Lưu trữ

18/6/11

Suy ngẫm về bảo tàng lúa gạo Việt Nam



CÂY LƯƠNG THỰC. TS. Nguyễn Thị Hậu (Hậu khảo cổ) nhân một cuộc trao đổi với bạn bè đã có bài viết Về bảo tàng lúa gạo Việt Nam, gợi ý tưởng về cách tổ chức bảo tàng lúa gạo theo góc nhìn của một chuyên gia đầu ngành về khảo cổ. Trước đó, giáo sư Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện Trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, trong bài Việt Nam - “chốn tổ” của cây lúa vươn tới nghề trồng lúa công nghệ cao cũng nhấn mạnh: "... Nền văn minh trồng lúa hiện nay sẽ để lại những kinh nghiệm cho nền văn minh trông lúa mai sau, nền văn minh trồng lúa công nghệ cao. Đấy là những bước phát triển lên tầm cao của công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vũ trụ học, công nghệ hải dương học. Chúng tôi đã có dịp tham quan sự vận hành của những công nghệ này trong sản xuất lúa ở ngoài nước, và cả ở trong nước, như điều khiển bằng remote vận hành máy nông nghiệp, sử dụng tia lade trong khâu san phẳng ruộng, áp dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, điều khiển tưới nước bằng computer theo chương trình cài đặt trước. Những giải pháp kỹ thuật khoa học nông nghiệp nuôi 9 tỷ người vào năm 2050 cũng đang được nghiên cứu và cho kết quả rất triển vọng cho việc áp dụng vào sản xuất đại trà. Sự cấp thiết cần gắn kết khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội, du lịch, ẩm thực với bảo tàng, văn hóa nghệ thuật(thơ nhạc họa...) cho cây lúa, hạt gạo Việt Nam.

VỀ BẢO TÀNG LÚA GẠO VIỆT NAM
(Nhân một cuộc trao đổi với bạn bè)


TS. Nguyễn Thị Hậu

1. VN nằm trong vùng đông nam á là một trong những cái nôi của nghề nông sớm nhất thế giới. Dấu tích của nghề trồng trọt đã được tìm thấy trong các di tích thuộc nền Văn hóa Hòa Bình cách này khoảng 10.000 năm cách nay. Từ thời kỳ này cư dân cổ đã biết thuần hóa rồi tiến tới trồng trọt các loại cây có củ và một số loại thực vật như bầu bí. Đông nam á cũng là nơi có giống lúa hoang Oryza Sativa sau này được thuần hóa và trồng trọt nhiều ở đây. Từ khoảng 4000 năm cách ngày nay vùng trung du và đồng bằng sông Hồng trở thành địa bàn chính của nghề nông trồng lúa. Từ đó nông nghiệp lúa nước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, góp phần quan trọng cho việc hình thành và phát triển nền văn minh nông nghiệp của người Việt cổ.


2. Việc đặt ra vấn đề thành lập “Bảo tàng nông nghiệp VN” là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Với một bề dày lịch sử 4000 năm, văn minh nông nghiệp trồng lúa VN xứng đáng và cần phải có một bảo tàng riêng để có thể phản ánh một cách toàn diện và đa dạng các giống lúa và cây trồng từ xưa đến nay, các phương thức trồng lúa ở những vùng miền trên đất nước ta: từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu long hay dọc dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung. Từ miền núi, trung du phía bắc đến Tây nguyên… Mỗi vùng tùy theo điều kiện tự nhiên có những phương thức canh tác truyền thống khác nhau. Trong quá trình người Việt đi về phía Nam cũng đã sáng tạo ra những phương thức kỹ thuật mới, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm cư dân tại chỗ và cải tiến những kỹ thuật mang theo từ quê nhà. Từ những phương thức canh tác khác nhau sẽ có những phức hệ kỹ thuật khác nhau: các loại nông cụ, cách thức sử dụng nông cụ ở mổi vùng miền, những kỹ thuật hỗ trợ như giống má, thủy lợi, phân bón… của nghề trồng lúa hay các cây trồng khác…

Ngoài trồng lúa VN còn là xứ sở của nhiều cây trồng khác nữa, vì vậy cũng cần được thể hiện trong bảo tàng nông nghiệp VN. Từ khoảng cuối thế kỷ 19 chúng ta còn có nghề trồng các cây công nghiệp do người Pháp du nhập vào (cao su, cà phê…) và từ nửa sau thế kỷ 20 phát triển các trang trại trồng cây ăn trái. Ở Nam bộ “văn minh miệt vườn” xuất hiện sớm, sản phẩm trồng trọt trở thành hàng hóa lưu thông rộng rãi trong nước, thậm chí ra nước ngoài chứ không còn mang tính chất tự cung tự cấp nữa.


3. Về ý tưởng thành lập “Bảo tàng lúa gạo VN”: Có thể là một phần của bảo tàng Nông nghiệp VN nhưng cũng có thể là một bảo tàng riêng trưng bày về “sản phẩm sau thu hoạch” của nghề trồng lúa: LÚA --- GẠO / NẾP---- CÁC SẢN PHẨM ẨM THỰC như cơm (nấu trong nồi, nướng trong ống tre, đồ xôi…), các loại bánh, bún, phở, nấu rượu… Gạo, nếp chế biến được rất nhiều món ăn vì vậy cách thức chế biến, vật dụng chế biến… cũng vô cùng phong phú, đa dạng theo vùng miền và theo thời gian. Có nhiều loại thức ăn trước đây chỉ dành cho những dịp đặc biệt nay phổ biến hàng ngày, nhưng cũng có nhiều món ăn cổ truyền đang có nguy cơ “biến mất” trong xã hội công nghiệp, do đó giá trị văn hóa “phi vật thể” như kỹ thuật chế biến, ý nghĩa của nó cũng mai một, thậm chí biến dạng…

Liên quan đến lúa gạo là công cụ chế biến lúa gạo và các nghề thủ công như nghề làm các loại cốm, bún, phở, bánh hỏi, các loại bánh… Rồi cách ăn các loại bánh (ví dụ cách làm bánh xèo miền Trung và Nam bộ khác nhau thế nào, những thứ rau ăn kèm, các loại nước chấm… các “biến thể” của bánh xèo là bánh khọt, bánh khoái chẳng hạn…). Hay về cách làm bánh chưng, bánh tét cũng đã là một nội dung vô cùng hay của bảo tàng này.

Nói đến lúa gạo là nói đến văn hóa ẩm thực VN: có thể trưng bày về đồ gốm dùng trong nấu nướng, ăn uống… hoặc các vật dụng bằng các chất liệu khác nhau… Rồi “cơ cấu” bữa ăn hàng ngày, bữa ăn có tính chất nghi lễ (đám giỗ, đám cưới, lễ hội…). Các nghi lễ, lễ hội đều có liên quan mật thiết với văn hóa ẩm thực.


4. Tại Seoul (Hàn quốc) có một bảo tàng tư nhân, nhỏ thôi, trưng bày sản phẩm từ rơm rạ: các loại dép, áo, những đồ chơi của trẻ em, các vật dụng khác… thu hút khá nhiều khách tham quan. Nhiều du khách đến xem đã mua các sản phẩm “lưu niệm” bán tại bảo tàng. Hay Bảo tàng về Kim chi cũng vậy: trưng bày quy trình trồng các loại rau, cách thu hoạch, cách làm các loại kim chi, cách chế biến món ăn từ kim chi, các loại đồ gốm liên quan… Tại đó còn có nhà hàng cho du khách thưởng thức các món kim chi.

Tại các bảo tàng này trưng bày sản phẩm đồng thời chiếu phim về cách thức làm ra và sử dụng những sản phẩm ấy. Rất sinh động, hấp dẫn và làm cho khách tham quan nhớ lâu. Một cách thức giới thiệu, quảng bá về văn hóa Hàn Quốc rất có hiệu quả.

Ở VN có thể thành lập rất nhiều bảo tàng như thế, nhỏ thôi nhưng chuyên sâu vào một chủ đề nhất định. Các doanh nghiệp mà sản phẩm của mình đã có thương hiệu “hàng hóa” nếu làm bảo tàng về ngành nghề của mình thì sẽ tạo dựng được cả thương hiệu về văn hóa. Ví dụ bảo tàng cà phê , bảo tàng gốm sứ, hay bảo tàng về một (hoặc nhiều) món ăn nổi tiếng của VN…

Ở Trung Quốc, gần như những nơi bán các sản phẩm “đặc sản” đều kết hợp trưng bày (một mức độ nhất định) về cách chế biến và các loại sản phẩm. Điều này góp phần tạo được sự tin tưởng cho khách đến tham quan và mua sản phẩm của họ, cũng đồng nghĩa với việc gìn giữ thương hiệu (chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ, chế độ hậu mãi…)

Luật di sản văn hóa VN từ năm 2002 đã quy định về loại hình bảo tàng tư nhân và điều kiện thành lập, tuy nhiên đến nay vẫn phổ biến trưng bày các sưu tập cổ vật. Nếu các doanh nghiệp đều chú ý đến việc “lập bảo tàng” sản phẩm của mình thì sẽ làm tăng thêm giá trị văn hóa của sản phẩm, góp phần tích cực gìn giữ và quảng bá văn hóa VN, đồng thời làm cho “văn hóa bảo tàng” trở nên quen thuộc và phổ biến hơn trong đời sống người dân.

Bài đọc thêm:

VIỆT NAM CHỐN TỔ CỦA CÂY LÚA VƯƠN TỚI NGHỀ TRỒNG LÚA CÔNG NGHỆ CAO

GS.TS. Nguyễn Văn Luật (1)

FOOD CROPS. Việt Nam là một trong những “chốn tổ” của cây lúa. Việt Nam cũng là một trong những “cái nôi” của loài người. Điều này được chứng minh bằng rất nhiều chứng cứ, trước hết bằng những di chỉ khảo cổ học. Nền văn hóa hang động ngày một phát lộ nhiều hơn. Đấy là sự hiện hữu phong phú của những hạt thóc, vỏ trấu trong hang, những cây ăn củ từ xa xưa mọc quanh hang; những công cụ sản xuất bằng đá cũ, đá mới, bằng đồng, bằng sắt cổ xưa rải rắc và ẩn sâu trong lòng đất hay ở hang động. Bắt đầu từ thời đại đồ đá, vượn người ở Việt Nam sử dụng công cụ để sản xuất lúa khoai mà trở thành người Việt Nam cổ đại. Những chứng cứ trên ở những thời điểm nhất định thể hiện nền văn hóa trồng lúa. Cả quá trình lịch sử hoàn thiện nghề trồng lúa thể hiện nền văn minh trồng lúa, luôn phát triển lên những tầm cao mới.

Nông nghiệp Việt Nam đã có từ 10.000-12.000 năm trước đây, bắt đầu từ cây ăn củ và cây lúa. Trong thế kỷ 20, cây lúa Việt Nam đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học trong và ngòai nước ở các ngành khác nhau, như khảo cổ hoc, nhân chủng học, ngôn ngữ học, địa lý, di truyền, sinh lý thực vật, nông học v. v..

Trải qua hàng thiên niên kỷ, quá trình phát triển nền văn minh trồng lúa đã để lại những bằng chứng phong phú về các nền văn hóa kế tiếp nhau: nền văn hóa Sơn Vi và Hòa Bình, nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn..

Nền văn hóa phi vật thể xung quanh nghề trồng lúa ở Việt Nam đã chứa dựng biết bao kinh nghiệm qúy truyền lại cho hậu thế, bằng hình thúc truyền miệng ca dao, phương ngôn, tục ngữ. Đơn cử một số câu sau:”Nhất thì nhì thục”; “ Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”; “ Gió đông là chồng lúa chiêm, Gió bấc là duyên lúa mùa”; “Ước gì anh hóa con ó vàng, Bay qua đám cấy quắp nàng cùng đi”; “Em còn đang bận ba cây lúa muộn nó tốn tền, Cấy xong ba cây lúa muộn em sẽ cuốn mền theo anh”..

Đời sống cây lúa, bắt đầu từ lúa hoang dại lưu niên. Người tiền sử (Homo sapiens) khi đó kiếm sống qua nhiều đời bằng hái lượm. Bước vào một thời kỳ mới tiến bộ vượt bậc là biết dùng công cụ bằng đá, rồi bằng đồng, bằng sắt để sản xuất lúa. Cũng từ lúc này, Homo sapiens trở thành người nông dân. Chỉ mới vài thập kỷ trước đây thôi, họat động hái lượm hạt lúa hoang ở Nam bộ còn khá phổ biến trong mùa nước nổi. Trên những chiếc ghe, một người chèo lái, một người gạt bông lúa hoang dễ rụng hạt vào lòng ghe. Một ngày có thể thu một vài giạ thóc.

Người ngày một động, yêu cầu về lương thực ngày một nhiều, công cụ sản xuất ngày một tinh xảo, kỹ năng và năng suất lao động ngày một cao. Người nông dân trải qua hàng thiên niên kỷ đã chọn ra những giống lúa có đặc tính phù hợp. Đời sống cây lúa từ lưu niên, đến hàng năm, cho đến nay thì phổ biến làm 2 vụ/ năm. Đồng thời, thân lúa ngắn lại dần, lá thẳng đứng, bông to, hạt nhiều hơn, dẫn đến năng suất lúa tăng. Đã có nơi làm được 3 vụ lúa/ năm khá phổ biến, và có nơi 2 năm làm 7 vụ, thậm chí 1 năm làm 4 vụ, vì dùng những giống lúa cực sớm với kỹ thuật thích hợp, như giống thuộc nhóm Ao cao sản xuất khẩu OMCS ≤ 90 ngày ở đồng bằng sông Cửu Long. Đã có hàng chục giống lúa thuộc nhóm này, được sử dụng hàng năm tới gần 1 triệu ha. Người có công lai tạo trực tiếp những giống lúa độc đáo này là kỹ sư Nguyễn Văn Lõan, học trò của thày Lương Định Của, cũng là một trong 10 nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCLđược Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao qúy nhất dành cho các nhà khoa học.

Liên quan tới diện tích gieo trồng lúa, năng suất và tổng sản lượng lúa cả nước, có thể chia ra làm các thời kỳ như sau:

+ Từ năm 1878 đến 1945, trong thời kỳ Pháp thuộc, năng suất lúa chỉ đạt trên dưới 1 tấn/ ha và sản lượng lúa vẻn vẹn 5 triệu tấn lúa. Trước đó còn thấp hơn nữa. Sản xuất lúa quảng canh, khai thác độ mầu mỡ sẵn có của đất bằng giống lúa cổ truyền.

+ Từ năm 1945 đến 1955, năng suất lúa bình quân đạt 1,2 – 1, 4t/ha, với diện tích gieo trồng 4,2 đến 4,6 triệu ha, và tổng sản lượng đạt 5,5 triệu đến 6,7 triệu tấn thóc. Điều kiện chính ảnh hưởng đến thâm canh lúa ở thời kỳ này là: xây dựng đồng ruộng trồng lúa, lao động dồi dào, và đất đai mầu mỡ. Trong thời kỳ này, miền Bắc có phong trào làm bèo hoa dâu khá mạnh, bắt nguồn từ làng La Vân Thái Bình, bổ xung nguồn đạm và chất hữu cơ cho ruộng lúa.

+ Từ 1960 đến 1985 (trước đổi mới): Năng suất bình quân: 2,0 đến 2,8t/ha; diện tích gieo trồng tăng đáng kể: 4,8 lên đến 5,7t triệu ha; tổng sản lượng: 9,5 đến 15,9 triệu tấn/ năm. Những nhân tố hàng đầu ảnh hưởng đến nghề trồng lúa là: thủy lợi được cải thiện, dùng giống lúa mới cao sản (HYV), chủ yếu nhập từ Viện Lúa Quốc tế (IRRI) vào khỏang 40% diện tích lúa; bón phân hóa học và cơ giới hóa trên 30-40% diện tích trồng lúa.

+ Từ 1990 đến 1999, năng suất lúa tăng từ 3,2 lên trên 4 tấn/ ha, diện tích gieo trồng lúa tăng từ 6 triệu ha lên 7,7 triệu ha, và sản lượng tăng từ 19,5 lên 31,0 triệu tấn thóc. Ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất lúa trong thời kỳ này là thủy lợi được cải thiện, đã chủ động tiêu tưới được 60- 80% diện tích lúa tùy địa phương. Nhà nước và nông dân đầu tư cho sản xuất lúa tăng từ 2 đến 4 lần, cho điều kiện tiêu tưới, phân hóa học và thuốc sát trùng, cơ giới hóa sản xuất lúa, và tỷ lệ diện tích dùng giống mới cao, tới 80% diện tích. Bên cạnh giống nhập nội từ IRRI và Trung Quốc, các giống mới do ta tự tạo chọn chiếm một tỷ lệ ngày càng cao, nhất là ở ĐBSCL.

+ Từ năm 2000 đến nay, đặc điểm nổi bật nhất của sản xuất lúa ở thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là diện tích canh tác và gieo trồng lúa đều giảm do mở các khu công nghiệp, khu đô thị và sân golf, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng do năng suất lúa tăng.

Về mặt khoa học và công nghệ, các điều kiện tăng năng suất để tăng sản lượng lúa có chất lượng gạo cao đều được cải thiện, như các điều kiện về tiêu tưới nước, dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng, cơ giới hóa sản xuất lúa và sau thu họach, và nổi trội hơn cả là quá trình cải thiện cơ cấu giống lúa. Thông tin đại chúng gần đây cho biết năm 2009 này Việt Nam lại đạt kỷ lục mới về sản lượng lúa, gần chạm mức kỷ lục sản lượng 40 triệu tấn thóc, xuất khảu cũng vươn tới mức kỷ lục mới 6 triệu tấn gạo!

Hiện nay, diện tích dùng giống lúa cải tiến, hay giống lúa thấp cây cao sản ngắn ngày (High Yielding Variety- HYV) lên tới khỏang 90%. Một thể hiện sự nỗ lực trong tạo chọn giống lúa ở Việt Nam thời gian qua là: ở thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, hầu hết giống mới đều nhập nội hay có nguồn gốc ở nước ngòai. Đến nay, giống lúa được tạo chọn trong nước đã chiếm gần 50%, trong đó ở ĐBSCL là 75%; ở ĐBSH là 13-15%, còn lại là nhập nội.

Diện tích trồng lúa thuần nhập từ Trung Quốc cả 2 vụ là 1,35 triệu ha, trong đó ĐBSH là cao nhất (58,5%). Diện tích dùng giống của Trung Quốc giảm dần xuống phia Nam : ở miền Đông Nam bộ là khỏang 9%; và không có ở ĐBSCL. Giống lúa thuần có nguồn gốc từ IRRI là hơn 1 triệu ha, trong đó Trung du và miền núi phía Bắc có 2,4%; ĐBSH 3,2%; miền Đông Nam bộ có cao nhất, 21% và 26%, nhưng vùng ĐBSCL chỉ còn 11%, vì phải “cạnh tranh” với giống tạo chọn trong nước. Người nông dân chọn giống nào đó để sản xuất thì đâu cần biết của ai và từ đâu đến.

Diện tích lúa ưu thế lai cả nước đạt khỏang 60 đến 70 vạn ha, chiếm gần 10% diện tích gieo trồng lúa. Vùng có tỷ lệ diện tích cao nhất là miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, lúa lai chiến diện tích 21 và 26%. Diện tích này cũng giảm dần về phía Nam , đến ĐBSCL thi chỉ còn một diện tích rất khiêm tốn. Hạt giống lúa lai còn phải nhập tư Trung Quốc. Nhưng các nhà khoa học ở ĐBSH đã tự tạo chọn được nhiều giống lúa lai triển vọng, như giống lúa lai 2 dòng TH3-3 của PGsTs Nguyễn Thị Trâm, cũng là 1 trong những học trò của thày Của, và đã được Giải thưởng Kovalepxkaja..

Trong những thập kỷ tới, thế kỷ tới, nền văn minh trồng lúa hiện nay thế tất sẽ để lại những kinh nghiệm cho nền văn minh trông lúa mai sau, nền văn minh trồng lúa công nghệ cao. Đấy là những bước phát triển lên tầm cao của công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vũ trụ học, công nghệ hải dương học.. Chúng tôi đã có dịp tham quan sự vận hành của những công nghệ này trong sản xuất lúa ở ngòai nước, và cả ở trong nước., như điều khiển bằng remote vận hành máy nông nghiệp, sử dụng tia lade trong khâu san phẳng ruộng, áp dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, điều khiển tưới nước bằng computer theo chương trình cài đặt trước..

Những giải pháp kỹ thuật khoa học nông nghiệp nuôi 9 tỷ người vào năm 2050 cũng đang được nghiên cứu và cho kết quả rất triển vọng cho việc áp dụng vào sản xuất đại trà. Chúng tôi cũng nhận được khá nhiều thông tin từ các nhà khoa học là đồng nghiệp đang làm tại FAO, hay cư trú tại Mỹ, Canada , Nhật.

Một trong những tài liệu vừa nhận được (17/07/2009, Irvine, Nam Cali-Hoa Kỳ) là của Gs Tôn Thất Trình, một nhà khoa học gần 80 tuổi mà rất tâm huyết với nền nông nghiệp nước nhà, liên tục gửi những thông tin và ý kiến đóng góp của minh (chúng tôi có tiếp chuyển cho những bạn đồng nghiệp cần). Xin được giới thiệu tóm tắt như sau: (i) Giải pháp khai thác vùng sa mạc, vùng bờ biển khô nóng là dùng nhà kiếng (green house), biến nước biển thành nước ngọt trồng hoa màu, khỏi dùng nhà máy khử muối biển quá tốn kém; (ii) Dùng công nghệ di truyền tạo ra những giống lúa siêu năng, lọai lúa C4, tương tự lề lối quang hợp của cây bắp (ngô), cây lúa miến. Theo báo cáo của IRRI về hứa hẹn của cây lúa C4 thì 10 năm nữa sẽ ra mắt thiên hạ; (iii) Thay thế phân bón hóa học bằng phân vi sinh vật. Nhà di truyền học phân tử và vi trùng học, Gs C A Reddy ở đại học bang Michigan, đã nghiên cứu khảo sát 300 lọai vi sinh vật trong đất, tạo ra một hỗn hợp cốc ten (cocktail) vừa giảm được yêu cầu về phân hóa học, vừa bảo vệ được cây trồng chống mầm bệnh, tăng năng suất hầu hết cây trồng, như những cây ông đã làm thí nghiệm là cà chua, cỏ voi, cà dái dê. Sản phẩm được bán ra dưới dạng lỏng tưới vào đất cho “Đất sinh học tăng cường” (Bio Soil Enhancers), lọai này “tự bền vững”, chứ không phải bón hàng vụ như phân hóa học; (iv) Công nghệ “canh tác chính xác” gồm cách dùng máy cày do hệ thống định vị GIS hướng dẫn, có thể bón phân, tưới nước, gieo hạt... với mức độ chính xác chừng 2 cm. Một hệ thống máy dò được đặt sâu 0,3m khỏang 8- 12 cái/ha không có giây, sẽ cho những thông tin chính xác yêu cầu về nước tưới, phân bón, truyền lên computer trung ương để điều khiển máy nông nghiệp thực hiện. Nông dân tốn thêm 40 – 60 USD, nhưng tiết kiệm được 300 USD; (v) Phục sinh đất trồng đã bị thóai hóa, xuống cấp, trở thành đất trồng trọt, bằng cách bổ sung than (hoa, cây củi), còn gọi là than sinh học cung cấp cho cây trồng chất dinh dưỡng cần http://www.blogger.com/img/blank.gifthiết,http://www.blogger.com/img/blank.gif đồng thời lại giam cầm khí CO2. Tiềm năng kỹ thuật mới này biến những vùng đất bao la không canh tác này thành đất canh tác; (vi) Tạo giống “siêu hoa mầu” đang được các nhà di truyền thực hện với khoai mì (củ sắn- cassava), tăng thêm 10 lần chất bổ so với hiện nay, dự kiến sẽ hoàn thành vào 2015. Thế giới hiện có 500 triệu người trông cậy vào khoai mì làm lương thực chính; (vii) Tái lập bản đồ cho cả một lục địa là chương trình nghiên cứu nhằm giúp vùng sa mạc Sahara Phi châu. lập được bản đồ ẩm độ tích cực và ẩm độ tiêu cực có ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất cây trồng, cùng với nhiều dhttp://www.blogger.com/img/blank.gifữ liệu khác, như thành phần đất, khí hậu, mô hình lý thuýết và các kiểu phát triển.. (viii) Sử dụng robot làm nhân công nông nghiệp.

Bài đặng do tác giả gửi
(1) Nguyên Viện Trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long
Anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh

FOOD CROPS, CÂY LƯƠNG THỰC, NGỌC PHƯƠNG NAM

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi