Lưu trữ

9/8/11

Phát triển sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL



CÂY LƯƠNG THỰC. Sản xuất và cung ứng giống lúa các tỉnh phía Nam là thông tin Diễn đàn Khuyến Nông @ Nông nghiệp lần thứ 5 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức mới đây tại An Giang. Loạt bài trong sách này là đặc biệt quan trọng để hiểu biết thực trạng, tiến bộ mới, thuận lợi và khó khăn của nghề lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long vùng lúa lớn nhất Việt Nam. Phát triển sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long là bài của Nguyễn Trung Tiền

Phát triển sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long

TS Nguyễn Trung Tiền
Giám đốc Trung Tâm Giống Kiên Giang


Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) có diện tích trồng lúa khoảng 3,9 triệu ha, trong đó diện tích lúa cao sản (hè thu-đông xuân) mỗi vụ khoảng 1,6-1,7 triệu ha. Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, hàng năm Vùng này đóng góp trên 50% sản lượng lúa và trên 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Cây lúa hiện nay và trong những năm tới vẫn là cây trồng chủ lực của vùng ĐBSCL.

Trong năm 2010 sản lượng và doanh thu xuất khẩu gạo đều tăng vượt bậc so với các năm trước đây. Theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA - xuất khẩu gạo VN năm 2010 đạt 6,754 triệu tấn với trị giá gần 3 tỉ USD, giá xuất khẩu bình quân trên 431 USD/tấn và gần bằng với mức giá gạo Thái Lan. Tuy nhiên, để phát triển lúa vùng ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung và hướng đến cạnh tranh sòng phẵng với các nước khác mà đứng đầu là Thái Lan thì Việt Nam còn phải khắc phục và cải thiện nhiều hơn nữa những vấn đề cơ bản như: chủng loại giống lúa trên đồng ruộng còn quá nhiều làm cho hạt gạo xuất khẩu không đồng nhất về chất lượng, kích cỡ,… ; trong từng thời gian khác nhau vẫn còn tình trạng không ổn định về chất lượng gạo, không giữ được sự tín nhiệm cao của khách hàng; cơ sở vật chất chế biến, bảo quản lúa gạo chưa đáp ứng yêu cầu; việc liên kết giữa các đầu mối trong sản xuất (SX) lúa chưa chặt chẽ, còn mang tính nhỏ lẻ,…; bản thân người nông dân sản xuất lúa chưa quan tâm thực sự đến chất lượng gạo, đến an toàn thực phẩm; chưa ý thức tầm quan trọng về việc xây dựng thương hiệu lúa gạo cho từng vùng đặc trưng. Tất cả những yếu tố đó làm năng suất chất lượng lúa thiếu ổn định, tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu suy giảm, giá bán gạo chỉ bán thuận lợi khi quan hệ cung cầu trên thị trường có vấn đề do thiên tai xảy ra cục bộ trên một số quốc gia.Còn khi khí hậu thời tiết tốt, các nước xung quanh ta gặp thuận lợi trong SX lúa thì sản phẩm gạo của ta gặp khó khăn thật sự.

Để giải quyết vấn đề này, sản xuất lúa ĐBSCL cần có chiến lược SX lúa cụ thể trong từng thời kỳ nhất định, có các bước đi phù hợp trong từng thời điểm và từng vùng SX đặc thù. Một mặt Nhà nước cần ban hành các chủ trương chính sách đồng bộ hóa từ SX đến chế biến, bảo quản và xuất khẩu, mặt khác đối với nông dân, những người trực tiếp SX, cần tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích nông dân ý thức về những điều có lợi có hại trong nhiều công đoạn từ sản xuất, chế biến đến duy trì ổn định chất lượng, tạo uy tín lâu dài, một số biện pháp cấp thiết hiện nay và trong vài năm tới, cụ thể là:

-Đồng nhất hóa chủng loại giống lúa trên các cánh đồng lúa với quy mô nhất định, hiện nay một số tỉnh trong Vùng đã hình thành các “cánh đồng mẫu lớn” với quy mô vài trăm mẫu. Có thể trong vùng ĐBSCL có nhiều giống lúa đặc thù có năng suất cao và chất lượng tốt nhưng trong mỗi cánh đồng chỉ nên có một loại giống lúa đồng nhất thôi. Trên các cánh đồng này nông dân cần được giúp đỡ về vốn vay ưu đãi, kỹ thuật trồng trọt, giống lúa, bảo vệ thực vật, cơ sở hạ tầng,…từ đó giá thành sản xuất giảm và lợi nhuận được nâng lên. Đây là vấn đề then chốt và khó thực hiện trong điều kiện sản xuất nông nghiệp Việt Nam thuộc loại SX manh múng, diện tích lúa mỗi hộ thấp, tính cộng đồng của nông dân còn thấp, tính tư hữu cá nhân còn nặng.

-Trên các cánh đồng mẫu này cần có biện pháp đòn bẩy khuyến khích nông dân áp dụng quy trình “3 giảm 3 tăng” hoặc “ một phải, năm giảm” và trên cơ sở này đưa dần kiến thức trồng lúa theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, quy trình GAP,…Như vậy người sử dụng gạo của vùng ĐBSCL sẽ yên tâm, tin tưởng gạo mình ăn có nguồn gốc rõ ràng, có quy trình SX hợp lý, thống nhất, có chất lượng hạt gạo ngon và an toàn,…

-Đầu tư hỗ trợ vốn vay ưu đãi, vốn trung dài hạn nhằm khuyến khích cải tạo và nâng cao năng suất một số vùng SX lúa khó khăn còn nhiễm phèn, mặn trong vùng Tứ giá Long Xuyên và vùng ven biển. Vùng này hiện nay có diện tích lớn, nếu phát huy hết tiềm năng thì nó có thể mang lại một sản lượng lúa đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

-Để duy trì tính ổn định về sản lượng, chất lượng, đối với vùng đang SX lúa ổn định 2 vụ, cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất từ cải tạo đồng ruộng, chọn tạo giống mới có thời gian sinh trưởng cực ngắn đồng thời có năng suất và chất lượng đạt yêu cầu để có thể tăng thêm một vụ SX nữa trong năm (vụ thu đông) trong những vùng mà đảm bảo yêu cầu trong SX.

-Trong SX lúa quy mô lớn, cần đầu tư công nghiệp hóa trong SX lúa từng bước, nhất là trong vùng mới chuyển mục đích sang trồng lúa cần đầu tư hỗ trợ vay vốn ưu đãi cải tạo mặt bằng đồng ruộng, hệ thống thủy lợi nội đồng, máy móc thu hoạch, bảo quản đến chế biến,… Ngoài ra cũng phải đầu tư tạo thương hiệu và quảng bá sản phẩm cho từng tiểu vùng và cho cả vùng.

- Đào tạo, giúp đỡ nông dân về kiến thức mới trong canh tác lúa hiệu quả, kết hợp với các kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, kiến thức về y tế và sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện cho nông dân có ý thức phải hướng đến sản xuất tập trung, có sự liên kết giữa nông dân - nông dân, nông dân - doanh nghiệp và nông dân với các nhà khoa học. Từng bước loại bỏ bản tính cá nhân làm theo kiểu “du kích” nhỏ lẻ, hình thành tính cộng đồng, liên kết SX tạo ra khối lượng hàng hóa lớn và chất lượng.

Để làm được các công đoạn trên đòi hỏi Nhà nước các cấp cần có biện pháp tổ chức thực hiện một số chủ trương chính sách đồng bộ mang tính cấp thiết như: Cụ thể hóa chính sách tích tụ ruộng đất, thúc đẩy hình thành các cánh đồng lúa đồng nhất với quy mô lúa hàng hóa có tính cạnh tranh trên thị trường; chính sách hỗ trợ vốn vay trung dài hạn để đầu tư nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất trong SX, chế biến, bảo quản lương thực; chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân SX lúa theo quy trình SX nông nghiệp hữu cơ, SX lúa theo quy trình ViệtGAP, GlobalGAP,…Có được như vậy thì lúa gạo vùng ĐBSCL chắc chắn sẽ mang lại cho nông dân trong vùng một cuộc sống ổn định, giàu đẹp và văn minh.

Nguồn: Nguyễn Trung Tiền 2011. Phát triển sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long Trong sách: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia 2011. Sản xuất và cung ứng lúa giống các tỉnh phía Nam. Diễn đàn Khuyến Nông @ Nông nghiệp lần thứ 5. PGS.TS. Mai Thành Phụng (chủ biên), Ths. Phạm Văn Tình, KS. Vũ Tiết Sơn. Nhà Xuất bản Nông nghiệp, trang 11-12. Hoàng Long biên tập mạng và post tại các trang NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC, CÂY LƯƠNG THỰC, FOOD CROPS theo bản email trực tiếp từ PGS.TS. Mai Thành Phụng.

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi