CAYLUONGTHUC. Tổng kết khuyến nông - khuyến ngư toàn quốc 2009. Lúa lai Bio 404 ghi điểm tại Thái Nguyên. Ngô LVN14 lại giành năng suất cao. Lúa lai Syn6 - Năng suất, chất lượng. Giống lúa lai Nam Dương 99. Sản xuất gạo sạch theo chuẩn Globalgap.
TỔNG KẾT KHUYẾN NÔNG, KHUYẾN NGƯ TOÀN QUỐC 2009
NK (Báo Nông nghiệp Việt Nam 22/12/2009)
Ngày 21/12 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác khuyến nông - khuyến ngư năm 2009 và định hướng hoạt động năm 2010. Tham dự hội nghị có 64 Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư trên cả nước.
Trong năm 2009, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia đã bố trí tổng kinh phí 131,34 tỷ đồng chiếm 73% tổng kinh phí của Trung tâm năm 2009 để xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học công nghệ gồm chương trình khuyến nông trồng trọt, chương trình khuyến nông chăn nuôi, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công. Riêng chương trình khuyến nông trồng trọt trong năm 2009, ngành khuyến nông đã thực hiện 1.007 điểm trình diễn với 55.238 hộ tham gia, với nhiều mô hình sản suất hạt giống lúa lai F1, sản xuất lúa lai thương phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất rau theo Việt GAP, hoa chất lượng, thâm canh cây ăn quả theo GAP, cây công nghiệp ngắn ngày, các điểm trình diễn đều cho năng suất cao hơn từ 10 – 30% so với ngoài mô hình, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo…
Cùng với trồng trọt chương trình khuyến nông chăn nuôi như vỗ béo đàn bò, chăn nuôi bò sữa, cải tạo đàn trâu, dê, cừu, chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học… đã thực hiện 458 điểm trình diễn với 9.089 hộ tham gia. Chương trình khuyến lâm trong năm 2009 đã có 373 điểm trình diễn với 8.735 hộ tham gia gồm trồng rừng thâm canh cây nguyên liệu, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn, nông lâm kết hợp sau nương rẫy…
Chương trình khuyến công, hệ thống khuyến nông đã thực hiện được 221 điểm trình diễn với 2.037 hộ tham gia cùng với đó là chương trình khuyến ngư cũng được đẩy mạnh với tổng kinh phí 23.089 tỷ đồng để thực hiện các chương trình phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, phát triển nuôi biển đảo, phát triển nuôi tôm sú, phát triển khai thác… Các mô hình trình diễn đều cho hiệu quả cao so với ngoài mô hình, thay đổi được tập quán cũ của người dân. Trong năm 2009 hệ thống khuyến nông trên cả nước còn phối hợp với các viện, trường, các địa phương triển khai được 482 lớp tập huấn cho 14.170 học viên là cán bộ khuyến nông các cấp, khuyến nông viên và nông dân chủ chốt.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia, trong năm 2010 tổng kinh phí cho công tác khuyến nông - khuyến ngư là 198 tỷ đồng được phân bổ cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư, thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, quản lý kiểm tra. Tiến sĩ Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc Gia cho biết: Năm 2010 hoạt động khuyến nông - khuyến ngư được đổi mới toàn diện đảm bảo thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản phát triển, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và hiệu quả cao đảm bảo cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông – khuyến ngư các cấp, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách về khuyến nông – khuyến ngư, đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiêu quả…
LÚA LAI BIO 404 GHI ĐIỂM TẠI THÁI NGUYÊN
Đồng Văn Thưởng (Báo Nông nghiệp Việt Nam 22/12/2009)
Với những tính chất ưu việt sau 2 vụ đưa vào sản xuất khảo nghiệm tại 9 điểm của tỉnh Thái Nguyên, giống lúa lai Bio 404 do tập đoàn Bioseed nghiên cứu lai tạo đã chinh phục được cả các cơ quan chức năng, chính quyền và bà con nông dân địa phương.
Ông Trần Đăng Khoái (Giám đốc kinh doanh miền Bắc - công ty TNHH Bioseed Việt Nam) cho biết, giống lúa lai Bio 404 được nghiên cứu, sản xuất tại Ấn Độ trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ bà con nông dân Việt Nam. Giống có 4 ưu điểm chính là thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, ổn định, chất lượng gạo ngon và khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Giống được đưa vào Việt Nam từ năm 2005, đến 2007 thì được Bộ NN & PTNT công nhận tạm thời. Qua sản xuất thử nghiệm và được chính quyền, bà con nông dân các địa phương đánh giá cao, công ty Bioseed đã tính toán đến việc sản xuất giống ngay tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ nguồn giống cho các địa phương khi tiến hành sản xuất đại trà.
Là hộ dân tham gia mô hình trình diễn trong vụ mùa vừa qua với diện tích 8 sào, bà Vi Thị Nga (xóm Đồng Vẽn, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ) nhận xét, dù mới là vụ đầu tiên trồng lúa lai nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông nên bà thấy làm lúa lai cũng không khó khăn là bao. Thích nhất là lúa có khả năng chống đổ rất cao. Những giống từng sản xuất tại địa phương rất hay bị đổ rạp bởi địa bàn hay xảy ra lốc xoáy cục bộ.
Ông Lương Văn Dũng, một nông dân khác nói, chỉ cần nhìn đối chứng đã có thể thấy năng suất vượt trội của ruộng lúa lai Bio 404. Bà con chúng tôi rất mong mỏi được sản xuất đại trà loại giống Bio 404 tuy nhiên cũng mong chính quyền và các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt để giảm giá giống xuống ở mức thấp nhất. Trạm khuyến nông huyện Đại Từ là đơn vị trực tiếp phối hợp triển khai sản xuất mô hình trình diễn lúa Bio 404 đã đưa ra kết quả đối chứng như sau: Lúa lai Bio 404 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn các giống HYT 100, Nhị ưu 986, Nhị ưu 838 từ 5 đến 10 ngày; khả năng chịu hạn, chống đổ, chống sâu bệnh đều cao hơn các giống đối chứng; dự kiến năng suất đạt 73,4 tạ/ha, cao hơn các giống đối chứng từ 7 đến 11 tạ/ha. Từ thực tế trên, ông Hà Văn Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị đưa loại giống trên vào sản xuất xuất mở rộng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài những đặc tính vượt trội, ông Xuân cho rằng nó là cơ sở để tạo ra tính chủ động trong việc bố trí cơ cấu mùa vụ, đồng thời thay đổi phong tục tập quán canh tác của bà con nông dân. Ông Hoàng Văn Dũng - Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, lúa lai Bio 404 hội tụ đủ mọi điều kiện để sản xuất đại trà tại Thái Nguyên. Ông Dũng phân tích, về cơ cấu thì hiện nay, giống lúa lai mới chiếm tỷ lệ 10% trong cơ cấu giống tại Thái Nguyên. Với mục tiêu nâng tỷ lệ giống lúa lai lên 20% trong cơ cấu giống lúa vào năm 2015, rõ ràng việc đưa giống Bio vào sản xuất mở rộng trong thời gian tới là cần thiết. Tuy vậy, ông Dũng nói, giá giống lúa lai mới này so mặt bằng chung vẫn hơi đắt, nhà cung ứng cần tính toán lại nếu muốn mở rộng diện tích.
NGÔ LVN14 LẠI GIÀNH NĂNG SUẤT CAO
Thanh Mai- (Báo Nông nghiệp Việt Nam 22.12.2009)
Năm nay, nhờ tự sản xuất được một phần giống ngô LVN14 F1 tại Nam Đàn nên Tổng công ty CP VTNN Nghệ An đã cung ứng trên 18 tấn ngô giống LVN14 cho nhiều huyện trong tỉnh gieo trồng vụ đông 2009. Trong đó địa phương gieo nhiều nhất là huyện Thanh Chương trên 8 tấn, Tân Kỳ, Anh Sơn và Yên Thành đều trên dưới 2,4 tấn/huyện. Điều đáng mừng là trong khi các giống ngô lai khác chỉ dừng lại ở mức năng suất trên dưới 50 tạ/ha thì ngô LVN14 tại hầu hết các địa phương đều cho năng suất cao từ 67 đến 70 tạ/ha.
Có mặt tại cuộc hội thảo đầu bờ giống ngô LVN14 tại xã Diễn Cát, Diễn Châu chúng tôi chứng kiến những bắp ngô LVN14 vàng ươm đều tăm tắp trên đồng ruộng mà không khỏi vui lây. Ông Phạm Ngọc Bảy, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Diễn Cát phấn khởi cho biết: Lần đầu tiên chúng tôi đưa ngô LVN14 vào đồng đất của mình và không ngờ năng suất đạt cao đến như vậy. Nói thật với các anh, gieo lần đầu nên bà con chưa dám đầu tư thâm canh lắm (chỉ dừng lại ở mức 18 kg NPK/sào) mà năng suất dự kiến có thể đạt trên 67 tạ/ha. So với 4 giống ngô lai đối chứng ngay trên cùng một đồng đất thì năng suất ngô LVN14 cao hơn hẳn, chống hạn tốt hơn, không thấy bệnh khô vằn. Các anh cứ nhìn những ruộng ngô giống khác bên cạnh thì biết ưu thế của giống LVN14 tốt hơn hẳn từ bộ rễ, bông, bộ lá của nó...Cho đến nay, khi bắp đã già nhưng phần lá vẫn còn xanh nên bà con đều chặt về cho trâu bò ăn rất tốt.
Ông Võ Văn Khải, Bí thư chi bộ xóm 7, xã Diễn Cát cho biết thêm: Dân Diễn Cát thấy giống ngô này năng suất cao, bộ lá xanh cho đến tận khi thu hoạch được bông nên cứ tưởng đây là họ đang làm ngô giống F1 nên nhiều hộ đã bẻ một số bông ngô to ở phía ngoài để về làm giống vụ xuân 2010 rồi đấy. Đất Diễn Cát là đất chiêm trũng nên vụ đông trâu bò thiếu chất xanh nghiêm trọng. Việc trồng giống ngô LVN14 vừa cho năng suất cao vừa có chất xanh cho đàn trâu bò ăn nên bà con ở đây mê nó lắm. Năm nay chúng tôi chỉ gieo trỉa mô hình trên diện tích 4 ha, vụ xuân và vụ đông 2010, chúng tôi sẽ đăng ký để gieo 100% giống ngô này.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương nói với chúng tôi: Vụ đông 2009, Thanh Chương làm 1.500 ha ngô các loại, trong đó có 400 ha ngô LVN14. Do ngập lụt nên Thanh Chương gieo chậm hơn lịch thời vụ của tỉnh vì thế khoảng 21 đến 22/12/2009 mới thu hoạch được. Qua khảo sát thì giống ngô LVN14 cho năng suất nhất trong các giống ngô lai gieo trỉa trên địa bàn huyện. Năm nay sở dĩ huyện Thanh Chương có diện tích ngô LVN14 cao nhất tỉnh là nhờ công tác tuyên truyền được triển khai rất tốt.
Ông Trương Văn Hiền - Tổng giám đốc TCy CP VTNN Nghệ An cho biết: Kế hoạch của Tổng công ty năm 2010 là sẽ liên kết với một số đơn vị SX giống trong nước để SX giống ngô LVN14 F1 hướng tới mục tiêu vừa cung ứng đủ giống cho thị trường nội địa vừa xuất khẩu sang Trung Quốc và nước bạn Lào.
Khi Viện Nghiên cứu Ngô làm mô hình tại xã Thanh Dương, năm nào chúng tôi cũng mời các Chủ nhiệm các HTX vùng đất màu, đất bãi ven sông Lam đến xem, đưa Đài PT – TH huyện đến quay và phát lại cho dân nghe và xem nên bà con rất yên tâm khi mở rộng diện tích. Giống ngô LVN14 có mấy ưu điểm sau: Giá ngô giống rẻ hơn, năng suất ngô thương phẩm cao hơn, chống chịu được sâu bệnh, bộ rễ khoẻ nên chống đổ tốt, chịu được khô hạn. Bởi thế khi Tổng công ty CP VTNN Nghệ An triển khai SX giống ngô LVN14 F1 trên địa bàn Nghệ An để chủ động giống là rất tốt.
Nói chuyện với các đại biểu về dự hội thảo đầu bờ, ông Nguyễn Đình Chi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã rất phấn khởi chúc mừng Tổng Cty CP VTNN Nghệ An đã mua được bản quyền SX và cung ứng giống ngô LVN14 trên toàn quốc. Việc mua bản quyền của đơn vị đã thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp SX giống đối với bà con nông dân. Hàng năm Nghệ An gieo trỉa hàng chục nghìn ha ngô/vụ chủ yếu là các giống ngô lai ngoại nên không chủ động được giống và thường phải chịu áp lực cao về giá khi thời vụ đến. Bởi thế, Tổng Cty CP VTNN Nghệ An mua bản quyền và tự SX giống ngô LVN14 F1 là một cố gắng lớn của danh nghiệp để góp phần chủ động và hạ giá giống cho bà con nông dân toàn tỉnh là rất đáng trân trọng. Tôi hy vọng giống ngô LVN14 sẽ thay thế dần các giống ngô ngoại đang gieo trỉa trên địa bàn tỉnh.
LÚA LAI Syn6 - NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG
Nguyễn Thanh Sang (Báo Nông nghiệp Việt Nam 21/12/2009)
Trong lai tạo giống lúa, để ra được một tổ hợp vừa năng suất cao, chống chịu sâu bệnh lại đảm bảo chất lượng thương phẩm tốt rất khó thực hiện. Giống lúa lai Syn6 của Cty Syngenta là một trong số ít giống đạt được các tiêu chí đó.
Năm 2006, Cty TNHH Syngenta Việt Nam khẳng định thành công triển khai đưa giống lúa lai chất lượng Syn6 vào các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên, được Bộ NN-PTNT công nhận giống quốc gia. Đây là giống lúa lai 3 dòng do công ty Syngenta phối hợp với Trung tâm nghiên cứu lúa Tứ Xuyên - TQ lai tạo & sản xuất. Là giống có năng suất cao, ổn định trong vụ xuân. TGST của giống trong vụ xuân từ 115-130 ngày; vụ mùa là 105-110 ngày. Chiều cao cây 95-110cm. Syn6 có khả năng chống chịu rét và sâu bệnh tốt, đặc biệt bệnh đạo ôn. Khả năng đẻ nhánh khỏe, tập trung, số bông hữu hiệu và tỉ lệ hạt chắc cao. Bông lúa to, dài, trỗ nhanh. Hạt gạo bầu dài, cơm ngon mềm, có mùi thơm nhẹ. Năng suất trung bình đạt 7,5 tấn/ha. Trong điều kiện thâm canh cao có thể đạt 12 tấn/ha.
Trong 3 năm qua, giống lúa lai Syn6 đã được triển khai đại trà tại nhiều địa phương. Vụ xuân 2009 một số địa phương sử dụng nhiều Syn6 đạt kết quả cao như: Hải Dương: 2.650ha; Vĩnh Phúc 2.400ha; Bắc Ninh: 1.700ha...
Chúng tôi tìm đến huyện Khoái Châu – tỉnh Hưng Yên. Theo bà Nguyễn Thị Lý – Trưởng phòng NN&PTNT Khoái Châu: Vụ xuân 2009 toàn huyện gieo cấy diện tích lúa lai Syn6 là 200ha; năng suất thống kê đạt được từ 280-300kg/sào, cao hơn các giống lúa khác 40-50kg/sào. Một số hộ thâm canh Syn6 tốt tại các xã Liên Khê, Phùng Hưng, Đồng Tiến, Hồng Tiến, năng suất đạt 350-360kg/sào (9,7 T/ha). Đánh giá về giống lúa này, bà Nguyễn Thị Lý cho biết: Huyện cũng đã thử nghiệm gieo cấy nhiều loại lúa lai tuy nhiên với giống lúa Syn6 cho ưu thế vượt trội: là giống có TGST ngắn; sinh trưởng phát triển khỏe, chịu rét rất tốt; đặc biệt yên tâm với bệnh đạo ôn (trong khi các giống khác trong vụ xuân 2009 bị đạo ôn rất nặng); thân cây cứng nên chống đổ tốt... Syn6 có năng suất cao vượt trội, đặc biệt cơm ngon, mềm lại có mùi thơm nhẹ, hiện giá bán gạo Syn6 cao hơn các loại lúa thường từ 500-700đ/kg. Bà con thấy hiệu quả nên rất thích, vụ xuân 2010 tới đây chắc chắn huyện sẽ mở rộng diện tích hơn rất nhiều so với năm trước.
Hiện nay, sản phẩm lúa lai 3 dòng Syn6 của công ty Syngenta được phân phối bởi Công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang. Được biết vụ xuân 2010 tới đây công ty đã có kế hoạch cung ứng tới các địa phương. Tuy nhiên do nhu cầu người dân đối với sản phẩm này tăng rất cao trong khi vùng sản xuất hạt lai Syn6 gặp điều kiện thời tiết bất lợi, cho năng suất thấp nên dự kiến lượng cung ứng trong vụ xuân 2010 sẽ chưa đáp ứng đủ nhu cầu vì vậy đề nghị bà con dùng giống thật tiết kiệm theo khuyến cáo trên bao bì.
Theo cán bộ kỹ thuật của công ty Syngenta VN: Syn6 là giống lúa lai thể hiện tốt nhất trong vụ xuân muộn tại miền Bắc. Có thể gieo theo phương pháp mạ sân, mạ dược hoặc Tuynel. Vụ xuân gieo mạ trong khoảng 15/1 đến 5/2. Syn6 thích ứng trên nhiều chân đất khác nhau. Với chân đất vàn cao thì cần chủ động về nước, còn đối với chân đất vàn trũng thì cần bón phân cân đối, hợp lý theo công thức “nặng đầu, nhẹ cuối”, giảm lượng đạm, tăng lân và kali. Mật độ cấy 40-42 khóm/m2. Cấy 1-2 dảnh/khóm. Chú ý cấy nông tay để mạ có thể đẻ nhánh tốt. Lượng phân bón cho 1ha: 10-12 tấn phân chuồng + 400-500kg supe lân + 250-300kg đạm ure + 200-250kg kali.
Cách bón:
Bón lót toàn bộ phân chuồng + phân lân + ¼ lượng đạm ure.
Bón thúc lần 1 sau khi lúa bén rễ hồi xanh (4-5 ngày sau cấy) ½ lượng đạm còn lại + ½ lượng kali.
Bón đón đòng: 20 ngày trước khi lúa trỗ, toàn bộ lượng đạm và kali còn lại. Nếu có điều kiện thì cần bón thêm 1 đợt nuôi hạt sau khi lúa trỗ 3kg đạm + 3 kg kali/1.000 m2.
Chú ý: Bón thúc lần một có thể bón sớm hơn nếu thời tiết ấm để thúc đẩy quá trình đẻ nhánh nhanh và tập trung. Vụ mùa cần giảm 20% lượng đạm so với qui trình, tăng lượng lân & kali bởi vụ mùa mưa nhiều; bón nặng đầu nhẹ cuối.
Bón phân cần kết hợp với bảo vệ thực vật để tránh ruộng lúa bị sâu bệnh phá hại.
GIỐNG LÚA LAI NAM DƯƠNG 99
ThS Nguyễn Tuấn (Báo Nông nghiệp Việt Nam 21/12/2009)
Giống lúa lai 3 dòng Nam Dương 99 do Trung Quốc lai tạo, được chọn tạo từ tổ hợp lai Nhị 32A/Trấn khôi 084, tại Trung Quốc giống có tên là Nhị ưu 084, tại Việt Nam giống được công ty TNHH Nam Dương nhập về giới thiệu và khảo nghiệm trong mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia từ vụ mùa 2007 với tên thương mại là Nam Dương 99.
Qua 3 vụ khảo nghiệm (VCU) liên tục từ vụ mùa 2007 đến vụ mùa 2008 tại hệ thống khảo nghiệm quốc gia như sau:
Thời gian sinh trưởng 130 – 132 ngày trong vụ xuân, vụ mùa 105 – 110 ngày. Dạng hình đẹp, cứng cây chịu thâm canh cao, lá dầy đứng, màu xanh trung bình.
Về năng suất ở vụ mùa 2007 bình quân đạt 60,6 tạ/ha, tương đương với đối chứng Nhị ưu 838, cao nhất đạt 74,8 tạ/ha tại điểm khảo nghiệm Tuyên Quang. Vụ xuân 2008 năng suất của Nam Dương 99 cao, ổn định ở các vùng, trung bình tại 4 vùng đạt 72,2 tạ/ha, tương đương Nhị ưu 838, cao nhất đạt 86,3 tạ/ha tại điểm khảo nghiệm Thanh Hóa.
Về chất lượng, giống Nam Dương 99 có chất lượng gạo tương đương D.ưu 527, dạng hạt dài thon hơn Nhị ưu 838, tỷ lệ xát của Nam Dương 99 đạt 70,6%, cao hơn hẳn Nhị ưu 838 và D.ưu 527.
Chống chịu sâu bệnh: Trong điều kiện sản xuất vụ mùa 2007 và 2008, theo kết quả khảo nghiệm của Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, SPCT & PB Quốc gia giống Nam Dương 99 nhiễm bệnh khô vằn và rầy nâu nhẹ hơn giống đối chứng Nhị ưu 838, đặc biệt với bệnh bạc lá Nam dương 99 không nhiễm đến nhiễm nhẹ ở hầu hết các điểm khảo nghiệm (điểm 0 – 1).
Với kết quả trên Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, SPCT & PB Quốc gia đánh giá Nam Dương 99 là giống triển vọng qua 3 vụ khảo nghiệm và đề nghị cho công nhận sản xuất thử.
Kết quả sản xuất thử: Ngay sau kết quả khảo nghiệm ở vụ mùa 2007 đạt kết quả tốt, từ vụ xuân 2008 Công ty TNHH Nam Dương kết hợp với hệ thống khảo nghiệm Quốc gia tiến hành khảo nghiệm sản xuất thử tại một số địa phương, kết quả cho thấy giống Nam Dương 99 thể hiện được những ưu điểm về tính chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh như chống bạc lá tốt hơn Nhị ưu 838, cả vụ mùa 2008, 2009 ở tất cả các điểm sản xuất thử đều không nhiễm hoặc nhiễm nhẹ bệnh bạc lá; nhiễm rầy nâu, sâu cuốn lá và bệnh khô vằn nhẹ hơn so với đối chứng. Năng suất đều cao hơn đối chứng Nhị ưu 838 ở tất cả các điểm sản xuất thử, cao nhất vụ mùa 2008 đạt 88,7 tạ/ha tại huyện Bình Lục – Hà Nam, cao hơn đối chứng Nhị ưu 838 khoảng 11%, năng suất thấp nhất đạt 65 tạ/ha tại vụ mùa 2009 tại Phú Xuyên – Hà Nội.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định (cáo số 170/BC – SNN, ngày 08/10/2008): Giống Nam Dương 99 chịu thâm canh, dạng hình gọn, lá đòng đứng và cứng, bản lá trung bình, giấu bông, bông to, nhiều hạt, thời gian sinh trưởng tương đương Nhị ưu 838, đẻ nhánh khá, trỗ tập trung. Nhiễm nhẹ khô vằn, nhiễm các đối tượng sâu, bệnh khác tương tự giống Nhị ưu 838, cứng cây, chống đổ khá, chịu rét khá…
Giống Nam Dương 99 có nhiều ưu điểm hơn so với Nhị ưu 838, là giống lúa chịu thâm canh, có tiềm năng năng suất cao, năng suất thực thu vụ mùa 2008 đạt 75,4 tạ/ha, cao hơn Nhị ưu 838 khoảng 8%, chịu rét khá nên có triển vọng mở rộng trong sản xuất để thay thế giống lúa Nhị ưu 838. Tại Hà Nam giống lúa Nam Dương 99 cũng được đánh giá rất cao: Giống thích hợp chân đất cấy 2 vụ lúa, trồng vụ đông sớm, chiều cao cây 98 – 100cm, số hạt chắc trên bông cao, từ 160 – 173 hạt chắc/bông, bộ lá bền, ít bị sâu, bệnh (qua khảo nghiệm không thấy bị bệnh đạo ôn, bạc lá), cứng cây chống đổ tốt, năng suất đạt 72 – 76 tạ/ha ở vụ mùa, đạt 88 -92 tạ/ha ở vụ xuân. Theo đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam đề nghị Bộ NN-PTNT cho sản xuất thử giống lúa lai Nam Dương 99 để có cơ sở đưa vào cơ cấu giống của tỉnh.
Với kết quả khảo nghiệm của mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia và khảo nghiệm tại các tỉnh cả trong vụ xuân cũng như trong vụ mùa đều đạt kết quả tốt, Bộ NN-PTNT đã quyết định công nhận cho sản xuất thử giống lúa lai 3 dòng Nam Dương 99 trong vụ xuân muộn, mùa sớm tại các tỉnh phía Bắc tại quyết định số 424/QĐ – TT – CLT ngày 2/11/2009.
Với quyết định trên nông dân có thêm sự lựa chọn giống lúa lai mới để gieo cấy, nhất là trong bối cảnh nhiều giống lúa lai Trung Quốc được gieo cấy phổ biển ở ĐBSH đang khan hiếm trên thị trường. Để đáp ứng nhu cầu của nông dân gieo cấy giống lúa lai Nam Dương 99 trong vụ đông xuân 2010, Cty TNHH Nam Dương đã nhập 20 tấn giống Nam Dương 99. Để nông dân yên tâm sử dụng giống Nam Dương 99, cũng như khẳng định thương hiệu của giống, ông Ngô Văn Dương - Giám đốc Công ty TNHH Nam Dương khẳng định, công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm bảo lãnh về năng suất cho các hộ nông dân sử dụng giống Nam Dương 99 trong vụ xuân 2010.
SẢN XUẤT GẠO SẠCH THEO CHUẨN GLOBALGAP
Đức Trung (Báo Nông nghiệp Việt Nam 07/12/2009)
Trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 1 (vừa diễn ra tại Hậu Giang từ ngày 28/11 – 2/12) lần đầu tiên một doanh nghiệp (DN) trình làng mô hình sản xuất gạo sạch theo tiêu chuẩn Quốc tế Globalgap với nhãn hiệu “Tứ quý” gây bất ngờ lớn. Sản phẩm này là của Cty ADC được sản xuất từ giống lúa đạt chuẩn (không lai tạp), sau đó lập vùng sản xuất tập trung để áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế - Globalgap.(Ảnh: Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao tặng cúp vàng cho Cty ADC)
Để thực hiện quy trình này, ADC đã ký hợp đồng với nông dân cam kết bao tiêu toàn bộ số gạo sản xuất với giá mua cao hơn thị trường 20%. Hôm qua 3/12, trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó tổng giám đốc Cty ADC cho biết, việc sản xuất lúa gạo theo chuẩn Globalgap đòi hỏi nông dân không thể làm riêng lẻ mà phải có tính đồng bộ, qui mô lớn để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng đồng đều.
Mô hình này đã liên kết chặt chẽ giữa nông dân - nhà khoa học - nhà kinh doanh và thị trường. Qui trình sản xuất gạo theo chuẩn Globalgap của ADC giúp nông dân được trang bị giống lúa tốt và đảm bảo được 4 tiêu chí: an toàn môi trường, an toàn sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và hơn thế sản phẩm đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác và dễ dàng xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ và EU… Hiện nay ADC đang hợp tác với các HTX để triển khai sản xuất gạo theo quy trình Globalgap tại nhiều điểm ở hai huyện Thoại Sơn và Châu Phú (An Giang). Trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này trên phạm vi ở khu vực ĐBSCL.
Trong Festival vừa kết thúc, ADC đã vinh dự được tỉnh Hậu Giang trao tặng 2 cúp vàng cho sản phẩm gạo sạch “Tứ quý” và “Thần nông hội nhập” . Được biết, từ DN cung cấp các sản phẩm phục vụ nông nghiệp như phân phối thuốc BVTV, phân bón, giống cây, mới đây ADC đã mở rộng kinh doanh thêm nhiều ngành trong đó có việc sản xuất gạo sạch để nâng cao tính cạnh tranh của gạo Việt trên thương trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét