Lưu trữ

5/1/13

Đầu xuân học để làm sản xuất hiệu quả

CÂY LƯƠNG THỰC. Kính chào bà con nông dân ! Chào các bạn sinh viên và cô bác anh chị em quan tâm khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Đầu xuân học để làm sản xuất hiệu quả, chúng ta cùng giáo sư Nguyễn Lân Dũng đi thăm Những điểm sáng trong nông nghiệp nước ta. Trong mười khâu kỹ thuật liên hoàn (10T): Thử nghiệm, Trình diễn, Tập huấn, Trao đổi, Thăm viếng, Tham quan hội nghị đầu bờ, Thông tin tuyên truyền, Thi đua, Tổng kết khen thưởng, Thiết lập mạng lưới người nông dân giỏi  đã được đề cập trong bài "Đêm trắng và bình minh". Bạn hẵn thấy tham quan hội nghị đầu bờ để học học trao đổi và  vận dụng phù hợp những bài học kinh nghiệm phù hợp cho điều kiện sản xuất thực tế cụ thể của chính mình là một trong những kinh nghiệm thành công. Hình trên là Thứ trưởng Bùi Bá Bổng và ông Hồ Quang Cua trên cánh đồng mẫu lớn trồng giống lúa thương hiệu Sóc Trăng áp dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp, ảnh tư liệu của Hoàng Kim. Mời bạn xem điểm tin và hình ảnh rất đẹp trong blog giáo sư Nguyễn Lân Dũng (http://blogtiengviet.net/nguyenlandung). Những đề mục (*) và hình ảnh vùng lúa đặc sản Sóc Trăng đầu trang do chúng tôi thêm vào để dễ đọc hơn và rõ thêm hột lúa, con cá Nam Bộ.
 
NHỮNG ĐIỂM SÁNG TRONG NÔNG NGHIỆP NƯỚC TA


Nguyễn Lân Dũng



Bài học cánh đồng mẫu lớn Thái Bình (*)

Thái Bình là một trong các tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn từ vụ xuân 2012. Mặc dù khi khởi xướng, mọi sự chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân của nông dân đã cơ bản xong xuôi, Thái Bình vẫn quyết tâm mở màn bằng 2 cánh đồng với diện tích 100 ha tại 2 xã Nguyên Xá - Vũ Thư và Vũ Hòa - Kiến xương. Vụ mùa 2012, sau khi Sở NN-PTNT mở hội nghị đánh giá kết quả thực hiện bước đầu 2 mô hình này, cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt đề án “xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu” 2012-2013, 5 cánh đồng với quy mô tối thiểu 50 ha cho lúa chất lượng, lúa giống đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên diện tích “cánh đồng mẫu” đã bùng lên tới trên 1.000 ha, ở cả những điểm không nằm trong đề án. Ngày 20/9/2012, Ban chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu và Sở NN-PTNT Thái Bình đã tổ chức hội nghị đầu bờ tham quan và đánh giá kết quả bước đầu triển khai mô hình cánh đồng mẫu tại thôn Ngô Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư vụ mùa 2012, với diện tích trên 50 ha và 396 hộ nông dân tham gia. Thời điểm mà hội nghị tham quan, cả cánh đồng rộng của thôn Ngô Xá, lúa đã ngả màu vàng óng, hơn 20 hộ nông dân tiêu biểu tham gia hội nghị rất hồ hởi, niềm vui được mùa hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Theo lịch, 4-5 ngày sau hội nghị, việc kiểm tra nghiệm thu đồng ruộng xong xuôi,Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) sẽ điều 2-3 máy gặt đập liên hợp để thu dứt điểm trên 50 ha lúa giống RVT, với mức năng suất thống kê theo mẫu, RVT đạt 63,2 tạ/ha; Cty thu mua với mức 1kg giống RVT tương đương 1,3 kg thóc thịt ngoài thị trường, như vậy nông dân sẽ có mức năng suất bình quân 82,16 tạ/ha (quy ra lúa thường bên ngoài). So với cánh đồng bên ngoài, chi phí thuốc BVTV giảm chỉ còn bình quân 2,05 lần phun, so với 2,64 lần phải phun ở bên ngoài, chi phí phân bón cũng giảm do sử dụng phân phức hợp và bón đúng cách, đúng lúc hơn… mức giảm tương đương 71 ngàn đồng tiền phân bón và 135 ngàn đồng tiền thuốc BVTV cho 1 ha. Lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình tăng trên 9 triệu đồng/ha.


Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình, ông Nguyến Hữu Rong đánh giá cao những kết quả ban đầu của cánh đồng mẫu với giống lúa thơm RVT. Theo ông Rong, cả cánh đồng trên 50 ha gieo cấy đồng loạt được một giống, một trà, không “xôi đỗ” là một sự cố gắng trong tổ chức, tuyên truyền, vận động bài bản, và cũng phải nói thẳng rằng, chỉ có hiệu quả, lợi nhuận cao nhờ việc chỉ đạo và áp dụng đồng loạt các tiến bộ kỹ thuật mới thuyết phục được gần 400 hộ nông dân như vậy. Đó cũng chính là mục tiêu mà “cánh đồng mẫu” hướng tới, xây dựng nông thôn mới để thực hiện được tiêu chí gia tăng thu nhập cho nông dân, chỉ có tổ chức lại sản xuất theo hướng này mới góp phần thay đổi diện mạo của sản xuất nông nghiệp và nông dân. RVT còn được gieo cấy ở 3 xã trên cánh đồng mẫu như xã Thụy An, Thái Thụy với 120 ha liền vùng, xã Thái Sơn gần 100 ha cũng liền vùng. Ông Đỗ Đức Viện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thái Thụy khẳng định thêm rằng, 2 mô hình RVT ở Thái Thụy đẹp và hiệu quả cao không kém mô hình này ở Nguyên Xá. Cty Hưng Cúc, đơn vị xay xát chế biến lúa gạo đã hợp đồng tiêu thụ lúa RVT cho cả 2 mô hình. Giống lúa chất lượng được gieo cấy nhiều ở Thái Bình là BT7 và T10; với các giống này, ở vụ mùa thường cho chất lượng gạo, độ thơm, dẻo và vị đậm hơn cũng giống lúa ấy gieo cấy ở vụ xuân, tuy nhiên trở ngại lớn nhất với giống lúa BT7, T10 là giống bị nhiễm nặng bệnh bạc lá, nhiều diện tích gieo cấy BT7 ở vụ mùa chỉ còn cho năng suất 40-42tạ/ha do toàn bộ lá công năng bị cháy khi lúa vào mẩy. RVT về cơ bản đã giải quyết được tình trạng này ở vụ mùa, đó cũng là lý do để RVT tham dự hầu hết vào các cánh đồng mẫu của Thái Bình.

Từ kinh nghiệm tổ chức sản xuất ở vụ xuân, vụ mùa này các cán bộ kỹ thuật của Cty CP BVTV An Giang và Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết và rất sớm từ đầu vụ, bởi vậy cả cánh đồng trên 50 ha đã đạt sự đồng thuận cao, giống được lựa chọn là lúa thơm chất lượng cao RVT; đây là giống lúa đã được Cty CP Giống cây trồng Trung ương đăng ký độc quyền và tổ chức sản xuất giống trên cánh đồng này, Cty cũng chính là DN bao tiêu sản phẩm lúa giống cho hộ tham gia. Toàn bộ quá trình sản xuất được chỉ đạo thống nhất về lịch thời vụ, gieo, cấy, bón thúc, phun phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn với nguyên tắc 4 đúng và hiệu quả, vỏ bao thuốc BVTV được hướng dẫn thu gom vào các bể, các lò đốt để tiêu hủy với sự tài trợ của Cty Cổ phần BVTV An Giang, như vậy môi trường sản xuất đã trong sạch hơn. Sản xuất hạt giống muốn đảm bảo độ đúng giống cần phải được khử lẫn 2 đợt trước thu hoạch, quá trình khử lẫn được chỉ đạo tập thể và làm triệt để, kỹ càng, đảm bảo giống được thu hoạch đạt yêu cầu các chỉ tiêu về kiểm định đồng ruộng trước thu hoạch, hạt giống cũng được chỉ đạo thu hoạch tập trung bằng máy gặt đập liên hợp. Ở đây, với sự tham gia của các DN cung ứng đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, lực lượng khuyến nông và HTX DVNN, quá trình sản xuất được quản lý chặt chẽ về dịch hại (IPM), quản lý cây trồng (ICM), 4 lần tập huấn và hướng dẫn cho nông dân tham gia mô hình đã được các cán bộ FF, cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật của Cty CP Giống cây trồng Trung ương phối hợp thực hiện, nông dân được phát và hướng dẫn sổ tay ghi chép đồng ruộng.


Nàng thơm chợ Đào Mỹ Lệ Long An

Nàng thơm Chợ Đào là đặc sản của Long An bởi đặc tính mềm cơm, mùi thơm tự nhiên, dẻo hạt ăn rất ngon. Nàng thơm Chợ Đào có điểm đặc biệt là dù trồng ở bất cứ nơi nào khác thì phẩm chất gạo cũng không bằng trồng ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước. Loại lúa này có chu kỳ sinh trưởng khoảng 6 tháng, thu hoạch vào cuối tháng Chạp nên chỉ làm 1 vụ mỗi năm và trồng ở xã Mỹ Lệ thì chỉ có thể cung cấp khoảng 1.500 tấn gạo/năm. Thực tế hiện nay, gạo Nàng thơm Chợ Đào vẫn có mặt thường xuyên và được bán quanh năm ở nhiều địa phương trong nước, điều này cho thấy đã có sự pha trộn với những loại gạo khác hoặc làm giả nhãn hiệu, đồng thời việc sử dụng phân hóa học làm nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu và kết hợp thâm canh tăng năng suất đã làm mất dần uy tín của gạo Nàng thơm Chợ Đào. Nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển ổn định thương hiệu gạo Nàng thơm Chợ Đào, Trung tâm Khuyến nông Long An phối hợp với huyện Cần Đước tổ chức triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu SX lúa Nàng thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ. Mô hình cánh đồng mẫu SX lúa Nàng thơm Chợ Đào được thực hiện tại ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ với diện tích 100 ha và được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm có 50 ha. Bà con tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 100% giống; 30% phân bón (chủ yếu là phân sinh học), thuốc BVTV. Trong quy trình bón phân, bà con được khuyến cáo sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để thay thế một phần phân hóa học, đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng gạo. Trong mô hình này thì Cty Hóa nông Hợp Trí sẽ cung cấp cho bà con các sản phẩm phân, thuốc BVTV với giá tương ứng với giá đại lý cấp I, sau khi kết thúc vụ bà con mới thanh toán chi phí cho Cty và không có lãi suất.




Cơ giới hóa sản xuất chè Thái Nguyên

Gấp cả trăm lần thủ công Mô hình tổ hợp tác áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong SX chè được triển khai tại huyện vùng cao Định Hóa (Thái Nguyên) đã thu hút sự quan tâm cũng như mong muốn lựa chọn thay đổi phương thức làm chè của nhiều nông hộ. Dự án khuyến nông xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong SX chè" được Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa triển khai trên địa bàn xã Sơn Phú với 12 hộ tham gia. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các hộ dân đã được tập huấn kỹ thuật và trang bị 3 loại máy làm chè (máy đốn, máy hái và máy phun thuốc). Ông Nguyễn Tiến Hành, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX chè xã Sơn Phú cho biết, với vài chục triệu đồng đầu tư để mua một bộ máy cơ giới hóa thì không phải gia đình nông hộ nào ở Sơn Phú cũng dám tham gia dự án. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm đưa các máy cơ giới đi khắp các nương chè từ xã đến huyện rồi ra cả các huyện khác của tỉnh, thậm chí sang cả Tuyên Quang trình diễn và làm thuê, được tăng thu nhập thì bà con khắp nơi đều muốn tậu 1 bộ máy như của ông.Ông Hành hạch toán, đối với máy hái chè thì cứ mỗi giờ chỉ cần hái nhẹ nhàng 1 tạ chè tươi, nhân với giá 3.000 đ/kg thì ông đã có mức thu nhập 300.000 đ/giờ. Vậy là, chỉ sau vài tháng đưa các máy đi hái, đốn và phun thuốc thuê, đã thu hồi đủ tiền đầu tư mua máy. Ông nói vui, trước kia cứ làm việc hết giờ hành chính ở Hội Cựu chiến binh là ông lại tất tả về nhà để “tập thể thao” cùng vợ trên nương chè. Từ ngày có máy, ông được chơi cầu lông ở xã, cả mẫu chè của gia đình đều do một mình vợ ông quán xuyến mà cũng không thấy kêu vất vả như trước. Đánh giá về năng suất của các máy cơ giới nhỏ, ông Vũ Văn Quang (xóm Vũ Quý, xã Sơn Phú) so sánh, gia đình ông có 6 sào chè. Khi chưa có máy thì ông phải thuê khoảng 20 người hái trong 3 ngày. Có máy thì chỉ 2 vợ chồng ông hái trong nửa ngày đã xong. Đáng nói là việc thuê người hái thì phải chi trả khoảng gần 2 triệu đồng cho mỗi lứa chè. Ngược lại, đối với việc hái máy thì vợ chồng ông chỉ phải bỏ ra vỏn vẹn ½ lít xăng trong nửa ngày chạy máy, tương đương hơn 10.000 đồng.Tương tự, đối với máy đốn chè, nếu đốn thủ công tạo tán thì một người sẽ đốn được khoảng ½ sào/ngày, trong khi đó, máy cơ giới nhỏ đốn chè sẽ đốn được khoảng 1 mẫu/ ngày. Máy trừ sâu cũng cho năng suất lao động rất cao. Có thể nói, hiệu suất công việc của các máy cơ giới hóa sẽ gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với lao động thủ công. Ông Hà Quang Bắc, thành viên của Tổ hợp tác cho biết, so sánh đơn thuần về năng suất lao động là như vậy, song điều quan trọng hơn là làm bằng máy thì người SX chè đầu tư ít hơn rất nhiều so với làm thủ công. Ví dụ, 1 mẫu chè nếu thuê hái tay như trước đây thì phải mất 3 triệu đồng. Nếu 2 người sử dụng 1 máy hái thì cộng cả công lao động lẫn tiền xăng chạy máy chỉ 200.000 đồng. Tính ưu việt khi áp dụng máy cơ giới nhỏ làm chè còn giúp bà con nông dân chủ động trong điều tiết cơ cấu thời vụ, đảm bảo thu hoạch, chăm sóc và chế biến chè đúng kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm. Ông Hà Quang Chì, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, giờ đây, cả một đồi chè rộng hàng héc ta được hái, đốn và phun thuốc trừ sâu chỉ trong 1 ngày, vì thế nương chè lên búp đều chằn chặn. Việc sử dụng máy cơ giới nhỏ trong làm chè cũng đòi hỏi người nông dân phải tạo ra một quy trình chuẩn trong SX chè nguyên liệu. Đó là việc tuân thủ quy trình về thiết kế nương chè, kỹ thuật trồng, chăm sóc… sao cho đến khi thu hoạch phải tạo được sự đồng đều búp trên tán chè của cả nương chè. Có vậy, máy cơ giới mới làm việc được. Ông Phó chủ tịch xã vui vẻ nói, chỉ sau hơn một năm qua, kể từ khi áp dụng cơ giới tổng hợp vào SX, các nương chè của xã đã thay hình đổi dạng. Chè nguyên liệu của Sơn Phú làm ra đến đâu được đặt mua hết luôn đến đó. So với làm lúa thì người dân 7 xóm làm chè đều có kinh tế khá giả hơn hẳn so với 21 xóm còn lại của xã


Nghề nuôi bò vỗ béo
ở Bình Định

Nghề nuôi bò vỗ béo đã và đang phát triển ở Bình Định, giúp không ít hộ nông dân thoát nghèo. Nghề này đang được ngành NNPTNT tỉnh khuyến khích nhân rộng. Anh Đào Tiến Luận (thôn Đại Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước) có thâm niên hơn 15 năm nuôi bò, cho biết: “Trước đây, tôi nuôi bò theo hình thức thả rông trên núi, thời gian nuôi khá lâu, một con bê từ khi sinh ra phải mất ít nhất 1 năm nuôi mới xuất bán được mà hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2007 đến nay, tôi quyết định chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Mỗi lứa tôi nuôi 2-3 con, chỉ sau từ 2-3 tháng nuôi vỗ béo, có lãi từ 3-3,5 triệu đồng/con”. Ông Hồ Minh Thương - người chuyên chăn nuôi bò vỗ béo ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, cho biết thêm: “Nguồn thức ăn để vỗ béo bò khá phong phú. Ngoài rơm, rạ sẵn có, chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp với một số thức ăn hỗn hợp là có thể nuôi bò vỗ béo hiệu quả. Gia đình tôi, sau mỗi mùa thu hoạch lúa, tôi tận dụng nguồn rơm, rạ để dự trữ làm thức ăn cho bò. Hèm rượu kết hợp với bột mì, cám, bột bắp làm thức ăn tinh nên chi phí giảm đáng kể. Mỗi năm, từ việc nuôi bò vỗ béo đã mang lại nguồn thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng cho gia đình". Tại huyện Tuy Phước, ngành NNPTNT huyện thực hiện thí điểm mô hình nuôi bò vỗ béo tại xã Phước An. Ban đầu chỉ có 15 hộ tham gia, sau gần 1 năm triển khai, đến nay, toàn xã có 60 hộ nuôi bò vỗ béo, với gần 200 con, tập trung chủ yếu ở thôn Đại Hội và An Sơn. Ông Hồ Trung Sơn- Chủ tịch UBND xã Phước An, cho biết: “Đây là mô hình phù hợp với địa phương, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các thôn trong xã”. Không chỉ phát triển mạnh ở Phước An, nghề nuôi bò vỗ béo đang trở nên thân thuộc với người chăn nuôi trên địa bàn xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn. Ông Dương Văn Khanh-Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: “Toàn xã có 800 hộ nuôi bò vỗ béo với tổng đàn bò gần 1.400 con, tập trung chủ yếu tại thôn Cù Lâm, Trường Cửu, An Thành… Chúng tôi đang triển khai dự án hỗ trợ lãi suất vốn vay cho bà con chăn nuôi phát triển nghề nuôi bò vỗ béo, với lãi suất vay ưu đãi 0,6%/tháng, thời gian vay 4 tháng. Bên cạnh đó, Dự án Sinh kế nông thôn của tỉnh cũng đang được triển khai hỗ trợ ND phát triển chăn nuôi vỗ béo bò”. Theo kinh nghiệm của người nuôi bò, giống bò nuôi tốt nhất là bò lai, có bộ xương to, vai rộng, ức sâu, mông và bản lưng lớn, phàm ăn, răng phát triển từ 70% trở lên (có 2-3 đôi răng); phải tiêm vaccin phòng bệnh lở mồm long móng, xổ giun, sán cho bò. Tại Phù Mỹ, năm 2011, ngành nông nghiệp huyện triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo tại 2 xã Mỹ Chánh Tây và xã Mỹ Tài với số lượng đàn 4 con/xã. Năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục triển khai mô hình bò vỗ béo tại xã Mỹ Trinh với 4 hộ tham gia, tổng đàn 6 con. Thông qua mô hình này, Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân từ khâu chọn bò đến chăm sóc, vỗ béo, tiêm phòng... Hiện mô hình nuôi bò vỗ béo phát triển ở 19 xã, thị trấn, với tổng đàn ước đạt trên 1.200 con. Riêng thôn Trung Thành 2 (xã Mỹ Quang) có gần 40 hộ tham gia, với gần 200 con. Đánh giá về hiệu quả của chương trình nuôi bò vỗ béo, ông Phan Trọng Hổ-Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, cho biết: Với thế mạnh là tỉnh có tỷ lệ đàn bò lai khá lớn cùng với nông dân có kinh nghiệm trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân mở rộng nuôi bò vỗ béo; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn nuôi bò vỗ béo, để người chăn nuôi học hỏi, nhân rộng. Nghề chăn nuôi bò vỗ béo được xem là nghề có thu nhập khá cao, thời gian thu hồi vốn nhanh nên được nông dân hưởng ứng.


Sản xuất kinh doanh giỏi ở Quảng Ngãi

Quảng Ngãi đang có gần 78.200 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh (Nông dân SXKD) giỏi các cấp, tăng gần 19% so với 3 năm trước. "Cách đây 10 năm, đối với nhiều gia đình nông thôn Quảng Ngãi, mức thu nhập 100 triệu đồng/ hộ/năm chỉ là niềm mơ ước, thế nhưng nay đã là chuyện quá bình thường. Nhiều hộ nhờ làm ăn giỏi còn mua ô tô con để đi lại, hay đầu tư 200-500 triệu đồng sắm ô tô tải vận chuyển nông sản cho gia đình, làm dịch vụ..." - ông Nguyễn Thế Nhân-Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.Từ nghề sản xuất mây tre đan, hộ ông Nguyễn Tấn Sinh, ở Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, đã thu về trên 100 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động và 50 lao động thời vụ. Ông Trần Thanh Trầm ở xã Phổ Thạch, Đức Phổ với nghề thu mua chế biến thủy hải sản, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, trở thành một trong những đại diện của tỉnh tham dự phong trào Nông dân SXKD giỏi toàn quốc và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2012. Không kém cạnh với đồng bằng, nhiều hộ nông dân các huyện miền núi đã vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Từ trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, ông Đinh Văn Điều (dân tộc Kdong, ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) thu về trên 150 triệu đồng/năm. Ngoài thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ trồng rừng kết hợp chăn nuôi, ông Phạm Văn Bút (dân tộc Hre, ở xã Ba Liên, huyện Ba Tơ) còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 -15 lao động ở trong thôn, với mức lương bình quân trên 2 triệu đồng/tháng/người... Cũng từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, nhiều tổ hợp tác và HTX mới ra đời đã và đang khẳng định hiệu quả, như HTX Nấm Đức Nhuận, huyện Mộ Đức; tổ hợp tác nuôi nhông trên cát ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn; các tổ, nhóm nông dân sản xuất rau sạch ở thành phố Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Bình Sơn...Theo thống kê của Hội nông dân tỉnh, đến thời điểm đầu tháng 8.2012, toàn tỉnh có gần 78.200 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi, trong đó cấp T.Ư có 68 hộ, cấp tỉnh 1.168 hộ, cấp huyện 25.516 hộ... Những huyện có nông dân SXKD giỏi chiếm tỷ lệ cao, như Mộ Đức, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi…Cùng với sản xuất kinh doanh, phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng phát triển mạnh. Trong những năm qua, nông dân trong tỉnh đã đóng góp hàng ngàn ngày công, trên 3 tỷ đồng để sửa chữa, làm mới, nâng cấp trên 1.000km đường liên thôn, liên xóm, nạo vét hàng trăm km kênh mương nội đồng, sửa chữa, đào đắp ao...Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh, bày tỏ: Thời gian tới, Hội nông dân tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân các nhà khoa học, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, hàng hoá, thông tin tìm kiếm thị trường, đào tạo nghề… giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và làm giàu chính đáng.


Trồng cam sành ở Trà Ôn Vĩnh Long

Những ngày này đi về các xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đều dễ nhận thấy ruộng lúa đã bị đào xới lên thành liếp để trồng cam sành. Gặp bất kỳ ai, nói chuyện gì một hồi sau họ cũng chuyển đề tài về cây cam sành. Lý do đơn giản là với giá cam hiện nay họ đang hi vọng đổi đời. Ông Nguyễn Văn Hồng (xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn) kể: “Vụ rồi tui trồng 1ha, thu hoạch 18 tấn, bán được 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Tui vừa mướn thêm 6.000m2 đất và đào luôn 4.000m2 của gia đình trồng cam luôn”. Ông Hồng cho biết chi phí thuê đất, lên liếp, mua cây giống gần 300 triệu đồng. Dù bỏ vốn ra khá nhiều nhưng ông không hề lo lắng: “Cả xã ai cũng trồng cam, ai cũng trúng lớn. Vụ tới tôi cũng sẽ trúng vậy thôi”.Cạnh đó, gia đình ông Lê Văn Một đang trồng mới mấy trăm gốc cam sành trên ruộng lúa vừa lên liếp. Hỏi vì sao trồng cam sành, ông Một nói: “Cày cục suốt mấy chục năm trời mà không khá nổi. Mấy anh em tui bỏ lúa trồng cam mấy năm trước, giờ ai cũng khá. Thấy vậy tui cũng làm theo coi có đổi đời hay không chứ làm lúa thì nghèo hoài”.Ông Nguyễn Văn Tám, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, cho biết diện tích cam sành của huyện hiện đã hơn 2.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ, Tích Thiện. Diện tích đất lúa biến thành vườn cam thời gian gần đây gần 100ha. Người dân tự đào ruộng lên liếp trồng nên không có vùng chuyên canh tập trung, mà lúa và cam trồng xen kẽ nhau gây khó khăn cho khâu chăm sóc cả hai loại cây này. Tại huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã và đang xảy ra tình trạng nông dân bỏ lúa trồng cam. Anh Nguyễn Thanh Đoàn (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè) vừa trồng cam, vừa nhìn về phía vườn cam đang cho trái cạnh đó nói: “Vườn cam đó vừa thu hoạch bán được mấy trăm triệu đồng. Thương lái tự tìm đến mua luôn, không phải như mấy cây khác đến mùa thu hoạch tìm thương lái đỏ con mắt”. Đây là lý do anh Đoàn và mấy anh em của anh quyết định bỏ lúa chuyển sang trồng cam sành.Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết mặc dù cây cam trồng hai năm rưỡi mới cho trái, nhưng nếu biết điều chỉnh rải vụ sẽ không đáng lo lắm. Hiện tại thị trường của cam sành chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, nhu cầu rất lớn. Cam sành ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng là bình thường. Thế mạnh của các tỉnh phía Nam là có thể trồng cam sành rải vụ cho trái quanh năm. Tuy nhiên ông Châu cho rằng muốn trồng cam sành đạt hiệu quả không hề dễ dàng vì đòi hỏi phải có sự liên kết, thống nhất giữa các địa phương với nhau. Tỉnh này xử lý cho thu hoạch tháng này, tỉnh kia thu hoạch tháng khác mới giữ được giá cam. Còn nếu vẫn để nông dân tự “bơi”, rất dễ tái diễn tình trạng nhiều địa phương cùng thu hoạch một lượt dẫn đến dư thừa, giảm giá rồi lại đốn bỏ trồng cây khác. “Ở Nhật trồng cam công nghệ cao để xuất khẩu thành công là do quy định các tỉnh xử lý cho thu hoạch khác nhau, tránh ứ đọng. Việt Nam mình cũng nên làm như vậy để nông dân không bị cảnh được mùa mất giá”


Hột lúa và con cá ở Nam Bộ


Nằm trong nhóm sản phẩm Quốc gia, có lẽ cá tra là sản phẩm nổi đình nổi đám nhất. Trên thị trường XK, dù liên tiếp đối phó nhiều vụ kiện cáo, vu khống, nhưng với sức trỗi dậy mạnh mẽ, cá tra đã tạo dấu ấn và đạt mức tăng trưởng không ngừng. Sông Mekong nổi tiếng là dòng sông mẹ ngọt ngào tạo nên sự phong phú đa dạng với hàng ngàn loài cá, tạo nguồn sinh kế cho hàng chục triệu người dân sống trong lưu vực. Trong đó cá tra dầu (tên khoa học là Pangasinodon gigas) đứng hàng đầu trong "dòng họ" cá tra, một trong những loài cá nước ngọt to lớn nhất thế giới. Một con có thể dài tới 3 m và nặng đến 250 kg. Loài cá này như một biểu trưng cho sự nguyên trạng về sinh thái trong lành của sông Mekong. Sông Mekong chảy vào vùng ĐBSCL chia thành hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, độ dốc của triền sông thoai thoải thấp dần đổ ra biển Đông. Nhờ có nguồn nước ngọt quanh năm dồi dào, các ao nuôi được cung cấp và thoát nước thuận lợi là điều kiện thiên nhiên ưu đãi bậc nhất để ĐBSCL hình thành nên nghề nuôi thủy sản tự lâu đời. Đặc biệt trong số các loài cá nuôi ở vùng này, cá basa và cá tra chiếm ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế. Những cư dân theo nghề cá có thâm niên lý giải: Cá tra có khả năng thích nghi với nhiều mô hình nuôi. Trước đây, cá basa chủ yếu nuôi trong lồng bè khu vực đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, sản phẩm cá ba sa khởi đầu trong "dòng họ" cá tra mở đường cho XK. Đó là dấu mốc lần đầu tiên-năm 1993 cá nuôi trong lồng bè trên sông đạt sản lượng khoảng 17.400 tấn, trong đó cá ba sa chiếm 3/4 sản lượng. Sau này cá tra nuôi trong ao, nuôi đăng quầng ở bãi bồi ven sông hay nuôi trong bè đều dễ thích ứng, lớn nhanh. Cùng với thành tựu SX giống cá nhân tạo và kỹ thuật nuôi thâm canh của các nhà khoa học, vùng nuôi cá tra mau chóng được mở rộng, trở thành sản phẩm chủ lực với những bước tiến thần kỳ. Những năm sau này lượng cá basa nuôi nuôi bè thu hẹp, đến năm 2011 chỉ chiếm khoảng 1%. Trong khi đó xu hướng chuyển sang nuôi cá tra trong ao tăng lên, nuôi thả với mật độ 20-40 con/m2, năng suất đạt 200-400 tấn/ha. Hệ thống nuôi này đóng góp 99% sản lượng cá tra nuôi ở ĐBSCL. Trong đó 4/8 tỉnh, thành có vùng nuôi cá đóng vai trò chủ lực như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long phát triển mạnh nghề nuôi cá tra, đóng góp 77% tổng sản lượng cá tra nuôi cả nước. Hiệp hội Chế biến & XK thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đúc kết, chỉ trong 12 năm (2001-2012) vùng nuôi cá tra mở rộng đạt gần 6.000 ha, tăng gấp 5 lần. Sản lượng cá nguyên liệu từ 37.500 tấn năm tăng lên 1.350.000 tấn, tăng gấp 36 lần. Sản lượng cá chế biến thành phẩm XK từ 17.000 tấn/năm tăng lên 660.000 tấn/năm, tăng gấp 40 lần. Giá trị kim ngạch XK tăng từ 40 triệu USD lên 1,865 tỷ USD, tăng gấp 45 lần. Thị trường XK ban đầu từ một số nước ở Châu Á nay mở rộng khắp 136 nước và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục. Ngày nay ở ĐBSCL ngành hàng cá tra đã hình thành một ngành công nghiệp nuôi và chế biến cùng với chuỗi SX, cung ứng dịch vụ phụ trợ tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người nông dân, công nhân trong vùng. Tuy nhiên cá tra VN vẫn chưa tận dụng hết lợi thế “độc nhất” để vươn lên trở thành một ngành hàng có thế mạnh chủ lực. Các chuyên gia kinh tế nhận định: Với một vùng nuôi chưa tới 6.000 ha mặt nước, cá tra VN đã đạt hơn 1,3 triệu tấn là một kỳ tích. Hơn nữa tiềm năng còn lớn, vùng nuôi ven sông có thể mở rộng. Thế nhưng vấn đề đặt ra nếu tiếp tục mở rộng SX cần phải tính đến mức tăng theo nhu cầu thị trường. Thực tế mấy năm qua cho thấy sự bất cập là, nếu nuôi nhiều thường tiêu thụ chậm, dân nuôi cá và các nhà máy luôn trong tình trạng cung -cầu không gặp nhau. Đây chính là trở ngại làm chậm sự phát triển ngành hàng này. Do đó mô hình liên kết giữa nông dân và DN vừa định hình đã được Bộ NN-PTNT ủng hộ. DN đóng vai trò chính và tốt nhất đưa ngành nuôi trồng, chế biến, XK cá tra là ngành “có điều kiện” nhằm tiến tới thành lập những vùng nuôi tập trung quy mô lớn, có đầu tư và quản lý bài bản. Trong đó đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng cá theo tiêu chuẩn quốc tế, hạ giá thành, khuyến khích mô hình trang trại để dễ kiểm soát “đầu vào, đầu ra”, tránh nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu & phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), liên kết trong SX quy mô lớn và tiêu thụ sản phẩm đều có nhiều lợi ích hơn SX quy mô nhỏ lẻ. Đây là hướng đi tất yếu trong hiện tại và lâu dài cho phát triển bền vững chuỗi ngành hàng. Tuy nhiên liên kết này chỉ thành công khi có được dự báo thị trường tốt, quy hoạch SX, quản lý vĩ mô tốt về con giống và nguyên liệu đầu vào nhằm cân đối cung cầu thị trường về số lượng, bảo đảm chất lượng. Hiện nay các nước EU là thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản lớn nhất trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu khoảng 50%, trong đó nhập khẩu lớn nhất là cá tra của Việt Nam. Do đó, trong các hoạt động theo đuổi phát triển ngành hàng cá tra, suốt 3 năm qua các chuyên gia nghiên cứu từ các nước EU đã sang tìm hiểu, phối hợp cùng với Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho chủ trang trại nuôi cá tra sạch trong khuôn khổ dự án “Phát triển nuôi trồng thủy sản theo chuẩn thương mại” (SEAT). Theo đó, gần 100 chủ trang trại nuôi cá tra qui mô lớn ở ĐBSCL nhiệt tình theo đuổi mục tiêu nuôi cá sạch, hướng tới phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra ở VN. Theo VASEP, hiện có hơn 130 DN XK cá tra. Trong đó 60 DN có nhà máy chế biến cá tra trực tiếp XK chiếm trên 90% doanh số; còn lại 72 DN thương mại chiếm dưới 10% doanh số. Riêng các DN có nhà máy chế biến và đầu tư vùng nuôi cá đáp ứng khoảng 50% sản lượng. Các chủ trang trại đặt niềm tin vào thị trường nhập khẩu cá tra từ các nước Châu Âu (EU), Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông… và đang thực hành SX sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Mới đây tại một vùng nuôi cá tra ven sông Hậu của một DN tại Cần Thơ, khách hàng Pháp đến đặt hàng SX cá sạch và cử nhân viên giám sát chặt chẽ quy trình kỹ thuật từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Tại An Giang, từ năm 2004 đến nay vẫn duy trì mô hình SX cá tra sạch XK 1.000 tấn/năm theo yêu cầu đặt hàng sang Đức. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang nói: Trong mấy năm qua dân nuôi cá tra ở An Giang đã chọn mua giống sạch bệnh, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1000CM, SQF 2000 CM, Global GAP. An Giang đã có 3 DN được chứng nhận các tiêu chuẩn này và hình thành 5 vùng nuôi cá tập trung. Các chuyên gia kinh tế dự án SEAT khẳng định, các nước EU là thị trường chính của sản phẩm thủy sản từ các nước châu Á. Trong đó, cá tra VN SX đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn sẽ có vị trí vững vàng đúng với giá trị ngon lành của nó.


Nguồn :
Blog Nguyễn Lân Dũng
http://blogtiengviet.net/nguyenlandung/2013/01/05/nharrng_a_iar_m_sa_ng_trong_na_ng_nghiar 


Trở về trang chính
Cây Lương thực

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi