Lưu trữ

10/9/13

Sắn Việt Nam thành tựu và bài học



CÂY LƯƠNG THỰC. Sắn Việt Nam thành tựu và bài học. Nguyễn Văn Bộ, Hoàng Kim,Lê Quốc Doanh,Trần Ngọc Ngoạn, Bùi Chí Bửu, Rod Lefroy, Lê Huy Hàm, Mai Thành Phụng, Trần Viễn Thông. 2013. Trong sách: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia . Diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp lần thứ 18. Chuyên đề: Một số giải pháp phát triển sắn bền vững. Tây Ninh ngày 26-8-2013, trang 14-25. Báo cáo cung cấp thông tin về: Tình hình sản xuất, tiêu thụ sắn trên thế giới và Việt Nam; Thành tựu và bài học sắn Việt Nam trong nửa thế kỷ bảo tồn và phát triển; Kết luận. Đây là bài đầu trong ba bài “Sắn Việt Nam bảo tồn và phát triển”.Từ khóa: Sắn Việt Nam, sản xuất tiêu thụ sắn, thành tựu và bài học sắn.



Sắn (Manihot esculenta Crantz) là cây lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, chế biến tinh bột và hiện là cây nguyên liệu chính để chế biến nhiên liệu sinh học có lợi thế cạnh tranh cao của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2011, toàn thế giới có 100 nước trồng sắn với tổng diện tích đạt 19,64 triệu ha, năng suất củ tươi bình quân 12,83 tấn/ ha, sản lượng 252,20 triệu tấn (FAO, 2013a)[5]. Ở Việt Nam, sắn là cây lương thực quan trọng có sản lượng đứng thứ ba sau lúa và ngô. Năm 2011, diện tích sắn cả nước đạt 560 ngàn ha, năng suất bình quân 17,63 tấn/ha, sản lượng 9,87 triệu tấn (Tổng cục Thống kê, 2013a) [32]. Hội nghị Sắn Toàn cầu tổ chức tại Bỉ năm 2008 đã đưa ra thông điệp: “Cây sắn là quà tặng của thế giới, cơ hội cho nông dân nghèo và thách thức đối với các nhà khoa học”. (Claude M.Fauquest 2008) [4]. Hướng sử dụng nguyên liệu sắn để chế biến tinh bột, cồn sinh học, tinh bột biến tính, thức ăn gia súc và màng phủ sinh học đang ngày càng được quan tâm. Theo thông cáo báo chí của FAO tháng 5 năm 2013 “Sắn tiềm năng to lớn là cây trồng thế kỷ 21”, Việt Nam được ca ngợi là điển hình trong thực tiễn đã đưa năng suất sắn lên 400% từ 8,5 tấn/ ha năm 2000 lên 36,0 tấn / ha năm 2011 tại nhiều hộ nông dân (FAO, 2013b) [6]. Sắn lát và tinh bột sắn Việt Nam hiện là một trong mười mặt hàng xuất khẩu chính. Việt Nam hiện có 13 nhà máy nhiên liệu sinh học công suất 1067,7 triệu lít cồn sinh học mỗi năm, 66 nhà máy chế biến tinh bột sắn qui mô công nghiệp, hơn 2000 cơ sở chế biến thủ công (Hoang Kim, Le Huy Ham et al. 2013) [12]. Sắn là sự lựa chọn của nhiều hộ nghèo và người dân ở các vùng đất xấu, bạc màu, khô hạn, cũng là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh do sắn đạt lợi nhuận cao, dễ trồng, ít chăm sóc, chi phí thấp, dễ thu hoạch, dễ chế biến. Sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nghiên cứu, phát triển sắn hiện là cơ hội, triển vọng của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam cũng như của nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, cây sắn đồng thời cũng đang bộc lộ rất nhiều những rũi ro, bất cập.

Báo cáo này cung cấp thông tin khái quát về: Tình hình sản xuất, tiêu thụ sắn trên thế giới và Việt Nam; Thành tựu và bài học sắn Việt Nam trong nửa thế kỷ bảo tồn và phát triển; Kết luận. Đây là bài đầu tiên trong ba bài “Sắn Việt Nam bảo tồn và phát triển”.

Sản xuất, tiêu thụ sắn trên thế giới và Việt Nam

Sắn cây trồng 4F của thế kỷ 21. Sắn là cây lương thực (Food) có sản lượng 252,20 triệu tấn) đứng hàng thứ năm sau ngô (883,46 triệu tấn), lúa gạo (722,76 triệu tấn), lúa mì (704,08 triệu tấn) khoai tây (374,38 triệu tấn). Sắn được trồng 66 % ở châu Phi, 20 % ở châu Á, 14 % ở châu Mỹ Latinh (FAOSTAT, 2013) [5]. Sắn là thức ăn của hơn một tỷ người trên thế giới, đặc biệt là châu Phi nơi sắn làm lương thực thực phẩm chính. Sắn là cây thức ăn gia súc (Feed), cây chế biến tinh bột (Flour) làm bột ngọt, mì ăn liền, bánh kẹo, siro, nước giải khát, bao bì, ván ép, phụ gia dược phẩm, màng phủ sinh học, chất giữ ẩm cho đất và hiện nay sắn là cây nguyên liệu chính để chế biến nhiên liệu sinh học (Fuel) có lợi thế cạnh tranh cao (Hình 1 và Hình 2).



Hình 1: Sản xuất sắn ở các nước trên thế giới năm 2008 (Nguồn FAO 2010, trích dẫn bởi Hoàng Long)



Hình 2. Sản lượng một số cây lương thực chính trên thế giới năm 2011 (FAO, 2013 trích dẫn bởi Hoàng Kim)

Sản xuất sắn trên thế giới. Châu Phi là khu vực dẫn đầu sản lượng sắn toàn cầu đến năm 2011 đạt 140,97 triệu tấn, chiếm 55,90 % sản lượng sắn thế giới 252,20 triệu tấn. Trong đó, đứng đầu châu lục này là Nigeria với sản lượng đạt 52,40 triệu tấn năm 2011. Châu Á chiếm 30 % sản lượng sắn thế giới với diện tích 3,91 triệu ha, năng suất bình quân 19,60 tấn/ha và sản lượng đạt 76,68 triệu tấn. Cây sắn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Philippin. Châu Mỹ là khu vực sản xuất sắn lớn thứ ba trên thế giới. Diện tích trồng sắn ở châu Mỹ tăng từ 2,54 triệu ha năm 2000 lên 2,85 triệu ha năm 2005 và sau đó giảm xuống còn 2,67 triệu ha vào năm 2011. Năng suất sắn châu Mỹ bình quân đạt 12,88 tấn/ha, sản lượng sắn đạt khoảng 34,36 triệu tấn năm 2011. Brazil là nước trồng nhiều sắn nhất của châu lục này với 1,74 triệu ha năm 2011, chiếm khoảng 65 % diện tích sắn trồng ở châu Mỹ (FAOSTAT, 2013) [5].

Mười nước có sản lượng sắn hàng đầu thế giới năm 2011 bao gồm Nigeria 52,4 triệu tấn. Brazil 25,44 triệu tấn, Indonesia 24,00 triệu tấn, Thái Lan (21,91 triệu tấn). Cộng hòa Công gô (15,56 triệu tấn) Angola (14,33 triệu tấn), Ghana (14,24 triệu tấn), Việt Nam (9,87 triệu tấn), Ấn Độ (8,00 triệu tấn), và Mozambic (6,26 triệu tấn).


Hình 3 So sánh diện tích, sản lượng sắn Việt Nam với bốn nước dẫn đầu thế giới (Hoàng Kim và ctv. 2013b)

Diện tích sắn của mười nước trồng nhiều sắn thế giới đã nêu trên tương ứng là 3,73; 1,74; 1,18; 1,13; 2,17; 1,07; 0,89; 0,56; 0,22; 0,97 triệu ha. (FAO 2013 a) [5].

Chiều hướng sản xuất sắn toàn cầu. Sản lượng sắn thế giới đã tăng rất nhanh từ 162,48 triệu tấn năm 1995 lên 252,20 triệu tấn năm 2011. Diện tích sắn năm 1995 đạt 16,46 triệu ha tăng lên 19,64 triệu ha năm 2011. Năng suất sắn thế giới năm 1995 đạt bình quân 9,87 tấn/ha, tăng lên 12,84 tấn/ha năm 2011. (Bảng 1).



Xuất nhập khẩu sắn trên thế giới. Ba nước xuất khẩu sắn hàng đầu của thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Thái Lan chiếm 60- 85% lượng xuất khẩu sắn toàn cầu ở những năm gần đây, kế đến là Indonesia và Việt Nam. Gần đây sắn Căm pu chia cũng trở thành một mặt hàng nông sản xuất khẩu triển vọng. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu sắn nhiều nhất thế giới để làm cồn sinh học, tinh bột biến tính, thức ăn gia súc và dùng trong công nghiệp thực phẩm dược liệu. Thị trường xuất khẩu sắn chủ yếu của Thái Lan là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và cộng đồng châu Âu với tỷ trọng xuất khẩu sắn khoảng 40% bột và tinh bột sắn, 25% là sắn lát và sắn viên (Hoang Kim, Nguyen Van Bo et al. 2010a) [14 ].

Dự báo thị trưởng sắn. Theo nghiên cứu thị trường sắn toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Quốc tế (FAO) và Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực thế giới (IFPRI), với tầm nhìn đến năm 2020 thì đến năm 2020 sản lượng sắn toàn cầu ước đạt 275,10 triệu tấn, trong đó sản xuất sắn chủ yếu ở các nước đang phát triển là 274,7 triệu tấn, các nước đã phát triển khoảng 0,40 triệu tấn. Mức tiêu thụ sắn ở các nước đang phát triển dự báo đạt 254,60 triệu tấn so với các nước đã phát triển là 20,5 triệu tấn. Khối lượng sản phẩm sắn toàn cầu sử dụng làm lương thực thực phẩm dự báo nhu cầu là 176,3 triệu tấn và thức ăn gia súc 53,4 triệu tấn. Tốc độ tăng hàng năm của nhu cầu sử dụng sản phẩm sắn làm lương thực, thực phẩm và thức ăn gia súc đạt tương ứng là 1,98 % và 0,95 %. Châu Phi vẫn là khu vực dẫn đầu sản lượng sắn toàn cầu với dự báo sản lượng năm 2020 sẽ đạt 168,6 triệu tấn. Trong đó, khối lượng sản phẩm sử dụng làm lương thực thực phẩm là 77,2 %, làm thức ăn gia súc là 4,4 %. Châu Mỹ La tinh giai đoạn 1993 - 2020, ước tốc độ tiêu thụ sản phẩm sắn tăng hàng năm là 1,3 %, so với châu Phi là 2,44 % và châu Á là 0,84 - 0,96 %. Cây sắn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nhiều nước châu Á, đặc biệt là các nước vùng Đông Nam Á nơi cây sắn có tổng diện tích đứng thứ ba sau lúa và ngô và tổng sản lượng đứng thứ ba sau lúa và mía. Chiều hướng sản xuất sắn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh cây trồng. Giải pháp chính là tăng năng suất sắn bằng áp dụng giống mới và các biện pháp kỹ thuật tiến bộ (Hoàng Kim, 2013a) [11].

Sản xuất sắn ở Việt Nam. Cây sắn là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ nông dân nghèo do sắn dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp sinh thái và điều kiện kinh tế nông hộ. Sắn được trồng rộng rãi từ Bắc chí Nam ở Việt Nam với diện tích hơn nửa triệu ha (Bảng 2) và sản lượng gần mười triệu tấn (Bảng 3).





+ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích sắn năm 2011 ước đạt 168.600 ha (chiếm 30,10 % diện tích sắn cả nước), năng suất đạt 17,66 tấn/ha và sản lượng đạt 2.977.900 tấn củ tươi (chiếm 30,15 % sản lượng sắn cả nước). Diện tích sắn nhiều nhất là các tỉnh Bình Thuận, Nghệ An, Quãng Ngãi, Phú Yên.

+ Vùng Tây Nguyên có diện tích sắn năm 2011 đạt 154.600 ha (chiếm 27,60 % diện tích sắn cả nước), năng suất 16,70 tấn/ha, sản lượng 2.582.200 tấn củ tươi (chiếm 26,15 % sản lượng sắn toàn quốc). Sắn trồng nhiều ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông.

+ Vùng trung du miền núi phía Bắc diện tích sắn năm 2011 đạt 117.200 ha (chiếm 20,92 % diện tích sắn toàn quốc), năng suất đạt 12,36 tấn/ha, sản lượng 1.448.900 tấn củ tươi (chiếm 14,67 % sản lượng sắn toàn quốc). Sắn trồng nhiều nhất ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái và Hòa Bình.

+ Vùng Đông Nam Bộ diện tích sắn năm 2011 đạt 99.000 ha (chiếm 17,68 % diện tích trồng sắn toàn quốc), năng suất sắn 25,34 tấn/ha cao nhất nước, sản lượng ước đạt 2.536.500 tấn củ tươi (chiếm 25,68 % sản lượng sắn toàn quốc). Sắn trồng nhiều ở Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương.



Hình 4 là biểu đồ khái quát diện tích sắn tại các vùng sinh thái Việt Nam.



Hình 5. Diễn biến diện tích, sản lượng sắn Việt Nam (giai đoạn 2001 – 2011)

Sắn Việt Nam xuất khẩu với kim ngạch lớn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan [31], năm 2010 Việt Nam xuất khẩu được 1.677 nghìn tấn sắn và các sản phẩm sắn, thu về 556 triệu đô la Mỹ. Trong cơ cấu các sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam năm 2010, sắn lát chiếm khoảng 56,8%, tinh bột sắn 42,9%. Diễn biến xuất khẩu sắn đang theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm tinh, giảm tỷ trọng sản phẩm thô là tín hiệu tốt trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất trong nước có liên quan đến sắn như thức ăn chăn nuôi, ethanol đang cần nguyên liệu và giá tinh bột sắn đang có xu hướng tăng mạnh trên thị trường thế giới. Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho các sản phẩm sắn Việt Nam xuất khẩu năm 2010 chiếm 94,8 % tổng kim ngạch xuất khẩu sắn lát (tương đương 196,5 triệu đô la Mỹ) và 90 % tổng kim ngạch xuất khẩu tinh bột sắn (tương đương 315,4 triệu đô la Mỹ) (Hệ thống cây lương thực Việt Nam, 2011a) [7]. Năm 2011 xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam đạt 2,68 triệu tấn và thu về 960,2 triệu USD.Tính đến hết năm 2012, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước đạt 4,23 triệu tấn, tăng 57,7% và trị giá là 1,35 tỷ USD, tăng 40,8 %. Trung Quốc tiếp tục là thị trường chính nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn Việt Nam với lượng đạt 3,76 triệu tấn, tăng 54,4 % so với năm trước và chiếm 88,9 % tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này (Thống kê Hải quan, 2013) [31].

Sắn Việt Nam thành tựu và bài học

Thành tựu sắn Việt Nam. Chuyển biến tăng năng suất sắn Việt Nam trong nửa thế kỷ qua (1961-2011) được thể hiện ở Hình 6. So sánh năng suất sắn Việt Nam và thế giới (tính từ năm 1975 Việt Nam thống nhất cho đến nay) được trình bày ở Hình 7. Sản lượng và năng suất sắn Việt Nam đã tăng vượt bực trong những năm gần đây. Sản lượng sắn Việt Nam năm 2011 là 9,87 triệu tấn trên diện tích thu hoạch 559,80 nghìn ha với năng suất bình quân 17,81 tấn/ ha (Tổng cục Thống kê 2013)[32]. So với năm 2000 có sản lượng sắn đạt 1,98 triệu tấn, năng suất 8,35 tấn/ ha thì sản lượng sắn năm 2011 đã tăng lên 4,98 lần, năng suất sắn đã tăng lên gấp đôi.

Tốc độ tăng năng suất sắn Việt Nam. Nhìn lại nửa thế kỷ qua thì tăng năng suất sắn thời gian gần đây là đặc biệt ấn tượng. Năm 1976 năng suất sắn Việt Nam đạt 7,86 tấn/ha, đến năm 2000 đạt 8,35 tấn/ha, gần tương đương với năng suất sắn của châu Phi (8,65 tấn/ha) nhưng đến năm 2011 năng suất sắn Việt Nam đã đạt 17,73 tấn/ha, vượt xa năng suất sắn bình quân của châu Phi là 10,77 tấn/ha và cao hơn năng suất sắn bình quân của châu Mỹ là 12,92 tấn/ha. Năng suất sắn Việt Nam hiện nay tuy còn thấp hơn so với năng suất sắn bình quân của Ấn Độ (36,47 tấn/ha), nước dẫn đầu năng suất sắn thế giới, Căm pu chia (21,30 tấn/ ha), Indonesia (20,30 tấn/ ha ) và Thái Lan (19,29 tấn/ha) nhưng nhiều hộ nông dân Việt Nam đã đạt năng suất sắn trên diện rộng 36,00- 50,00 tấn/ ha vượt hơn 400% so với năng suất trước đây.



Hình 6: Chuyển biến năng suất sắn Việt Nam nửa thế kỷ qua (1961-2011). Sự gia tăng năng suất sắn chủ yếu từ năm 2000 cho đến nay.



Hình 7: So sánh năng suất sắn Việt Nam và thế giới từ năm 1975 cho đến nay. Tốc độ tăng năng suất sắn Việt Nam từ năm 2000 là rất ấn tượng

Tây Ninh là tỉnh điển hình về chuyển đổi năng suất và sản lượng sắn mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân và doanh nghiệp chế biến tiêu thu sắn (Bảng 4).



Tỉnh Tây Ninh có tổng diện tích đất tự nhiên 404.929 ha, trong đó đất nông nghiệp 349.064 ha, với 12 loại đất, trong đó nhóm đất xám bạc màu chiếm tỷ trọng cao nhất 83,04% diện tích tự nhiên, kế đến là nhóm đất phù sa 5,41% và đất đỏ vàng 3,58%. Năm 2011, diện tích lúa cả năm có 155,5 nghìn ha (trong đó lúa đông xuân 45,8 nghìn ha, hè thu 52,9 nghìn ha, lúa mùa 56,8 nghìn ha) với năng suất lúa bình quân 48,9 tạ/ ha, sản lượng 760,7 nghìn tấn (Tổng cục Thống kê 2013b) [32]. Sắn, đậu phộng, rau đậu, mía là những cây trồng chính của tỉnh chiếm tỷ trọng cơ cấu giá trị theo thứ tự là 35,0%, 24,2%, 21,3% và 13%. Cây sắn đã đóng góp lớn trong nguồn thu nhập của nông hộ. Giống sắn tốt là một trong những nhân tố cơ bản làm nên bước chuyển biến này. Giống sắn chủ lực trong sản xuất là KM94 chiếm khoảng 60% diện tích sắn trồng, kế đến là KM98-5 khoảng 40%, giống KM419 và giống khác khoảng 10% (Trần Viễn Thông 2011) [33].

Lịch sử bảo tồn và phát triển sắn Việt Nam. Trước năm 1986, những giống sắn địa phương Gòn, Xanh Vĩnh Phú ... được trồng chủ yếu trong sản xuất ở Việt Nam. Các giống này có đặc điểm ăn tươi ngon nhưng năng suất củ tươi thấp (chỉ đạt trên dưới 10 tấn/ha), tỷ lệ tinh bột thấp (20 - 25 %). Từ năm 1986 đến năm 1990, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (HARC) đã thu thập, tuyển chọn và giới thiệu cho sản xuất ba giống sắn HL23, HL20 và HL24 sử dụng chính làm lương thực và thức ăn gia súc, đạt năng suất củ tươi 20 - 23 tấn/ ha, được canh tác mỗi năm khoảng 70.000 - 80.000 ha ở các tỉnh phía Nam (Hoàng Kim, Trần Ngọc Quyền, Nguyễn Thị Thủy 1990) [21]. Giống sắn Xanh Vĩnh Phú và mô hình canh tác sắn trên đất dốc sớm đã sớm được nghiên cứu tại các tỉnh phía Bắc (Nguyễn Văn Tiễn, Trần Ngọc Ngoạn, Đặng Thị Ngoan, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Hữu Hồng 1994) [30 ]. Cây sắn đã góp phần quan trọng vào an ninh lương thực, đặc biệt vào các giai đoạn khó khăn của đất nước (Hoàng Kim, Phạm Văn Biên 1995) [20]. Từ năm 1988 đến năm 2012, qua một phần tư thế kỹ hợp tác, Chương trình Sắn Việt Nam (VNCP) kết hợp với Trung tâm Quốc tế Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT) đã đạt được những thành tựu to lớn trong nghiên cứu và phát triển sắn (Phạm Văn Biên, Hoàng Kim 1998) [1). (Pham Van Bien, Hoang Kim et al. 2007) [2] (Hoang Kim, Nguyen Van Bo el al 2010) [14]. Tám giống sắn tốt đã được giới thiệu công nhận giống và trồng phổ biến trong sản xuất. Trong tám giống sắn có sáu giống nhập nội và tuyển chọn: KM60; KM94, KM95; SM937-26 (Trần Ngọc Quyền, Hoàng Kim và tập thể 1995)[29] ; Trần Ngọc Ngoạn 2000 [28]; Trịnh Phương Loan, Trần Ngọc Ngoạn và ctv. 1995), KM98-1 (Hoàng Kim, Kazuo Kawano và tập thể 1999) [19] KM98-7 (Trịnh Thị Phương Loan, Nguyễn Trọng Hiển và tập thể 2008) [25]; Hai giống sắn đã được lai tạo là KM140 (Trần Công Khanh, Hoàng Kim và tập thể 2007, 2009, 2010) [23, 22] và KM98-5 (Trần Công Khanh, Hoàng Kim và tập thể 2009) [24 ].

Việt Nam đã trở thành điển hình sắn của châu Á và thế giới trong việc ứng dụng công nghệ chọn tạo, nhân giống sắn lai và xây dựng mô hình canh tắc sắn bền vững Nhiều hộ nông dân giỏi như ông Hồ Sáu (Tây Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai), Tống Quốc Thanh (Sa Nghe, Hảo Đước, Châu Thành,Tây Ninh), Trần Thị Quyền (Hà Tây), Nguyễn Thị Sáu (Hà Tây), Ngô Trung Kiên (Phổ Yên),…đã trồng sắn đạt năng suất, lợi nhuận cao liên tục nhiều năm liền và đã thực sự giàu lên từ cây sắn (Kazuo Kawano 2001, 2009) [9,10], Reinhard Howeler 2004, 2008 [34, 35 ]). “Việt Nam là một nước xuất khẩu chính của nhiều sản phẩm nông nghiệp, và trong một số trường hợp là dẫn đầu hoặc là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu trên toàn cầu, với tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp đạt 25 tỷ USD mỗi năm. Trong lĩnh vực sắn, với diện tích thu hoạch hơn nửa triệu ha, giá trị xuất khẩu sản phẩm sắn của Việt Nam đạt 800-950 triệu USD mỗi năm. Trong kết nối này, CIAT đã có những đóng góp đáng kể thông qua việc cải thiện ngành sắn Việt Nam”.“Ở cấp quốc gia, sắn đã trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ yếu. Trong cuộc sống của hàng trăm ngàn, nếu không nói là hàng triệu gia đình sản xuất nhỏ trong cả nước thông qua các thay đổi về năng suất và lợi nhuận. Nguồn vật liệu giống sắn từ CIAT thông qua chương trình chọn tạo và nhân giống đã bao gồm hơn 90% của tất cả diện tích sắn được trồng hiện nay ở Việt Nam.” (Bùi Bá Bổng 2012) [3].

Bài học sắn Việt Nam
. Chương trình Sắn Việt Nam đã đúc kết ba bài học 6M, 10T, 1F (Hoang Kim, Pham Van Bien et al. 2003[18], Hoang Kim et al. 2013 [12 ]):

1) Sáu kinh nghiệm (6M tiếng Anh) liên kết chính
1. Man Power Con người
2. Market Thị trường
3. Materials Giống mới, Công nghệ mới
4. Management Quản lý và Chính sách
5. Methods Phương pháp tổ chức thực hiện
6. Money Tiền

2) Mười kinh nghiệm (10T tiếng Việt) chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
1) Thử nghiệm (Trials)
2) Trình diễn (Demonstrations)
3) Tập huấn (Training)
4) Trao đổi (Exchange)
5) Thăm viếng (Farmer tours)
6) Tham quan hội nghị đầu bờ (Farmer field days)
7) Thông tin tuyên truyền (Information, propaganda)
8) Thi đua (Competition)
9) Tổng kết khen thưởng (Recognition, price and reward)
10) Thành lập mạng lưới nông dân giỏi(Establish good farmers' network)

3) Nông dân tham gia nghiên cứu (Farmer Participatory Research - FPR)



Kết luận
Sắn Việt Nam đã phát triển theo hướng bền vững trong những năm đầu của thế kỷ 21 (2000-2013). Thành tựu sắn Việt Nam đạt được là rất to lớn: Cây sắn đã chuyển đổi từ cây lương thực, cây thức ăn gia súc thành cây 4 F (Food, Feed, Flour, Fuel: lương thực thực phẩm, thức ăn gia súc, tinh bột và sản phẩm sau tinh bột, nhiên liệu sinh học). Ở cấp quốc gia, sắn đã trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ yếu và đi vào cuộc sống của hàng trăm ngàn, hàng triệu gia đình nông dân sản xuất nhỏ trong cả nước thông qua các thay đổi về năng suất và lợi nhuận. Nguồn vật liệu giống sắn từ CIAT thông qua chương trình chọn tạo và nhân giống đã bao gồm hơn 90% của tất cả diện tích sắn được trồng hiện nay ở Việt Nam. Bài học của Chương trình Sắn Việt Nam 6M,10T và “Nông dân tham gia nghiên cứu FPR” là kinh nghiệm hợp tác đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vì đời sống của hàng triệu hộ gia đình nông dân nghèo.

Tài liệu dẫn

01. Phạm Văn Biên, Hoàng Kim 1998. Sắn Việt Nam trong vùng sắn Châu Á: hiện trạng và tiềm năng. Trong sách: Kết quả nghiên cứu và khuyến nông sắn Việt Nam. Thông tin về Hội thảo sắn Việt Nam tổ chức tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam từ ngày 2 - 4/03/1998. (Hoàng Kim và Nguyễn Văn Mãi). Nhà Xuất bản Nông nghiệp, TP. Hồ Chí Minh, trang 9-13.

02. Pham Van Bien, Hoang Kim, Tran Ngoc Ngoan, Reinhardt Howeler and Joel J. Wang 2007. New developments in the cassava sector of Vietnam. In: CIAT 2007, Cassava research and development in Asia. Exploring New Opportunities for an Ancient Crop. R.H. Howeler (Ed.). p. 25-32 http://www.ciat.cgiar.org/asia_cassava

03. Bùi Bá Bổng 2012. 45th Anniversary of CIAT: Welcome from Vietnam http://foodcrops.blogspot.com/2012/09/45th-anniversary-of-founding-of-ciat.html

04. Claude M.Fauquest 2008. Cassava: A Gift to the World and a Challenge for Scientists. Paper presented at “Cassava meeting the challenges of the new millennium” hosted by IPBO- Ghent University, Belgium 21-25 July 2008. http://cassavaviet.blogspot.com

05. FAOSTAT, 2013a. Diện tích, năng suất và sản lượng sắn trên thế giới . Ngày 10 tháng 03 năm 2013. http://faostat.fao.org/site/567/DesktopDefault.aspx? PageID=567#ancor

06. FAO, 2013b. Cassava’s huge potential as 21st century crop. FAO Press Release
June 04, 2013, 10:20 P.M http://www.thedominican.net/2013/06/cassava-huge-potential-crop.html

07. Hệ thống Cây Lương thực Việt Nam, 2011a. Cây sắn Việt Nam nhìn từ mục tiêu Thái Lan. Ngày 15 tháng 03 năm 2013. <http://foodcrops.vn/index.php?%2option=com_content&view=category&id=56&layout=blog&Itemid=444>

08. Hệ thống Cây Lương thực Việt Nam, 2011b. “Vai trò của nhiên liệu sinh học đối với phát triển nông nghiệp và nông thôn”, ngày 15 tháng 03 năm 2013. <http://foodcrops.v/index.php?option=com_content&view=article&id=1981:cay-nhien-liu-sinh-hc-va-im-tin-tinh-hinh-phat-trin-2010&catid=60:kinh-te-viet-nam&Itemid=417>

09. Kazuo Kawano 2009. Cassava and Vietnam: Now and Then
http://foodcrops.blogspot.com/2012/09/cassava-and-vietnam-now-and-then.html

10. Kazuo Kawano 2001 The role of improved cassava cultivars in generating income for better farm management. In: R.H. Howeler and S.L. Tan (Eds.). Cassava’s Potential in the 21st Centery: Present Situation and Future Research and Development Needs. Proc. 6th Regional Workshop, held in Ho Chi Minh city, Vietnam. Feb. 21-25, 2000. p. 5-15

11. Hoàng Kim, 2013a. Báo cáo Tổng kết Dự án: Xây dựng mô hình sản xuất sắn theo hướng bền vững tại tỉnh Đắc Lăk . Tài liệu kèm băng DVD và tờ bướm Quy trình kỹ thuật canh tác sắn, Sở Nông nghiệp &PTNT Đăk Lak, 68 trang.

12. Hoang Kim, Le Huy Ham, Manabu Ishitani, Hernan Ceballos, Nguyen Van Bo, Tran Ngoc Ngoan, Kazuo Kawano, Reinhardt Howeler, Rod Lefroy, Nguyen Phuong, Hoang Long, Nguyen Thi Le Dung, Tran Cong Khanh, Vo Van Quang, Dao Trong Tuan, Nguyen Minh Cuong, Nguyen Van Vu and Nguyen Van Dong 2013b. Vietnam cassava breeding overview: the broad perspective . Presentation to Kickoff Meeting of a Cooperative Research Project under the East Asia Joint Research Program (e-ASIA JRP) at AGI, Hanoi on Jan.8 and 9, 2013 http://cassavaviet.blogspot.com/2013/01/vietnam-cassava-breeding-overview-broad.html

13. Hoang Kim, Nguyen Van Bo, Rod Lefroy, Keith Fahrney, Hernan Ceballos, Nguyen Phuong, Tran Cong Khanh, Nguyen Trong Hien, Hoang Long, Vo Van Quang, Nguyen Thi Thien Phuong, Nguyen Thi Le Dung, Bui Huy Hop, Trinh Van My, Le Thi Yen, 2011, Cassava for Biofuel in Vietnam. Paper presented at IFAD/ICRISAT Project Final Meeting “ Harnessing water –use efficient bio-energy crops for enhancing livelihood opportunities of smallholder farmers in Asia, Africa and Latin America" HCM, 14-15 April. http://cropsforbiofuel.blogspot.com/2011/04/cassava-for-biofuel-in-vietnam.html

14. Hoang Kim, Nguyen Van Bo, Hoang Long, Nguyen Trong Hien, Hernan Ceballos and Reinhardt R.H., 2010a. Current situation of cassava in Vietnam. In A New Furture for Cassava in Asia: Its Use as Food, Feed and Fuel to Benefit the Poor, 8th Asian Cassava Research Workshop October 20 – 24, 2008 in Vientiane, Lao PDR.p. 100-112.

15. Hoang Kim, Nguyen Van Bo, Reinhardt Howeler and Hernan Ceballos 2008b. Current Situation of Cassava in Vietnam and the selection of cassava doubled haploid (DH) lines derived from CIAT. Paper presented at “Cassava meeting the challenges of the new millennium” hosted by IPBO- Ghent University, Belgium 21-25 July 2008.

16. Hoang Kim, Nguyen Van Bo, Keith Fahrne, Rod Lefroy, Reinhardt Howeler and Hernan Ceballos 2008a. Current situation of cassava in Vietnam and its potential as a bio - fuel . Paper presented at IFAD/ICRISAT Project Launching Meeting “Harnessing water –use efficient bio-energy crops for enhancing livelihood opportunities of smallholder farmers in Asia, Africa and Latin America” hosted by ICRISAT- Patancheru, 502 324, Andhra Pradesh, India, 1-2 May, 2008.

17. Hoang Kim, Pham Van Bien, Reinhardt Howeler, Joel J. Wang, Tran Ngoc Ngoan, Kazuo Kawano, Hernan Ceballos 2005. The history and recent developments of the cassava sector in Vietnam. In: Innovative technologies for commercialization: Concise papers of The Second International Symposium on Sweetpotato and Cassava, 14-17 June 2005, Corus Hotel, Kuala Lumpur, Malaysia/ jointly organized by Malaysian Agricultural Research and Development Institute, International Society for Horticultural Science with cooperation of Food Biopolymer Research Group, Universiti Sains Malaysia. p. 26-27.

18. Hoang Kim, Pham Van Bien and R.H.Howeler 2003. Status of cassava in Vietnam: Implications for future research and development. In: A review of cassava in Asia with country case studies on Thailand and Viet Nam; FAO-IFAD-CIAT-CIRAD-IITA-NRI. Proceedings of the validation forum on the Global Cassava Development Strategy held in FAO - Rome, Italy, April 26-28, 2000.Vol/3.Rome, Italy, p103-184. http://www.globalcassavastrategy.net

19. Hoàng Kim, Kazuo Kawano, Trần Hồng Uy, Trần Ngọc Quyền, Võ Văn Tuấn, Trần Công Khanh 1999. Kết qủa tuyển chọn giống sắn KM98-1. Tài liệu báo cáo công nhận giống sắn KM98-1. Hội nghị Khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng 29-31/7/1999. 27 trang.

20. Hoàng Kim và Phạm Văn Biên, 1995. Cây sắn. Nhà Xuất bản Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

21. Hoàng Kim, Trần Ngọc Quyền, Nguyễn Thị Thủy 1990. Chọn tạo giống khoai lang, sắn thích hợp với các vùng sinh thái nông nghiệp Miền Nam. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm. Tạp chí hàng tháng khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế; số 9 năm 1990, trang 538-544.

22. Trần Công Khanh, Hoàng Kim, Nguyễn Hữu Hỷ, Võ Văn Tuấn, Phạm Văn Biên, Đào Huy Chiên Reinhardt Howeler và Hernan Ceballos 2010. “Lai tạo, chọn lọc và phát triển giống sắn KM140”, đoạt giải Nhất tại Hội sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 10 trong sách Kỷ yếu Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 10, (VIFOTEC) Hà Nội, 2010. trang 146 – 149.

23. Trần Công Khanh, Hoàng Kim, Nguyễn Hữu Hỷ, Võ Văn Tuấn, Phạm Văn Biên, Đào Huy Chiên và Reinhardt Howeler 2009 “Kết quả chọn tạo và phát triển giống sắn KM140”, Báo cáo công nhận giống chính thức tại Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tp Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2009, 45 trang.

24. Trần Công Khanh, Hoàng Kim, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Hữu Hỷ, Phạm Văn Biên, Đào Huy Chiên, Reinhardt Howeler và Hernan Ceballos 2009. Kết quả chọn tạo và phát triển giống sắn KM98-5. Báo cáo công nhận giống sản xuất thử tại Hội đồng nghiệm thu của Bộ Nông nghiệp & PTNT tháng 12 năm 2009. 40 trang.

25. Trịnh Thị Phương Loan, Nguyễn Trọng Hiển, Đào Duy Chiên, Trần Ngọc Ngoạn và Nguyễn Việt Hưng, 2008. Kết quả nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống sắn KM98-7. Trong MARD, Hội thảo nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội ngày 13, 09, 2008

26. Tran Ngoc Ngoan 2008. Evolution of FPR methodologies used and results obtained in Vietnam. In: CIAT 2008. R.H.Howeler (Ed.) Integrated Cassava – base Cropping Systems in Asia- Working with Farmers to Enhance Adoption of More Sustainable Production Practices. Proceedings of the Workshop on the Nippon Foundation Cassava Project in Thailand, Vietnam and China held in Thainguyen, Vietnam. Oct 27-31, 2003.p 92-104

27. Tran Ngoc Ngoan and R.H. Howeler 2007. The adoption of new technologies and the socio-economic impact of the Nippon Foundation cassava project in Vietnam. In R.H.Howeler (Ed.) Cassava research and Development in Asia: Exploring New Opportunities for an Ancient Crop. Proc. 7 th Regional Workshop, held in Bangkok, Thailand. Oct 28-Nov 1, 2002, p. 387-399.

28. Trần Ngọc Ngoạn (2000) Kết quả tuyển chọn hai giống sắn mới có triển vọng với sự tham gia của nông dân. Kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, NXB Nông nghiệp .

29. Trần Ngọc Quyền, Võ Văn Tuấn, Hoàng Kim và Kawano, 1995. Kết quả tuyển chọn các giống sắn mới KM60, KM94, KM95 và SM937-26. Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp và PTNT, tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, 14-16 tháng 7 năm 1995.

30. Nguyễn Văn Tiễn, Trần Ngọc Ngoạn, Đặng Thị Ngoan, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Hữu Hồng 1994. Các biện pháp canh tác trên đất dốc, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

31. Thống kê Hải quan, 2013. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng năm 2012. Ngày 30 tháng 3 năm 2013. http://www.customs.gov.vn/lists/tinhoatdong/ViewDetails.aspx?ID=19213&Category=Th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA%20H%E1%BA%A3i%20quan

32. Tổng cục Thống kê, 2013. Diện tích, năng suất, sản lượng sắn của Việt Nam phân theo địa phương năm 2011. Ngày 9 tháng 6 năm 2013. http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=390&idmid=3&ItemID=12923

33. Tran Vien Thong, 2011, Results production of cassava in TayNinh 2000-2011 Orientation for 2012-2015. Paper presented at IFAD/ICRISAT Project Final Meeting “Harnessing water–use efficient bio-energy crops for enhancing livelihood opportunities of smallholder farmers in Asia, Africa and Latin America" Tay Ninh cassava field trips, 15 April.

34. Reinhardt H. Howeler, 2008 Background and general methodology used in the Nippon Foundation project. In: CIAT 2008. Integrated Cassava – base Cropping Systems in Asia- Working with Farmers to Enhance Adoption of More Sustainable Production Practices. Proceedings of the Workshop on the Nippon Foundation Cassava Project in Thailand, Vietnam and China held in Thainguyen, Vietnam. Oct 27-31, 2003. p 5-32

35. Reinhardt Howeler, 2004. Intergrated cassava-based Cropping Systems in Asia: Farming Practices to Enhance Sustainability. End of Project Report Second Phase of the Nippon Foundation Cassava Project in Asia 1999-2003. The Nippon Foundation- CIAT, 120 p.

* Nguyen Van Bo, Hoang Kim, Le Quoc Doanh, Tran Ngoc Ngoan, Bui Chi Buu, Rod Lefroy, Le Huy Ham, Mai Thanh Phung, Tran Vien Thong 2013. Vietnam cassava achievement and learnt lessons (Bản tin tiếng Anh của bài báo này)http://cassavaviet.blogspot.com/2013/09/vietnam-cassava-achievement-and-learnt.html

Video yêu thích

Cassava in Vietnam: Save and Grow
Tây Ninh hướng đến thâm canh cây mì bền vững

http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn

1 nhận xét:

phòng khám da khoa vn nói...

Mở mang được nhiều kiến thức, cảm ơn tác giả nhiều Phòng khám đa khoa ÂU Á Nếu có ai muốn chữa trị bệnh trĩ ngoại :thì liên lạc bên em tư vấn nhiệt tình nhé phòng khám bệnh trĩ ở đà nẵng Phòng khám chúng tôi chuyên chữa trị bệnh trĩ ngoại .với chất lượng tốt nhất


Người theo dõi