Lưu trữ

27/11/09

Suy nghĩ về tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa và trái cây trong thực hiện NQ về ”Tam Nông”



CAYLUONGTHUC. GSTS. Nguyễn Văn Luật và TS. Lê Văn Bảnh vừa gửi bài "Suy nghĩ về tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa và trái cây trong thực hiện NQ về ”Tam Nông " Đây là tài liệu mà TS. Lê Văn Bảnh dự kiến sẽ trình bày trong Hội thảo “TAM NÔNG SUY NGHĩ VÀ HÀNH ĐỘNG” tại Sở Nông nghiệp & PTNT, TP Cần Thơ ngày 04 tháng 12 năm 2009. Chủ đề này hiện đang được dư luận xã hội quan tâm.

1.1 Nông dân -Chủ thể sản xuất kinh doanh
Hiện nay có đến khoảng 90% nông hộ sản xuất phần lớn là lúa gạo, chủ yếu là cá lẻ, số hợp tác đích thực chưa có là bao. Đã có nhiều nỗ lực đưa nông dân vào con đường sản xuất tập thể để giúp nông dân phát triển sản xuất, nhưng kết quả chưa được như ý muốn, có khi lại có kết quả trái ngược, như hồi hợp tác xã kiểu cũ. Hiệu quả của khoán 10 trong nông nghiệp thể hiện bằng sức sản xuất lương thực (lúa gạo) tăng đột biến, nước ta từ một nước nhập khẩu sang xuất khẩu lương thực đứng thứ nhì trên thế giới. Bởi vì, “khoán 10” đưa người nông dân trở về vị thế đích thực làm chủ sản xuất. Tổ chức hợp tác xã hay các hình thức tổ chức liên kết liên doanh với quy chế như thế nào giữ được quyền làm chủ sản xuất của nông dân, sự phát triển của tổ chức sản xuất trên cơ sở phát triển sản xuất của hộ nông dân, thế tất nông dân sẽ hưởng ứng. Kỳ vọng của chúng ta là có tổ chức sản xuất nông nghiệp như thế. Cuộc họp tổng kết các HTX NN vừa qua cho thấy số HTX làm ăn có hiệu quả còn ở mức khiêm tốn, trong số 100 HTX làm ăn tốt, thì chỉ có 15-16 HTX nông nghiệp, và đấy là các HTX không bị một sức ép nào ảnh hưởng đến quyền làm chủ của nông dân như nhận xét của một ký giả.

Đối với sản xuất quả rau hoa, yêu cầu kỹ thuật cũng như kỹ năng lao động cao hơn sản xuất lúa, thì càng cần tạo điều kiện thế nào để người nông dân thực sự làm chủ trong sản xuất kinh doanh. Nhiều người làm vườn có kỹ thuật tinh xảo, kỹ năng thành thạo đã trở thành những nghệ nhân khả kính, không chỉ với nghề trồng hoa cây kiểng, mà ngay cả với nghề trồng cây ăn quả lâu năm, như điều khiển bưởi da xanh ra hoa đúng vị trí trên cành, đúng thời vụ để có trái cây hàng hóa trái vụ, không có hạt mà vẫn giữ nguyên chất lượng, và “tắm” cho bưởi, không chạm tới phần rễ cây ăn nổi để cây phát triển lành mạnh.

1.2. Nông dân- Đối tượng phải được phục vụ

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng sau khi đi thăm Hàn Quốc và Nhật bản về đã có nói: “Ta còn nợ nông dân nhiều quá”. Để trả nợ phải lấy công nghiệp nuôi nông nghiệp, với đô thị cũng vậy, và phải dựa vào nông thôn. Ts Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện NC Chính sách và Chiến lươc NN cũng cho rằng chính nông dân đã làm cho nền kinh tế nước ta trụ vững như vừa qua trong cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Như vậy, nông dân ắt là “chủ nợ” của ta. Nhiều chuyên gia quốc tế, cũng cho rằng công nghiệp muốn phát triển bền vững phải hài hòa với sự phát triển của nông nghiệp. Có thể thấy rõ ngay là nông dân thiếu tiền mua công nghệ phẩm thì không phát triển được thị trường rộng lớn nông thôn của nông nghiệp, sẽ kìm hãm phát triển công nghiệp. Có nhà khoa học đưa ra 1 tỷ lệ tương đối: GDP công nghiệp gấp 4 làm GDP nông nghiệp là hợp lý. Ví như, GDP công nghiệp ở Việt Nam là 16%; nông nghiệp chỉ có 3,5%, là đầu tư cho nông nghiệp có vấn đề. Sản xuất lúa gạo luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ vì giá trị sản lượng, giá trị xuất khẩu, mà vì an ninh lương thực, an sinh cho tòan xã hội Việt Nam . Báo NNVN vừa đưa tin, Philipin cần nhập khẩu 3 triệu tấn gạo, nhu cầu nhập khẩu nhiều nước khác cũng tăng mạnh. Năm nay, Việt Nam ta xuất khẩu có dư 6 triệu tấn gạo, như vậy người nông dân ta thầm lặng sản xuất lúa còn đóng góp với những vấn đề sống còn của nhiều nước. Thế nhưng, việc đầu tư lại cho sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung lạiếit nhất so với các ngành khác, n hư gói kich cầu 1 chỉ tới nông dân có 0,2% trong số 400.000 tỷ đồng. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, chỉ có 25% nông dân tiếp cận được với thông tin thị trường, 90% nông sản xuất khẩu ở dạng thô, 60% phải bán với giá thấp để xoay sở hàng ngày hoặc không có khả năng bảo quản, và rất it người hình dung được khi nước biển dâng cao 1 m, họ sẽ sống ra sao.

Nghị quyết của Hội nghị TƯ VII về “Tam Nông” là định hướng giải pháp cơ bản khắc phục được tình trạng trên, chắc chắn sẽ có chuyển hướng mạnh trong việc phân bổ gói kích cầu 2, và nhiều chính sách đầu tư cụ thể hỗ trợ nông nghiệp khác..

Về sản xuất trái cây, tình trạng các nhà máy chế biến trái cây, cũng như các nhà máy đường thừa công xuất, thiếu nguyên liệu là một biểu hiện cụ thể đầu tư không tương xứng. Hiệu quả của vốn đầu tư và vốn kích cầu sẽ làm tăng ổn định nếu đầu tư thỏa đáng vốn xây dựng hạ tầng cơ sở vùng nguyên liệu, đầu tư nâng cao tay nghể cho người sản xuất trái cây và người sản xuất mía, đầu tư vật tư kỹ thuật, nhất là cải thiện cây giống mía và giống trái cây.

1.3. Nông dân- Nhân tố quyết định phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa, trái cây nói riêng

Trong cuộc Hội thảo vùng Châu Á và Thái Bình Dương về đa dạng hóa xuất khẩu nông sản và giảm nghèo do UNCTAD hợp tác với ESCAP tổ chức tại Bangkok (3-5 April, 2001), chúng tôi được mời báo cáo về trường hợp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Báo cáo của Việt Nam được hoan nghênh, đã trình bầy và thảo luận đến 1 giờ rưỡi, giờ giải lao vẫn tiếp tục trao đổi trên hành lang. Chúng tôi nghĩ rằng kết quả báo cáo như vậy đâu phải chỉ do kỹ năng nói, nội dung viết, mà chủ yếu là nhờ vào cái thế đóng góp vào an ninh lương thực mà người nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất lúa gạo xuất khẩu sau khi đảm bảo an ninh lương thực cho nhà mình, đất nước mình. Nghi quyết “Khóan 10” đã cởi trói cho nông dân để làm chủ làm cho sản xuất lương thực có một bước nhẩy vọt: từ một nước mà lãnh đạo quốc gia phải chạy lo cái ăn cho dân, đến một nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới.



Phần báo cáo trong cuộc Hội thảo vùng Châu Á và Thái Bình Dương về đa dạng hóa xuất khẩu nông sản và giảm nghèo được trao đổi nhiều nhất là về “trong chuỗi họat động xuất khẩu gạo” là người nông dân cực nhất, cần được hỗ trợ nhất, được thể hiện rõ nhất trong họat động sản xuất xuất khẩu gạo với 4 thành phần tham gia là nông dân, người thu gom (thương lái), xay chà đánh bóng và người xuất khẩu. Ba thành phần khác ngòai nông dân, cũng không thể thiếu được trong họat động sản xuất xuất khẩu gạo, nhưng đều là những họat động có lời họ mới làm, không như nông dân dù biết không lời cũng phải làm, mà phải làm những việc dễ gặp rủi ro nhất, cực nhọc nhất.

Về thương lái như cách gọi hiện nay, tuy không có gì sai, nhưng có cái gì đó chưa đánh giá đúng lực lượng lao động này, thường gắn liền với ý phải giảm đến mức xóa sổ. Tuy nhiên, vài chục năm nay rồi đeo đẳng ý này mà đội ngũ này vẫn tồn tại. Bởi vì, ai cũng biết đội ngũ này đảm nhiệm đến 95% lương lúa thóc mua gom về cho doanh nghiệp xuất khẩu. Những người này lại thường xuyên tiếp cận với bà con nông dân, nhiều nơi nhiều lúc chuyển giao cả giống và kỹ thuật cho nông dân.

Đồng thời, để thu nhiều lời, “thương lái” là ép giá lúa, cân sai, đánh giá chất lượng thóc lúa thấp để giảm giá, làm cho nông dân càng thua thiệt. Ta cần nghiên cứu hình thức thích hợp tổ chức những “thương lái” này lại, giáo dục họ khắc phục tính xấu trên, đồng thời “tập huấn khuyến nông” cho họ, coi họ như là một đội ngũ hỗ trợ cho cán bộ khuyến nông chuyển giao giống và tiến bộ kỹ thuật. Động viên, khen thưởng kịp thời những gương tốt trong việc thu gom lúa xuất khẩu

Nói chung, chúng ta cần làm sao để người nông dân chỉ lo sản xuất lúa theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, có được bảo hiểm. Các họat động xuất khẩu gạo khác (xuất khẩu, xay chà, thu gom) phải gánh một số rủi ro trong sản xuất và lưu thông mà đến nay người nông dân chịu cả. Đồng thời, tạo điều kiện thế nào để một bộ phận nông dân hợp tác họat động sản xuất với các hình thưc thích hợp, để có thể đủ sức tham gia vào những khâu khác đều có lợi hơn khâu sản xuất lúa, như quản lý kho dự trữ, thu gom, xay chà và cả xuất khẩu như ở một số nước mà chúng tôi đã đến tham quan (Úc, Ý, Nhật, Malaysia..)

Về sản xuất trái cây, cũng như lúa gạo, còn manh múm, tự phát, nên bộc lộ ra nhiều nhược điểm thể hiện ở nông sản hàng hóa có giá trị thấp mà giá thành lại cao. Các nông hộ sản xuất trái cây không đáp ứng được thị trường về cả số lượng lẫn chất lượng với độ đồng đều cao, và chủ động về thời gian giao hàng. Tổn thất trong thu hoạch lớn; tỷ lệ đưa vào chế biến thấp, khó khăn trong chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất. Nhận xét trên của ông Chủ tịch Hiệp hội rau quả Đinh Văn Hương , cũng như đề xuất đúng của ông cần quy hoạch vùng sản xuất trái cây đặc sản.

Với trách nhiệm quản lý ngành, ông Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Trí ngọc cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được những bất cập này, bằng triển khai đồng loạt những chính sách về giống, quy hoạch gắn với dự báo thị trường, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap.

Nội dung chỉ đạo của cơ quan chức năng, nhận xét thực trạng sản xuất trái cây của Hiệp hội Rau Quả đều chính xác, có lẽ không ai phủ nhận được. Vài thập kỷ trước đây cũng có những nhận xét và đề xuất tương tự, nhưng sản xuất vẫn manh múm, quy hoạch và chính sách tới nay hầu như vẫn dẫm chân tại chỗ. Trong sản xuất vẫn luôn xẩy ra tình trạng đào, lấp, chặt, trồng. Trái cây khi thì ế ẩm, khi thì chưa đạt đủ số lượng cung ứng cho thị trường. Cách nhìn thẳng vào sự thật trên mới có thể có giải pháp hữu hiệu trên cơ sở thực hiện nghiêm túc NQ VII về Tam Nông của Đảng ta năm 2008.

Trên cơ sở chủ trương chính sách về tam nông, cần có thêm góc nhìn khác, góc nhìn từ phía hộ sản xuất nguyên liệu cho nhà máy, hàng hóa cho thị trường, bao gồm trái cây xuất khẩu vốn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng tuy năm nay đã xuất siêu, nhiều năm chưa đầy 10% (theo một thông tin gần đây tỷ lệ này khỏang 15-17%). Các giải pháp trên cơ sở từ góc nhìn vi mô nông hộ là điều cơ bản để thực hiện được quy hoạch, chính sách mang tính vĩ mô.

Chúng tôi rất hoan nghênh đề xuất của Cục Trồng trọt về chính sách nâng giá đất ruộng lúa bờ xôi ruộng mật cao hơn giá đất nền nhà vài ba lần. Chúng tôi mong rằng giá đất vườn cũng được nâng lên tương ứng.

Cũng như đối với lúa gạo, chúng tôi cho rằng điều kiện tiên quyết để cải thiện ngành sản xuất trái cây hàng hóa cũng như ngành mía đường là nâng cao mức sông ổn định cho người sản xuất. Trong điều kiện hiện tại, đa dạng hóa sản xuất trong vùng miệt vườn chuyên canh theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái VAC mới có thể làm cho mức sống tăng ổn định.

Như vậy, từ lâu đã có “vườn đa canh”, nếu như trong đó có một vài loại cây ăn trái chính, như bưởi da xanh, sầu riêng cơm vàng hạt lép.., là ta có vùng chuyên canh cây bản địa đặc sản. Miệt vườn chuyên canh sẽ mở rộng để tăng sản lượng theo yêu cầu của thị trường.

Thật ra, cả vùng ĐBSCL là vùng chyên canh lúa gạo. Ông cha ta đã thực hiện đa dạng hóa cây trồng, đa canh cho thu nhập nói riêng và cho sự phát triển nói chung một cách bền vững. Trong phạm vi phát triển kinh tế vườn theo hướng vùng chuyên canh những cây ăn quả đặc sản bản địa, bao gồm các vườn đa canh theo hướng hệ sinh thái kinh tế VAC đa canh

2. Nông thôn

Đã có nhiều chủ trương chính sách về xây dựng nông thôn mới. Hiệu quả của nhủ trương chính sách đã có thếy trong cuộc sống, như “điện, đường, trường, trạm” làm cho bộ mặt nông thôn bắt đầu khởi sắc. Trong báo cáo này chúng tôi dành nhiều hơn về sản xuất trái cây, và ý kiến đề xuất đóng góp cho bộ mặt nông thôn mới.

2.1 Hệ thống “kinh tế sinh thái VAC” thường nằm trong khuôn viên của làng xã, thôn, ấp có vai trò quyết định trong quá trình làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam . Từ lâu ông cha ta đã khuyến cáo: “Thứ nhất canh trì; Thứ nhì canh viên; Thứ ba canh điền”. Trong hệ thống VAC, chúng ta thực hiện được cả cả canh trì lẫn canh viên. Thu nhập từ 2 loại canh tác này có nhiều tiềm năng hơn hẳn làm ruộng (canh điền).

2.2. Đờn ca tài tử, một sản phẩm hóa du lịch văn hóa độc đáo của Nam bộ. Nền văn hóa phi vật thể này xuất phát từ những miệt vườn, được gìn giữ trong các miệt vườn, và bắt đầu được hồi phục và phát triển cùng với sự phát triển kinh tế xã hội. Trong nhiều tua du lịch sinh thái đã có sản phẩm du lịch đờn ca tài tử mùi mẫm, như tua du lịch vùng 4 cồn Long, Ly, Quy, Phượng trên sông Tiền ở tỉnh Tiền Giang. (Cửu Long là chốn thần tiên. Sông Tiền sông Hậu hiện lên nhiều cồn: Cồn Ly, cồn Phượng, cồn Long; Cồn Quy, cồn Ấu, cồn Công, cồn Cù; Cồn Chum, cồn Lọ, cồn Lu. Có đàn cò lượn tít mù cánh trao. Cồn Gió, cồ Lộng xôn xao, Cùng chim bắt nhịp sóng trào, triều dâng!)

2.3 Nông thôn Việt Nam có tiềm năng rất lớn trở thành nhiều điểm có những “sản phẩm” du lịch hấp dẫn, vì có môi trường sinh thái kinh tế xã hội lành mạnh, văn minh. Với sự đóng góp của ngành sản xuất quả, rau, hoa, góp phần quan trọng đạt tiêu chí nông thôn mới, không chỉ xanh, sạch, đẹp, mà còn thơm mát, trong xanh, ẩm thực ngon lành, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài ngoài nước. Như vậy, ngành “công nghiệp không khói” sẽ phát triển, người nông dân sẽ tăng thu nhập trong hoạt động này mà không phải đầu tư năng lượng hóa thạch như sản xuất lúa và hoa màu.

2.4 Về thương hiệu tiêu biểu cho Việt Nam , Gs Tom Cannon, nhà hoạch định kinh tế nổi tiếng thế giới, ông sang Việt Nam từ ngày 27/7 đến 4/8 vừa qua, ông có nhận xét: Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng nhất ở châu Á về lĩnh vực phát triển. Ông khuyên Việt Nam cần có thương hiệu, ngay trong điều kiện đa số doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại nhỏ. Hiện chưa có bất kỳ một thương hiệu nào tiêu biểu cho Việt Nam . Cần phát triển nhiều loại thực phẩm mới, có giá trị vượt trội so với thế giới.

Suy ngẫm về lời khuyên của Gs Tom Cannon (đã là cố vấn cho Singapore thời TT Lý Quang Diệu, cho Trung Quốc thời TT Chu Dung Cơ, cho Nga thời TT Putin, cho Anh thời TT Tony Blair; và cố vấn cao cấp cho 30 tập đoàn lớn xuyên quốc gia), về mặt nông nghiệp chúng tôi thấy chúng ta cũng có nhiều sản phẩm có thể lấy thương hiệu có uy tín quốc tế. Thương hiệu gạo Basmati của Ấn Độ và Nepan; gạo Khaodokmali của Thái Lan là từ giống bản địa được tuyển chọn từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước.

Ở nước ta, có nhiều giống lúa từ tập đoàn giống bản địa phong phú có tiềm năng để nâng cao vị thế thành thương hiệu, như trong tập đoàn lúa Tám ỡ miền Bắc, như tập đoàn các giống Nàng hương, Nàng thơm chợ Đào. Với các giống cây ăn quả bản địa hiện chiếm 70-80% các giống CAQ được dùng trong sản xuất, có khá nhiều giống có chất lượng vượt trội so với các giống nhập nội. Một ví dụ, hồi đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong thời gian Viện Lúa ĐBSCL thực thi 1 Dự án UNDP, chúng tôi có mời 1 chuyên gia quốc tế về CAQ, Dr Pairoj Polparasid, nguyên viện trưởng Viện CAQ Thái Lan. Chính Dr Nguyễn Minh Châu, hồi đó là trưởng phòng khoa học và HTQT, được phân công theo chuyên gia này. Dr Paroj có nói nhiều lần với chúng tôi: xin đảm bảo giống bưởi 5 roi vào loại ngon nhất thế giới. Sau này, khi thành lập Viện CAQ miền Nam, Viện cùng tỉnh Bến Tre đã phát hiện ra ô Ba Rô ở Mỏ Cầy có cây tổ bưởi da xanh, và phát hiện ra chất lượng bưởi da xanh lại vượt trội hơn bưởi Năm roi.

Có sự hỗ trợ nào đó của Nhà nước thì mới có thể xây dựng thương hiệu nhanh chóng hơn là người sản xuất, doanh nghiệp tự làm. Trong số các thương hiệu xây dựng, sẽ có thương hiệu trở thành tiêu biểu cho quốc gia, và trở thành một loại động lực cho sự phát triển

3. Nông nghiệp

3.1.- Về sản xuất lúa

Chúng tôi đã có nhiều dịp báo cáo trong hội thảo và qua thông tin đại chúng những nhận xét thực trạng và đề xuất những suy nghĩ của mình, như từ cách đây vài ba năm về sản xuất 3 vụ lúa ở ĐBSCL, về sử dụng giống lúa IR 50404 và OM 576. Sau đây xin trình bầy ngắn gọn những suy nghĩ của mình, và dành nhiều hơn cho việc trình bầy về sản xuất trái cây.

Ngày 25 tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh An Giang tổ chức phát động phong trào “1 phải 5 giảm”. Chúng tôi đã có dịp phát biểu hưởng ứng của mình. Chúng tôi đồng tình với đồng chí PCT trẻ của tỉnh An Giang Nguyễn Thế Năng kết luận khi tuyên bố phát động: Năm 2001, An Giang đã phát động đầu tiên phong trào “ba tăng ba giảm”. Bẩy năm sau lại phát động đầu tiên phong trào 1 phải 5 giảm trên cơ sở “ba tăng ba giảm”. Đây là một bước tiên bộ rõ, vì ba tăng ba giảm là gói kỹ thuật mở cho những kỹ thuật cụ thể phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương mình, từ nay An Giang ta lại “mở” cho cả 1 phong trào “ 1 phải 5 giảm” phù hợp với điều kiện của An Giang.

Chúng tôi suy nghĩ rằng có những phong trào kế tiếp nhau sẽ liên tục gây được không khí thi đua chuyển giao và áp dụng giống và kỹ thuật mới, hay những nội dung cụ thể cho phong trào là những giống cụ thể, như xã hội hóa việc nhân giống cho sản xuất, là những biện pháp kỹ thuật cụ thể, như sạ lúa theo hành bằng dụng cụ mà ngày nay đa lan nhanh ra các tỉnh phía Bắc, như trang phẳng mặt ruộng lúa có áp dụng công nghệ tia lade ở vài địa phương của An Giang terong tiến trình công nghiệp hóa sản xuất lúa.

3.2.- Về sản xuất trái cây

Trái cây với giống bản địa Việt Nam luôn vượt trội so với giống nhập nội. Khi quan sát các sạp hàng, siêu thị.., chúng ta thấy có nơi có khi trái cây nhập nội chiếm lĩnh thị trường, nhưng thường chỉ giới hạn ở một số loài, như chôm chôm, bòn bon, dứa..Còn nhiều khi là trái cây bản địa, như xoài, bưởi, sầu riêng, vải, nhãn.., nhất là ở chợ quê, chợ nổi. Nhưng khi đến các nhà vườn, nhất là đến các miệt vườn cây ăn quả Nam bộ, phần lớn người làm vườn thường chọn giống cây bản địa để trồng, không chỉ do dễ trồng, dễ mua cây đúng giống, mà còn dễ bán ở những chợ gần chợ xa, đối với trái cây có thương hiệu cũng như chưa có. Vì hiện nay, nhiều trái cây nhập nội thua trái cây bản địa về chất lượng, như bưởi, sầu riêng, xoài, vải, nhãn.. Nếu liên hệ với nhiều loài cây trồng khác, như cây lúa với giống Tám xoan, Nàng thơm chợ Đào.., chúng ta có thể có lý giải mang tính thuyết phục cao: yêu cầu chặt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các loài cây, nhất là đối với giống cây bản địa đặc sản.

Trong những dịp đi nước ngoài tham quan học tập nghiên cứu sản sản xuất cây trồng hiệu quả cao, tôi cũng thấy cũng như ở nước ta, họ chủ yếu dùng giống cây ăn quả bản địa, mặc dầu bạn có nhập một số giống bản địa của ta, như Thái Lan trồng khá phổ biến ổi xá lị, thanh long, bưởi da xanh.. Chủng loại giống cây ăn quả bản địa đang chiếm ưu thế về số lượng cũng như chất lượng đặc trưng. Ở các miệt vườn Nam bộ, tỷ lệ trồng giống bản địa áp đảo giống cây nhập nội, tới 70-80% và hơn, tựa như giống lúa cao sản tạo chọn trong nước ở ĐBSCL, hiện chiếm khoảng 80% diện tích.

Khi khảo sát thống kê trong sản xuất thì thấy nhiều loài rau bản địa có dược tính cao tuy chưa thành hàng hóa phổ biến, nhưng rất phong phú, có nơi là đặc sản, như: “Thiên lý nấu với cua đồng, Lờ lờ có kẻ mất chồng như chơi “, hay “Bông chuối gỏi thịt kỳ tôm, Coi chừng bà xã chôm chồng người ta”. Cũng như vậy đối với cây ăn quả bản địa, nếu có sự đầu tư đúng mức thì có thể tuyển chọn được nhiều cây đầu dòng hơn, có nhiều vật liệu di truyền hơn.

PGsTs Nguyễn Bảo Vệ đã nói đúng là thời gian tạo chọn giống cây ăn quả đòi hỏi hàng chục năm, như ở Nhật Bản mà chúng tôi có tới tham quan là 15 – 17 năm, mà thời gian đề tài/ dự án cây ăn quả dài ngày cũng như đối với cây ngắn ngày có vài ba năm là không hợp lý. Tuy nhiên, nếu đã có vật liệu di truyền đầy đủ, có điều kiện tạo chọn tốt, đã bắt đầu làm từ hàng chục năm, thì rồi năm nào cũng có thể giới thiệu giống mới. Như tôi biết, có những dự án về giống lúa với vốn cấp hàng tỷ đồng, thời gian dự án có vài năm. Với thời gian này nếu bắt đầu làm chỉ có thể ra được dòng. Nhưng thời gian dự án lại là hợp lý, vì chỉ dành cho nhà khoa học đã có quá trình làm, khi có dự án sẽ mở rộng phạm vi, đẩy nhanh tiến độ theo hướng đạt mục tiêu của dự án là có vài ba giống mới được công nhận. Và cứ thế, thế hệ tạo giống sau kế thừa thế hệ trước, chứ đâu có “chụp giật” được. Nhà khoa học có trách nhiệm xuất vấn đề, đề xuất đề tài/ dự án, chứ nay đâu có thiếu vốn cho nghiên cứu, năm nào cấp Nhà nước cũng như cấp tỉnh đều dư vốn nghiên cứu, mặc dầu thủ tục còn rươm rà.

Thăm một số cơ sở nghiên cứu rau hoa quả chính, tôi đều thấy những bước cơ bản của một quá trình tạo chọn giống đang được thực hiện, và đã giới thiệu ra sản xuất được nhiều giống tốt.. Tại cơ sở chính ở tỉnh Phú Thọ của Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miều núi phía Bắc, ngoài những vườn giống cây ăn quả đặc sản đầu dòng rộng lớn, còn cả những vườn rau bản địa hoang dã dược tính cao, như cây rau bò khai chữa tiểu đường, dàn cây thuốc an thần lạc tiên bước đầu mang tính sản xuất hàng hóa..

Ở Trung tâm NC cây ôn đới Sa Pa của Viện trên có nhiều loài rau hoa quả ôn đới, như đào, lê, mận..Nghiên cứu sản xuất đang hướng tới thị trường, như mùa hè trồng rau ôn đới xu xu, cà chua.., chuyển xuống đồng bằng thành trái vụ giá cao; nhiều loài hoa cao cấp ôn đới hiếm có, như gần trăm chậu hoa địa lan “Kiếm hồng hoàng” hoành tráng, có giá vài bốn chục triệu đ/ chậu.

Ở Viện Rau Hoa Quả Dâu tầm Trung ương đóng tại Châu Qùy Hà Nội, đã có nhiều tập đoàn với ba bốn trăm cây bản địa đầu dòng như chuối, đu đủ.., được quản lý tốt để tuyển lựa và tạo chọn giống mới. Hàng ngàn m2 nhà có điều khiển khí hậu đặt chậu phong lan với quy trình công nghệ cao cho hoa nở tập trung bán vào dịp Tết. Viện này đã chuẩn bị giới thiệu mạnh ra sản xuất một số giống mới do Viện tạo chọn, như cam không hạt đặc sản, giống hoa qúy.. và nhiều quy trình và kỹ năng, như quy trình sản xuất rau an toàn, kỹ năng cắt vòi hoa loa kèn cho nhị đực nhị cái dễ tiếp xúc nhau...

Viện Cây ăn quả miền Nam có trụ sở tại Long Định, Tiền Giang cũng có những vườn cây ăn quả đầu dòng đặc trưng của vùng như xoài cát Hòa Lộc, cam quýt, thanh long.., có cả một bệnh viện trái cây, có cơ sở tốt để đào tạo nông dân và khuyến nông viên. Viện này đã lai tạo thành công và đưa ra sản xuất một số giống thanh long ruột tím đỏ..

Còn khá nhiều cơ sở có nghiên cứu sản xuất quả rau hoa trong và ngoài hệ thống Nhà nước, như cơ sở của Gs Trần Quang Thạch và PGs Nguyễn Thị Trâm ở Đại học Nông Nghiệp 1, của Ts Bùi Xuân Khôi ở miền Đông Nam Bộ, của nhiều địa phương, của nghệ nhân ở Đà Lạt, ở tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp.. Nếu có đề tài/ dự án hay nguồn kinh phí nào đó quy tụ đội ngũ đông đảo nghiên cứu quả hoa rau, chắc chắn sẽ có hiệu quả kinh tế xã hội, ít nhất là có điều kiện học tập lẫn nhau.

Cây đúng giống đang là vấn đề có mức độ bức xúc nhất cho sản xuất trái cây hàng hóa, hơn loại giống. Bởi vì, đã có sẵn nhiều loài bản địa đặc sản được chuyên gia quốc tế xếp vào hàng đầu, phù hợp với nhận xét của người tiêu dùng trong nước. Ở vùng miền nào cũng có giống trái cây đặc sản nổi tiếng, như bưởi Đoan Hùng, cam Bố Hạ, cam xã Đoài, chuối Ngự Huế, chôm chôm Đồng Nai, dừa sáp Cầu Kè, xoài cát Hòa Lộc. Trách nhiệm chính xây dựng hệ thống nhân giống cho sản xuất là địa phương và doanh nghiệp, để loại trừ giống dởm bán trôi nổi. Cần có đúng giống đủ để bán kịp thời bán cho người trồng. Các cơ quan nghiên cứu, như Viện CAQ miền Nam , Viện Rau hoa quả TƯ... đã quan tâm đến sản xuất những cây giống đầu dòng, nhưng cần sản xuất được nhiều hơn để lưu thông trong màng lưới nhân giống của Viện kết hợp với cơ quan chức năng địa phương, và màng lưới nông dân làm vườn giỏi.

Cần tôn vinh hơn nữa những nông dân phát hiện trong sản xuất và giữ được cây tổ đặc sản lâu năm, truyền đời, như cụ Mười Tước giữ bưởi Năm doi ở Vĩnh Long bắt đầu nổi tiếng từ thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Vào cuối thập kỷ 90, bưởi da xanh ngon hơn bưởi Năm doi được phát hiện ở vườn ông Ba Rô ở xã Thanh Sơn, huyện Mỏ Cày. ông Chín Hóa giữ giống sầu riêng hạt lép ở chợ Lách, Bến Tre..

Thật không công bằng nếu như bỏ qua những chuyên gia phát hiện ra những nông dân trên, giúp họ cải thiện kỹ thuật, rồi tổ chức quảng bá ra sản xuất, do đó nhiều nông dân có giống cây tổ từ diện nghèo khổ nhà lá thành tỷ phú nhà đúc khang trang do bán cây giống, đồng thời giúp cho nhiều nhà vườn khác có cây giống từ cây tổ để sản xuất kinh doanh.

GS.TS. Nguyễn Văn Luật, TS. Lê Văn Bảnh
(Sử dụng bài viết do tác giả gửi )

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi