. Lượng vốn này sẽ giúp ngành nông nghiệp huy động được 18 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư/năm và tạo việc làm cho khoảng 500 nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16-10-2012.


TRUNG SƠN HẢO và DŨNG TRỊ (Báo Nhân Dân)

Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC
FOOD CROPS NEWS
FOOD CROPS
FOOD CROPS.VN
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi