Lưu trữ
5/8/11
O du kích bắn đại bác
CÂY LƯƠNG THỰC: Báo Nông nghiệp Việt Nam ca ngợi Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc: O du kích bắn đại bác
PHÁT ĐẠI BÁC MANG TÊN KM 94
Năm 1995, ông Cao, một nông dân ở Bến Tre lên lập nghiệp ở Chơn Thành, Bình Phước đã trúng đậm nhờ vào một kiểu làm rất mới – Trồng khoai mỳ (sắn) bán cây. Khi mùa mưa năm 1995 sắp kết thúc, ông Cao cho đốn sạch khoảng 1 ha sắn trồng giống mới KM 94 mới hơn 5 tháng tuổi và nhân ra 4 ha. 6 tháng sau, ông ta lại đốn sạch 4 ha đang xanh tươi để bán cây. Với giá 300 đồng/cây, ông Cao đã thu bộn tiền từ việc làm “bất thường” đấy.
Từ xửa xưa, cả Nam bộ nói riêng và cả VN nói chung chưa có ai trồng sắn mà phải mua giống bao giờ và năm 1995 là năm đầu tiên trong lịch sử, giống sắn được nông dân VN mua bán. KM 94 xuất hiện với các đặc tính nổi trội, nhất là năng suất cao gấp đôi giống địa phương, được ví như phát súng đại bác đã thức tỉnh và tạo nên một làn sóng cách tân, thay đổi nếp nghĩ, tập quán đã hình thành bao đời.
Năm 1989, qua con đường trao đổi khoa học, nhiều dòng sắn mới của Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) được đưa vào Việt Nam khảo nghiệm. Sau 4 năm, Trung tâm NC thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKTNN Miền Nam) chọn được 2 dòng đặt tên KM 60 và KM 94, thích hợp cho khu vực phía Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cây có củ (thuộc Viện Cây Lương thực - Cây thực phẩm) chọn được 1 dòng đặt tên KM 98-7 thích hợp cho khu vực phía Bắc.
Trước khi có 3 giống mới này, sắn chỉ là cây lương thực nhưng từ khi có đầu tư của Vedan thì nhu cầu tinh bột sắn tăng vọt và các giống sắn lương thực truyền thống của VN như Vĩnh Phú xanh, Hưng Lộc 20, 23, Ba trăng… không đáp ứng được và các giống sắn chuyên dùng cho chế biến công nghiệp xuất hiện đúng lúc. Trong 3 giống trên, KM 94 là giống tỏ ra nổi trội nhất cả về năng suất lẫn phổ thích nghi.
Với năng suất đạt tới 30 T/ha, hàm lượng tinh bột 27 – 30%, KM 94 đã tạo nên cuộc đột phá ngoạn mục, năng suất bình quân đang từ 7,5 T/ha đã nhảy lên 15 rồi 17 T/ha, trong đó Tây Ninh có năng suất bình quân lên tới 28 T/ha, cá biệt có hộ đạt năng suất 70 T/ha, sản lượng từ 1,7 triệu T/năm đã tăng lên 7 triệu T và giống sắn bắt đầu được mua bán.
TO GAN HƠN BÉO BỤNG?
Từ thành công bước đầu, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc đã đưa cây sắn lên tầm “chiến lược” và liên tục phát triển trong 15 năm qua. Đến nay Hưng Lộc là địa chỉ duy nhất có bộ sưu tập 390 giống sắn các loại ở 3 nhóm ngắn ngày, trung ngày và dài ngày, có giống ăn tươi lại có giống chuyên cho công nghiệp. Đặc biệt, từ chỗ tuyển chọn giống nhập nội, Hưng Lộc đã nhảy lên lai tạo, bên cạnh các giống nhập nội như KM 94, SM937-26, HB 60 xuất hiện ngày càng nhiều các giống ưu tú do Trung tâm tự lai tạo như KM 98-5, KM 140, KM 149, trong đó có giống KM 140 được coi là dấu ấn khoa học Madein VN, đã đạt giải thưởng sáng tạo của VIFOTEC, huy chương vàng sáng tạo của TP Hồ Chí Minh.
KM 140 được đánh giá cao vì thời gian sinh trưởng của giống này chỉ từ 7-9 tháng, ngắn hơn các giống khác đến 2 tháng nhưng năng suất và hàm lượng bột lại nhỉnh hơn. Không chỉ lai tạo, Hưng Lộc cũng đang thử vận may tìm kiếm giống mới bằng phương pháp gây đột biến trên hạt và trên hom.
Sực nhớ bài thơ O du kích nổi tiếng của Tố Hữu, Hưng Lộc đã và đang thực sự là O du kích to gan, nhưng thời nghiên cứu kiểu du kích đã sắp qua, trong lúc nhu cầu về sắn và cây trồng cạn ngày một cao và yêu cầu sản xuất bền vững, bảo vệ đất chống xói mòn, rửa trôi lại ngày càng cấp thiết.
Bên cạnh việc tuyển chọn, lai tạo giống mới, Hưng Lộc cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu mô hình canh tác để phát huy tối đa tiềm năng của giống, đạt hiệu quả cao hơn và bền vững. Không phải ngẫu nhiên mà Công ty Mía đường Tây Ninh bỏ ra 1,6 tỷ đồng đặt hàng cho Hưng Lộc tìm ra bộ giống và phương thức canh tác tối ưu cho vùng sắn nguyên liệu của công ty. Dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học Hưng Lộc, nhiều hộ nông dân ở Tây Ninh đã dám đầu tư 20 – 25 triệu/ha để trồng sắn thâm canh có tưới với năng suất lên tới 70 T/ha, triển vọng 100 T/ha. Với năng suất này thì hiệu quả trồng sắn còn vượt xa cả cây thời thượng nhất hiện nay – Cao su.
Có được thành quả như hiện nay, trước hết là nhờ ở đội ngũ nghiên cứu “to gan” tâm huyết như TS Hoàng Kim, TS Nguyễn Hữu Hỷ, ThS Trần Công Khanh… Đến Hưng Lộc những ngày này thấy rất nhiều nghiên cứu sinh, sinh viên ngành trồng trọt lúi húi ghi chép, đo đếm trên nhiều thí nghiệm cây trồng khác nhau như sắn, đậu đỗ, bắp, điều…
Nghiên cứu sinh Võ Văn Quang rất hãnh diện khoe “em là học trò thầy Kim”. Quang chuẩn bị báo cáo luận văn thạc sỹ với đề tài so sánh giống sắn. Qua câu chuyện, Quang cho biết, khác với cây trồng khác, sắn chỉ trổ hoa trong điều kiện có độ cao trên 500 m, có biên độ nhiệt độ ngày đêm rộng với một chế độ canh tác khắc khổ. Để làm được trung tâm phải làm theo kiểu du kích là lên thuê đất của nông dân ở Đắc Nông, Bảo Lộc - Lâm Đồng. Ý tưởng xây dựng một cơ ngơi để lai tạo giống đã được đề xuất từ lâu nhưng sao vẫn chưa được chuẩn y, trong lúc các công ty nhiên liệu sinh học thì sẵn sàng đón chất xám.
Xem thêm:
O du kích nhỏ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phan Thoan, 1965
Ảnh đen trắng
O du kích nhỏ[1][2] (tên đầu tiên là Uy thế không lực Hoa Kỳ) hay Giải giặc lái Mỹ[3][4] là một tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam của nghệ sĩ Phan Thoan (sinh năm 1924) thực hiện vào ngày 21 tháng 9 năm 1965. Ra đời trong bối cảnh Không quân Hoa Kỳ oanh tạc dữ dội miền Bắc Việt Nam, tác phẩm mô tả hình ảnh một nữ dân quân có vóc dáng nhỏ bé đang cầm súng áp giải một viên phi công Mỹ to lớn hơn rất nhiều. Bức ảnh sau khi ra đời đã gây được tiếng vang rất lớn trong dư luận Việt Nam và được coi là nguồn động viên cho cuộc chiến đấu của quân đội và nhân dân miền Bắc Việt Nam chống lại chiến tranh phá hoại của Không quân Hoa Kỳ.
O du kích nhỏ là một trong những tác phẩm kiệt tác của “Trăm năm kiệt tác nhiếp ảnh Việt Nam”.
Mô tả
O du kích nhỏ là một tác phẩm ảnh đen trắng khổ dọc miêu tả hình ảnh một nữ dân quân mặc thường phục màu đen, đội mũ cối đang cầm súng áp giải một viên phi công Mỹ to lớn hơn cô rất nhiều. Trong ảnh, cả hai người đều đang rảo bước, mắt cô du kích đang nhìn về phía viên phi công Mỹ lúc này đã bị còng tay và bước đi trong tư thế cúi đầu.
Bối cảnh sáng tác
Từ ngày 2 tháng 3 năm 1965, Không quân Mỹ bắt đầu mở Chiến dịch Sấm Rền (tiếng Anh: Operation Rolling Thunder) với mục tiêu dùng ưu thế áp đảo về không quân để phá hủy cơ sở hạ tầng của miền Bắc Việt Nam nhằm cứu vãn tình thế chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Trong chiến dịch kéo dài 3 năm này, Không quân Mỹ và Không lực Việt Nam Cộng hòa đã sử dụng một lượng bom đạn khổng lồ dội xuống lãnh thổ Việt Nam tuy nhiên họ đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ phía quân đội và nhân dân miền Bắc Việt Nam.
Ngày 20 tháng 9 năm 1965 vào khoảng 9 giờ sáng, nữ dân quân Nguyễn Thị Kim Lai, lúc này mới học hết cấp II, nhận được tin một nhóm máy bay F4H tấn công bắn phá cầu Đá Lậu (nay là cầu Lộc Yên) thuộc thị trấn Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Một chiếc trong tốp máy bay này đã bị dân quân tự vệ Hà Tĩnh bắn rơi, họ nhận thấy rằng viên phi công của chiếc F4 đã kịp nhảy dù thoát vì vậy một chiến dịch vây bắt viên phi công này lập tức được triển khai. Cuối cùng thì trong đêm ngày 20, chị Lai đã phát hiện viên phi công Mỹ có tên William Andrew Robinson đang vướng trong bộ dây dù, lập tức chị bắn súng gọi đồng đội đến hỗ trợ và cũng chính chị được cử áp giải viên phi công Mỹ. Theo chị Lai, lúc đó chị chỉ cao 1 mét 47, nặng 37 kg trong khi Robinson cao tới 2 mét 2 và nặng 125 kg.[3] Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan đã chụp được tấm hình này, lúc đầu tác giả đặt tên cho bức ảnh là Uy thế không lực Hoa Kỳ và về sau bức ảnh có những cái tên khác nhau như O du kích nhỏ, Giải giặc lái Mỹ hay O du kích nhỏ và tên giặc lái Mỹ.
Theo tài liệu quân đội Hoa Kỳ, William Andrew Robinson là một nhân viên trên một máy bay trực thăng HH-43 Huskie đang giải cứu phi công của một chiếc máy bay F-105 Thunderchief đã bị bắn rụng khi trực thăng của ông cũng bị bắn hạ, và ông bị bắt cùng với các nhân viên khác trên trực thăng.[5] Ông bị giam giữ tổng cộng 2.703 ngày, và mãi đến ngày 12 tháng 2 năm 1973 mới được thả về nước. Ông là tù binh bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.[6]
Đánh giá
Năm 1966 bức ảnh O du kích nhỏ được trưng bày trong Triển lãm ảnh toàn quốc và lập tức gây được tiếng vang lớn. Khi xem bức ảnh này, Nhà thơ Tố Hữu đã nẩy ra những câu thơ hay, có thể coi là mẫu mực của loại thơ “xem ảnh đề thơ” hoặc là “vịnh ảnh” và bình bức ảnh bằng bốn câu thơ:
“ O du kích nhỏ giương cao súng.
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu.
Ra thế! To gan hơn béo bụng.
Anh hùng đâu cứ phải mày râu! ”
Trở thành nguồn động viên cho cuộc chiến tranh phòng không chống lại Không quân Mỹ, bức ảnh O du kích nhỏ cùng bốn câu thơ bình kèm của Tố Hữu đã lập tức được nhiều người yêu thích, tới năm 1967 thì tác phẩm này được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam.[3] O du kích nhỏ còn gây được tiếng vang ở cả tầm quốc tế,[1][7] một số nhà báo phương Tây do không tìm được chị Lai, nhân vật chính của bức ảnh, nên đã cho rằng đây chỉ là một bức hình dàn dựng.[2] Năm 1995, các nhà quay phim Nhật Bản hợp tác cùng Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã thực hiện một bộ phim tài liệu lấy tên Cuộc hội ngộ sau 30 năm xoay quanh chị Lai và bức ảnh nổi tiếng,[3] bộ phim do Lê Mạnh Thích làm đạo diễn và hãng NHK của Nhật Bản tài trợ. Nhờ dịp này chị Lai đã được gặp lại người tù binh của mình năm xưa, ông William Andrew Robinson. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người, Robinson bộc lộ rằng ông đã định bắn trước nhưng khi nhìn thấy gương mặt trắng trẻo, ngây thơ của người nữ du kích nên đã từ bỏ ý định đó.[2] Bản thân Robinson cũng có ý muốn quay lại Việt Nam gặp chị Lai từ lâu nhưng do điều kiện khó khăn nên mãi tới khi được hãng NHK tài trợ, ông mới có dịp được gặp người áp giải của mình trước kia.[8]
Vài nét về tác giả
Phan Thoan, sinh ngày 11 tháng 11 năm 1924. Quê quán tại xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
* Nguyên Cán bộ văn hóa nghệ thuật Ty Văn hóa Tỉnh Hà Tĩnh.
* Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam.
* Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. [9]
* Đánh giá về tác giả:
“ Để lại cho đời chỉ thế thôi!
Chiến tranh ác liệt máy không rời.
“O du kích nhỏ” hồn thơ sáng,
Kiệt tác trăm năm ảnh tuyệt vời! ”
Tham khảo
1. ^ a b Vũ Huyến (17 tháng 8 năm 2009). “Sức sống lâu bền của những bức ảnh”. Báo Nhân dân.
2. ^ a b c Hồng Vân (24 tháng 1 năm 2008). “Gặp người trong bức ảnh nổi tiếng”. Báo Quảng Nam.
3. ^ a b c d Phạm Mỹ Hạnh (22 tháng 7 năm 2008). ““O du kích nhỏ” ngày ấy, bây giờ”. Báo Công an nhân dân.
4. ^ Thông tấn xã Việt Nam (26 tháng 8 năm 2008). “Tạp chí Ác-hen-ti-na tôn vinh đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập Tổ quốc”. Cpv.org.vn.
5. ^ Jason M. Webb (17 tháng 9 năm 2009). “Recognition Breakfast honors those missing in action, prisoners of war”. Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Truy cập 23 tháng 10 năm 2009.
6. ^ Timothy R. Capling, “Longest-held enlisted POW visits Tyndall”, Không quân Hoa Kỳ, 27 tháng 6 năm 2008. Truy cập 24 tháng 10 năm 2009.
7. ^ Nguyễn Huy Nam (17 tháng 5 năm 2009). “Hương Khê- đường Trường Sơn, một miền huyền thoại”. Đài tiếng nói Việt Nam.
8. ^ Lê Văn Định (28 tháng 4 năm 2008). “Đằng sau bức ảnh nổi tiếng”. Tạp chí Thế giới & Việt Nam.
9. ^ Hà Nguyễn. “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật”, VietNamNet, Cập nhật lúc 16:05, Thứ Ba, 13/02/2007 (GMT+7). Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2010..
http://hoangkimvietnam.wordpress.com/2011/08/06/o-du-kich-b%E1%BA%AFn-d%E1%BA%A1i-bac/
NGỌC PHƯƠNG NAM , DẠY VÀ HỌC, CÂY LƯƠNG THỰC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét