Quá nhiều thành ra loạn giống
Thưa ông, đúng là chúng ta đang có một bộ giống lúa vô cùng phong phú. Nhưng có ý kiến rằng toàn là giống du nhập nước ngoài chứ thực tế các viện tạo được giống đủ sức cạnh tranh rất ít. Ví dụ phía Bắc cơ bản là giống du nhập của Trung Quốc còn miền Nam là toàn nguồn của IRRI?
Mình phải hình dung thế này: Miền Bắc trước đây chúng ta từng có giai đoạn dài không quan hệ với Trung Quốc. Thời gian đó TQ họ đã bắt đầu làm lúa lai, lúa thuần của họ thì quá tốt rồi. Ta lúc đó đóng cửa, tự mày mò nghiên cứu, không tiếp cận được giống từ bên ngoài. Bộ giống rất nghèo nàn, miền Bắc quanh đi quẩn lại là Bao thai, Mộc Tuyền, sau này là Nông nghiệp 8. Chỉ khi hai nước quan hệ bình thường trở lại, lập tức bộ giống tốt của họ ào sang, thích nghi rất nhanh vì khí hậu miền Nam TQ và Bắc VN gần tương đồng, đương nhiên đánh bật giống lai tạo trong nước.
Tương tự ở phía Nam, sau giải phóng thì lúa quốc tế bắt đầu tràn vào phía Nam, đặc biệt bộ giống của Viện Lúa quốc tế IRRI, rất phù hợp. Có người so sánh ta với Thái Lan, rất khập khiễng, vì đất lúa của họ lớn 2,5 lần mình, dân số có 60 triệu, họ cần gì chạy theo lúa năng suất cao, nên lúa bản địa họ giữ được. Ta thì khác, phải đi theo con đường nâng cao năng suất để đảm bảo an ninh lương thực, nhất thiết phải du nhập giống lúa từ ngoài vào và đây là hướng đi đúng. Đã có hai lãnh đạo cao cấp hỏi tôi: tại sao ta dùng nhiều giống Trung Quốc thế mà không dùng giống Thái Lan chất lượng cao. Tôi nói rõ nguyên nhân trên và ta không thể học Thái Lan được, cụ thể không thể trồng giống lúa dài đến 170 ngày mà năng suất có 2,2 tấn/ha, gạo rất ngon. Giống của họ có thương hiệu vì chất lượng như vậy.
Cũng là chọn tạo từ nguồn giống bên ngoài, nhưng dường như các cơ quan nghiên cứu phía Nam làm tốt hơn, ra được nhiều giống tốt đóng góp cho sản xuất. Phía Bắc thì ngược lại, giống lúa chỉ là Khang Dân, Q5, Bắc Thơm, kể cả lúa lai nữa đều là giống "bê nguyên xi" từ Trung Quốc sang?
Phải nói cạnh tranh về giống miền Bắc khốc liệt hơn vì sát Trung Quốc, một đất nước có hệ thống nghiên cứu giống lúa hạng siêu. Giống Trung Quốc sang là đúng vì giống của họ quá tốt, đóng góp rất lớn cho sản xuất nên phải ghi nhận điều đó. Tất nhiên ta phải có con đường riêng và phải nói đã có những thành quả nhất định chứ không như một số ý kiến hoàn toàn phủ định. Cụ thể giống Xi 23 của PGS.TS Tạ Minh Sơn là 1 trong 10 giống chủ lực của đất nước. Hiện nay một số dòng mới ra đời như SH, AC… đã ra sản xuất diện rộng cho thấy hơn hẳn Khang Dân và Q5.
Thực tế đến giai đoạn gần đây chúng ta mới ra được một vài giống lúa đủ sức cạnh tranh giống của Trung Quốc. Có phải vì nghiên cứu lúa của ta lạc hậu?
Theo mình không lạc hậu nhưng đúng là cần phải thay đổi phương pháp nghiên cứu. Chúng ta không nhất thiết phải ra thật nhiều giống như giai đoạn vừa qua; mỗi năm công nhận hàng chục giống. Nên chăng tìm một số giống chủ lực rồi chọn tạo theo hướng khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, đủ sức cạnh tranh. Để nhiều giống vừa khó quản lý mà làm hàng hóa cũng rất khó.
Ở nhiều nước, suất đầu tư nghiên cứu giống rất cao, để ra một giống mới có khi họ chi cả triệu đô la. Đầu tư nghiên cứu giống của ta thế nào?
\
Riêng nghiên cứu lúa, đề tài cấp Bộ giai đoạn 2005-2010 chừng 25 tỷ đồng; giai đoạn 2010-2015 còn thấp hơn, chưa đến 25 tỷ cả lúa lai và lúa thuần. Theo tôi là thấp, quá thấp là đằng khác. Với một nước xuất khẩu mỗi năm trên dưới 6 triệu tấn gạo thì đúng là đầu tư nghiên cứu lúa chưa tương xứng thật.
Có lần tôi nói với anh Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn rằng Chính phủ nên buộc DN XK gạo chiết khấu 1 tấn gạo ra 1 đô la dành cho nghiên cứu lúa thì chắc chắn nền sản xuất lúa của Việt Nam sẽ khác. Giả sử xuất khẩu 6 triệu tấn sẽ có 6 triệu đô la cho nghiên cứu, một con số trong mơ mà thành quả đem lại cả DN, nhà khoa học, nông dân đều hưởng lợi, lại giảm được
áp lực về ngân sách.
Định hướng thế nào?
Hiện ngành nông nghiệp đã “xâu chuỗi” các Viện nghiên cứu lại với nhau với sự điều hành chung là VAAS. Đó cũng là thuận lợi để VAAS điều chỉnh để có định hướng nghiên cứu đúng đắn nhất là nghiên cứu giống. Ông cho biết một số kế hoạch trước mắt và lâu dài?
Chúng tôi sẽ không làm nhiều thứ nữa, phải nghiên cứu có trọng điểm với khoản đầu tư đúng tầm. Tôi lấy ví dụ ra 1 giống lúa mới, năng suất tăng 10%, diện tích sản xuất 1 vạn ha, làm lợi cho xã hội mỗi vụ khoảng 60-70 ngàn tấn thóc, tương đương gần 500 tỷ. Phải nhìn từ khía cạnh hưởng lợi xã hội này để có được những đầu tư xứng tầm.
Tất nhiên khối các nhà khoa học phải đề xuất là đầu tư cái gì và làm thế nào. Trọng tâm trước mắt chỉ nên tập trung nghiên cứu 5-6 cây trồng chử lực của quốc gia; mỗi cây lại chỉ tập trung một số giống tùy theo từng vùng sinh thái. Tôi lấy ví dụ nghiên cứu lúa, mỗi vùng chỉ nghiên cứu thích nghi cho vài giống chủ lực, xem nó còn nhược điểm gì thì khắc phục đảm bảo tiêu chí về năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh. Một mặt, phải lập được phòng nghiên cứu lúa trọng điểm quốc gia, tập trung các nhà khoa học giỏi nhất để nghiên cứu đột phá, có thể là nghiên cứu lúa siêu năng suất, lúa chất lượng, và cả lúa chuyển gen kháng được sâu bệnh hay hạn mặn…
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thời còn đảm nhiệm chức vụ, từng bảo tôi: Các anh muốn bằng cách gì cũng được, phải làm sao chỉ cần có 2 triệu ha đất thôi mà vẫn sản xuất được 50 triệu tấn thóc. Là những nhà khoa học, chúng tôi rất suy nghĩ điều này. Đấy là điều khó khăn nhưng không phải là điều không thể.
Chúng ta bắt đầu có nhiều phương hướng tiếp cận nghiên cứu lúa mới. Ví dụ Viện Di truyền Nông nghiệp đã lập được phòng giải mã gen lúa mà cán bộ khoa học đang được đào tạo tại Anh. Tôi tin khi ta nắm bắt được bộ gen lúa thì việc tạo giống lúa theo đúng ý đồ sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Một lần nữa nhắc lại, hướng của chúng tôi là các nhà khoa học phải ngồi lại với nhau, nghiên cứu có trọng điểm, chứ không phải ông nào cũng nhảy vào làm giống, bạ đâu làm đấy thì còn lâu mới có giống tầm quốc gia chưa nói thương hiệu thế giới.
Theo ông nghiên cứu giống cần nhất là gì?
Phải là con người. Tôi từng hỏi anh Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm có được mấy người biết làm lúa lai thực sự ở Trung tâm Nghiên cứu Lúa lai? Anh Hoàn tìm mãi và đếm không đủ trên đầu ngón tay. Cơ chế, công nghệ cần phải thay đổi, nhưng trước tiên phải là đào tạo.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Báo NNVN)
Bài liên quan: Trần Văn Đạt. Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam.
Mời tham gia diễn đàn tại http://foodcrops.vn/en/dien-dan/latest.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét