Lưu trữ

18/11/13

Lương Định Của, con đường lúa gạo



DẠY VÀ HỌC. Câu chuyện vinh danh hạt ngọc Việt, hạt gạo làng ta, hạt vàng Việt Namcon đường lúa gạo Lương Định Của.  Đó là câu chuyện dài về một trí thức lớn gắn mình với ruộng đồng, với giảng dạy nghề nông, hiến mình cho con đường lúa gạo Việt Nam tỏa rộng. Lương Định Của (1920 – 1975) là giáo sư tiến sỹ nông học ngành di truyền giống.Thầy là người có công lớn trong giáo dục đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành cán bộ đầu đàn trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc, chọn tạo giống cây trồng và kỹ thuật thâm canh lúa, đặt nền móng cho nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và nghề lúa Việt Nam.



Lương Định Của cuộc đời và sự nghiệp

Giáo sư bác sĩ Nông học Lương Định Của, anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật, cuộc đời và sự nghiệp còn mãi với thời gian, với con đường lúa gạo Việt Nam đang tỏa rộng nhiều vùng đất nước kết nối lớp lớp những dâng hiến lặng lẽ tôn vinh hạt ngọc Việt. Cây lúa Việt Nam nửa thế kỷ nhìn lại (1975-2014) có tốc độ tăng năng suất vượt 1,73 lần so với thế giới. Thành tựu này có cống hiến hiệu quả của nhà bác học nông dân Lương Định Của ở chặng đường đầu của nước Việt Nam mới.
Giáo sư Lương Định Của (Quốc – 梁定国) sinh ngày 16 tháng 8 năm 1920 tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Theo văn bia gia đình thì ông nội của giáo sư là Lương Đức Ngãi, bà nội là Trịnh Thị Xuân, cha là Lương An Hùng và mẹ là Huỳnh Thị Có. Ông Lương Định Của lên Sài Gòn học xong tú tài và đã du học ở Hương Cảng (y học) rồi Thượng Hải (kinh tế) trước khi được học bổng của chính phủ Nhật Bản, sang Nhật năm 1942, được nhập ngang vào học năm thứ ba tại Trung tâm Nghiên cứu Nông học Nhiệt đới thuộc Trường Đại học Quốc gia Kyushu. Năm 1945 ông cưới vợ là bà Nobuko Nakamura (中村信子) người Nhật.  Năm 1946, ông chuyển sang Trường Đại học Quốc gia Kyoto và được cấp bằng tiến sỹ nông học ở Nhật Bản. Năm 1954, ông cùng gia đình về Sài Gòn. Sau đó tập kết ra Bắc, làm Phó Giám Đốc Học Viện Nông Lâm Hà Nội , giảng dạy di truyền giống ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam) và làm Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm.
Giáo sư Lương Định Của là người có công lớn trong giáo dục đào tạo, Thầy đã huấn luyện được  nhiều thế hệ học trò trở thành cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc. Giáo sư Lương Định Của đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng nông nghiệp nổi tiếng một thời như Giống lúa Nông nghiệp I lai tạo từ giống Ba thắc (Sóc Trăng – Nam Bộ) với Kun Ko (Nhật Bản) là giống lúa sớm đi vào sản xuất trên đồng ruộng Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó là nhiều giống mới mang tên  “giống bác sĩ Của” như lúa chiêm 314 (lai giữa dòng Đoàn Kết và Thắng Lợi), NN75-1 (lai giữa giống 813 với NN1), NN8-388 (chọn giống từ IR8), lúa mùa Saisubao, lúa xuân sớm NN75-5, giống dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt, chuối, rau, táo…  cùng với những ứng dụng tiến bộ kĩ thuật tam bội thể, tứ bội thể, chất kích thích sinh trưởng. Giáo sư đề xướng mô hình canh tác “bờ vùng, bờ thửa” “cấy nông tay thẳng hàng” “đảm bảo mật độ” được hàng chục triệu nông dân áp dụng trên diện rộng, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp.
Cuộc đời của giáo sư là tấm gương sáng của một trí thức lớn dấn thân vì đại nghĩa, sống thanh đạm, giản dị, say mê, tận tuỵ với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học tạo giống cây trồng, cải tiến kỹ thuật canh tác để mang lại đời sống tốt hơn cho người dân.
Giáo sư Lương Định Của được bầu là đại biểu Quốc hội các khoá 2, 3, 4, 5, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1967 và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996.
Nhiều con đường, mái trường Việt Nam mang tên Thầy. Năm 2006, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập Giải thưởng Lương Định Của để hằng năm trao tặng cho những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.



GS Lương Định Của mất ngày 28 tháng 12 năm 1975, mai táng tại Nghĩa Trang Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ của giáo sư, bà Nobuko Nakamura, sống cùng gia đình con trai cả Lương Hồng Việt ở thành phố Hồ Chí Minh.


Cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học nông dân Lương Định Của còn mãi với thời gian, với con đường lúa gạo Việt Nam đang tỏa rộng nhiều vùng đất nước kết nối lớp lớp những dâng hiến lặng lẽ tôn vinh hạt ngọc Việt.  Cây lúa Việt Nam nửa thế kỷ nhìn lại (1975-2014) tốc độ tăng năng suất  vượt 1,73 lần so với thế giới (Năm 2013 năng suất lúa gạo Việt Nam đạt 5,57 tấn/ ha so với năm 1975 là 2,11 tấn/ ha, gia tăng 3,46 tấn/ ha. Năm 2013 năng suất lúa gạo thế giới đạt 4,48 tấn/ ha so năm 1975 là 2,49 tấn/ ha gia tăng 1,99 tấn/ ha). Thành tựu này có cống hiến hiệu quả của nhà bác học nông dân Lương Định Của ở chặng đường đầu của nước Việt Nam mới.



Lương Định Của, con đường lúa gạoLương Định Của cuộc đời và sự nghiệp; Lương Định Của quê hương và dòng họ; Lương Định Của những năm tháng tuổi trẻLương Định Của luồng gió từ Hà Nội;  Lương Định Của nhà bác học nông dânLương Định Của chính khách giữa lòng dân;  Thầy bạn và học trò Lương Định Của;  Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường

Lương Định Của, quê hương và dòng họ

Chuẩn bị xong những việc sau cùng để ngày mai cấy các bộ giống lúa mới, chúng tôi lên đường về thăm quê hương thầy Lương Định Của khi trời đã xế chiều. Chúng tôi đến thăm cụ Sáu, em gái Thầy Lương Định Của và thắp hương tại khu mộ gia đình Thầy khi trăng rằm tháng giêng lồng lộng đang lên. Ruộng lúa Đại Ngãi, Trường Khánh xanh ngát dưới ánh trăng.

Ngôi nhà niên thiếu và phần mộ tổ tiên, cha mẹ song thân của giáo sư Lương Định Của tại ấp Ngãi Hoà, cách trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Đại Ngãi khoảng 3 km, và phải đi bằng xe ôm vì lối đi nhỏ bé, thuần phác, khiêm nhường giữa vùng quê Nam Bộ. Xe ôm chạy hun hút dưới vòm dừa nước y như trong vườn thiêng cổ tích.


Một số hình ảnh Rằm xuân thăm thầy Lương Định Của tại ấp Ngãi Hòa, xã Đại Ngãi
Cha và mẹ của thầy Lương Định Của là Lương An Hùng và Huỳnh Thị Có cùng ông bà nội là Lương Đức Ngãi và Trịnh Thị Xuân đều an táng tại làng quê Đại Ngãi. Chúng tôi bâng khuâng trước phần mộ tổ tiên, cha mẹ song thân của bậc anh hùng. Nơi đây mấy trăm năm trước hẵn rất hoang vu, bởi lẽ mãi cho đến tận nay, vẫn vùng quê hẻo lánh đến vậy. Tôi chợt thấm thía câu thơ Sơn Nam:

Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Tay ôm đàn độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Từ Cà Mau Rạch Giá
Dựng chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mờ như sương
Thân chưa là lính thú
Sao không về cố hương?
Anh Lương Hồng Việt nói với tôi tổ tiên họ Lương của anh có nguồn gốc Phúc Kiến lánh nạn Mãn Thanh sang cư trú ở Đàng Trong hồi thế kỷ XVII. Nam Bộ là nôi nuôi dưỡng của đại gia đình các dân tộc người Việt, người Hoa, người Khơ Me. Nhiều người Hoa trong số họ đã chung sức cùng người Việt, người Khơ Me khẩn hoang, giữ gìn và sinh sống nhiều đời tại quê hương.

Từ Đại Ngãi, Sóc Trăng về Hà Tiên không xa. Đó là nơi khởi nghiệp của Mạc Cửu công thần đất Hà Tiên ”phên dậu Đại Việt đất phương Nam” và vùng danh thắng Hà Tiên thập vịnh Mạc Thiên Tích. Mạc Cửu là Tổng trấn Hà Tiên, thành hoàng lập trấn địa đầu của đất cực Nam Tổ quốc. Mạc Thiên Tích con của Mạc Cữu làm Tổng binh Đại đô đốc thời chúa Nguyễn Phúc Trú. Hai cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và dòng họ Mạc là những người có công lớn đối với non sông Việt trong sự khai khẩn và trấn giữ miền Tây Nam Bộ. “Chẳng đội trời Thanh Mãn/ Lần qua đất Việt bang/ Triều đình riêng một góc/ Trung hiếu vẹn đôi đường/ Trúc thành xây vũ lược/ Anh Các cao văn chương” (thơ Đông Hồ). Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt đã nhận xét rất chí lý: “Nhờ có Mạc Cửu, người Việt mới bước qua bờ nam sông Tiền”.
Từ Đại Ngãi, Sóc Trăng đi lên hướng Sài Gòn - Gia Định – Đồng Nai – Biên Hòa là vùng đất khởi nghiệp lừng lẫy của Trịnh Hoài Đức công thần nhà Nguyễn, quan Thượng thư, hiệp Tổng trấn, Điền toán (chuyên coi về sự cày cấy khai khẩn đất đai Nam Bộ), nhà thơ, nhà văn, sử gia nổi tiếng với tác phẩm Gia Định thành thông chí một công trình được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao. Đó cũng là nơi có bậc danh nho Võ Trường Toản cùng với các học trò của ông cũng là những công thần lỗi lạc của nhà Nguyễn như Ngô Tùng Châu, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh,  Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm, những người Việt gốc Hoa noi theo gương thầy Chu Văn An đời Trần, thực lòng yêu thương cộng đồng đại dân tộc Việt Nam, cùng chung lưng đấu cật, góp xương máu, công sức xây đắp nên cơ nghiệp muôn đời.

Và nay có người phụ nữ Nhật
Nakamura Nobuko thuận theo giáo sư Lương Định Của “thuyền theo lái, gái theo chồng” tạo dựng nên công đức cùng chồng là vậy


Lương Định Của những tháng năm tuổi trẻ

Ruông lúa Trường Khánh Đại Ngãi Long Phú Sóc Trăng dưới ánh trăng rằm tháng Giêng lúc 7g30 mà lồng lộng xanh mướt lạ thường (ảnh Hoàng Kim)

Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi xuân của Lương Định Của khởi đầu ở vùng quê Đại Ngãi, Long Phú, Sóc Trăng, nơi vùng lúa Trường Khánh (Ruông lúa Trường Khánh Đại Ngãi Long Phú Sóc Trăng dưới ánh trăng rằm tháng Giêng lúc 19g30 mà lồng lộng xanh mướt lạ thường - ảnh Hoàng Kim) Ông là con trưởng trong một gia đình cha mẹ là điền chủ, mất sớm. Ông có hai em gái và một em trai. Ông theo học tiểu học ở Sóc Trăng, trung học ở Sài Gòn, học tiếng Anh ở Hồng Công và Thượng Hải nhờ hoa lợi số ruộng đất cha mẹ ông để lai. Sau đó ông xin được học bổng Nhật Bản theo học Khoa Nông học Trường Đại học Tổng hợp Kyushu. Kế đó, ông lấy vợ Nhật và theo học tiếp Tiến sĩ Nông học, rồi làm giảng sư Đại học Tổng hợp thành phố Kyoto.


Con đường tuổi thơ Ngãi Hòa, Đại Ngãi, Trường Khánh quê hương Lương Định Của lung linh huyền thoại (ảnh Hoàng Kim)
Con đường tuổi thơ Ngãi Hòa, Đại Ngãi, Trường Khánh quê hương Lương Định Của lung linh huyền thoại (ảnh Hoàng Kim)

Tuổi xuân và những năm tháng đại học
Nhà báo Phan Quang kể về tuổi xuân và những năm tháng đại học của giáo sư Lương Định Của trong bài Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của.

“ Lương Định Của sinh ngày 16-7-1919 tại làng Đại Ngãi, huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình điền chủ theo đạo Thiên chúa. Cha mẹ mất sớm, lúc ông mới mười hai tuổi. Hồi nhỏ học Trường tiểu học Taberd ở thị xã Sóc Trăng, rồi chuyển lên Sài Gòn theo bậc trung học cũng tại Trường Taberd.

Đến năm thứ tư, Lương Định Của xin sang Hồng Công học tiếp tại trường La Salle College với ý định trau dồi tiếng Anh thật giỏi để sau này đi vào ngành thương mại. Sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào đại học (tiếng Anh gọi là University Matriculation), ông rời Hồng Công lên Thượng Hải học. Ở Hồng Công thời ấy chỉ có mỗi một trường đại học, học phí rất cao, trong khi tại Thượng Hải, sinh hoạt rẻ hơn.
Tại đây, ông theo học Trường đại học Saint John’s. Đang học dở chừng thì chiến tranh thế giới lan rộng và ngày càng ác liệt. Cuộc sống của lưu học sinh tại Trung Quốc trở nên bấp bênh. Lương Định Của hiểu, cần phải tìm nguồn sinh hoạt ổn định ở ngay nước ngoài, vì rất khó trông chờ vào món tiền mà ông bác ruột trích từ hoa lợi số ruộng đất cha mẹ ông để lại ở Sóc Trăng vẫn tháng tháng gửi sang cho như những năm trước. Thấy một người bạn học gửi thư xin học phí du học tại Nhật Bản và được chấp thuận dễ dàng, ông cũng nộp đơn và được chấp nhận cho sang Nhật.
Bước chân lên đất nước Phù Tang xưa kia không mấy khác nước mình, nay nhờ công cuộc duy tân đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, chàng thanh niên Lương Định Của vẫn ôm ấp mộng làm giàu bằng con đường thương mại. Nhờ tiếp xúc với một số nhà yêu nước Việt Nam sống lưu vong, theo lời khuyên của họ, sau một năm học tiếng Nhật, ông bỏ ngành thương mại chuyển sang học ngành nông nghiệp với hoài bão rõ rệt mang vốn kiến thức về quê hương thiết thực phục vụ đất nước.
Ông theo học Khoa Nông học Trường Đại học Tổng hợp Kyushu. Năm 1945, Nhật Bản thua trận. Nhân dân Nhật trải qua một thời kỳ cực kỳ khó khăn dưới sự chiếm đóng và cai quản trực tiếp của quân đội Mỹ. Miếng ăn hằng ngày còn chưa đủ, không ít người Nhật đói rét. Chính phủ Nhật Bản làm gì còn có học bổng ưu ái cho du học sinh nước ngoài.
Để có thể tiếp tục theo học, cũng như mọi sinh viên khác, Lương Định Của làm đủ nghề: gia sư, biên dịch tài liệu, phiên dịch tiếng Anh… Cái vốn Anh ngữ lúc này thật sự có ích vì hồi ấy không có nhiều người Nhật sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Sự giúp đỡ của Việt kiều ở Nhật là niềm khích lệ lớn đối với ông. Đặc biệt những người Việt Nam vì chống Pháp phải sống xa quê đã bồi dưỡng và khuyến khích lòng yêu nước vốn có trong chàng thanh niên Nam Bộ.” 

Bác sĩ Nông học, Giảng sư Đại học
Sau thời kỳ tuổi xuân và những năm tháng đại học. giáo sư Lương Định Của học tiếp Tiến sĩ Nông học và làm giảng sư Đại học Tổng hợp thành phố Kyoto, Nhật Bản. Nhà báo Phan Quang trong bài Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của  phần 1 viết tiếp:
“Lương Đình Của miệt mài học tập, nghiên cứu. Một nhà khoa học nổi tiếng khác, cũng là lưu học sinh cùng thời với Lương Định Của là bác sĩ Đặng Văn Ngữ, trước khi về nước phục vụ đã khuyên ông nên ráng ở lại học tập cho thành đạt rồi về sau cũng không muộn. Lương Định Của mãi biết ơn lời khuyên của bạn.
Năm 1947, tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Tổng hợp Kyushu, ngành nông nghiệp. Phần lớn lưu học sinh nước ngoài ở Nhật Bản hồi ấy giật được mảnh bằng đều đi kiếm việc làm hoặc về nước để sớm chấm dứt cảnh thiếu thốn nơi đất khách quê người. Lương Định Của phân vân. Ông cảm thấy vốn kiến thức của mình còn mong manh quá. Nếu muốn thật sự phục vụ đất nước thì còn phải học tập thêm nhiều.
Ông quyết định xin vào làm phụ việc ở Trường Đại học Tổng hợp thành phố Kyoto, cố đô nước Nhật và cũng là quê hương bà Của, tình nguyện làm việc không hưởng lương. Đổi lại, ông được phép đọc sách ở thư viện và dùng một số giờ nghiên cứu, thực nghiệm tại phòng thí nghiệm của nhà trường.
Một lần nữa, cái vốn ngoại ngữ lại có ích cho ông. Ngoài công việc chuyên môn hằng ngày, còn nhận biên dịch ra tiếng Anh và đánh máy các công trình, luận văn cho một số giáo sư trong trường.
Sức làm việc của chàng thanh niên Việt Nam cần cù, ít nói, gây ấn tượng và dần dần giành được lòng yêu mến của các thầy. Trường Đại học Kyoto chính thức cấp cho ông học bổng nghiên cứu sinh. Một thời gian sau, trường bổ nhiệm ông làm một chân tập sự trợ lý (sub-assistant), trong khi chờ đợi hội đủ điều kiện thi lấy bằng tiến sĩ. Một số tạp chí khoa học Nhật Bản và ở nước ngoài bắt đầu đăng tải các công trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh Lương Định Của. Bài báo đầu tiên ông được công bố trên một tạp chí khoa học tên tuổi ở nước ngoài phản ánh phần nào sức đọc của ông.
Đó là Thư mục về các công trình nghiên cứu di truyền học xuất bản ở Nhật Bản, thời gian 1941- 1948 (tạp chí Heredity, London, số 4 năm 1950, trang 121-133). Trong khoảng thời gian trên dưới hai năm (1950-1952), các tạp chí khoa học lớn công bố mười hai công trình của nhà nghiên cứu trẻ.
Ông là một người rất thành thục công việc trong phòng thí nghiệm. Với thiết bị của Trường Đại học Kyoto, Lương Định Của đã chụp được ba vạn tấm ảnh nhiễm sắc thể cây trồng. Sau này có dịp sang thăm Viện Nghiên cứu Lúa gạo Hoa Nam, gặp nhà khoa học Trung Hoa chuyên gia nổi tiếng thế giới về cây lúa là Giáo sư Đình Dĩnh, bác sĩ nông học Lương Định Của được Giáo sư mời thao tác phương pháp chụp ảnh nhiễm sắc thể đã nhuộm mầu sau khi cắt tế bào tại phòng thí nghiệm cho các nhà khoa học của Viện tham khảo.
Mùa hè năm 1951, Lương Định Của trình luận văn về công trình nghiên cứu nhiều năm của mình với chủ đề: “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”. Hội đồng khoa học Trường Đại học Tổng hợp Kyoto nhận xét, với kết quả nghiên cứu khoa học của mình, Lương Định Của đã có cống hiến lớn cho nền nông học trong việc cải thiện giống lúa, và bỏ phiếu nhất trí cấp học vị Bác sĩ Nông học cho ông. ”
“Cùng với học vị bác sĩ, Lương Định Của còn nhận được bằng khen và tiền thưởng của Viện Nghiên cứu Sinh học Kinhara về công trình “Sự sinh sản của giống lúa lai tạo từ hai giống lúa Japonica và Indica”.
Báo cáo khoa học của Viện khẳng định, với công trình này Lương Định Của đã giải quyết tốt một vấn đề từ năm 1930 đến lúc bấy giờ chưa có ai xử lý được. Một số kỹ thuật do Lương Định Của phát minh, trong đó có phương pháp xử lý rễ trước khi cố định trong việc nghiên cứu hình thái nhiễm sắc thể công bố lần đầu trên tạp chí Botanical Gazette (Mỹ) được ứng dụng rộng rãi tại Nhật Bản.
Kỹ sư Hồ Đắc Song, phó vịên trưởng Viện Cây Lương thực, Cây Thực phẩm một người cộng tác nhiều năm với bác sĩ Lương Định Của, có lần cho biết: Phát minh của Lương đã được ứng dụng ngay từ hồi ấy trong việc lai tạo giống lúa tại Hoa Kỳ, gọi là phương pháp Lương Định Của.
Theo báo chí Nhật Bản, kể từ những năm đầu công cuộc duy tân đất nước thời Minh Trị thiên hoàng cho đến lúc bấy giờ (1888-1951), trong hơn sáu mươi năm, nước Nhật mới cấp học vị bác sĩ nông học cho hai trăm năm mươi người. Lương Định Của là nghiên cứu sinh trẻ tuổi nhất khi nhận học vị, và cũng là người ngoại quốc duy nhất được cấp bằng bác sĩ nông học tại Nhật bản cho đến lúc bấy giờ.
Nhà báo Phan Quang có dịp được xem những bài báo viết về sự kiện ấy, những mẩu báo cắt chữ in vẫn còn rõ nét tuy giấy đã ố vàng và cứ chực mủn ra vì được xếp lẫn quần áo trong chiếc va ly tàng tàng bất ly thân của gia đình sau mấy chục năm cùng hai ông bà Lương Định Của bôn ba chuyển dịch nhiều nơi.
Báo Mainichi Shimbun số ra ngày 26 tháng Năm năm Chiêu Hòa thứ 26 đăng chân dung lớn của nhà khoa học trẻ với vầng trán cao, chiếc cằm nhọn, khuôn mặt gầy thanh nhã. Tin đăng kèm cho biết nhà khoa học ba mươi mốt tuổi Lương Định Của là người Việt Nam đầu tiên được cấp bằng bác sĩ nông học của Nhật bản. Báo đưa khá chi tiết lý lịch của ông, nói rõ Lương được sự hướng dẫn của Giáo sư nổi tiếng Kinhara, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh học mang tên ông.
Cũng báo Mainichi, một số trước đó đăng ảnh Lương chăm chú trước kính hiển vi, bên cạnh là tấm ảnh khác chụp cận cảnh những hạt lúa do ông lai tạo nên, to gấp đôi những hạt lúa so sánh.
Báo Kyoto Shimbun cũng in ảnh những bông lúa mới được lai tạo nên. Bài báo cho biết thêm, kết quả này đã được thông báo cho Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO) đóng tại Rome, đồng thời cũng thông báo đến Thủ tướng Ấn Độ J.Nerhu là người đang hết sức quan tâm giải quyết vững chắc vấn đề lương thực cho năm trăm triệu dân nước Ấn Độ mới giành lại được độc lập. v.v…
Mấy tháng sau khi nhận học vị bác sĩ nông học, tháng Mười năm 1951, Lương Định Của được Bộ Giáo dục Nhật Bản bổ nhiệm làm giảng sư Trường đại học Kyoto. Ông là người ngoại quốc duy nhất thời ấy được bổ nhiệm làm giảng sư chính thức ở một trường đại học quốc lập Nhật Bản. Theo những người am hiểu, chức vị giảng sư ở Nhật tương đương với phó giáo sư (tiếng Nhật gọi là phó giáo thụ) tuy chưa phải chính ngạch, bởi Nhà nước khống chế số lượng giáo sư và phó giáo sư ở các trường đại học trong một khung biên chế nhất dịnh, chỉ khi nào có ghế khuyết thì nhà trường mới được bổ nhiệm người khác thay vào, còn lại đều gọi là chung là giảng sư.
Khi bắt đầu nhận việc với chức trách giảng sư một Trường đại học quốc lập Nhật Bản, Lương Định Của đã kết hôn với một phụ nữ địa phương dòng dõi quý tộc và đã có hai con. Cuộc sống gia đình ổn định. Tương lai xán lạn mở ra trước mắt nhà khoa học trẻ.“
Sự mô tả khá chi tiết trên đây của nhà báo bậc thầy Phan Quang đã cung cấp cho chúng ta các thông tin chân thực từ năm 1919 đến năm 1951.
Theo Thông tin về một người đàn anh (Đặng Lương Mô) thì Giáo sư Ogata Kazuo (緒方一夫) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nông học Nhiệt đới(熱帯農学研究 センタ ー), Đại học Quốc gia Kyushu đã viết về hai người tiến sỹ nông học xuất thân Đại học Quốc Gia Kyushu này. Đó là Lương Định Của (Quốc) và Võ Tòng Xuân.
LuongDinhCua3 
Tài liệu : (九州大学広報誌)

Năm 1945, ông tốt nghiệp Đại học Đế quốc Kyushu, coi như là đợt cuối cùng của chế độ đại học cũ (旧制大学)của Nhật Bản. Cũng năm 1945, sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, ông lấy bà Nakamura Nobuko(中村信子). Rồi ông chuyển sang ĐHQG Kyoto, ở đó ông được cấp bằng Tiến sỹ Nông học (農学博士).

Điều chưa rõ là ngày sinh 16.8.1920 hay 16.7.1919 cần được xác minh thêm. Cách gọi học vị “Bác sĩ Nông học” thay vì “Tiến sỹ Nông học” cũng là một chủ đề thú vị.
Chúng ta  đọc những trang văn Phan Quang và tìm về tuổi thơ của nhà nông học Lương Định Của ở Ngãi Hòa, Đại Ngãi, Long Phú Sóc Trăng. Chúng ta sẽ đọc tiếp bài “Lương Định Của quê hương và dòng họ“. Tuổi trẻ Lương Định Của đã vượt lên như thế nào sau khi cha mẹ mất sớm? Con đường tuổi thơ Lương Định Của còn đó với lối đi khiêm nhường, hun hút, loang loáng như đi trong vườn thiêng cổ tích, với cô em gái thầy Của ngày xưa nay đã là bà lão ở trên chính vùng đất hương hỏa của ông bà. Chúng ta sẽ gặp lại thầy Của và cụ Sơn Nam: ”Năm tháng đã trôi qua/ Ray rứt mãi đời ta/ Nắng mưa miền cố thổ/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê “.






Lương Định Của, luồng gió từ Hà Nội



Tượng Lương Định Của ở Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm (ảnh HDO)


Đạt được học vị cao, có công ăn việc làm, Lương Định Của vẫn nghĩ tới việc về nước phục vụ, kịp trước khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn nhưng “Đường về Việt Bắc xa xôi lắm!”. Luồng gió từ Hà Nội đã thôi thúc ông hướng về Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đang tạo lập. Ông từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều nỗ lực móc nối, chờ đợi, xoay đường này cách khác, năm 1952 ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn, làm việc một thời gian ngắn ở Viện Khảo cứu Nông nghiệp Sài Gòn, Bộ Canh Nông (nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), sau đó quá cảnh bưng biền và đầu năm 1954 cả nhà cùng lên một chuyến tàu tập kết ra Bắc (Tượng nhà nông học Lương Định Của ở Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm, bài và  ảnh HDO trong bài Nhà nông học Lương Định Của với Hải Dương).
Nhà báo Phan Quang kể tiếp chuyện Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của:
“Hồi còn là sinh viên, ông đã cùng nhiều lưu học sinh Nhật và nước ngoài trong đó có Đặng Văn Ngữ, tham gia các cuộc biểu tình tuần hành phản đối thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Theo như ông còn nhớ, ít nhất có bốn cuộc lớn, ba lần ở Tokyo, và một lần ở Kyoto. Hoạt động chống chiến tranh Việt Nam có thuận lợi là Đảng Cộng sản Nhật Bản hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Nhiều Việt kiều ở Nhật nhờ thông qua Đảng Cộng sản Nhật Bản hoặc các tổ chức nhân dân do Đảng lãnh đạo mà giữ được mối liên hệ liên tục với phong trào kháng chiến trong nước.
Qua sự giới thiệu của một người bạn, một mặt Lương Định Của tiếp xúc với các nghị sĩ tiến bộ trong Quốc hội Nhật, nhờ giúp đỡ tạo điều kiện cho ông sớm được trở về vùng tự do nước Việt Nam. Thượng Nghị sĩ Kazami được các bạn Nhật cử đứng ra lo liệu việc này. Mặt khác, Lương viết thư gửi Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh bày tỏ mong muốn của mình, và chẳng bao lâu sau nhận được thư Đại sứ trả lời đã chuyển nguyện vọng của ông về nhà. Theo sự hướng dẫn của ông Kazami, mùa hè 1952 Lương Định Của xin thôi việc ở Kyoto, lên thủ đô Tokyo chờ ngày về nước.
Ông xin việc làm ở Sở Nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp Trung ương của Nhật Bản để có thể thu nhập trong thời gian chờ đợi. Đầu những năm 50, sau chiến thắng biên giới, tình hình nước ta rất sôi động. Đảng Lao động Việt Nam đảm nhiệm công khai sứ mệnh lịch sử lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Mặt trận Liên Việt thành lập, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết. Các vùng tự do được giữ vững. Chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở vùng sau lưng địch.
Thực dân Pháp ý thức rõ, tiến hành phá hoại kinh tế, gây nạn đói kém, cắt nguồn hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược đối với thành bại của chúng trong chiến tranh.Thông tri của tướng De Linarès, tư lệnh chiến trường Bắc Bộ gửi các cấp dưới đề ngày 14-3-1951 hướng dẫn cụ thể như sau:
“… Về phá hoại, có hai cách thực tế có thể áp dụng: a) làm ướt thóc hoặc bắt dân phải để thóc lúa ngoài trời trong mùa mưa ẩm. Tuy nhiên, để chắc chắn hạt gạo sẽ thối hẳn, phải dấp nước cho ướt thóc trong thời gian bốn mươi tám giờ. Ngoài ra, để cho sự phá hoại bảo đảm hiệu quả chắc chắn của nó, trong thời gian ấy, phải canh giữ không để cho dân chúng đến lọc lấy phần thóc còn tốt mang đi cất giấu; b) những kho thóc quan trọng nào phát hiện được, cho tưới xăng hoặc dầu nặng vào…” .
Tháng Chín năm 1952, ông Kazami báo cho Lương Định Của biết, có một tàu buôn Nhật Bản sắp sang Hồng Công rồi từ đó đến thành phố Thiên Tân của Trung Quốc. Ông đề nghị Lương đáp chuyến tàu ấy. Vào được Trung Quốc rồi thì rất dễ dàng về Việt Bắc vì biên giới Việt Trung đã thông, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kiến lập quan hệ ngoại giao; giữa hai nước có tình hữu nghị sâu sắc. Ông nói đã nhờ Hội Hoa kiều tại Nhật Bản làm các thủ tục cần thiết cho gia đình Lương nhập cảnh Trung Quốc, ông cũng đã có liên hệ để thông báo với Chính phủ Việt Nam về chuyện này.
Lương Định Của vào Hồng Công, đến biên giới Cửu Long trình giấy giới thiệu của Hội Hoa kiều tại Nhật Bản. Biên phòng Trung Quốc cho biết chưa nhận được chỉ thị. Các bạn khuyên Lương nên trở lại Hồng Công lấy visa nhập cảnh. Hành lý có thể cho chuyển trước sang biên giới, đưa về thành phố Quảng Châu. Vài hôm nữa gia đình Lương đến thì có thể vào Trung Quốc, đến thẳng Quảng Châu luôn. 
Trở lại khách sạn, Lương tìm cách liên hệ với Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh, vừa gọi điện thoại vừa gửi thư song chờ mãi không thấy hồi âm. Tiền túi cạn dần: phòng trọ khách sạn rất đắt. Hàng ngày bà Của xuống phố mua bánh mì cho cả nhà ăn. Lúc này mới thấy hết bản lĩnh của người phụ nữ ấy. Ông lo cuống lên, bà chỉ cười: “Không sao, để tính xem”. Về đến Việt Nam ông thú thật với bạn bè, nếu không có bà thì với hai đứa con nhỏ, ông chẳng biết đường nào xoay xở trong những ngày quá cảnh Hồng Công. Thái độ bình tĩnh và đầy thông cảm của bà có tác dụng trấn an ông.

Sau một tuần chờ đợi trong lo âu, xuất hiện một người lạ mặt ăn mặc sang trọng. Ông nói: nếu Lương có giấy giới thiệu của Ngân hàng Trung Hoa thì ông có thể giúp cho qua biên giới. Lương Định Của chẳng có giấy tờ gì khác ngoài thư giới thiệu của Hội Hoa kiều tại Nhật Bản. Người lạ mặt khuyên, nếu vậy thì nên theo ông về Macao, ở nhờ nhà con trai ông một thời gian, chờ xin phép nhập cảnh.
Hồng Công là điểm quá cảnh, khách không được phép ở lại lâu. Lương Định Của hết sức phân vân. Người này ông chưa từng quen biết. Trong túi ông lại không có tiền, trừ gói hạt giống dưa. Đến áo quần thay hằng ngày cũng không có đủ vì các valy đã gửi hết vào Trung Quốc rồi. 
Ông quyết định hẵng trở về Sài Gòn, rồi tìm cách ra vùng tự do sau. Ông đánh điện cho một người bạn ở Sài Gòn, báo tin mình đang trên đường về nước, đến Hồng Công thì mất hết đồ đạc, nhờ bạn đặt mua vé máy bay cho hai người lớn hai trẻ con, và cho vay tạm hai nghìn USD.
Ngay chiều hôm ấy, nhận được ngân khoản người bạn gửi đến thông qua một ngân hàng lớn. Có tiền, có vé trong tay, ông còn nấn ná lại thành phố này ba tuần nữa, hy vọng có tin tức Đại sứ quán ta tại Bắc Kinh. Cuối cùng hết hạn quá cảnh mới đáp máy bay về Sài Gòn.
Chính quyền Sài Gòn nồng nhiệt đón bác sĩ nông học Lương Định Của du học từ Nhật Bản về. Bộ trưởng Nông Lâm mời ông đến cơ quan, mở rượu whisky chúc mừng, và ngỏ ý mời ông làm thứ trưởng. Lương tìm cách thoái thác khéo. Ông khiêm tốn nói mình xa đất nước đã lâu, xin cho làm việc hợp đồng một thời gian để quen thêm thung thổ và bạn bè, rồi mới dám chính thức nhận nhiệm vụ.” 
Theo lời kể của anh Lương Hồng Việt. Bác sĩ nông học Lương Định Của sau đó đã nhận làm việc ở Viện Khảo cứu Nông nghiệp Bộ Canh nông (nay là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam)
Theo hồi ức của thầy Phan Gia Tân, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, thì sau ngày Việt Nam thống nhất 30.4.1975, giáo sư Lương Định Của đã đi tìm Giáo sư Tôn Thất Trình ở Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn (nay là Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh). Thầy Của tiếc không gặp được thầy Trình vì thầy đã ra đi trước đó. Tấm lòng tri ngô của họ mãi là dấu ấn của những trí thức lớn…
Giáo sư Tôn Thất Trình là người đã hai lần làm Bộ trưởng Bộ Canh nông chính quyền Sài Gòn và Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn. Thầy trực tiếp giảng dạy môn cây lương thực, nông học đại cương và một số môn học khác. Trong cơn lốc của các sự biến, thầy Trình đã sang làm việc ở FAO với cương vị Chánh Chuyên viên và Tổng Thư ký Chương trình Lúa Gạo Quốc tế để tiếp tục giúp Việt Nam sau hậu chiến.
Vị trí Tổng Thư ký Chương trình Lúa Gạo Quốc tế ở FAO, sau ngày GS. Tôn Thất Trình nghỉ hưu được tiếp nối bởi TS. Trần Văn Đạt, TS. Nguyễn Văn Ngưu, và nay là PGS.TS. Bùi Bá Bổng nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Đó là những người Việt lỗi lạc ở FAO.
Câu chuyện về thầy Trình, tôi đã có kể trong bài Thầy bạn là lộc xuân cuộc đời. Cái bàn và nơi ngồi làm việc của thầy Trình, sau ngày Việt Nam thống nhất là chỗ ngồi và nơi làm việc của PGS.TS. Lê Minh Triết giảng viên cao cấp và tôi được may mắn được kế nhiệm tiếp nối việc giảng dạy và nghiên cứu cây lương thực (lúa, ngô, sắn, khoai lang).
Trở lại câu chuyện giáo sư Lương Định Của. Theo lời kể của nhà báo Phan Quang: “Gia đình ông sống cùng gia đình người em trong ngôi nhà ở Đa Cao. Em gái ông có chồng đi kháng chiến, thỉnh thoảng lại kiếm cớ vắng nhà. Ông biết chị ra bưng thăm chồng.

Một hôm, vào ngày chủ nhật, ông đang ngồi chơi trước cửa thì thấy một người ăn vận có vẻ như vừa từ nông thôn ra, đi thẳng vào nhà sau nói chuyện với cô em gái. Khách về, Lương hỏi ai vậy, cô em trả lời: “Người ta muốn mời anh ra vùng kháng chiến đấy”. – Vậy em trả lời họ thế nào? Cô em cười: “Em nói, anh vợ con tùm lum thế kia thì làm sao đi kháng chiến được”. Lương Định Của lặng im, vì dự định từ Nhật Bản về thẳng miền Bắc không thành, ông không hề hé răng cho ai biết.

Hiệp định Genève về Đông Dương (1954) được ký kết. Trong giới trí thức Sài Gòn lại một lần nữa xôn xao – tuy thầm lặng – về việc ra đi hay ở lại. Nơi cơ quan Lương làm việc có một chị tên là B., em gái một bác sĩ nha khoa vốn là bạn của ông sau này cũng tập kết ra Bắc và cùng gặp lại nhau tại Hà Nội, có lần hỏi giọng nửa đùa nửa thật: “Nè, Chính phủ Việt Minh kêu gọi trí thức ra Bắc đấy, anh có đi không?”.
Lương nghiêm trang trả lời ông muốn đi. Chị B. bắt liên lạc, bố trí kế hoạch cho ông rời Sài Gòn. Chờ đợi một thời gian khá lâu mới có hồi âm. Lương Định Của nói với các em, ông muốn cho gia đình đi nghỉ mát ở Ô Cấp (Cap Saint Jacques – Vũng Tàu ngày nay) mấy hôm. Nửa đường, theo mật hiệu “cứ theo người có chửa mà đi”, ông đổi xe, đổi hướng, theo người phụ nữ ấy về thành phố Mỹ Tho. Từ đấy lại đổi xe khác, có người khác đón ra bưng biền.

Lương Định Của được nhà lãnh đạo Phạm Hùng tiếp ngay khi vừa đến cứ. Anh Bảy trò chuyện thân tình, và cho ông một bộ quần áo bà ba. 
Năm 1954, qua liên lạc biệt động, gia đình giáo sư gửi thư xin phép đi tập kết. Anh Hồng Việt kể lại: “Từ Sài Gòn, theo biệt động đưa về Cần Thơ, xuống căn cứ Cà Mau và đi tàu Ba Lan ra Sầm Sơn, Thanh Hoá. 
Ấn tượng đầu tiên là hưởng luôn một trận gió mùa đông bắc. Nhưng ngày hôm sau là 1.1.1955, gia đình được chứng kiến ngày lễ tưng bừng”. 
Luồng gió từ Hà Nội là bước ngoặt của nhà nông học Lương Định Của.




Lương Định Của nhà bác học nông dân

Nhà báo Phan Quang kể về  “Gánh xiếc Đông Phương Hồng” và những công việc cụ thể thường ngày của Bác Của:
“Bước vào thập niên 60 thế kỷ trước, công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền bắc vừa hoàn thành, khắp mọi nơi sôi nổi phong trào cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động nông nghiệp. Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công kiêm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Bác Hồ đích thân chỉ thị cho ông tìm cách khuấy động phong trào, tạo khí thế thi đua phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp, bắt đầu từ các con chim đầu đàn được đào tạo trong nước hoặc học từ nước ngoài về: Bùi Huy Đáp, Nguyễn Đăng, Lê Duy Thước, Trần Văn Hà, Dương Hồng Hiên, Trần Thế Thông, Đào Thế Tuấn, Lã Xuân Đĩnh…, mỗi vị một nghề chuyên sâu, sẵn sàng xắn quần lội ruộng.
Lương Định Của là chuyên gia về giống, được phân công chỉ đạo huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, lấy hợp tác xã Đông Phương Hồng làm thí điểm. Nhà nông học cùng mấy học trò kỹ sư có, trung cấp có lếch thếch gồng gánh đồ lề rời thủ đô về mảnh đất vốn nổi tiếng “địa linh nhân kiệt”, đã góp phần rất to lớn về hậu cần cho chiến thắng Điện Biên Phủ song nghèo thì vẫn nghèo, vì mùa màng bấp bênh, năng suất lúa bình quân thấp. Anh em trong ngành nông nghiệp và cán bộ địa phương gọi đùa đội chỉ đạo của thầy trò Ông Của là “Gánh xiếc Đông Phương Hồng”.
Từ bấy, trên cánh đồng ruộng Thọ Xuân hầu như ngày nào bà con nông dân cũng thấy một người trạc tuổi trung niên dong dỏng cao, đầu đội nón lá, mình mặc sơmi mầu cỏ úa, quần xắn ống thấp ống cao quẩn quanh từ sáng đến xế chiều. Nông dân đã quên đi hoặc chẳng buồn quan tâm đến học vị cao siêu cũng như các chức danh rối rắm khác của ông trưởng đoàn chỉ đạo do Trung ương phái về mà chỉ biết đấy là Bác Của – không phải “bác” trong cụm từ thông thái “bác sĩ nông học” mà là “bác” như nông dân vùng này vẫn thường gọi nhau: bác Đỏ, anh Cò…
Nông dân chấp nhận nhà bác học nói giọng Nam Bộ như một người thân thuộc bà con lối xóm của mình. Lương Định Của là một người thẳng tính. Mới về huyện Thọ Xuân, dạo quanh một vòng quan sát đồng ruộng nơi cạn nơi úng, ông nói với Bí thư Huyện ủy: “Cánh đồng của anh như cái nồi đất thủng, nấu cơm không chín đâu”.
Ông chủ trương bắt đầu từ việc xây dựng đồng ruộng, làm bờ vùng bờ thửa. Hợp tác xã được chọn làm điểm chỉ đạo. Đông Phương Hồng vốn là một đơn vị làm ăn căn cơ, nhiều lần được báo chí nêu gương. Chủ nhiệm am hiểu kỹ thuật, báo cáo hay, “nói như viết trên báo”. Năng suất lúa đạt ba tấn/ha mỗi vụ – một mức khá cao thời ấy. Song chỉ cần làm một việc cực kỳ giản đơn là lấy tổng sản lượng thóc chia cho diện tích cấy trồng thì năng suất bình quân không đúng như lời chủ nhiệm báo cáo.
Lương Định Của đập bàn: “Anh nói dối. Báo cáo không đúng sự thật. Thế này không chỉ đạo được. Anh làm ăn vậy thì tôi thà đi nơi khác còn hơn”. Tuy vậy chẳng mấy chốc đoàn chỉ đạo và cán bộ hợp tác xã thân thiết với nhau. Đông Phương Hồng nổi bật lên như một điểm sáng thật sự. Toàn huyện Thọ Xuân cũng đạt kết quả khá nhờ xây dựng đồng ruộng, làm thủy lợi, cải tiến đồng bộ kỹ thuật, tạo điều kiện đưa các giống mới vào cơ cấu cây trồng.
Năm sau, Bộ Nông nghiệp tăng cường cho đoàn mười lăm kỹ sư mới tốt nghiệp, để bác Của cấy về các huyện khác trong tỉnh Thanh Hóa, nhân phong trào lên. Một chủ nhiệm hợp tác xã của huyện Thọ Xuân, Trịnh Xuân Bái, được tôn vinh Anh hùng Lao động hình như trước cả Lương Định Của và nhiều Anh hùng Lao động lừng lẫy khác.”
Trong bài “ Mấy ông tượng chạy lũ” nhà báo Phan Quang kể tiếp:
“Nghe chị thường trực báo có bác sĩ Lương Định Của muốn gặp, tôi vội vàng gác bút chạy ra. Nhà nông học quần xắn móng lợn ống thấp ống cao, mình vận chiếc sơ mi ngắn tay mầu dưa cải muối, trên đầu vẫn chiếc nón lá rộng vành rất thời thượng và cũng rất tiện lợi thời kháng chiến, tay xách một túi lưới bên trong lủng củng mấy vật gì cồng kềnh gói sơ sài bằng giấy báo. – Làm sao anh về được Hà Nội? – Tôi hỏi. – Thì cũng phải tạt về nhà xem bả với sắp nhỏ sống thế nào chứ, – anh Lương Định Của cười.
Trận lụt lịch sử năm ấy rất ác hại. Đê sông Đuống vỡ, một phần lớn hai tỉnh Hải Hưng ngập sâu trong nước, kể cả một đoạn đường số 5 huyết mạch. Nghe tin vỡ đê, Lương Định Của đang họp ở Hà Nội, đâm bổ về Viện Cây Lương thực hô anh em cứu thiết bị và các loại giống lúa quý Viện đang lai tạo dở, rồi bị kẹt luôn dưới ấy.
Nước đã tràn được vào đồng trũng thì ngâm luôn lại không rút vì nước các sông đang mùa đầy, mà mặt đồng nhiều nơi lại thấp hơn mặt biển lúc triều cường. Ông Của sốt ruột, đi thuyền ra đường 5, mạn dưới Phố Nối một ít, đáp xe về Hà Nội.
Tôi mời ông vào phòng khách. – Không, không, tôi chưa ghé nhà. Tiện đường, tôi tạt ngang, mang tặng anh mấy thứ này, chắc anh thích. Mà cũng để đỡ lủng củng. Ông xách cái túi lưới cồng kềnh đang đặt tạm trên chiếc ghế đá bên gốc cây đa, đưa cho tôi. Tôi ngạc nhiên vì nó khá nặng.
Thú thật, nhác thấy ông Viện trưởng xách cái túi lưới, tôi ngỡ đấy là trứng vịt lộn. Hồi ấy, bổ sung chất đạm, nhất là đạm động vật, là nhu cầu của mọi người. Bác sĩ nông học Lương Định Của được giao xây dựng Viện Cây Lương thực và Thực phẩm trên một cánh đồng quạnh vắng với cái vốn ban đầu ít ỏi, vấn đề lớn đầu tiên là làm sao cho anh em đủ no, đủ chất để lao động nặng nhọc. Ông cho nuôi nhiều vịt đẻ và tổ chức ấp trứng theo phương pháp học được bên Nhật, ông bảo thế, rất đơn giản mà hiệu suất cao, trứng ung chưa bao giờ vượt quá một phần trăm. Nhiều lần ông nói: “Chúng ta đều biết trứng là thức dinh dưỡng toàn diện, aliment complet, tốt lắm. Mang ấp nó lên, trong thời kỳ chuyển hóa từ quả trứng sang con vịt con, lượng dinh dưỡng của nó còn tăng lên. Cùng một quả trứng ấy, ta cho ấp, chẳng tốn kém gì mà ăn đỡ chán, lượng bổ vào cơ thể lại nhiều – thế có phải kinh tế không?”.
Lần nào từ Viện Cây lương thực về, ông cũng mang cho bạn bè một ít trứng vịt lộn. Mỗi nhà hai gói. Mỗi gói một chục quả bọc trong mấy tờ báo to và dày. Mỗi quả lại được gói riêng bằng mảnh giấy nhỏ. Để vừa đỡ làm vỡ trứng lúc đi đường vừa ủ ấm cho cái phôi tiếp tục chuyển hóa. Ông đánh dấu cẩn thận và đề ngày tháng từng gói một: “Chục này luộc ăn ngay hôm nay. Chục này để đến chiều hoặc tối mai”. Mỗi lần ông không quên cẩn thận dặn dò. Nhưng lụt to thế này, gia súc gia cầm không chết đuối cũng tản mác, thóc lúa ướt hết, người còn không có cái ăn, nói gì gà vịt.
Tôi mở hé gói quà. Hóa ra toàn là tượng gỗ thờ trong chùa, phần lớn phủ sơn ta, cũng có cái sơn son thếp vàng. Lương Định Của nói: – Lũ cuốn trôi chùa. Tượng nổi lềnh bềnh. Biết anh thích tượng cổ, tôi khoèo vớt mấy cái cho anh. Cũng chỉ cứu được mấy cái nhỏ nhất thôi. Có tượng Phật to và đẹp lắm, nhưng bê làm sao nổi. Tôi bọc giấy báo, kẻo đi đường dân nhìn thấy lại cho là cán bộ phá tự do tín ngưỡng. Nói xong, ông lật đật trở sang ban đối ngoại Đài Tiếng nói Việt Nam, phố Bà Triệu. Giờ này, bà Của đang làm việc bên ấy.”
“Lúc gánh xiếc Đông Phương Hồng mới về, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chưa tiếp xúc ngay. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thuyền lặng lẽ cử cán bộ quan sát cung cách làm ăn của đoàn chỉ đạo. Một tháng sau, ông cho mời bác sĩ Lương Định Của về cơ quan, tiếp đón trọng thể, và chỉ thị cho văn phòng, mỗi lần bác Của có việc ghé thị xã thì mời vào nghỉ tại nhà khách của Tỉnh ủy (hồi ấy gọi là Nhà giao tế), và được mua thêm thuốc lá Điện Biên ngoài tiêu chuẩn… Trong hoàn cảnh đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước, như vậy đã là một sự ưu ái.
Lương Định Của thành công trong việc vận động cấy lúa có chăng dây cho thẳng hàng và cầm ngửa tay bó mạ. Đó là phương pháp ông học của Nhật Bản và đã từng được áp dụng rộng rãi ở Triều Tiên. Cấy theo cách này thì cây mạ cắm nông, chóng bén rễ, lại bảo đảm mật độ quy định để đạt năng suất mong muốn cho từng loại ruộng. Mặt khác, cấy chăng dây thẳng hàng buộc phải làm đất kỹ, và có thể dùng bừa cỏ cải tiến để làm cỏ sục bùn – cũng là những yếu tố đạt sản lượng cao.
Nhưng ông là một người – cũng như hầu hết các nhà nông học tên tuổi và cán bộ chỉ đạo nông nghiệp của ta thời ấy – cực lực phản đối việc “thâm canh” bằng cách cấy lúa dồn, ken cây lúa thật dày, dày tới mức trẻ con có thể đứng lên trên ngọn các bông khi lúa chín. Phương pháp “tăng năng suất” này khởi thủy từ phong trào đại nhảy vọt ở Trung Quốc, được một số người truyền bá vào và khuyến khích áp dụng tại nước ta. Có người quát: “Sáu trăm triệu nhân dân Trung Hoa làm được, tại sao ta không làm”. Lương Định Của bình tĩnh trả lời: “Thưa, tôi đã có làm thí nghiệm. Kết quả: không được”.
Lương Định Của trước sau là một nhà di truyền học, một người tạo giống. Ông đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực ấy. Vì được giao trách nhiệm chỉ đạo cơ sở, ông buộc phải đánh lấn sang các sân khác. Cùng với tác phong đi sát thực tế, phương pháp suy luận khoa học giúp ông nhiều.cũng vào dạo ấy, có một cuộc họp các nhà quản lý nông nghiệp và nhà khoa học đầu đàn tại nhà riêng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phố Lý Nam Đế. Nội dung: bàn và quyết định về chiếc cào cỏ cải tiến, để cho sản xuất hàng loạt. Đấy là chiếc cào răng sắt có trục quay đẩy hoặc kéo trên mặt ruộng mềm, vừa làm cỏ vừa sục bùn, bàn cào rộng vừa đủ để chạy giữa hai hàng lúa. Dùng công cụ này thì đỡ cho chị em nhà nông phải khom lưng cào cỏ sục bùn bằng tay, bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Thật ra công cụ này đã được dùng phổ biến ở nước ngoài. Có hai loại. Loại một bàn tra cán dài cho người đứng thẳng đẩy bằng tay. Loại gắn nhiều bàn thì cho bò kéo. Một nhà khoa học nổi tiếng chủ trương áp dụng loại cào bò kéo, năng suất lao động sẽ cao, đáp ứng đúng yêu cầu của đất nước chuẩn bị bước vào chiến tranh.
Lương Định Của đề nghị nên dùng cào đơn, người đẩy, cho gọn nhẹ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngồi yên, đầu hơi cúi vừa chăm chú nghe vừa rít thuốc lá, thỉnh thoảng gật gù tán thưởng. Các nhà khoa học lần lượt trình bày xong, ông ngửng đầu dụi tắt điếu thuốc lá hút dở: “Tôi tán thành ý kiến của anh Của. Dùng loại bừa do bò kéo đúng là sẽ đạt năng suất lao động cao. Nhưng ta lấy đâu ra bò mà kéo?”.

Lương Định Của, chình khách giữa
lòng dân

GS. Lương Định Của rất ít ảnh để lại, hình ảnh của ông là ở trong lòng dân. Ông là chính khách giữa lòng dân thật giản dị và chân thực. Bức ảnh trên đây từ GS. Bùi Trọng Liễu khi ông ở Pháp về năm 1970 đến thăm Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm tại Tứ Lộc Hải Dương hai năm sau ngày Viện được thành lập. Ngắm ảnh Giáo sư Viện trưởng Lương Định Của gầy gò, mặt rạng ngời, áo sơ mi phong phanh, tay áo xắn cao, tiếp chuyên gia nổi tiếng từ nước ngoài về một cách vui vẻ, thoải mái trong căn nhà lá thấy rõ cửa sổ tre đang chống lên, chúng ta hiểu thêm một ít về Thầy.
Hồi ký của bà Nobuko Luồng gió từ Hà Nội viết: “Tôi luôn tin tưởng là tôi hiểu biết về anh Của nhiều nhất, nhưng chứng kiến cảnh tang lễ, niềm tin này bắt đầu lung lay. Nhiều đoàn cán bộ cao cấp, nhiều cơ quan đoàn thể, đại biểu địa phương, những đoàn dài học sinh, sinh viên, hàng trăm người nông dân đứng xếp hàng trước cổng Bộ Nông Lâm nghiệp… Tôi mới hiểu anh với tư cách một người chồng, người cha, chứ chưa hiểu hết những đánh giá về mặt xã hội”.

Cũng trong quyển hồi ký này bằng tiếng Nhật của bà Nubuko có in hình giáo sư Lương Định Của và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang lội ruộng xem cây trồng vào lúc chiến tranh đang khốc liệt. Như tất cả các gia đình cán bộ lúc đó, nhà bà phải ly tán đi làm nhiệm vụ: giáo sư làm việc ở Gia Lộc, Hải Dương; các con lớn gửi vào trường học sinh miền Nam; bà cùng cơ quan sơ tán về gần chùa Thầy, Quốc Oai. Bà cũng là phát thanh viên tiếng Nhật của đài Tiếng nói Việt Nam và vinh dự là người đọc bản tin loan báo chiến thắng lịch sử 30.4.1975.

Nhà báo Phan Quang đã tái hiện chân thực cuộc sống đời thường của nhà bác học nông dân trong phần 2 của bài “Kỷ niệm đời thường về nhà khoa học Lương Định Của”:
“Tập kết ra Bắc, tiến sĩ nông học Lương Định Của được phân về nhận việc tại Học viện Nông Lâm, đóng ở Gia Lâm. Là một nhà di truyền học nổi tiếng, ông được phân công phụ trách nghiên cứu và ứng dụng lai tạo giống. Ít lâu sau, Học viện tách làm đôi: Trường Đại học Nông Lâm, vẫn đóng ở địa điểm cũ, và Viện Khoa học Nông nghiệp chuyển sang bên này sông Hồng, xây dựng hoàn toàn mới ở Văn Điển.

Năm 1960, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, khóa II, và được bầu lại liên tiếp ba khóa nữa, cho đến khi qua đời. Lương Định Của về Viện. Bà Của – tên con gái là Nakamura Nobuto, thuộc một gia đình quý tộc phá sản vì chiến tranh – giúp việc ông trong việc lai tạo giống, hưởng lương nhân viên bốn mươi đồng một tháng.

Ông mang từ Nhật Bản về hai con trai sinh bên ấy. Về nước lại đẻ thêm hai đứa nữa. Vào lúc đó có chủ trương giảm biên chế. Bà Của làm công tác khoa học mà chưa có bằng đại học chuyên ngành, theo chính sách chung, đưa ra ngoài biên chế.

Cả nhà sáu miệng ăn, trông vào lương ông Viện phó, cho dù đã được ưu ái xếp tận trần thì bậc lương cao nhất của Phó Viện trưởng cũng không thể vượt quá một trăm năm mươi lăm đồng. Cộng thêm năm đồng phụ cấp ưu đãi gì đó nữa, tổng cộng mỗi tháng lĩnh tròn một trăm sáu mươi đồng. Với sự chuẩn xác của nhà khoa học, bác sĩ Của ghi vào tờ khai thu nhập bình quân gia đình: Hai mươi sáu phẩy sáu đồng.

Một ngày chủ nhật, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Viện, xem giống lúa, vườn cây, đồng rau, chuồng gia súc, thí nghiệm… Phó Viện trưởng Lương Định Của hướng dẫn Thủ tướng. Đang đi trong Viện thì xe thủng lốp. Người lái xe xin Thủ tướng mười phút thay lốp xơcua. Anh Tô (*) nói: “Ta vào thăm nhà anh Của đi”.

Lương Định Của vội chạy về trước. Gia đình ông được cơ quan phân cho một ngôi nhà cấp bốn ba gian, mái lợp tranh. Trên bếp lò còn chảo cơm rang buổi sáng ăn dở, ông vội vàng lấy chiếc lồng bàn úp lại. Rồi vơ cuộn vội đống chăn lũ trẻ ngủ dậy muộn chưa kịp gấp, vứt bừa bãi. Các chăn bông không còn vỏ bọc, vì chỉ đủ tiền mua những cái cốt dày chống rét miền Bắc thôi. Bà Của sửa sang áo tóc, đứng ra bên cửa cúi mình rất thấp rước Thủ tướng vào nhà.

Anh Tô liếc nhìn cuộn chăn bông không có vỏ và chiếc lồng bàn úp luôn trên bếp lò, cảm ơn song không bước qua cửa mà thoái thác “Tôi muốn xem mấy cây táo”. Quả là trong vườn gia đình có trồng ba cây táo tạo dáng đẹp và rất sai quả, táo ta mà quả nào quả nấy to gần bằng trứng gà. Bác sĩ Lương Định Của nổi tiếng về mấy cây ăn trái này. Bà con hàng xóm đồn ông Của có mang hóa chất đặc biệt từ Nhật về, cho nên cây nào ông trồng cũng sai quả và quả to đến thế. Đấy, xem như rau muống là thứ phổ thông nhất, ông cho hóa chất vào, cọng rau cứ to tày thân cây sậy; rau muống ông Của chẳng đang phủ kín đồng, dùng làm thức ăn cho lợn là gì.

Trả lời Thủ tướng hỏi giống táo gì đây, bác sĩ Lương Định Của đáp: “Thưa, táo Thiện Phiến, Hưng Yên đấy ạ”. Nhiều người cho là ông Của không nói thật. Ngay trên Bộ Nông nghiệp cũng có ý kiến xì xầm tay Của giỏi giấu nghề. Lương Định Của bực lắm. Ông nói: “Báo cáo Thủ tướng mà dám nói sai, tôi không sợ vào tù sao?”.

Quả thật, đấy đúng là giống táo Thiện Phiến. Ông Của nhờ bạn là Trưởng Ty Nông nghiệp Hưng Yên chiết cho ba cành, ông mang về trồng trong vườn cho lũ trẻ có thêm vitamin; gia đình làm gì đủ tiền mua trái cây như thời bên Nhật Bản hoặc ở thành phố Sài Gòn. Cái quan trọng, ông nói, là biết chăm sóc và tạo dáng. Tỉa cành. Vặt bớt những quả bé đi. Và dạy cho lũ trẻ con, phải chờ cho quả thật chín mới được hái, không được bứt phá khi quả còn xanh.

Thủ tướng đến thăm cữ giáp Tết, đúng vào mùa thu hoạch, cho nên ba cây táo trong vườn nhà ông mới đẹp đến vậy. Chia tay ra về, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vỗ vai nhà nông học: “Anh Của à, anh làm nghiên cứu, thường xuyên đi với nông dân, tác phong giản dị là tốt. Nhưng nông dân ta không bẩn đâu nhé. Nhà anh bẩn lắm!”.

Và người đứng đầu Chính phủ kết thúc câu nói bằng một tràng cười sang sảng quen thuộc. Lương Định Của đưa tay gãi cái trán đã bắt đầu hói, khẽ “dạ”. Từ bấy trở đi, mỗi kỳ lễ tết, anh Tô lại gửi cho cái phong bì một trăm rưởi, hai trăm đồng. Phó Thủ tướng Phạm Hùng chỉ thị chuyển bà Nakabura Nobuto, mà từ lâu rồi mọi người chỉ biết gọi là bà Của về làm việc ở Ban tiếng Nhật Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, hưởng lương cán bộ.

Chưa bao giờ ai nghe Lương Định Của có một lời phàn nàn về cuộc sống. Ông chỉ buồn về những trục trặc nhỏ trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Nỗi day dứt của ông là không đủ tiền đặt mua tạp chí khoa học của nước ngoài. Đúng vào dịp này, ông viết sơ yếu lý lịch cá nhân, mục “GIA ĐÌNH – Vợ người Nhật Bản. Có bốn con. Đứa lớn học trường miền Nam số 25, lớp năm. Đứa kế học trường ở Văn Điển, lớp ba. Lương hàng tháng đủ sống, không rách rưới, thiếu thốn gì. Ở Sài Gòn còn ba em, hai gái, một trai. Đứa em gái lớn chưa có chồng, đứa em kế đó chồng đi tập kết có hai con, thằng em út thì làm sĩ quan trong quân đội Sài Gòn”.
Thời chống chiến tranh phá hoại, xã hội thiếu thốn nhiều thứ, Lương Định Của quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho mình cũng như cho đồng sự bạn bè, nhưng ông là người sống điều độ. Ngay đến khi lớn tuổi, ông vẫn giữ được dáng người thanh thoát, chỉ có cái trán là mỗi ngày mỗi hói và bóng hơn. Thỉnh thoảng ông có nhấm nháp vài chén hạt mít rượu ngang cùng các Bí thư huyện hoặc cánh nhà báo song để vui là chính. Một vại bia hơi đủ làm mặt ông ửng đỏ.
Có lần ông mang rượu thuốc ra mời anh em: “Anh Nguyễn Tạo (Tổng cục trưởng Lâm nghiệp) vừa gửi cho cái lộc nhung. Tôi nhờ ông Phùng mua cho một vò Phú Lộc, các anh tha hồ uống”. Ít lâu sau gặp lại thấy bữa ăn suông, tôi hỏi vui: “Hết rượu lâm nghiệp rồi sao:”. Ông đáp: “Hết thế nào được. Tôi cho mang lên Hà Nội. Sợ để ở Viện đêm ngồi đọc sách một mình, buồn lại mang ra uống thì chết. Rượu bổ, uống nhiều có hại”.

Lần nhà tôi sinh cháu thứ hai, tôi đi công tác xa. Một hôm bà thấy có tiếng gõ cửa. Xuất hiện một người quen quen mang cho hai quả đu đủ chín và mấy chai cà chua nghiền: “Chị dùng quả đu đủ, nhiều sữa cho cháu. Còn thứ purée này làm từ cà chua, tự tay tôi chế biến. Chị cho cháu lớn phết với bánh mì ăn sáng trước khi đi học, người Nhật vẫn dùng món này lắm…”. – Xin lỗi, anh là… Ông gãi cái trán hói: “Tôi là Của, Lương Định Của…”.

Dạo ấy đồng bằng Bắc Bộ mở rộng việc trồng cà chua vào vụ đông. Được mùa, cà chua tươi không xuất khẩu được, dân bày ra bán từng đống đỏ rực hai bên đường 5, thật là trên trời dưới cà chua. Ông Của từng bày cho chúng tôi cách làm bột cà chua nghiền để dành ăn dần. Chừng này quả, ngần này đường kính, ngần này muối, ngần này tỏi, vô trùng dụng cụ thế này, cho vào lọ, phủ lớp dầu ăn mỏng lên trên để lâu không bị nấm mốc… Anh em nể ông, chăm chú nghe, có người còn ghi chép, song rắc rối quá chẳng ai thực hành.

Một chiều, tan giờ làm việc, anh Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân tự dưng nảy ý, bảo tôi: “Tối nay ta đến thăm ông Của đi”. Nhà ông ở khu tập thể Kim Liên. Con đường chạy qua trước nhà ông thời ấy nay mang tên phố Lương Định Của, nó băng qua đường Phạm Ngọc Thạch để nối liền phố Đặng Văn Ngữ.

Hồi mới được phân căn hộ ở đây, ông vui mừng khoe với bạn bè. “Mình ở tầng trên cùng. Thành ra tận dụng được cái trần, làm nơi tạm chứa sách”. Thời chiến tranh, điện đóm phập phù, đường trong khu tập thể tối mò, tối nhất là các cầu thang. Nhà ông không có điện thọai, không thể báo trước.

Anh Hoàng Tùng theo tôi mò mẫm lên tầng năm. Lương Định Của ra mở cửa, hơi lộ vẻ ngạc nhiên song niềm nở mời vào.

Nơi tiếp khách của ông chỉ có mỗi cái bàn và bốn ghế gỗ rẻ tiền cấp theo tiêu chuẩn. Chiếc đèn bão không đủ sáng. Trên bàn, ngổn ngang vỏ bưởi: nhà nông học đang bóc trái cây mời vợ. Các cháu đều theo trường học nơi sơ tán. Lương Định Của lúng túng gạt tất cả những thứ trên bàn xuống cái chậu, nói với anh Hoàng Tùng: “Ăn bưởi còn tốt hơn ăn cam”. Trong múi bưởi có nhiều chất sắt”.
Tôi nghe nói, chính vì nhà không có điện thọai riêng, một tối cuối tuần ông có triệu chứng nhồi máu cơ tim, không thể gọi xe cấp cứu, khi đưa ông vào bệnh viện Bạch Mai thì đã quá muộn, mặc dù nơi ông ở chỉ cách nhà thương có một quãng đường.”

Theo Dương Đình Tường, báo Nông nghiệp Việt Nam trong bài viết: “GS Lương Định Của đã chết vì hóc xương?”   thì giáo sư Lương Đình Của mất là do nhồi máu cơ tim mà không phải đã chết vì hóc xương hoặc do máy bay rơi như một số lời đồn. Tư liệu ghi theo lời kể của ông Nguyễn Quốc Tuấn và ông Trần Quý Lộc, cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm .
Năm 1975, Thủ tướng cử chuyên gia đầu ngành về cây lúa là Lương Định Của sang giúp Cu Ba. Trở về sau chuyến đi, ông tham gia họp Quốc hội khóa thống nhất đầu tiên của đất nước. Những ngày khác ông Tôn Đức Thắng thường chiêu đãi mọi người cơm nhưng hôm đó lại chiêu đãi bánh kẹo. Ông Của chia gói bánh của mình làm đôi, nửa cho ông Nguyễn Hoài Bắc nửa mang về nhà….Tối đó, bà Của làm cơm, có rán nem để chồng nhắm rượu.
Bữa rượu tại nhà đó uống xong ông chẳng may phải cảm, thấy khó thở nên dậy tập khí công. Ba người phụ nữ trong nhà là bà Của và hai cô con dâu đang bụng mang dạ chửa tính gọi xe cấp cứu nhưng ông can: “Rồi cuối cùng sẽ qua thôi”. Từ 8 giờ tối đến 11 giờ tối, tình hình mỗi lúc một trầm trọng. Chiếc com măng ca khi ấy của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đang để ở gara của Viện Thú y, lái xe thì chẳng biết ở đâu vì điện thoại không có. Khó thở quá nên ông Của nôn khan. Thức ăn từ thực quản trào vào khí quản. Gần như ông đã tắc thở từ ở nhà. Sau khi giải phẩu tử thi, mổ sọ ra không thấy có gì bất thường, mổ tim ra thấy có cục máu đông bằng hạt tấm ở động mạch.
Nhà nông học Lương Định Của ra đi khi mới 55 tuổi để lại dở dang ước mơ đưa nông dân Việt bắt nhịp cùng nông dân Nhật. … Sáng 28/12/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo trước quốc dân, đồng bào tin nhà khoa học Lương Định Của đã ra đi…

Trước ngày ra đi đột ngột đó, ông đã rất thành công với giống lúa xuân sớm được đặt tên là Nông nghiệp 75-1 chịu được cái rét cắt da, cắt thịt ở miền Bắc và có năng suất cao. Năm 1978, sau đúng ba năm ngày mất của GS Lương Định Của, giống lúa này đã chính thức được công nhận, cấp bằng sáng chế.”
Lương Định Của, chính khách giữa lòng dân. Tôi nhớ lời Giáo sư Trần Văn Giàu nói với TS. Quách Thu Nguyệt trong bài “Những bài học nhỏ từ người thầy lớn” : ” Học sử là để biết và không quên cội nguồn. Người làm sử phải chép lại quá khứ bằng sự thật một cách khách quan, khoa học” . Có nhiều chính khách đi qua đời tôi. Lương Định Của lắng đọng trong tôi một nhân cách, một người thầy lớn.



Thầy bạn và học trò Lương Định Của
Thầy bạn và học trò của nhà bác học nông dân Lương Định Của là những ai? Giào sư Lương Định Của mất năm 1975 nên đó vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ của Lương Định Của là Giáo sư Kinhara, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh học Kinhara, Trường Đại học Kyoto. Báo Mainichi Shimbun số ra ngày 26 tháng 5 năm Chiêu Hòa thứ 26 năm 1951 đăng chân dung lớn của nhà khoa học trẻ ba mươi mốt tuổi Lương Định Của là người Việt Nam đầu tiên được cấp bằng bác sĩ nông học của Nhật. 
Ai là người ảnh hưởng lớn đến nhà bác học tài năng dấn thân trọn đời mình cho đại nghĩa dân tộc? Trong cuốn hồi ký Luồng gió từ Hà Nội bằng tiếng Nhật của bà Nubuko có in hình giáo sư Lương Định Của và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang lội ruộng xem cây trồng vào lúc chiến tranh đang khốc liệt. và bà nói rằng  ông về nước theo lời gọi của Bác Hồ cùng với các trí thức lớn như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước… Theo nhà báo Phan Quang: "Khá lâu về sau, khi được Nhà nước ta phong Anh hùng Lao động, Lương Đình Của xúc động thì thầm với tôi: “Anh có biết vinh dự lớn nhất của đời tôi là gì không? Ấy là việc ngày tôi được cấp bằng bác sĩ nông học trùng với kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ: 19-5-1951. Mười Chín tháng Năm. Một sự trùng hợp vô cùng lý thú, có đúng không?”.
Niềm tin và nghị lực dấn thân đi theo Bác Hồ chắc chắn đó là động lực lớn của vợ chồng nhà bác học tài năng Lương Định Của. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Chủ tịch Nước Phạm Hùng rõ ràng là những người bạn lớn của Lương Đình Của đã phát hiện, nâng đỡ, trọng dụng đúng tài năng và tâm huyết của ông.

Tại bài viết “Đu đủ và bưởi”, nhà báo Phan Quang kể chuyện: "Thời gian làm việc tại Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm, Lương Định Của có hai người bạn thân. Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Lê Văn Đởm và Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng Nguyễn Phùng – ông Phùng ít lâu sau được điều chuyển lên tỉnh nhận nhiệm vụ Trưởng Ty Nông nghiệp. Hai ông bí thư – cũng như Lương Định Của, nay đã thành người thiên cổ – đều trưởng thành từ cơ sở lên, đặc nông dân, tiếng mỗi người đứng đầu một huyệt mà nhà vẫn rất nghèo.
Một anh bạn nhà báo có lần nói với tôi: “Quái, ông Của là nhà đại trí thức, mà xem ra chơi thân thật sự với hai tay đặc nông dân. Mà ý chừng ông ấy tâm đắc với tay Phùng Sơn. Viện đóng ở Gia Lộc, tối nào rảnh rỗi, ông Của lại sang Cẩm Giàng uống rượu Phú Lộc cùng Nguyễn Phùng. Ngồi với Lê Văn Đởm chỉ thấy hai ông bàn công việc”. Riêng tôi có hiểu phần nào.
Ông Đởm người cao lớn, đường bệ, đi đứng hơi chậm chạp. Ông Phùng tầm vóc nhỏ hơn, rắn rỏi, da săn, nói năng cởi mở, ham kỹ thuật mới và có điểm khác với ông Đởm là không biết (hoặc biết mà không thích) đánh tổ tôm. Một lần ông Của nói vui: “Mình nghiệm phần lớn những anh nào người quá béo tốt đều lười biếng. Thân thể nặng nề thì làm sao hoạt bát? Xem ông Đởm đấy, xong việc là đánh tổ tôm, tôi đưa cho bao nhiêu sách tối có buồn đọc đâu, chỉ đạo toàn bằng vốn cổ kinh nghiệm. Ông Phùng có vẻ chịu khó mầy mò học hỏi hơn”.
Một lần ăn cơm tối với nhau, Nguyễn Phùng giả vờ cà khịa: “Ông có biết cầm ống tiêm đâu mà gọi là bác sĩ…”. Tôi phụ họa: “Cái ngành nông nghiệp các anh đến là rắc rối. Thời Tây, cùng là kỹ sư như nhau lại phân thành kỹ sư nông nghiệp và kỹ sư nông học. Nay ngành nào người ta cũng gọi thống nhất cử nhân, phó tiến sĩ, tiến sĩ, giáo sư. Riêng anh thì cứ khăng khăng bảo mình là bác sĩ…”.
Lương Định Của không giận. Ông hiểu vì sao chúng tôi đề cập chuyện ấy. Nhà bác học là người không giỏi khoa ngôn từ. Trong nhóm nhỏ thân mật, ông chuyện trò rất hay, những vấn đề kỹ thuật rắc rối nhất cũng được ông giảng giải tường tận, phù hợp với trình độ người đối thoại. Nhưng cũng vấn đề ấy, mời ông lên thuyết trình tại hội nghị, có khi đã chuẩn bị kỹ nhưng trình bày lại không hấp dẫn, không mấy thuyết phục người nghe. Chúng tôi nhiều lần mời ông viết bài cho báo. Ông nhận lời, thì phải chờ nhiều hôm sau mới có bài. Bài ông ngắn gọn, nhìn bản thảo thấy những hàng chữ đều đặn viết bằng bút mực xanh, chữ hơi nghiêng về phía trái, biết là ông đã tự tay chép lại. Bởi vậy, chớ nên dại dột động bút chữa bài ông Của.
Một lần, anh biên tập viên có sửa đổi vài từ, và tiện tay xóa từ bác trong bác sĩ đi, thay vào từ tiến – “gọi chung là tiến sĩ cho nó nhất quán trên mặt báo”, lý lẽ của anh giản đơn như vậy. Lương Định Của hết sức phật ý: “Các anh chẳng hiểu cái gì”. Đó là câu trách móc nặng nề của ông. Lần này ông từ tốn nói: “Bác sĩ là học vị cao nhất bên Nhật Bản. (Ông nhúng ngón tay vào cốc nước, viết hai từ bác sĩ bằng chữ Hán ra bàn ăn).
"Nhà nước người ta phong cho tôi như vậy thì suốt đời tôi giữ nguyên như vậy, không hơn không kém”.
Bà Nubuko kể chuyện tình bạn với nhiều người, trong đó có mẹ con nghệ sĩ Đặng Thái Sơn và rất nhiều người khác. Bà đi du lịch khắp Việt Nam, về quê chồng ở Long Phú, Sóc Trăng, họp đồng hương ở Sài Gòn, về tận nhà người nông dân nghèo ngày xưa bà ở trọ lúc sơ tán.
Tiến sĩ Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống Cây trồng đã xúc động viết “Lớp sinh viên đại học của chúng tôi khi ấy mới ra trường được tắm mình trong thực tiễn sản xuất, học các thao tác kĩ thuật trực tiếp ở Viện Lúa Tứ Lộc, các HTX nông nghiệp… đó là những trường học của những kĩ sư, kĩ thuật viên nông nghiệp trẻ tuổi. Thế hệ ấy sau này nhiều người đã trưởng thành những nhà khoa học có đóng góp xứng đáng như lớp thế hệ của PGS.TS Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm… Nhiều lớp cán bộ nông nghiệp do Giáo sư đào tạo đã trở thành những cán bộ đầu đàn trong nhiều lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Giáo sư có nhiều thế hệ hoc trò xuất sắc.”
GSTS. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Luật trong bài Thầy Lương Định Của và tính tình Người Nam Bộ đã ca ngợi thầy Của và Người Nam Bộ: “Cách đây 3-4 thập kỷ, hồi ở miền Bắc, thầy Của ở miền Bắc lai tạo được nhiều giống lúa mới được nông dân ưa chuộng như Nông nghiệp 1, Chiêm trăng, Đoàn kết ... Gần đây, tỉnh Sóc Trăng quê hương của thầy Của lại sản sinh những con người chọn tạo ra nhiều giống lúa rất ấn tượng, mặc dầu chưa bao giờ được gặp, được thọ giáo tiền bối Lương Định Của. Đấy là nhóm chọn tạo giống lúa do KS Hồ Quang Cua đứng đầu. Đến nay nhóm này đã chọn tạo tới 22 giống ST, trong đó có nhiều giống như ST3, ST5 .. khá phổ biến, những giống ST đỏ từ lai tạo giữa giống gạo đỏ địa phương với giống năng suất cao rồi chọn ra dòng gạo đỏ vừa năng suất cao, vừa có mùi thơm lá dứa. Chân thành và khẳng khái trong cuộc sống, sáng tạo trong lao động chân tay và trí óc, nhân ái trong giao tiếp, độ lượng trong ứng xử xã hội, dũng cảm trong chống ngoại xâm, hòa nhập với cộng đồng và thân thiện với cây cỏ sông nước là những phẩm chất rất quý của con người Nam Bộ cả xưa và nay.”


Ông bà Của, cổ tích giữa đời thường
Cách đây mấy hôm, anh Lương Hồng Việt vừa cùng với vợ chồng thầy Trần Như Nguyện và Trần Thị Nữ Thanh ghé lên thăm chúng tôi ở Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc ở Trảng Bom, Đồng Nai. Anh Việt ghé nhà anh chị Đào Đức Miên và anh chị Trần Quang Khuông những công nhân, kỹ sư “quân” bác Của thời Tứ Lộc, Hải Dương. Chúng tôi cùng ăn cháo gà và kể chuyện những ngày gian khổ. Câu chuyện rôm rã lại quay trở về chuyện ông bà Của, cổ tích giữa đời thường.
Ai cũng nói thời ấy cực mà vui. Vợ chồng ông bà Của chịu đựng khổ cực giỏi và thực sự gầy dựng được một lớp kỹ sư thực hành vừa tâm huyết vừa tài năng thực sự có ích cho xã hội. 
Ví như kỹ sư Trần Minh Chánh học trò bác Của, nguyên Trưởng trại Giống lúa Ma Lâm Bình Thuận (Thuận Hải cũ), từ năm 1981 đến năm 2004, đã nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn được trên 35 giống lúa như TH5, TH6, ML24, ML48, ML49… Trong đó có nhiều giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống quốc gia như TH6, TH28, ML4, ML202 hoặc công nhận giống sản xuất thử như: TH41, ML29, ML48, ML107, ML214, suốt miền Trung ai cũng ngợi khen.
Ví như kỹ sư Nguyễn Văn Loãn quân bác Của cán bộ Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long tác giả chính của các giống lúa chủ lực và triển vọng của Nam Bộ giai đoạn 2004-2010 như OMCS 2000, OM 3536 (OMCS 21), OM 2517.

Ví như kỹ sư Phan Hùng Diêu, anh hùng lao động, v.v… và biết bao gương khác. Ông bà Của sống phúc hậu gắn bó máu thịt với những lớp người đó, cùng chia sẽ khó khăn gian khổ và ông bà Của là tấm gương mẫu mực đời thường. 
Nhà báo Phạm Vũ trong bài Người vợ Nhật của Lương Định Của đã viết: Bà Nobuko bảo câu ngạn ngữ Nhật Bản mà bà thích nhất là “Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng của nó”, tương ứng với câu “Sau cơn mưa trời lại sáng” của Việt Nam. Lạc quan vậy nên bà cứ cười hoài khi xua tay giải thích: “Mọi người bảo Nhật Bản là một nước phát triển, giàu có, còn Việt Nam thì nghèo, thời tôi đến lại còn có chiến tranh, sợ tôi vất vả. Nhưng mà không phải vậy đâu. Tôi có vất vả mấy cũng không bằng người nông dân Việt Nam, sáng sớm đã phải ra đồng, ngâm chân xuống bùn lạnh buốt, ăn uống thì cực khổ. Người Việt Nam lại luôn giúp đỡ tôi. Bên cạnh tôi còn có anh Của, có các con”.
Câu chuyện của bà tràn ngập hình ảnh về ông Lương Định Của, thật khác với những gì người ta thường hình dung về ông giáo sư, viện trưởng đạo mạo, tác giả của những giống lúa năng suất cao, cây ăn trái nổi tiếng. “Anh Của” của bà dí dỏm, dễ gần, luôn đắm trong tình yêu với khoa học và lý tưởng về một xã hội chỉ có những điều tốt đẹp. Người Nhật trọng lễ nghi, phép tắc, đôi khi quá lịch sự mà trở thành xã giao, vậy nhưng chàng thanh niên Lương Định Của lại đến gặp cô gái làm việc trong phòng thí nghiệm trường mình rồi đưa ra một gói giấy: “Xin nhờ chị Nobuko may giúp tôi một cái áo sơmi”. Lần đầu tiên được Nobuko đưa đến nhà mình để nhờ mua giúp lương thực đang rất khan hiếm trong thời điểm chiến tranh, “anh Của” đã ngọt ngào gọi “Cha ơi! Mẹ ơi!” trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ Nobuko. Bà Nobuko hôm nay cười thật tươi: “Sau này đến Việt Nam, tôi mới biết người miền Nam có tập quán xưng hô thân mật như thế. Nghe anh gọi “mẹ”, mẹ tôi thích lắm, và vì thế mà sau đó ít lâu bà đồng ý gả con gái cho anh sinh viên ấy. Bà còn tự tay đi chợ, nấu ăn cho đám cưới”.
Những ngày mùa thu 1945, ngoài niềm vui vì hạnh phúc riêng tư, ông Lương Định Của còn một niềm vui khác khiến ông như muốn bay lên, đôi mắt sáng loáng lên khi nói với vợ: “Em Nobuko ơi, Việt Nam đã được độc lập rồi. Việt Nam không còn là thuộc địa nữa. Từ nay trở đi, anh là người của nước Việt Nam độc lập, em ạ”. Từ ngày ấy, cơn gió thổi từ Hà Nội đã len vào tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng trẻ, theo họ từ Fukuoka đến Kyoto, Tokyo, từ lúc Lương Định Của còn là sinh viên cho đến khi nhận được danh hiệu bác sĩ nông học danh giá, tạo ra được giống lúa mới hột to, từ khi Nobuko là một cô gái trẻ cho đến lúc cô đã là một bà mẹ với hai con trai nhỏ.
Ông Lương Định Của đã say sưa nói với vợ về tương lai mới của đất nước, về xã hội tốt đẹp, tất cả vì nhân dân mà Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đang tạo lập. Ông từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI) để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều nỗ lực móc nối, chờ đợi, xoay đường này cách khác, năm 1952 ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn, và đến năm 1954 cả nhà lại cùng lên một chuyến tàu tập kết ra Bắc.
Từ đấy, bà Nobuko đã biết đến nỗi cực khổ của người nông dân Việt Nam khi cùng ông Lương Định Của ra khỏi phòng thí nghiệm bước xuống ruộng làm khoa học thực nghiệm, nuôi con gà, con lợn trong sân nhà; biết đến tem phiếu, xếp hàng, thiếu trước hụt sau khi phải chăm sóc đàn con; biết đến hầm trú ẩn, bom đạn rơi sát bên mình trong những năm tháng ở lại Hà Nội để dịch và đọc những bản tin tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà đã thay mặt đài viết từng lá thư tay trả lời thính giả Nhật, cảm ơn những lời động viên trong cuộc chiến tranh tàn khốc, giới thiệu những món ăn, những điểm du lịch Việt Nam... Tình yêu nước của chồng, những “cơn gió thổi từ Hà Nội” đã thấm vào bà từ bao giờ. Bà Nobuko lặp lại: “Tôi sống ở Việt Nam  rất dễ chịu. Thời tiết dễ chịu, thức ăn dễ chịu, con người cũng dễ chịu, và cả cách ăn mặc nữa. Tôi rất thích áo dài, vừa nhẹ nhàng, vừa đẹp, lịch lãm, lại vừa dễ mặc”.
Tấm ảnh bà mặc áo dài đứng cạnh chồng chụp mấy mươi năm trước, dịu dàng, nền nã không khác gì một phụ nữ Việt Nam. Cầm tấm ảnh, bà lặng đi: “Chỉ tiếc anh Của mất sớm quá, mới 55 tuổi”. Đất nước vừa thống nhất, ông Lương Định Của đã hai lần vào Nam khảo sát để chuẩn bị xây dựng Trung tâm Nông nghiệp miền Nam. Rồi ông bác sĩ nông học hăng say tính chuyện trở về quê hương sinh sống, háo hức vì sắp được phát huy khả năng của mình trên những đồng ruộng mênh mông, màu mỡ của đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 12-1975, ông tham dự kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa V, dự định kết thúc thì chuyển vào miền Nam nhận công tác. Chỉ còn hai ngày nữa lên đường, bỗng một đêm ông lên cơn nhồi máu cơ tim.
Hôm ấy là ngày 28-12-1975.

Hồi ký của bà Nobuko viết: “Tôi luôn tin tưởng là tôi hiểu biết về anh Của nhiều nhất, nhưng chứng kiến cảnh tang lễ, niềm tin này bắt đầu lung lay. Nhiều đoàn cán bộ cao cấp, nhiều cơ quan đoàn thể, đại biểu địa phương, những đoàn dài học sinh, sinh viên, hàng trăm người nông dân đứng xếp hàng trước cổng Bộ Nông Lâm nghiệp... Tôi mới hiểu anh với tư cách một người chồng, người cha, chứ chưa hiểu hết những đánh giá về mặt xã hội”.
Đúng là mỗi ngày lại có một cơn gió mới. Với những phát hiện mới về người chồng quá cố, bà Nobuko cùng các con quyết định chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để được sống trên quê hương ông Lương Định Của, tiếp tục làm việc ở Sở Ngoại vụ, tiếp tục cùng Việt Nam vượt qua những thời kỳ từ khó khăn đến đổi mới về kinh tế, đường lối chính sách.
Trong năm người con của bà, có tới ba người theo cha vào ngành nông nghiệp. Trong đó, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, phục vụ mười năm trong quân đội rồi lại tiếp tục theo nông nghiệp, người con trai cả Lương Hồng Việt bây giờ đã nghỉ hưu, luôn sát vai cùng mẹ Nobuko trên những nẻo đường: về quê cha ở Sóc Trăng lo phần mộ tổ tiên, về Hà Nội mỗi năm để trao Giải thưởng Lương Định Của cho những thanh niên nông thôn xuất sắc, về quê mẹ Nhật Bản để bà vơi nỗi nhớ hoa anh đào...
Nhắc về ông Lương Định Của, bà Nobuko bảo: “Ai cũng nói nếu chúng tôi vẫn cứ ở Nhật Bản thì sẽ giàu có lắm, sự nghiệp của anh cũng rực rỡ hơn về khoa học. Nhưng vật chất không làm nên hạnh phúc. Ở lại Nhật Bản thì anh Của sẽ không thể vui được đâu, vì những “cơn gió thổi từ Hà Nội”. Tôi đến đây, được làm vợ anh 30 năm, hợp nhau tới từng lời nói, như vậy là tôi được ở nấc thang trên cùng của hạnh phúc rồi”. Ông Việt cười tiếp lời: “Nhìn vào câu chuyện cuộc đời của ông bà, lớp con như chúng tôi thì thấy như huyền thoại, đám cháu thì bảo như cổ tích, không thể có được. Cả nhà bảo nhau phấn đấu theo ông bà thôi”.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải trong bài Nobuko Nakamura  & Luồng gió từ Hà Nội đã viết: “Một sự trùng hợp hay hay: ngôi nhà của gia đình giáo sư Lương Định Của ở TP.HCM nằm ngay trên con đường có ngôi trường mang tên ông. Ông mất đã lâu, năm 1975, lúc mới 55 tuổi, còn rất nhiều khả năng cống hiến và chưa được hưởng không khí hoà bình bao lâu. 
Bây giờ, trên con đường này, vợ ông – bà Nubuko Nakanura, trên 90 tuổi, vẫn ngày ngày được con trai đưa mẹ tập đi bộ giữa đường phố náo nhiệt. Khách qua đường mấy ai biết đó chính là người vợ Nhật Bản đã cùng chia sẻ cuộc đời lao động sáng tạo của một vị giáo sư – anh hùng lao động danh tiếng, đã rời bỏ quê hương cùng chồng trải qua cuộc chiến tranh gian khổ của Việt Nam. … 
Bà đưa ra một cuốn sách viết bằng tiếng Nhật, do một nhà xuất bản ở Nhật ấn hành năm 2000. “Đây là cuốn hồi ký của bà, tên sách là Luồng gió từ Hà Nội, gây tiếng vang lớn ở Nhật nhưng tiếc là chưa ai dịch ra tiếng Việt để người Việt Nam có thể đọc và thấy rõ thêm một anh hùng của dân tộc mình, một trí thức lớn lăn lộn trên ruộng đồng, dưới bom đạn để tạo ra các giống lúa mới giúp hậu phương miền Bắc đạt kỷ lục 5 tấn lúa/ha, góp phần đảm bảo lương thực cho cuộc chiến tranh.
 “Tính tình chúng tôi khác nhau nhưng lòng tin là một. Tin cậy lẫn nhau, gian khổ cùng vượt, đồng cam cộng khổ”. Bà thêm: “Chỉ cần nói ngắn, nói ít như vậy thôi”.
Hiện nay, nhiều mái trường Việt Nam mang tên Lương Định Của. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập giải thưởng mang tên Lương Định Của hàng năm xét trao cho 100 gương mặt tiêu biểu đại diện cho 13 triệu thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, xây dựng nông thôn mới. Đó là những “ông chủ mới” năng động dám nghĩ dám làm trong phong trào thanh niên nông thôn thực hiện bốn mới (kĩ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới).
Quận Đống Đa thủ đô Hà Nội có một đường phố mang tên Ông. Tại ngã ba Phạm Ngọc Thạch -Lương Định Của có một dãy ki-ốt kinh doanh hoa tươi bốn mùa rực rỡ sắc màu tỏa hương thơm ngát như luôn tưởng nhớ tới Lương Định Của, một nhà nông học xuất sắc, người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam .
Con đường lúa gạo mang tên nhà bác học nông dân Lương Định Của ở huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng được tiếp nối với đường Tôn Đức Thắng tại Trường Khánh đi về Đại Ngãi. Lúa ở đây rất tốt. Đoạn đường này có công sức và tấm lòng nhân hậu của người vợ Nhật đối với quê hương chồng, thật tình nghĩa biết bao !
Chúng ta đang đi trên con đường đó, lớp này tiếp lớp khác, theo con đường khai sáng của người thầy biết dấn thân vì đại nghĩa dân tộc, vì một tương lai mới của đất nước và xã hội tốt đẹp hơn.
Chuyện ông bà Của là câu chuyện cổ tích sống động giữa đời thường 
                                                                    *
                                                                *      *                    
Câu chuyện vinh danh hạt ngọc Việt, hạt gạo làng ta, hạt vàng Việt Nam có con đường lúa gạo Lương Định Của. Đó là câu chuyện dài về con đường lúa gạo Việt Nam. Dạy và học không chỉ trao truyền kiến thức mà thắp lên ngọn lửa! Chừng nào mỗi chúng ta chưa ứa nước mắt thấm hiểu sự nhọc nhằn của người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Chừng nào những giá trị lao động khoa học cao quý, liên tục, âm thầm chưa mang lại đủ niềm vui cho bữa ăn của người dân nghèo. Chừng đó chúng ta sẽ còn phải DẠY VÀ HỌC CÂY LƯƠNG THỰC. Cái gốc của sự học là HỌC LÀM NGƯỜI.

Hoàng Kim

Giảng viên chính Cây Lương thực
Bộ môn Cây Lương thực Rau Hoa Quả, Khoa Nông học,
Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0903613024; email:hoangkim.vietnam@gmail.com 

(Bài được đăng rãi rác nhiều kỳ tại DẠY VÀ HỌC, DANH NHÂN VIỆT)

Video yêu thích

Bài ca cây lúa
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam 

Trở về trang chính

1 nhận xét:

Angelika nói...

Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)

Người theo dõi