Lưu trữ

15/6/11

Nghịch lý trong việc xuất nhập khẩu của Việt Nam


CÂY LƯƠNG THỰC. Báo thanh Niên đăng bài Trung Quốc ồ ạt gom nông sản Việt Nam. Báo Dân Trí đăng hai bài Vét sạch nguyên liệu thô để xuất khẩu ; "Xuất khẩu làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia". Nghịch lý trong việc xuất nhập khẩu của Việt Nam là xuất khẩu tăng nhanh nhưng giá trị gia tăng thấp, làm cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận tham gia hoạt động xuất khẩu nhưng làm tổn hại đến lợi ích của đa số và cộng đồng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu tại những nước phát triển trong khi lại nhập khẩu máy móc công nghệ và nguyên vật liệu ở những nước kém phát triển. Điều này tạo nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nông sản hút hàng, lên giá là niềm vui của nông dân,nhưng thị trường bấp bênh. Doanh nhân Trung Quốc ồ ạt gom nông sản. Rủi ro lớn khi phụ thuộc vào một thị trường (Giá thanh long Bình Thuận luôn bấp bênh do quá phụ thuộc vào thị trường TQ - Ảnh: D.Đ.Minh )

TRUNG QUỐC Ồ ẠT GOM NÔNG SẢN VIỆT NAM

Trong khi giá cả trong nước tăng cao, nhiều mặt hàng nông sản khan hiếm thì các thương nhân Trung Quốc (TQ) vẫn ồ ạt gom hàng khiến nguồn cung càng thêm căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện không thể cạnh tranh mua nguyên liệu.

Thu mua tận nơi

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các mặt hàng nông sản của VN đều tăng giá mạnh, nhưng đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp (DN) trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các DN của TQ.

Sau cao su, thủy sản, thịt heo… đến lượt mặt hàng hồ tiêu, cà phê cũng trở thành đối tượng mua gom ồ ạt của các thương nhân TQ. Không cần chờ các đối tác trong nước gom hàng, hiện các thương nhân TQ đã trực tiếp dùng xe con, xe du lịch tới tận các vườn tiêu thu mua sau đó tập kết và vận chuyển về TQ qua đường tiểu ngạch. Những người TQ mua gom thường trả mức giá cao hơn 1 - 2% so với giá thị trường. Ước tính, tại nhiều địa phương của Gia Lai, có đến 50% lượng hồ tiêu được thương nhân TQ mua gom theo hình thức này.

Tương tự như hồ tiêu, mặt hàng sắn cũng đang được ồ ạt xuất khẩu sang TQ với số lượng tăng chóng mặt. Mặc dù giá sắn trong nước liên tục tăng nhưng sắn VN vẫn ào ạt tuồn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc bởi giá sắn xuất khẩu sang TQ đang cao hơn so với trong nước. Theo dự tính, xuất khẩu sắn củ năm 2011 có khả năng lên đến hơn 4 - 5 triệu tấn.

Gần đây nhất, thương nhân TQ cũng sang tận VN để tranh mua trứng vịt mang về nước. Bà Phạm Thị Huân - TGĐ Công ty Ba Huân - cho biết: “Mùa trung thu nhu cầu sử dụng trứng muối làm nhân bánh khá lớn nên DN TQ sang VN giành mua rất nhiều”. Nhiều DN trong nước cho biết hiện sản lượng trứng thu mua hằng ngày từ ĐBSCL sụt giảm 30 - 40%, giá tăng lên rất cao nhưng vẫn không có hàng.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, giá đường bán lẻ tại TQ hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 - 12.000 đồng/kg so với tại VN, nên một số nhà máy ở miền Trung, miền Bắc đang bán ra lượng đường khá lớn cho các DN thương mại đem xuất sang TQ. Mặc dù chưa thống kê số lượng đường xuất tiểu ngạch, nhưng Hiệp hội Mía đường đã phải tính đến giải pháp nhập khẩu nếu thị trường tăng giá đột biến.

Không chỉ thu mua các loại nông sản hàng hóa lớn, TQ còn mua cả đỉa, rùa... Một DN tư nhân cho biết gần đây có rất nhiều cuộc gọi đến hỏi mua trứng rắn ráo trâu để bán sang TQ với số lượng lớn.

Thị trường bấp bênh


Nông sản hút hàng, lên giá là niềm vui của nông dân, nhưng cũng là nỗi lo của các DN trong nước, bởi phải cạnh tranh thu mua một cách gay gắt với DN nước ngoài. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN - bức xúc: “Trong mùa thu hoạch hồ tiêu, các DN trong nước rất khó mua được tiêu của dân, bởi họ nâng giá lên từng ngày. Toàn bộ vùng tiêu ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ là không ai cạnh tranh được với họ, bởi họ mua tận nơi và luôn mua cao hơn DN trong nước từ 3.000 - 4.000 đồng/kg vì họ không phải đóng thuế”. Một DN ở Long An cho biết: “Hiện các loại hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ, cá thu… đang thiếu trầm trọng. Ngoài việc ngư dân giảm đánh bắt do giá dầu cao còn có nguyên nhân khác là một số thương lái mua hàng từ các tàu cá rồi bán trực tiếp cho các tàu cá TQ. Thường thì giá mua của thương lái cao hơn vì không phải đóng thuế. Điều này gây khó khăn cho DN thủy sản trong nước”.

Bình Thuận hiện đang đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng thanh long. Hiện toàn tỉnh có khoảng 14.000 ha với tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Có 75% sản lượng thanh long của Bình Thuận hiện nay xuất khẩu qua TQ bằng đường tiểu ngạch (bán ngay tại cửa khẩu biên giới mà không có ký kết bất cứ hợp đồng nào). Đây là thị trường rủi ro rất cao. Mỗi năm thanh long đi TQ bị dội hàng hai ba lần, mỗi lần khoảng mươi ngày khiến giá thanh long rớt thê thảm.

Nhiều chủ DN thanh long Bình Thuận cho biết điều họ lo ngại nhất là sự tráo trở, lắt léo của các bạn hàng TQ. Các thương nhân TQ hiện đã cắm người tận các nhà vườn ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), tùy theo tình hình thu hoạch mà định giá. Hễ thấy thanh long thu hoạch nhiều là lập tức ép giá. Gần đây, thanh long đang được các lái buôn TQ mua với giá 21.000 đồng/kg bỗng đột ngột bị ép xuống còn 4.000/kg mà không rõ lý do. Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ một DN ở Bình Thuận chuyên buôn bán thanh long đi TQ nói: “Buôn bán với họ phập phồng lắm. Lúc có lãi, nhưng lại lỗ ngay, không biết thế nào mà lần”.

Quang Thuần - Quế Hà

Rủi ro lớn khi phụ thuộc vào một thị trường

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội (Hà Nội): Nếu xuất khẩu tập trung quá nhiều vào một thị trường bao giờ cũng kèm theo rủi ro cao. Do đó, đã từ lâu chúng ta kêu gọi phải đa dạng hóa thị trường để rủi ro giảm bớt. Thực tế đã chứng minh rất nhiều sự vụ vì quá phụ thuộc vào một thị trường mà sản phẩm của ta phải chịu thiệt. Chẳng hạn mua với giá như thế này nhưng khi sản phẩm, nhất là nông sản, đến cửa khẩu lại bị khách hàng TQ chèn ép giá, nếu không bán sẽ phải đổ đi, đành chấp nhận giá nào cũng bán.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế: Tập trung quá đáng vào một thị trường là bất lợi và rủi ro. Giả dụ, bình thường thì nhiều sản phẩm tập trung vào thị trường Nhật Bản là không có vấn đề. Nhưng khi ở Nhật xảy ra sóng thần, động đất, ngay lập tức sản phẩm bị chựng lại. Đối với thị trường TQ, chúng ta muốn cải thiện mức độ nhập siêu với nước này bằng cách tăng cường xuất khẩu, vì thế đã quá tập trung vào thị trường TQ. Cho nên, một khi họ làm giá thì rủi ro là không tránh khỏi. TQ là thị trường rất “đặc thù”, họ sẵn sàng mua hàng của ta, ngay cả cho việc tái xuất, nhưng lúc không cần thì trở mặt ngay. Để tháo gỡ tồn tại này, về lâu dài cần giải quyết khâu phân phối của hàng Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Các vấn đề liên quan tới việc sản phẩm xuất khẩu quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt TQ, đã đề cập hơn 10 năm qua, nhưng không được quan tâm thấu đáo. Nếu chưa mở rộng được thị trường, chí ít cũng phải đa dạng hóa sản phẩm trong cùng một thị trường; đồng thời nâng cấp chất lượng sản phẩm, tăng cao hàm lượng giá trị gia tăng... để tránh bị thiệt hại khi xảy ra biến động.

N.T.Tâm

VÉT SẠCH NGUYÊN LIỆU THÔ ĐỂ XUẤT KHẨU


(Dân Trí) Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, doanh nghiệp cao su chỉ tập trung xuất khẩu chứ không bán cho nhà sản xuất trong nước.Có một thực tế đáng phải suy nghĩ là hiện nay với nhiều mặt hàng nông sản như cao su, thủy sản, cà phê, tiêu, điều…, người sản xuất và doanh nghiệp chỉ thích bán nguyên liệu cho đối tác nước ngoài. Trong khi doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong nước thì đỏ mắt đi tìm mua nguyên liệu.


Chỉ thích xuất khẩu


Ông Đinh Ngọc Đạm, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, cho biết công ty của ông vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vỏ xe radiant với công suất 600.000 chiếc. Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và các nước trong khối ASEAN.

Theo ông Đạm, dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động thì một năm cần khoảng 20.000 tấn mủ cao su nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

Doanh nghiệp cao su chỉ tập trung cho xuất khẩu chứ không bán cho doanh nghiệp trong nước. (ảnh: minh họa)

Tuy nhiên, khó khăn mà Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đang gặp phải chính là việc không tìm được nguồn mua nguyên liệu ổn định trong nước. Do giá mủ cao su tăng liên tục từ tháng 10 năm ngoái đến nay, doanh nghiệp cao su chỉ tập trung cho xuất khẩu chứ không bán cho doanh nghiệp trong nước.

Ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) kiêm Quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cho hay Việt Nam là nước xuất khẩu mủ cao su đứng hàng thứ tư thế giới.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay một số nhà sản xuất, chế biến cao su trong nước lại đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Thậm chí ngay cả những thương hiệu sản xuất cao su nổi tiếng thế như Kumho, Kenda… khi vào Việt Nam đầu tư cũng không tìm được nguồn nguyên liệu và phải nhập khẩu từ nước ngoài.

“Hiệp hội ước tính doanh nghiệp sản xuất chỉ sử dụng khoảng 140.000 tấn mủ cao su. Trong khi đó, năm 2010, Việt Nam xuất khẩu trên 780.000 tấn cao su nguyên liệu. Vậy tại sao doanh nghiệp trong nước lại không mua được nguồn nguyên liệu trong nước” - ông Thung đặt câu hỏi.

Theo ông Đạm, đồng ý là việc xuất khẩu nguyên liệu thu về nguồn ngoại tệ cho đất nước. Nhưng trong tình hình hiện nay, Nhà nước đang hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để tập trung phục vụ sản xuất trong nước, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Lẽ nào doanh nghiệp sản xuất mủ cao su đang đi ngược lại chủ trương của Nhà nước?

Doanh nghiệp ngoại trực tiếp mua cà phê, tiêu

Còn nhớ ở thời điểm giá cà phê tăng lên hơn 40.000 đồng/kg (hiện nay giá cà phê xấp xỉ 50.000 đồng/kg), dân trồng cà phê ùn ùn bán cho doanh nghiệp nước ngoài. hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài thay vì mua sỉ thông qua trung gian như trước đây thì nay họ tổ chức mạng lưới thu gom chân rết đến trực tiếp các vùng nguyên liệu.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho hay hiện tỉ lệ các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào xuất khẩu cà phê tại Việt Nam chiếm tới 40%. Nếu thu gom trực tiếp hàng trong dân thì các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh nổi vì tiềm lực vốn nhỏ, khả năng huy động vốn yếu và lãi suất ngân hàng rất cao.

“Đặc biệt, việc các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê trong dân là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, tại Thông tư 09/2007/TT-BTM ngày 17/7/2007 của Bộ Công Thương nêu rõ: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu” - ông Tự cho hay.

Gần đây, khi giá tiêu tăng cao, một lần nữa nhiều doanh nghiệp thu mua trong nước phải đứng nhìn cảnh người trồng tiêu ưu tiên bán tiêu cho các thương nhân nước ngoài.


Phải xem lại mình


Các đối tác nước ngoài giành phần kiểm soát khâu thu mua nguyên liệu nhiều mặt hàng nông sản ngay tại Việt Nam phần nào đó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, xét cho cùng thì việc để các đối tác nước ngoài ngày càng lấn sân cũng bắt nguồn từ cung cách làm việc yếu kém, thiếu uy tín và sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp trong nước.

Ông Lê Quang Thung, Chủ tịch VRA, cho hay thông thường vào tháng 11 hằng năm, các doanh nghiệp cao su ký hợp đồng mua bán nguyên liệu với đối tác cho cả năm sau. Sau khi hợp đồng đã ký, dù giá cao su thế giới có tăng hay giảm, doanh nghiệp nước ngoài vẫn cam kết lấy hàng, thậm chí còn hỗ trợ khi có khó khăn. Nhưng nếu bán cho doanh nghiệp trong nước, mỗi khi thị trường biến động, người bán có nguy cơ bị xù hàng.

“Chính cách làm này nên nhiều nhà sản xuất nguyên liệu vẫn muốn xuất khẩu thay vì dành đơn hàng cho doanh nghiệp trong nước” - ông Thung cho biết.

Ngoài ra, theo ông Thung, việc các thương hiệu cao su nổi tiếng thế giới dù đầu tư nhà máy tại Việt Nam nhưng vẫn nhập khẩu nguyên liệu là do họ chưa tin tưởng vào chất lượng mủ do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Hiện một số doanh nghiệp nhân giá cao su tăng cao, thị trường hút hàng đã pha trộn nhiều tạp chất trong nguyên liệu.

Phải thừa nhận rằng từ khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia thu mua, giá nhiều mặt hàng nông sản tăng vọt. Nông dân cũng có thêm nhiều sự lựa chọn để không bị ép giá như trước đây. Thậm chí không ít ý kiến cho rằng cần phải tạo ra cơ chế bình đẳng trong việc thu mua nguyên liệu giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó, nông dân sẽ được hưởng lợi từ cơ chế cạnh tranh này.

Có thể thấy rằng để xảy ra tình trạng yếu thế ngay trên sân nhà, một phần do sự chủ quan của doanh nghiệp Việt Nam. Không ít doanh nghiệp chỉ biết quyền lợi của mình bằng cách ép giá thu mua, bội tín với đối tác… mà quên đi lợi ích của đối tác, nông dân. Vì vậy khi gặp khó khăn, điều dễ hiểu, doanh nghiệp sẽ bị đối tác và nông dân quay lưng.

Theo Trung Hiếu
Báo Pháp luật TPHCM

XUẤT KHẨU LÀM CẠN KIỆT TÀI NGUYÊN QUỐC GIA


(Dân trí) - Bộ Công Thương cho rằng việc mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.


Xuất khẩu làm cạn kiệt tài nguyên

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020” được tổ chức ngày 14/6, Bộ Công Thương cho biết, nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2001-2010 ở mức cao, đạt 19%/năm.

Quy mô xuất khẩu tăng từ 15 tỷ USD năm 2001 lên 72,19 tỷ năm 2010, tăng hơn 4,7 lần. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên GDP tăng từ 46% năm 2001 lên 70% năm 2010. Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú và đa dạng.

Nếu như năm 2004, Việt Nam chỉ có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2010 đã có 18 nhóm hàng, trong đó có 10 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 8 nhóm hàng trên 2 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 220 nước và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Danh Vĩnh – Thứ trưởng Bộ Công Thương thì xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua phát triển chưa bền vững. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ.

Chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu.

“Đáng chú ý, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.” – Thứ trưởng Vĩnh khẳng định.

Về vấn đề này, GS. TS. Đỗ Đức Bình (ĐHKTQD) chia sẻ thêm: Nghiên cứu về phát triển xuất khẩu bền vững không nên chỉ tính đến lợi ích trước mắt, mà cần xem xét tác động của xuất khẩu trong dài hạn.

Tăng trưởng xuất khẩu cao trong ngắn hạn trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có của quốc gia về tài nguyên thiên nhiên, về lao động, dù mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, nhưng chưa chắc đã đảm bảo tính bền vững nếu chỉ tập trung xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế.

Việc xuất khẩu này chỉ mang giá trị gia tăng thấp, làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường và chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận tham gia hoạt động xuất khẩu và làm tổn hại đến lợi ích của đa số và cộng đồng.

Nghịch lý xuất khẩu

Một vấn đề nữa cũng được đề cập đến nhiều tại Hội thảo lần này đó là nghịch lý trong việc xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chúng ta xuất khẩu chủ yếu tại những nước phát triển trong khi lại nhập khẩu máy móc công nghệ và nguyên vật liệu ở những nước kém phát triển. Điều này tạo nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên Cao cấp - Viện Nghiên cứu Thương mại đưa ra bằng chứng: Nhóm các nhóm hàng xuất khẩu thì tư liệu sản xuất chiếm tới 92%, còn hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8%.

Trong hàng tư liệu sản xuất thì máy móc, thiết bị chiếm khoảng 29% và nguyên nhiên vật liệu chiếm khoảng 63%. Điều đáng nói là, những công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu này chủ yếu được nhập khẩu tử thị trường Trung Quốc.

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển mà chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

“Điều này sẽ gây ra nguy cơ ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về nguyên vật liệu và do đó sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của hàng Việt Nam sẽ ngày càng kém đi. Bởi vậy, để có thể phát triển bền vững trong tương lai, cần phải có biện pháp giải quyết từ gốc rễ về vấn đề này.” – ông Thắng nói.

Để giải quyết vấn đề này, tại hội thảo, Bộ Công Thương đã đưa ra 4 định hướng chủ đạo trong lĩnh vực nhập khẩu. Trong đó, điểm đầu tiên là Việt Nam vẫn phải cần khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa đã sản xuất trong nước, nhập khẩu hàng xa xỉ, có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.

Đồng thời, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc xây dựng các biện pháp phi thuế quan phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật...

Định hướng cuối cùng khá quan trọng được nhấn mạnh là, ngăn chặn việc nhập lậu hàng từ các nư­ớc ASEAN và Trung Quốc, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn. Toàn bộ quan điểm chiến lược thương mại này muốn thành công, phải gắn với sự đổi mới tư duy và cuộc tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay của Việt Nam.

Lan Hương

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi