Lưu trữ

10/11/11

Lúa gạo Việt Nam: Lời đề dẫn


CÂY LƯƠNG THỰC. Nông nghiệp là trung tâm để giảm đói cho nhân loại và là con đường chính để thoát nghèo cho đa số dân cư. Lương thực là căn bản đời sống. ảnh hưởng lớn lao nhất đến sức khỏe nhân loại. Lúa gạo là nền tảng an sinh xã hội. Sản xuất lúa Việt Nam vì an ninh lương thực là chính, xuất khẩu chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, Thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng thóc cả nước. an toàn lương thực cho đất nước có dân số sẽ đạt trên 100 triệu dân. Việt Nam cần có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý, “không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”. GS TS. Bùi Chí Bửu đã phát biểu đề dẫn tại hội thảo: Lúa gạo Việt Nam, sản xuất, thị trường và thương hiệu, Sóc Trăng, ngày 9 tháng 11 năm 2011 Vinh danh hạt ngọc Việt, ảnh HK

SẢN XUẤT LÚA VÌ MỤC TIÊU AN NINH LƯƠNG THỰC HAY XUẤT KHẨU

GS TS Bùi Chí Bửu
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Nghiệp Miền Nam

Đầu năm 2011, người ta chứng kiến khủng hoảng lương thực. Giá lương thực thế giới tăng đến đỉnh điểm như nó đã tăng trong 2008. Giá lúa mì đã tăng 50%, giá ngô tăng 35%, giá bông vải tăng 40%, giá lúa gạo tăng 30% trong năm 2010 so với 2009. Đây là thời điểm mà hàng trăm triệu dân trở lại nghèo đói; sự khủng hoảng lương thực đã và đang làm rung chuyển các chính phủ trong nhiều nước đang phát triển, các nước xuất khẩu cấm bán thực phẩm có hạt ra bên ngoài và hiện tượng bị mất đất tại các nước nhập khẩu nhiều lương thực, thực phẩm ở vùng nông nghiệp nghèo đang đặt ra câu hỏi khá hóc búa: “làm thế nào giúp được người nghèo tốt nhất”. Các nước G8 tổ chức phiên họp trong năm 2009 đặt nội dung lương thực bên cạnh khủng hoảng tài chính toàn cầu trong danh sách các hạng mục phải được ưu tiên được thảo luận. Họ hứa hẹn sẽ đầu tư 20 tỷ USD cho nông nghiệp trong vòng 3 năm. Năm 2011, Chủ tịch đương nhiệm của các nước G20, Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, muốn rằng lương thực phải là ưu tiên số một. Quỹ tài trợ Gates, quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, đã tập trung vào mục tiêu sức khỏe và phát triển nói chung, đã bắt đầu tập trung đầu tư các dự án nghiên cứu về lương thực và thực phẩm của thế giới. Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum), một nhóm doanh nghiệp thuộc 17 công ty toàn cầu đã ra tuyên bố về những quyết định liên quan đến tầm nhìn nông nghiệp mới, hứa hẹn sẽ tiếp thị đối với người sản xuất nhỏ - một dấu hiệu đặc biệt trong giới tư nhân.

Tổng sản lượng gạo xuất khẩu gạo trên toàn thế giới năm 2010 đạt 30 triệu tấn. Trong đó, đóng góp của Việt Nam là 7 triệu tấn, Thái Lan là 8 triệu tấn, chiếm 50% thị trường gạo của toàn cầu. Thật sự, đây là con số áp đảo trong cuộc chiến giành thị phần lúa gạo. Riêng Việt Nam, nếu tính về tốc độ tăng sản lượng 40 triệu tấn trên 4 triệu hecta canh tác, thì đã vượt xa Thái Lan (30 triệu tấn/10 triệu hecta canh tác). Tuy nhiên, giá trị thu về từ hạt gạo của Việt Nam còn thua xa Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong vùng. Lượng gạo lưu thông trên thị trường thế giới năm 2010 ước đạt 31,5 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2009. Sự tăng trưởng này do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước Châu Á quá lớn, để bù lại những lúc thiếu hụt do thời tiết bất thuận, áp lực của lạm phát cục bộ hoặc phải tạo nên lượng gạo dự trữ an toàn. Đối với xuất khẩu, phần lớn là sự đóng góp đáng kể không những của Việt Nam, mà còn của Pakistan, Thái Lan và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Miến Điện đã cắt hệ thống phân phối lưu thông gạo khá cực đoan. Trong niên lịch 2011, thị trường gạo thế giới được dự đoán sẽ đạt 31,4 triệu tấn, thấp hơn một chút so với 2010. Sản xuất tốt giúp các quốc gia Châu Á giảm nhập khẩu gạo, trong khi Châu Âu và Châu Phi phải mua vào nhiều hơn. Thái Lan gia tăng xuất khẩu nhằm bù lại sự thiếu hụt của các doanh nghiệp Pakistan và Việt Nam.

Một kỷ nguyên của lương thực giá rẽ đã đến tận đường hầm. Tác động phối hợp của những yếu tố và nhu cầu gia tăng đang diễn ra tại Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước đông dân vào bậc nhất. Việc sử dụng nhiều hơn bắp làm nhiên liệu sinh học và tác động của phát triển những ngành hàng phi nông nghiệp, sự kiện giảm giá trị đô la, tăng giá vàng đột biến; tất cả đang mang đến một hiện tượng khép lại giai đoạn bình minh của thập niên 1970, trong đó giá lương thực quan trọng (gạo, lúa mì, bắp) rất rẻ và có xu hướng giảm từ năm này sang năm khác. Đây là một cú “sốc” thật sự của thế giới đương đại. Trong thập niên 1990, hầu hết các vấn đề nông nghiệp dường như có thể giải quyết được. Năng suất tăng, dịch hại được kiểm soát, phân bón được cung cấp đủ để bồi dưỡng đất. Năm 2011, dân số toàn thế giới đạt con số 7 tỷ người, khuấy động lại học thuyết Malthus. Giá cả lương thực tăng làm cho hàng triệu người nghèo phải chi một nửa thu nhập cho lương thực. Người nghèo theo chuẩn hiện nay là thu nhập 1,25 USD / ngày. Như vậy với 9 tỷ dân vào 2050 thì thế nào? Chưa kể tác động của thay đổi khí hậu, nông nghiệp vừa là “nguyên nhân”, vừa là “nạn nhân” của sự kiện thay đổi không thể đảo ngược ấy. Làm thế nào thế giới đương đầu trong 4 thập niên tới đây? Câu trả lời không thể đi vào trực tiếp về nội dung kỹ thuật hoặc sinh học mà còn tính đến an sinh xã hội. Lương thực là căn bản của đời sống.

Do vậy, hai chữ “nông nghiệp” có giá trị hơn bất cứ từ nào khác khi nói về hoạt động kinh tế. Những lúc khó khăn nhất trong lịch sử phát triển, nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra những giải pháp ngoạn mục giúp cả nước vượt qua khủng hoảng (1997, 2008, 2009 và 2010). Người ta hi vọng tạo ra được hàng loạt mục tiêu cạnh tranh từ nơi này đến nơi khác, đặc biệt khi chúng ta chính thức là thành viên của WTO. Nhưng thế giới đang nhìn xem nông dân Việt Nam làm nhiều hơn lương thực thực phẩm, như một ấn tượng đặc biệt của một đất nước đổi mới (lúa gạo, cá tra, tôm sú, cao su, hồ tiêu, cà phê, hạt điều, rau quả). Nông nghiệp là trung tâm để giảm đói cho nhân loại và là con đường chính để thoát nghèo cho đa số dân cư. Lương thực có thể tạo nên ảnh hưởng lớn lao nhất về sức khỏe nhân loại, thể hiện trong nhiều cách khác nhau về cơ bản ở các nước nghèo cũng như nước giàu.Cách thức ăn uống bất cập đã và đang nẩy sinh các vấn đề nghiêm trọng nhất như sự béo phì, bệnh cao huyết áp, đái tháo đường hiện nay.

Thay đổi khí hậu đang diễn ra, thách thức càng lớn cho nhân loại về an ninh lương thực và đói nghèo. Năm 2009, thế giới chứng kiến sự kiện hơn 1 tỷ người đói do hạn hán, lũ lụt, và rơi vào tình cảnh nghèo khó, đặc biệt tại Nam Á và vùng cận sa mạc Sahara của Châu Phi. Trận lũ tàn khốc tại Pakistan 2010 đã được thế giới hết sức quan tâm theo dõi, với 2,36 triệu ha bị thiệt hại hoàn toàn, tổn thất 281,6 tỷ rubee. Năm 2011, tình cảnh này vô cùng bi đát tại Somali với hình ảnh trẻ em chết do suy dinh dưỡng và đói. Đông Nam Á đang hứng chịu ảnh hưởng La Nina khốc liệt chưa từng có vào năm 2010-2011. Việt Nam hứng chịu trên dưới 10 cơn bão dữ mỗi năm ở Bắc và Trung Bộ với những tổn thất lớn về người và của. Đồng bằng sông Cửu Long một lần nữa chứng minh được tính ổn định trong sản xuất lúa gạo của cả nước so với đồng bằng Sông Hồng, Duyên Hải Trung Bộ.

Thực tiễn sau 30 năm đổi mới đã chứng minh Việt Nam hoàn toàn đúng khi hoạch định về chiến lược phát triển nông nghiệp trên nền tảng đầu tư thỏa đáng cho thủy lợi. Diện tích lúa có nước tưới trên 80%, cao nhất trong các nước ASEAN. Giai đoạn 1986 -2008: diện tích gieo trồng lúa chỉ tăng 30% (nhờ thủy lợi), nhưng sản lượng thóc tăng 142%, trung bình tăng 1,03 triệu tấn thóc /năm, trong suốt 22 năm qua (Nguyễn văn Bộ 2009). Thủy lợi được đầu tư tập trung, trong thập niên 1980, diện tích lúa có nước tưới tăng trung bình 2,9% / năm, và thập niên 1990 là 4,6% / năm. Tổng vốn đầu tư trong thập niên 1990 tăng từ 1.538 tỷ đồng lên 2.506 tỷ đồng / năm. Diện tích lúa có nước tứơi đạt 80% cao nhất trong các nước ASEAN. Việt Nam đã làm đúng những gì mà tổ tiên đã tổng kết: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Kể từ 1975 đến 1995, diện tích lúa có nước tưới ở Việt Nam tăng gấp 3,7 lần, tốc độ tăng cao nhất ở Đông Nam Á, trong cùng thời kỳ. Hiện nay, diện tích được tưới chiếm 85% diện tích canh tác lúa, 1,71 triệu ha được tiêu nước chủ động.

Bên cạnh đó là sự huy động toàn xã hội bao gồm cả chính quyền, nông dân và các tổ chức đoàn thể chính trị cùng tham gia tiến trình đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, thực hiện chính sách tam nông. Năm 2006 ở Việt Nam đã xuất hiện sự bộc phát dịch rầy nâu, kèm theo dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu truyền bệnh. Bấy giờ, FAO, Viện Lúa Quốc tế rất lo ngại cho Việt Nam. Các phiên họp thường xuyên hàng tuần đều có đề cập đến tình hình Việt Nam để thảo luận, tìm các giải pháp tháo gỡ. Có lúc lãnh đạo Bộ NN và PTNT cảnh báo Việt Nam có thể phải nhập gạo trong năm 2007 nếu tiếp tục để diện tích nhiễm bệnh do virus tăng lên không kiểm soát được. Thực sự, Việt Nam đã không nhập khẩu gạo mà còn xuất nhiều hơn, bởi Việt Nam giải quyết bài toán gieo sạ đồng loạt trên hàng triệu ha, dùng bẫy đèn dự báo quần thể rầy nâu. Đây là bài học vô cùng lý thú cho các nước láng giềng. Điều quan trọng bậc nhất là Việt Nam đã đẩy mạnh cuộc cách mạng về giống lúa khá thành công và triển khai biện pháp “Ba Giảm” rất hiệu quả (giảm mật độ sạ, giảm dùng thuốc trừ sâu, giảm bón phân đạm). Năng suất lúa bình quân năm 2005 là 4.82 t/ha tăng lên 5.32 t/ha trong năm 2010, tăng 10,4%; có nghĩa là mỗi năm tăng trung bình 0,1 tấn / ha (tăng 2% / năm). Trong khi thế giới đang trong giai đoạn năng suất treo (yield stagnancy) hoặc tăng chậm <1% /năm. Công tác chọn giống truyền thống vẫn giữ vai trò chủ lực, bên cạnh đó rất nhiều phương pháp mới ứng dụng từ công nghệ tế bào, công nghệ di truyền, công nghệ tái tổ hợp DNA, đã góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển. Điều nghịch lý là đầu tư cho khoa học nông nghiệp còn thấp, trung bình 30 triệu USD / năm. Phát triển nông nghiệp hiện được ghi nhận là nhờ đầu tư vốn chiếm 53%, đầu tư lao động chiếm 19%, và đầu tư khoa học chỉ chiếm 28% thay vì 40% như các nước. TS Nguyễn văn Bộ, Giám Đốc VAAS, đã có lần đề nghị Chính Phủ làm ra chính sách trích 1% kim ngạch xuất khẩu nông sản (tổng giá trị xấp xỉ 20 tỷ USD năm 2010 và ước đạt 23 tỷ USD năm 2011), có nghĩa là 200 triệu USD dành cho nghiên cứu khoa học (cao gấp 6 lần hiện trạng). Đây là một khuyến nghị rất đáng lưu ý. Mục tiêu sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải nhắm đến an ninh lương thực là ưu tiên số một, trong đó thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng thóc cả nước. Một nghịch lý cần được tháo gỡ là: nhà khoa học khuyến khích “phát triển bền vững” trong khi nông dân cần “thu nhập tăng”. Nông dân không thể chấp một giải pháp kỹ thuật mới, mà sau đó thu nhập của họ không được cải tiến khá hơn. Thực hiện GAP (thực hành nông nghiệp tốt), tìm đầu ra cho nông sản có giá trị xuất khẩu cao có thể được xem là một trong các giải pháp được chọn. Xuất khẩu chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, an toàn lương thực cho một đất nước có dân số sẽ đạt trên 100 triệu dân. Điều kiện đặt ra Việt Nam phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý, “không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa”. Những điều cần lưu ý trong quản lý: 1. Không nên qua nhấn mạnh đến yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ (xem đó như một lợi thế so sánh) mà phải nâng cao không ngừng yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất, suy nghĩ nhiều đến giá trị gia tăng. 2.Thúc đẩy đầu tư của tư nhân trong nông nghiệp mạnh mẽ hơn, khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn của Bộ NN và PTNT, để tiếp cận công nghiệp hóa. 3. Dân số tăng, với sản lượng lương thực phải tăng gấp đôi vào 2050 so với 2000, trong khi diện tích nông nghiệp giảm. Phẩm chất dinh dưỡng là chiến lược cần phải tiếp cận. Với khẩu phần ít, nhưng năng lượng cao, dinh dưỡng tốt sẽ là lời giải của tương lai. Xem: Hình ảnh Festival Lúa Gạo Sóc Trăng 8-11/11/2011

Vinh danh hạt ngọc Việt
NGỌC PHƯƠNG NAM. Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 tại Sóc Trăng từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 11 năm 2011. Lễ hội Vinh danh hạt ngọc Việt môi trường xanh cho cánh đồng vàng. Một số hình ảnh đêm khai mạc tại Hồ nước ngọt số 2 đường Hùng Vương. Chương trình được THTT trên sóng của Đài Truyền hình Quốc gia và các Đài Truyền hình địa phương. Một số hình ảnh trực tiếp tại lễ khai mạc, ảnh của Hoàng Kim

Đọc thêm! »


Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi