VỀ GIỐNG NGÔ NẾP KING 80
(Báo NNVN - Số ra ngày 24/9/2009) (01-10-2009)
Hỏi: Hiện nay ở quê tôi nhiều người mua và trồng giống ngô nếp King 80 cho hiệu quả kinh tế rất cao. Tôi cũng muốn trồng theo nhưng còn băn khoăn về giống và khả năng tiêu thụ. Xin quí báo cho biết kỹ hơn về giống ngô mới này: Giống đã được công nhận chưa? Cách trồng có gì mới so với các giống ngô khác? Nếu trồng nhiều thì có nơi nào mua lớn không? Có thể liên hệ mua giống ở đâu cho bảo đảm?
Giống ngô nếp mới này đã được khảo nghiệm cơ bản và diện rộng về tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (DUS) và đánh giá giá trị canh tác, giá trị sử dụng (VCU) tại Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia và Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón phía Nam; được trồng thử nghiệm nhiều vụ liền trên một số vùng trồng ngô trọng điểm của nước ta như: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh (phía Nam), Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang (phía Bắc).
Tháng 11/2008 giống được Bộ NN-PTNT ra quyết định công nhận là giống tạm thời, đưa vào sản xuất thử và ngày 3/9/2009 vừa qua Bộ đã ra quyết định số 317 QĐ/TT-CLT công nhận giống ngô nếp King 80 của Cty Monsanto Thái Lan là giống quốc gia và cho phép đưa vào sản xuất đại trà trên phạm vi cả nước bắt đầu từ vụ đông năm 2009 vì những ưu điểm vượt trội so với các giống ngô nếp khác. Tất cả các Sở NN-PTNT tham gia trồng khảo nghiệm giống ngô nếp King 80 vừa qua đều khẳng định những ưu điểm vượt trội và quyết định đưa vào cơ cấu giống sản xuất của địa phương, đặc biệt là vụ đông.
Đặc tính giống: Thời gian sinh trưởng trung bình 87-110 ngày để thu bắp già, từ trồng cho đến thu bắp tươi từ 58-63 ngày (tùy điều kiện canh tác và mùa vụ); có thể kéo dài thời gian thu hoạch 3-4 ngày mà chất lượng không giảm. Cây sinh trưởng khỏe, độ đồng đều cao, tán lá gọn, chiều cao cây trung bình 172-180cm, chiều cao đóng bắp thấp 60-65cm nên khả năng chống đổ tốt. Trái dài 16-18cm, khối lượng bình quân 300-350 g/trái, dạng trái nù, lá bi bao kín đầu trái, tỷ lệ trái đạt loại 1 cao 75-80%. Năng suất bắp tươi đạt 15-17 tấn/ha. Hạt trắng sữa, ăn mềm, dẻo, thơm đặc trưng, thích hợp cho ăn tươi và chế biến bắp đông lạnh xuất khẩu.
Một số lưu ý: Ngoài kỹ thuật trồng ngô thông thường, bà con cần lưu ý một số điểm khi trồng giống King 80: Vì là giống ngắn ngày nên có thể trồng liên tục nhiều vụ quanh năm trên đất tưới tiêu chủ động. Tuy nhiên cần tính toán thời gian để tránh bắp trỗ cờ, phun râu vào lúc trời quá nóng (trên 37oC) hoặc quá lạnh (dưới 15oC). Trồng cách ly không gian và thời gian với các giống dùng cho chăn nuôi và bắp ngọt để đảm bảo chất lượng. Trồng khoảng cách 30cmx70cm, đảm bảo mật độ 4.500-4.600 cây/1.000m2. Mỗi công (1.000m2) cần 0,9-1kg hạt giống. Là giống ngắn ngày nên cần chú ý bón thúc sớm và gọn (lần 1 sau trồng 7-10 ngày, lần 2 sau trồng 15-17 ngày, lần cuối sau trồng 25-28 ngày).
Khả năng tiêu thụ: Hiện nay các tỉnh phía Bắc trồng King 80 để lấy bắp ăn tươi dưới dạng quà như luộc, nướng… nhất là các tháng trái vụ cho thu nhập khá cao. Chúng tôi được biết ở phía Nam có Công ty TNHH MT (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang, ĐT: 073. 3951690) hiện đang liên doanh với nhiều địa phương trồng giống bắp King 80 để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada dưới dạng bắp hấp nguyên trái đông lạnh rất có giá trị.
Theo bà Trần Thị Hiền, PGĐ công ty, chỉ có bắp Chợ Gạo - Tiền Giang (giống bắp nếp King 80) mới làm được bắp hấp chân không nguyên trái đông lạnh nên Cty đang cần rất nhiều nguyên liệu nhưng chưa đáp ứng đủ. Trung bình mỗi tháng Cty xuất sang thị trường Mỹ gần 100 tấn nông sản các loại, trong đó có 50.000 trái bắp. Bạn có thể liên hệ với địa chỉ trên đây để ký kết hợp đồng liên doanh trồng và tiêu thụ sản phẩm.
Xin liên hệ với: Công ty TNHH Chánh Nông (846 Hưng Phú, P.10, Q.8, TP. Hồ Chí Minh, ĐT: 08.39540257) hoặc các đại lý hạt giống của Cty trên phạm vi cả nước để mua giống và được tư vấn thêm về kỹ thuật.
Nguyên KhêƯU ĐIỂM CỦA GIỐNG NGÔ LVN10 PHỦ POLIMER
(Báo NNVN - Số ra ngày 3/9/2009)
(Báo NNVN - Số ra ngày 3/9/2009)
Ông Đào Văn Thạch, TGĐ Công ty Sao Cao Nguyên (Lâm Đồng), một trong những đơn vị tham gia sản xuất ngô giống lai LVN10 cho biết: Trong những năm gần đây giống ngô LVN10 đang phải cạnh tranh gay gắt với các giống ngô khác làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và tỷ trọng giống ngô LVN10 từng một thời rất phổ biến ở các địa phương.
Nguyên nhân là do trên thị trường hiện có rất nhiều giống ngô lai ngắn ngày có năng suất cao. Bên cạnh đó, do chất lượng hạt giống của LVN10 ngày càng giảm như độ thuần hạt giống chưa đạt, hạt giống nảy mầm kém hoặc sức mọc mầm yếu; Các tính trạng cấu thành năng suất không ổn định như tỷ lệ 2 trái/cây, tỷ lệ hạt/trái thấp làm ảnh hưởng đến năng suất… Do năng lực sản xuất của các công ty không đồng đều nhau, chính vì vậy chất lượng hạt giống ngô LVN10 ngày càng giảm.
Để nâng cao chất lượng hạt giống LVN10, từ năm 2007, bên cạnh việc thực hiện nghiêm ngặt các khâu sản xuất giống, Cty Sao Cao Nguyên còn sử dụng công nghệ mới trong chế biến bảo quản hạt giống, đó là công nghệ phủ màng polimer cho hạt giống ngô LVN10 nhằm làm cho hạt giống sạch, bóng, đẹp đặc biệt là độ nảy mầm đều và mạnh hơn. Công nghệ phủ polimer còn có tác dụng chống nấm bệnh, sâu hại và bảo quản hạt giống được tốt hơn. Với công nghệ phủ polimer, giống ngô LVN10 của Cty ngày càng được nông dân tin dùng, vụ hè thu 2009, Cty cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn ngô lai LVN10 chất lượng cao.
Mới đây các hội thảo đầu bờ giống ngô LVN10 có phủ polimer của Cty Sao Cao Nguyên tại một số tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cho thấy năng suất của LVN 10 không thua kém bất kỳ một giống ngô ngoại nhập nào khác. Anh Nguyễn Chí Thạnh ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, một nông sản xuất giống ngô LVN10 cho biết: Giống ngô LVN10 phủ polimer có tỷ lệ nảy mầm, sức sinh trưởng, độ đồng đều, độ thuần giống, tỷ lệ 2 trái/cây... vượt trội so với các giống ngô tôi từng gieo trồng. Giống LVN10 có thời gian sinh trưởng trong vụ hè thu khoảng 95 ngày, tương đương với các giống đại trà và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.
Còn ông Ôn Ba cũng ở thôn Phú An trồng giống ngô LVN10 có phủ polimer được 2 vụ cho hay: Vụ ĐX 2008-2009, tôi trồng 1 sào (500m2) ngô LVN10 thu được 3tạ (6tấn/ha), đặc biệt vụ hè thu này tôi trồng 1 sào giống bắp đó, tuy gặp thời tiết bất lợi nắng nóng gay gắt, thời kỳ trổ cờ gặp thời tiết nắng nóng trên 35oC nhưng sản lượng cũng đạt trên 2,5 tạ (5tấn/ha). Bên cạnh đó giống ngô LVN10 còn chịu hạn và kháng bệnh tốt trong khi đó giá giống LVN10 lại rẻ hơn rất nhiều so với một số giống ngô lai ngoại nhập còn năng suất không hề thua kém.
Không riêng tại các tỉnh miền Trung, giống ngô LVN10 phủ polimer còn khẳng định ưu việt tại Tây Nguyên. Anh Nguyễn Văn Kiên ở Ia Trốc, Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: Vụ hè thu năm nay tôi trồng 0,7ha giống ngô LVN10 có phủ polimer của Công ty Sao Cao Nguyên đạt năng suất trên 8 tấn/ha. Theo anh Kiên do hạt giống được xử lý polymer nên tỉ lệ nảy mầm và sức tăng trưởng mạnh, LVN10 đạt tỉ lệ 2 trái/cây khoảng 80% nên năng suất cao hơn khoảng 15% so với giống LVN10 của Cty khác mà tôi đã từng trồng.
Công Khanh
BỆNH BẠCH TẠNG TRÊN CÂY BẮP
(Báo NNVN - Số ra ngày 27/8/2009)
(Báo NNVN - Số ra ngày 27/8/2009)
Thời gian gần đây bà con nông dân trồng bắp trên các vùng chuyên canh đang đối mặt với bệnh bạch tạng gây hại khá nghiêm trọng trên cây bắp, nhiều nông dân buộc phải nhổ bỏ hoặc gieo trồng cây khác, nếu cố gắng dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ thì cũng không đạt được hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do bệnh mới nông dân chưa nhận diện được bệnh cũng như chưa dùng đúng thuốc đặc trị bệnh này.
Để phòng trừ bệnh có hiệu quả, bà con chú ý những điểm sau:
1- Nhận diện đúng bệnh
Bệnh bạch tạng được gọi với nhiều tên khác nhau như: Mốc sương, Java downy mildew. Bệnh gây hại khá phổ biến trên bắp từ trung du cho đến đồng bằng. Trong năm, bệnh gây hại tập trung trong khoảng tháng 10 đến tháng 2, 3 dương lịch. Do nhiệt độ thấp về đêm, sáng có sương mù, ẩm độ cao. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Cây bệnh có thể xuất hiện rất sớm, khi bắp có 2-3 lá thật, và có thể kéo dài đến trổ cờ. Triệu chứng điển hình là vết sọc vàng dài, mặt dưới và trên vết bệnh có mốc trắng (là những bào tử lây nhiễm). Cây nhiễm nặng lá màu trắng bạc, lùn và chết dần.
Bệnh do nấm Slerospora maydis gây ra, theo ghi nhận gần đây bệnh gây hại nặng trên các giống bắp trắng nù địa phương, nhất là trên diện tích trồng có mật độ cao.
Bệnh bạch tạng phát tán lây nhiễm bằng bào tử, hoặc hạt giống nhiễm.
2- Phòng trừ tổng hợp
- Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng.
- Gieo trồng đồng loạt.
- Không chọn giống từ cây nhiễm bệnh.
- Nên xử lý giống trước khi gieo với thuốc trừ bệnh Manthane M 46, Juliet 80 WP.
- Không trồng liên tục nhiều vụ, luân canh với cây khác họ nhất là cây lúa.
- Bón phân NPK, không bón nhiều phân đạm.
- Sử dụng thuốc khi mới phát hiện như Manthane M46, Juliet 80WP phun kỹ, Foraxyl 35 WP, đều 2 mặt lá, nếu cần thiết nên xử lý lần 2, lần 3 sau đó 5 đến 10 ngày.
- Gieo trồng đồng loạt.
- Không chọn giống từ cây nhiễm bệnh.
- Nên xử lý giống trước khi gieo với thuốc trừ bệnh Manthane M 46, Juliet 80 WP.
- Không trồng liên tục nhiều vụ, luân canh với cây khác họ nhất là cây lúa.
- Bón phân NPK, không bón nhiều phân đạm.
- Sử dụng thuốc khi mới phát hiện như Manthane M46, Juliet 80WP phun kỹ, Foraxyl 35 WP, đều 2 mặt lá, nếu cần thiết nên xử lý lần 2, lần 3 sau đó 5 đến 10 ngày.
Đối với vùng chuyên canh bắp thì phòng ngừa bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng suất sau này, phun ngừa định kỳ. Trong đó biện pháp kỹ thuật canh tác là yếu tố quyết định đến áp lực bệnh, do đó điều cần thiết khi gieo trồng bắp chuyên canh bà con chú ý đến khâu sửa soạn đất, giống, và thời vụ tập trung để giảm áp lực bệnh. Như thế chúng ta sẽ giảm được chi phí sản xuất, tăng chất lượng thương phẩm, cuối cùng là tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị sản xuất.
Thái Loan
PHÒNG TRỪ SÂU ĐỤC THÂN CÂY NGÔ
(Báo Kinh tế Nông thôn)
(Báo Kinh tế Nông thôn)
KTNT - Sâu đục thân cây ngô có tên kkoa học là Ostrinia nubilalis, là loại sâu hại rất phổ biến trên ngô. Ngoài ra, chúng còn sống và đục thân trên các loại cây khác như cao lương, kê, bông vải, đay và một số cây thuộc họ hòa thảo khác. ở nước ta, sâu đục thân ngô thường gây hại nặng ở nhiều vùng và trong mọi mùa vụ.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sâu phá hại ngô thường tập trung vào các tháng mùa mưa do độ ẩm cao. Ruộng ngô bị sâu đục thân nặng làm số cây bị hại có khi lên đến 80-90%, dẫn đến năng suất bị giảm sút. Sâu đục thân gây hại ngô chủ yếu ở giai đoạn ngô bắt đầu trổ cờ cho đến khi thu hoạch làm cho cây suy yếu, còi cọc, hạt lép khiến năng suất giảm.
Thành trùng cái của loài sâu này dài 10-15mm, sải cánh rộng 30mm, cánh trước màu vàng nhạt. Con trưởng thành đực nhỏ hơn, màu nâu đến nâu vàng. Chúng hoạt động về đêm, ban ngày thường ẩn nấp trong bẹ lá hay nõn lá non. Con cái đẻ trứng thành từng ổ ở mặt sau của những lá bánh tẻ gần gân chính, mỗi ổ có vài chục trứng, đôi khi lên đến hàng trăm trứng. Một con cái có thể đẻ hàng ngàn trứng, khi mới đẻ, trứng có màu trắng sữa.
Sau khi đẻ một tuần thì trứng nở. Khi còn nhỏ, sâu non cắn nõn lá ngô hay cuống hoa đực, khi lá mở ra sẽ thấy trên lá có những lỗ thủng thẳng hàng, nếu bị hại nặng có thể làm rách lá. Khi sâu lớn sẽ chui vào thân cây và ăn phần mô mềm trong thân, thải phân ra ngoài khiến thân cây bị rỗng. Quan sát trên cây ngô sẽ thấy nhiều lỗ thủng do sâu chui vào kèm theo là nhiều cục phân sâu thải ra bám quanh lỗ thủng. Khi gần hóa nhộng sâu dài tới 30mm, chúng hóa nhộng, ở trong đường đục trong thân cây hoặc trong bẹ lá, lõi bắp, lá bao.
Biện pháp phòng trừ
Không nên trồng nhiều vụ ngô liên tục trong năm để cắt đứt vòng đời của sâu. Không trồng ngô với những cây ký chủ khác như kê, cao lương, đay trên một cánh đồng. Tốt nhất, nên luân canh cây trồng giữa ngô và các loài cây khác như lúa nước, các loại rau để cắt đứt nguồn thức ăn liên tục của sâu trên đồng ruộng. Biện pháp luân canh cây trồng thường đem lại hiệu quả rất cao trong quản lý sâu bệnh. Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước và sau khi trồng. Thân cây ngô sau khi thu hoạch có thể sử dụng cho trâu bò hoặc thu gom lại đốt càng sớm càng tốt nhằm diệt sâu non trong thân ngô, giảm áp lực sâu cho vụ sau.
Khi thấy có triệu chứng sâu non trên lá, nõn cây cần phải diệt ngay trước khi chúng chui vào trong thân. Có thể sử dụng các loại thuốc để phun như Padan 95SP, Regent 5SC; Viphensa 50ND; Phetho 50ND, Forsan 50EC/60EC, Diazol 60EC... hoặc sử dụng thuốc hạt bỏ vào loa kèn như Basudin 10H, Padan 4G; Vibasu 10H, Regent 0,2G , thuốc sẽ lưu dẫn vào trong thân để diệt sâu.
ThS. Trần Văn Hiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét