Trang liên kết chính

17/10/13

Lúa Gạo Việt Nam diễn đàn chọn tạo giống



CÂY LƯƠNG THỰC. Nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam; Sản xuất lương thực là ngành quan trọng nhất trong nông nghiệp,là giá đỡ của nền kinh tế Việt; Chiến lược của ngành nông nghiệp cần phải “Phát triển sản xuất lúa gạo Việt Nam trở thành mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn có hiệu quả và đảm bảo an ninh lương thực”. Lúa là cây trồng chủ lực có diện tích thu hoạch năm 2012 đạt 7,75 triệu ha với năng suất bình quân 5,63 tấn/ha, sản lượng 43,66 triệu tấn (GSO, 2013). Vấn đề chọn tạo giống lúa là khâu trọng yếu, đột phá trong chuỗi liên kết nâng cao giá trị xuất khẩu gạo từ chọn tạo giống lúa, xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh đến xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hệ thống khép kín nghiên cứu phát triển sản xuất chế biến kinh doanh lúa gạo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. "Tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa vào dân và hướng vào lợi ích của người nông dân, từ đó tạo ra sự gắn kết trong hợp tác kinh doanh và phát triển". Đó là khẳng định Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vừa diễn ra ngày 27/9, tại Hà Nội, được đăng trên trang web Chính Phủ VGR News ngày 28 tháng 9 năm 2013. Bài viết "Lúa Gạo Việt Nam diễn đàn chọn tạo giống" giới thiệu một số bài viết và trao đổi về chủ đề chọn giống lúa. Kính mời quý bạn đọc trao đổi, đóng góp ý kiến tại đây hoặc tại diễn đàn FOODCROPS.VN, CayLuongthucFacebook, FoodCropsNewsWordpress

Liên kết những bài viết tuyển chọn:
Cần một nền nông nghiệp công nghệ cao (Đỗ Hương VGP 3.10.2013)
Tái cơ cấu nông nghiệp: Nông dân phải thu lãi cao nhất (Đỗ Hương VGP 28.9.2013)
Hồ Quang Cua gạo thơm Sóc Trăng (Hoàng Kim NGỌC PHƯƠNG NAM 15.10.2013)
Cây lương thực Việt Nam hiện trạng và định hướng phát triển (Hoàng Kim 14.8. 2010)
Gạo thơm ST ra thế giới (Huỳnh Kim MONG MANH 14.10.2013)
Chọn tạo, sản xuất, kinh doanh giống lúa ở ĐBSCL (Hà Triều, Báo điện tử Cần Thơ 18.10.2013)
Thành tựu và giới hạn của việc áp dụng giống lúa cao sản ở ĐBSCL (Phạm Văn Dư, Lê Thanh Tùng CÂY LƯƠNG THỰC 11.8.2011)
Địa chỉ xanh giống lúa chịu mặn, hạn (Hoàng Kim, CÂY LƯƠNG THỰC 16.9.2012)
Chọn tạo giống lúa hướng đến thích ứng với biến đổi khí hậu (Hoàng Kim, CÂY LƯƠNG THỰC 10.7.2013)
Hoa Sĩ Hiền chủ nhân của 12 giống lúa mang tên quê hương “Tân Châu” ( Website Gạo thơm Sóc Trăng 9.12.2010)
Xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo thơm Sóc Trăng, tiền đề để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo (Hồ Quang Cua 2011, Website Gạo thơm Sóc Trăng 9.12.2010)




CẦN MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

(Chinhphu.vn) – Đứng hàng đầu về xuất khẩu gạo, nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có giống lúa nào mang đặc trưng và thương hiệu Việt để nhận diện trên trường quốc tế. Đó là câu chuyện minh chứng cho việc nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn thiếu sự chuyên sâu.

Phát triển KHCN mới tạo được đột phá cho nền nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã khẳng định, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp muốn đạt hiệu quả cao phải dựa vào KHCN.

Theo đánh giá của Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã dành hơn 2.100 tỷ đồng để triển khai các dự án giống và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN như hạ tầng thủy sản, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu… Nhờ đó đã nghiên cứu, chọn tạo được hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Ngoài ra có gần 200 quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng trong thực tiễn, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị của nông sản.

Tuy nhiên sau bao nhiêu năm đổi mới và phát triển ngành nông nghiệp, những tiến bộ về KHKT dường như vẫn chưa thực sự có được những bước tiến xa hơn một “nền móng vững chắc”.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN & Môi trường của Quốc hội, cơ chế quản lý KHCN hiện còn chậm đổi mới, tập trung chủ yếu vào các yếu tố đầu vào, chưa quan tâm đến quản lý chất lượng đầu ra và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn.

Thực tế, ngành Nông nghiệp vẫn đang thiếu kế hoạch nghiên cứu tổng thể cho toàn ngành và từng lĩnh vực. Do đó, nền nông nghiệp nước ta vẫn là sản xuất nhỏ, hàm lượng KHCN trong giá trị sản phẩm còn thấp.

Ngoài ra, tình trạng "chảy máu chất xám" nguồn lực trong lĩnh vực KHCN đang có xu hướng tăng do thiếu chính sách ưu đãi với người làm công tác nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cũng nhận định, hệ quả của việc công nghệ chậm đổi mới nên nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống của nước ta vẫn ở tình trạng chất lượng thấp, giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh. Đặc biệt, công nghệ bảo quản, chế biến sâu đối với sản phẩm nông nghiệp còn yếu kém khiến cho nhiều nông sản bị thiệt thòi về giá trên thị trường thế giới.

Cơ chế linh hoạt, nghiên cứu theo yêu cầu

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, thời gian tới, cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, cần thiết phải chuyển đổi cơ chế hoạt động của các tổ chức nghiên cứu KHCN nông nghiệp từ công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường KHCN trong nông nghiệp như hoạt động mua bán bản quyền giống bản quyền cây trồng, vật nuôi…

Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới chỉ đáp ứng khoảng 55-60% nhu cầu. Trong khi đó, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa phát huy được hiệu quả. Trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, việc nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực được xác định rõ nét hơn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa. Một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập sẽ được xây dựng theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Qua đó sẽ huy động được sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp ngoài Nhà nước vào các hoạt động KHCN, đào tạo và các dịch vụ nông nghiệp khác. Cùng với đó, các hoạt động khuyến nông cũng sẽ được phân cấp mạnh mẽ cho tổ chức nông dân và doanh nghiệp, tăng kinh phí đầu tư cho KHCN và đạo tạo nguồn nhân lực, khuyến nông.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định, các nội dung ưu tiên nghiên cứu sẽ được xác định ưu tiên theo ý kiến của các tổ chức nông dân và doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động nghiên cứu để nhanh chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào đời sống.

Bộ NNPTNT cũng sẽ hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận các dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Song song với đó là mở rộng các hình thức đào tạo nghề, nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các tiến bộ KHKT.

Đỗ Hương
Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Bai-toan-tai-co-cau-nong-nghiep/Can-mot-nen-nong-nghiep-cong-nghe-cao/182075.vgp




TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP: NÔNG DÂN PHẢI THU LÃI CAO NHẤT

(Chinhphu.vn) - Tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa vào dân và hướng vào lợi ích của người nông dân, từ đó tạo ra sự gắn kết trong hợp tác kinh doanh và phát triển.


Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vừa diễn ra ngày 27/9, tại Hà Nội.

Nền nông nghiệp Việt Nam đã đi từ đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực, phát triển theo chiều rộng thông qua tăng vụ, tăng diện tích và sản lượng… đến nay chúng ta đã có bệ đỡ để “rảnh tay” tập trung theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: “Tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa vào dân và hướng vào lợi ích của người nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia đồng thuận của người dân, từ đó tạo sự gắn kết trong hợp tác kinh doanh và phát triển”.

Thành công của nông nghiệp Việt Nam trong 20 năm qua chính là nhờ sự tập trung phát triển những thế mạnh mũi nhọn trong sản xuất của mình. Tuy nhiên, đã đến lúc nghiên cứu phát triển nhằm nâng cao giá trị, lợi nhuận từ nông sản cho người nông dân.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng kinh tế nông hộ từng mang lại hiệu quả cho sản xuất song đã đến lúc không thể duy trì và cần thay thế mô hình kinh tế theo kiểu sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang các hình thức hợp tác liên kết bằng việc hình thành các hiệp hội, tổ hợp tác, hợp tác xã và có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp.

Vai trò của Nhà nước là đàm phán những hiệp định quốc tế, làm qui hoạch, tạo hành lang pháp lý, những dịch vụ công như kiểm dịch, tài chính, bảo hiểm, thị trường, khuyến nông, khuyến khích những người trẻ có học thức về nông thôn.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta đang lãng phí tài nguyên rất nhiều vì xuất khẩu nông sản của ta chủ yếu là xuất khẩu thô như gạo sau xay xát, cà phê nhân và hồ tiêu thô… Sắp tới cần phát triển các dịch vụ chế biến nông sản để nâng cao giá trị sản xuất.

Điển hình đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cần đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nâng cao giá trị sản xuất chứ không nhất thiết phải nuôi, trồng thật nhiều, chạy đua về con số mà nên nghiên cứu theo hướng phát triển cây gì, vật nuôi gì phát huy được lợi thế nhất để mang lại lợi nhuận cao.

Đặc biệt, các ngành cần tập trung xây dựng các sản phẩm có thương hiệu bằng cách nghiên cứu xác định giống đặc dụng trên cơ sở phù hợp với điều kiện mỗi vùng địa phương.

Đơn cử như đối với ngành trồng lúa, mỗi mùa vụ khi xác định được lợi thế cạnh tranh về một số sản phẩm lúa gạo, chúng ta sẽ chủ trương cho người nông dân trồng chuyên canh phát triển giống đó trên cơ sở phù hợp với điều kiện tại địa phương. Như vậy, khi đưa ra thị trường, vừa tạo được sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tạo được tên tuổi sản phẩm và mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Tránh tình trạng thị trường bát nháo các sản phẩm mà đối tượng nhập khẩu không biết đến thương hiệu và mất khả năng cạnh tranh.

Như vậy, cần cơ chế chính sách đồng bộ để làm tốt khâu sản xuất, xem đây là hậu phương vững mạnh. "Tiền tuyến" là doanh nghiệp cũng cần được chuẩn bị sức mạnh để mang sản phẩm Việt đi chiếm lĩnh thị trường. Hiệu quả cao chỉ có khi hậu phương và tiền tuyến là một khối gắn kết sâu sắc về lợi ích.

Đỗ Hương
Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Bai-toan-tai-co-cau-nong-nghiep/Tai-co-cau-nong-nghiep-Nong-dan-phai-thu-lai-cao-nhat/181760.


CHỌN GIỐNG LÚA

Lê Huy Hàm: "Kính gửi anh Kim ý kiến của tôi về chọn giống lúa để chia sẻ với các đồng nghiệp. Anh làm cầu nối chúng tôi với anh Hồ Quang Cua nhé. Cám ơn và chúc anh khỏe, Hàm. Kính gửi các anh/chị: Sau một ngày làm việc và tư duy, chúng ta đã phác thảo kế hoạch lúa gạo sản phẩm quốc gia khá chi tiết như anh Viết đã tổng hợp. Tôi đề nghị bổ sung nội dung sau"

1. Cải tạo tính kháng và chất lượng của một số giống – mega varieties – đang sử dụng rất đắt trong sản xuất ở cả hai miền. Lý do: kế hoạch của chúng ta đề xuất tập trung tạo giống mới. Trong khí đó trên thực tế, để tạo được một giống mega là câu chuyện may rủi của cả thập kỷ. Từ lâu chúng ta đặt vấn đề tìm giống thay thế Bắc Thơm, Khang Dân cho đồng bằng sông Hồng, và giống có nguồn gốc IRRI cho đồng bằng sông Cửu Long, cho đến nay chúng ta chưa tìm được! Vì vậy song song với việc tìm giống mới chúng ta phải cải tạo giống đang có, đang sử dụng rộng rãi. Các Phương pháp chỉ thị phân tử hiên nay hoàn toàn có thể cho phép chúng ta làm điều này thuận lợi và chính xác. Các đặc tính cần cải thiện: kháng bạc lá, đạo ôn và rầy nâu, giảm amylose ở Khang Dân , Q5…. Việc này cần giao cho Viện Lúa ở phía Nam, Viện Di truyền ở phía Bắc. Viện Bảo vệ Thực Vật phối hợp. Xin gửi các anh 2 slides về kinh nghiệm chọn giống của Thái Lan và tình hình chọn giống mới ở nước ta trong file đính kèm. Bộ nhất định ủng hộ chúng ta trong việc này.

2. Cần phải thiết lập bản đồ chi tiết phân bố của các tác nhận gây bệnh quan trọng như bạc lá, đạo ôn và rầy nâu. Rầy nâu đã có đề tài của Viện Bảo Vệ Thực Vật trong chương trình Công nghê Sinh học Nông nghiệp thực hiện từ 2014. Bạc lá và đạo ôn, mỗi người làm một mảng, không có hệ thống, không theo dõi được sự thay đổi của tác nhân gây bệnh, không dự báo được dịch bệnh. Trong chương trình này cần làm thật cơ bản, về lâu dài cần giao nhiệm vụ thường xuyên cho một vài nhóm, thướng xuyên theo dõi sự biến đổi của các chủng nấm, vi khuẩn và virus gây bệnh để có dự báo chính xác. Hiện nay Viện Di truyền đang phối hợp với các nhà khoa học Pháp trong phòng thí nghiệm Việt Pháp làm một phần việc này. Tôi đề nghị giao việc này cho Phòng Bệnh học Phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cữu Long và Viện Bảo vệ Thực vật phối hợp thực hiện trên địa bàn tương ứng. Không nắm được các đặc điểm di truyền, phân bố của tác nhân gây bệnh thì làm sao chúng ta có thể chọn được giống kháng.

3. Từ lâu chúng ta bỏ quan phần sinh lý và dinh dưỡng của giống. Tôi đề nghị ta khởi động lại việc này và giao cho TNNH kết hợp với các Viện: Viện Cây Lương Thực Cây Thực Phẩm. Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cữu Long,Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam … để làm. Chỉ bằng việc tối ưu dinh dưỡng, thời vụ hoàn toàn có thể tăng 15-20 năng suất. Hiệu quả không kém tạo giống mới.


Kính chúc các anh khỏe,

Lê Huy Hàm
Associate Prof. Dr. Le Huy Ham
Director General
Institute of Agricultural Genetics
Tuliem, Hanoi, Vietnam
Mobile: 0913323023
Office: 00 84 4 37544712
Fax: 00 84 4 37543196
Email: LHHAM@agi.ac.vn

GẠO THƠM ST RA THẾ GIỚI

Cục Sở hữu trí tuệ đã chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” từ cuối năm 2011 cho dòng sản phẩm gạo thơm mang tên ST. Người xây đắp cho thương hiệu này, kỹ sư Hồ Quang Cua, nay đang mong muốn nâng ST lên thành thương hiệu gạo Việt Nam trên thương trường thế giới.


Thái Lan làm được, sao mình không làm ?



Kỹ sư Hồ Quang Cua – Ảnh: H.Kim

Tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt Trường ĐH Cần Thơ năm 1978, anh Hồ Quang Cua trở về quê nhà Sóc Trăng, làm việc tại Phòng Nông nghiệp H.Mỹ Xuyên, sau đó được đề bạt làm Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng. Đến nay, anh đã cùng nhóm cộng sự đi qua chặng đường hơn 20 năm xây dựng thương hiệu gạo thơm ST.

Từ năm 1991, Hồ Quang Cua đã tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và ĐH Cần Thơ lo sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan. Được làm việc cùng các nhà khoa học đầu đàn như GS Võ Tòng Xuân, GS Nguyễn Văn Luật, rồi ra nước ngoài học, anh bắt đầu có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, trước hết là cho tỉnh Sóc Trăng.

Dạo đó, anh phát hiện giống lúa thơm nổi tiếng Khao Dawk Mali 105 của Thái Lan là do một cán bộ ở huyện chọn tạo; vậy mà những năm 1992 – 1997, mỗi năm Thái Lan thu gần 1 tỉ USD nhờ xuất khẩu hơn một triệu tấn gạo này. “Họ làm được sao mình lại không làm, trong khi đến cuối thế kỷ 20 mình đã xuất khẩu gạo ổn định và lo được an ninh lương thực rồi?” – Hồ Quang Cua tự vấn rồi cùng nhóm cộng sự và bà con nông dân ở huyện lao vào công việc bất kể ngày đêm. Trong bước đi đầu tiên kéo dài nhiều năm ấy, các anh đã rút ra 3 kết luận hình thành nên cây lúa thơm tương lai: 1/ Quá trình biến dị, lúa có thể cho ra giống mới có phẩm chất cao hoặc dùng làm nguồn lai tạo tiếp; 2/ Việt Nam đất chật người đông, cây lúa thơm phải là cây cải tiến có năng suất cao chứ không thể như Thái Lan, Ấn Độ sử dụng cây lúa mùa cổ truyền năng suất thấp; 3/ Phải đào tạo nhân lực để hình thành đội ngũ nghiên cứu.

Lúc đầu, ít người tán thành những nhận định mới này, nhưng rồi được Bộ Nông nghiệp và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khích lệ, dần dần bảy giống lúa thơm bố mẹ được lai tạo, trong đó có gien giống Khao Dawk Mali, giống Tám Xoan ở phía bắc và giống Tào Hương của Sóc Trăng. Tới năm 2013 này, đã có 21 giống ST. Riêng ST20, cho hạt gạo thon dài, cơm mềm dẻo, thơm hương dứa và hương cốm.

Từ năm 2009, đã có gần 25.000 ha lúa thơm ST được trồng tại Sóc Trăng và hàng vạn héc ta nữa được các tỉnh ven biển khác ở ĐBSCL trồng. Ngoài việc trồng lúa hai vụ, các anh còn giúp nông dân trồng lúa thơm theo các mô hình hành tím – lúa và tôm – lúa. Ông Trà Diên ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề, nơi đang làm 2.500 ha lúa ST5, nói: “Tôi làm 23 công cấy tầm lớn hai vụ ST5, mỗi năm lời hơn 150 triệu đồng, gấp đôi lúa IR ngày trước”. Hồ Quang Cua nói: “Các tỉnh ven biển ĐBSCL có thể trồng được vài trăm ngàn héc ta giống ST. Riêng việc trồng lúa thơm ở vuông tôm đã giúp ổn định môi trường, tái tạo sự sống trong đất, làm chậm quá trình thoái hóa đất”.

Trong đào tạo, từ cây lúa thơm ST, đã có 10 kỹ sư làm tiếp các đề tài lên thạc sĩ, riêng anh Trần Tấn Phương đã bảo vệ tiến sĩ hồi tháng 10.2011 chuyên về di truyền với đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm cao sản phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.

ST ra thế giới, nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi

Cuối năm 2011, đã có 5 đơn vị được Sở NN-PTNT Sóc Trăng trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng”. Đó là Công ty Gentraco ở Cần Thơ, Công ty lương thực Sóc Trăng, Công ty TNHH Thành Tín, Công ty chế biến gạo chất lượng cao Sóc Trăng và cơ sở sản xuất lúa giống và gạo thơm Mỹ Xuyên. Cũng năm đó, lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu được hơn 400.000 tấn gạo thơm, chủ yếu là giống Jasmine vì giống ST chưa có nhiều, mới đủ tiêu thụ nội địa.

Tình hình này đã thôi thúc kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng sự dấn thân tiếp vào một kế hoạch mới. Họ đang làm đề án “Xây dựng liên minh nông dân và doanh nghiệp dựa trên quan hệ sản xuất mới” với mục tiêu hàng đầu là “tăng thu nhập cho nông dân”. Nông dân trồng lúa thơm ST sẽ tăng thu nhập lên tối thiểu 20% trong năm đầu tiên và tiếp tục tăng trong năm thứ 2 và năm thứ 3 nhờ nắm bắt đầy đủ kỹ thuật canh tác. Cơ sở nào để có dự án này? Anh Cua cho biết giá gạo trắng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013 chỉ nhỉnh hơn 400 USD/tấn dẫn tới hiệu quả sản xuất lúa gạo thấp. Trong khi đó, Công ty lương thực Sóc Trăng và Công ty TNHH Trung An ở Cần Thơ đã xuất khẩu gạo ST20 với giá 900 USD/tấn và đang thiếu hàng để bán.

Hồ Quang Cua hỏi: “Vậy ta có nắm được cơ hội này để thâm nhập sâu vào thị trường gạo cao cấp của thế giới không? Và ta có thể tổ chức sản xuất một vài chủng loại lúa đặc thù của Việt Nam, như ST, với mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân?”. Rồi tự trả lời: “Làm được nghĩa là chúng ta tạo được một quan hệ sản xuất mới, hữu cơ giữa nông dân và doanh nghiệp, điều mà Chính phủ vừa phê duyệt trong kế hoạch tái cơ cấu sản xuất lúa của Bộ NN-PTNT”.

Theo các tác giả dự án, gạo thơm ST20 và ST21 là gạo thơm cao cấp, rất được người tiêu dùng trung lưu thành thị ưa chuộng, bán được giá cao, nội địa bình quân 1 USD/kg, xuất khẩu tới 900 USD/tấn, như vậy là gạo Việt Nam bắt đầu cạnh tranh được với gạo thơm cao cấp của Thái Lan. Giờ đây, nếu mô hình liên kết nông dân – doanh nghiệp được đầu tư làm bài bản ở quy mô lớn hàng ngàn héc ta ngay từ năm đầu, thì chẳng những gia tăng thu nhập ngay cho nông hộ và doanh nghiệp mà còn là mô hình để làm đúng việc liên kết bốn nhà trong cánh đồng mẫu.

“Mong ước cuối cùng của tôi là việc xác lập quan hệ sản xuất mới mang tính bền vững cho chuỗi giá trị, và gạo thơm Sóc Trăng sẽ có ngày được nâng lên thành thương hiệu gạo Việt Nam trên thương trường thế giới”, kỹ sư Hồ Quang Cua quả quyết như vậy.

Bài đã đăng trên báo Thanh Niên:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131007/gao-thom-st-ra-the-gioi.aspx



HỒ QUANG CUA GẠO THƠM SÓC TRĂNG

NGỌC PHƯƠNG NAM. Nhà văn, nhà báo Huỳnh Kim vừa có bài viết ấn tượng Gạo thơm ST ra thế giới viết về kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả nhãn hiệu Gạo thơm Sóc Trăng nổi tiếng ST5, ST20,… “Thái Lan làm được sao mình không làm? ” “ST ra thế giới nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi“. Những trăn trở của anh Hồ Quang Cua và những người tâm huyết “chọn tìm giống tốt đêm nằm chiêm bao” cũng là trăn trở của hàng triệu nông dân Việt Nam. Làm gì để nâng cao giá trị canh tác, giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế để hạt ngọc Việt đi ra thế giới ? Từ nghiên cứu chọn tạo giống tốt, hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh, đến phục tráng, thực nghiệm, nhân giống gốc, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đến tổ chức hệ thống sản xuất chế biến kinh doanh khép kín là một chuỗi công việc to lớn để có được chén cơm ngon như những tấm hình minh họa dưới đây







Anh Hồ Quang Cua (thứ nhất bên trái) cùng anh Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT (thứ hai từ bên phải), trong hội thảo đầu bờ trên cánh đồng mẫu lớn. Chúng tôi đang học theo anh để tiếp nối công việc của anh và thực hiện đề tài Chọn tạo giống lúa hướng đến thích ứng với biến đổi khí hậu từ nguồn gen siêu lúa xanh (GSR) và đặc sản Sóc Trăng (ST). Tôi biết ơn anh Cua vì tấm lòng của anh đối với nông dân, đối với cây lúa, đối với nghề nông và những kỹ năng cuộc sống quý giá mà anh đã thân thiết trao đổi, gợi mở,…

Tôi nhớ đến anh là nhớ đến gạo thơm Sóc Trăng và ngược lại. Ra bến xe đò về thành phố, hỏi đến ông Cua gạo thơm Sóc Trăng là hầu như ai cũng biết và họ hồ hởi khoe ông Cua và gạo trắng, gạo ngon, … rượu ngon Sóc Trăng và nếp cẩm. Chợt dưng tôi thấu hiểu những ông Bụt đời thường, những ông Bụt của đất, của nước, của hạt ngọc phương Nam.



Trăn trở về Lúa Gạo Việt Nam chiến lược chọn tạo giống, tôi viết thư trao đổi với anh Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp. Anh tán đồng với phương pháp "đưa thêm các nguồn gen quý vào những giống lúa vốn đã rất phổ biến và nổi tiếng trong sản xuất" như cách chúng ta đã làm trong tạo chọn và phát triển các giống khoai lang HL518 (Nhật đỏ), HL491 (Nhật tím) công nhận giống năm 1997 thành vùng giống sản xuất lớn, thâm canh cao ở Bình Minh, Vĩnh Long năm 2007, đưa năng suất khoai lang từ 9,00 tấn lên 29,8 tấn trên phạm vi toàn tỉnh; Giống sắn KM98-5, KM419 tạo giống cũng theo cách trên và nay đã thành vùng giống sắn sản xuất lớn ở Tây Ninh, đưa năng suất sắn từ 8,5- 12,5 tấn /ha của giống sắn địa phương lên 17,0- 27,0 tấn/ha với giống sắn KM94 và nay toàn tỉnh đạt năng suất 29,0 tấn/ha, cá biệt những nông hộ sản xuất giỏi đạt 50,0 - 65,0 tấn/ha trên diện rộng. Điều này cũng như công việc chúng ta đang làm đưa thêm nguồn gen quý vào giống lúa "hoa hậu" OM6976 của nhóm tác giả Nguyễn Thị Cúc Hòa, Phạm Trung Nghĩa và cộng sự Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, để chọn tạo và phát triển dòng OM6976-41 (GSR89), hoặc những việc chúng ta đang làm mới đây nhắm kết hợp GSR với ST.





Anh Lê Huy Hàm đồng tình và trao đổi nhiều thông tin định hướng chọn tạo giống lúa (như đã nêu ở bài trên). Anh viết: "Kính gửi anh Kim. Cám ơn anh đã giới thiệu về các giống lúa mới có tiềm năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này tôi rất quan tâm. Hiện nay chúng tôi đi theo hướng là không tạo ra giống lúa mới mà chỉ cải tạo giống cũ. Lý do vì chúng ta đã tạo ra quá nhiều giống lúa mới, nông dân hoa mặt không còn biết phân biệt giống nào tốt, giống nào xấu nữa (Không như sắn và khoai lang, số giống chọn tạo không nhiều nhưng rất bền trong sản xuất - HK). Nhiều giống lúa cũng làm cho việc xây dựng thương hiệu giống và thương hiệu gạo khó khăn, là một trong các nguyên nhân làm gạo Việt Nam có giá thấp trên thị trường. Vì vậy hiện nay tôi đang nâng cao tinh chịu mặn và tình chịu ngập của các giống đại trà lúa miền Bắc và miền Nam bằng việc đưa gen Saltol (chịu mặn) và gen Sub1 (chịu ngập) vào các giống lúa đại trà của Việt Nam. Mức chịu mặn giai đoạn mạ hiện nay đã đạt 5-6 ‰, chiu ngập 10-15 ngày, sau khi nước rút lại mọc lại. Chúng ta có thể cùng nhau thử nghiệm các giống này tại Sóc Trăng. Anh làm cầu nối với tỉnh thì rất tốt. Chúng ta cùng nhau tìm kinh phí. Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách này, chúng ta sẽ không tao ra các giống mới mà chỉ cải thiện các giống đã chấp nhận rộng rãi ở các đặc tính chịu mặn, chịu ngập, kháng rầy, đạo ôn, khô văn, bạc lá… và cuối cùng tạo ra Multiple tolerant rice varieties hay super rice. Đây là đặc tính cần để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia với kế hoạch của anh về SGR(Green Super Rice - Siêu lúa xanh)ở tỉnh Sóc Trăng, Phú Yên và Gia Lai. Anh móc nối, có thể chúng ta sẽ tổ chức gặp nhau Viện Di truyền - Đại học Nông Lâm hoặc tại các tỉnh trên. Chúng tôi có thể lại tạo để chuyển thêm gen saltol vào SGR để tăng tính chịu mặn, đánh giá ở góc độ phân tử, sau đó anh cùng với Sóc Trăng, Phú Yên , Gia Lai và các nơi đánh giá tại địa Phương. Anh suy nghĩ nhé. Chúc anh khỏe, Lê Huy Hàm"

Tôi muốn khởi đầu câu chuyện "Lúa Gạo Việt Nam diễn đàn chọn tạo giống" bằng sự Tổng quan "Con đường lúa gạo Việt Nam" kể về nhiều nhân vật kỳ vĩ và nhiều nhà khoa học tâm huyết tài năng như: Lương Định Của, Tôn Thất Trình, Bùi Huy Đáp, Nguyễn Văn Luật, Võ Tòng Xuân, Vũ Tuyên Hoàng, Mai Văn Quyền, Trần Văn Đạt, Bùi Bá Bổng, Bùi Chí Bửu, Nguyễn Công Tạn, Phan Phải, Nguyễn Thị Trâm, Lê Huy Hàm, Tạ Minh Sơn, Nguyễn Trí Hoàn, Phạm Văn Ro, Nguyễn Thị Cúc Hòa, Nguyễn Thị Lang, Đỗ Khắc Thịnh, Nguyễn Văn Hoan, Mai Thành Phụng, Nguyễn Gia Quốc ... Họ đã đóng góp to lớn trong chọn tạo giống lúa, góp phần làm nên diện mạo "Cây lúa Việt Nam thế kỷ 20". Nhưng tôi xin được viết chậm lại để có thời gian thong thả hơn. Sự cần thiết phải đi thẳng vào những vấn đề nóng hổi, cấp bách của thực tiễn sản xuất đang đòi hỏi: "Làm gì để phát triển khoa học công nghệ mới tạo được đột phá cho hạt ngọc Việt?".

Chúng ta hãy bắt đầu từ anh Hồ Quang Cua và gạo thơm Sóc Trăng, từ vùng đất quê hương Long Phú, Đại Ngãi (Đại Nghĩa theo cách gọi của tiếng miền Nam), đi trên con đường lúa gạo Trường Khánh, Đại Nghĩa của dân tộc Việt, nơi sinh thành của nhà bác học cây lúa Lương Định Của. Chúng ta cũng bắt đầu bằng ý kiến thảo luận của anh Lê Huy Hàm, chuyên gia về di truyền chọn giống lúa. Tôi hiểu ý anh Hàm "Chọn giống lúa là đừng ham tạo ra nhiều giống mà cần tuyển chọn kỹ để có giống lúa ưu tú phổ biến thành thương hiệu nổi bật, đứng vững trong sản xuất". Mời bạn hãy đọc “Gạo thơm Sóc Trăng ra thế giới” của Huỳnh Kim. Bài viết ngắn nhưng nhiều thông tin lắm. Đất nước cần có nhiều Hồ Quang Cua và "gạo thơm Sóc Trăng" hơn nữa cho bà con nông dân và cho sản xuất! Đọc Huỳnh Kim, tôi cảm giác như gặp lại Sơn Nam: " … Năm tháng đã trôi qua/ Ray rứt mãi đời ta/ Nắng mưa miền cố thổ/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê “. Năm tháng sẽ qua đi, chỉ những thành quả thiết thực cho chén cơm manh áo của người dân là còn lại.

Đất Nước cần nhiều những nhà khoa học dấn thân, cần cù, phúc hậu, trí tuệ chọn tạo giống lúa, cây lương thực ngon hơn, tốt hơn cho người dân, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, các giải pháp khoa học công nghệ để người dân lao động bớt nhọc nhằn hơn, giảm rũi ro và tổn thất sau thu hoạch.

Chừng nào mỗi chúng ta chưa ứa nước mắt thấm hiểu sự nhọc nhằn của người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Chừng nào những giá trị lao động khoa học cao quý, liên tục, âm thầm chưa mang lại đủ niềm vui cho bữa ăn của người dân nghèo. Chừng đó chúng ta sẽ còn phải DẠY VÀ HỌC. Cái gốc của sự học là HỌC LÀM NGƯỜI.

Hoàng Kim
Nguồn: http://hoangkimlong.wordpress.com/2013/10/15/ho-quang-cua-gao-thom-soc-trang/


Tin nổi bật:

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG


Khúc ruột miền Trung đang oằn mình trong cơn lũ dữ. Rất nhiều năm nay chưa có cơn lụt nào to như cơn lụt này. Cần lắm, cần lắm những tấm lòng...



http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn

1 nhận xét:

  1. Hãy tận dụng thế mạnh cây lương thực của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu!



    ________________
    hat dieu vo lua – hat dieu lua

    Trả lờiXóa