Lưu trữ

16/8/14

Công nhận bốn sản phẩm ngô biến đổi gen đầu tiên làm thực phẩm


CÂY LƯƠNG THỰC. Thông tin từ Thanh Tâm (Vietnam+) ngày 14 tháng 8 năm 2014. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa chính thức cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gen có đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho bốn sản phẩm ngô biến đổi gen đầu tiên ở Việt Nam. Cụ thể, các sản phẩm ngô biến đổi gen được phê duyệt lần này bao gồm giống Bt 11, MIR162 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam và giống MON 89034, NK603 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dekalb Việt Nam thuộc Tập đoàn Monsanto của Mỹ. (Ngô trồng trên vùng đất bãi của huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Trần Tuấn /TTXVN)

Theo đó, giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gen, theo đúng trình tự được quy định. Đây là 4 sản phẩm biến đổi gen đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và đảm bảo là không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi.
Các sản phẩm cây trồng biến đổi gen đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên các sản phẩm này được xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa các sản phẩm biến đổi gen vào sản xuất trong nông nghiệp.


Đại diện Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sự kiện trên được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nhập siêu ngô tăng liên tục trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này và có thể thực sự tiếp cận với tiến bộ khoa học nông nghiệp, nông dân còn phải chờ thêm chứng nhận an toàn đối với môi trường và thông qua quy trình khảo nghiệm và công nhận giống của Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho biết, mặc dù chưa chính thức công nhận, nhưng những sản phẩm ngô, đậu tương Việt Nam nhập khẩu về làm thức ăn gia súc từ trước đến nay hầu hết là cây trồng biến đổi gen./.


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong 6 tháng đầu năm 2014, so với cùng kỳ năm trước, khối lượng nhập khẩu ngô đạt 2,33 triệu tấn và giá trị nhập khẩu đạt 599 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị; khối lượng nhập khẩu đậu tương đạt 856.000 tấn, với giá trị 504 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Thông tin dự báo của Cục Chăn nuôi, nhiều khả năng đến hết năm nay, nước ta sẽ nhập khẩu đến trên 4,5 triệu tấn ngô (đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu) và ước chi phí sẽ lên đến khoảng hơn 1 tỷ USD.

Tin liên quan




"CHÚNG TA ĐÃ MẶC HAI LỚP ÁO GIÁP!"

CÂY LƯƠNG THỰC. Theo Nông nghiệp Việt Nam Online  ngày 19 tháng 8 năm 2014. Nhân sự kiện Bộ NN-PTNT chính thức công bố cấp phê duyệt bốn sự kiện ngô biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Lê Huy Hàm (hình)./ Không thể bỏ qua công nghệ biến đổi gen


Phê duyệt để kiểm soát
Bốn văn bản vừa qua có ý nghĩa gì với lộ trình đưa cây trồng biến đổi gen vào VN?

Ý nghĩa thứ nhất nó là tiền đề để quản lý toàn bộ những thực phẩm, thức ăn chăn nuôi biến đổi gen nhập vào VN. Ý nghĩa thứ hai là tiền đề để cho phép thương mại hóa cây trồng biến đổi gen vào VN.

Hiện nay chúng ta nhập khẩu rất nhiều đậu tương, chiếm trên 90% toàn bộ lượng đậu tương tiêu thụ ở VN. Có thể khẳng định tất cả chúng đều là biến đổi gen vì 81% đậu tương trên thế giới là biến đổi gen.

Đậu tương không biến đổi gen hiện chỉ sản xuất ở diện nhỏ và tiêu thụ tại chỗ, còn đậu tương trên thị trường thương mại đều là biến đổi gen. Khoảng 35% ngô trên thế giới là biến đổi gen. VN năm ngoái nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô năm nay chỉ trong 6 tháng đã nhập 2,3 triệu tấn, ngô đó cũng là biến đổi gen cả.

 Nếu chúng ta chưa có quy chế thì rõ ràng ngô biến đổi gen, đậu tương biến đổi gen và các thứ biến đổi gen khác vào ra VN không kiểm soát được. Giờ ta có quy chế để kiểm soát, những sản phẩm biến đổi gen phải được cho phép mới được nhập vào Việt Nam, không cho phép thì không thể vào được.

Từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015 tất cả những đơn vị nhập khẩu các mặt hàng ngô, đậu tương phải đăng ký và đều phải được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Đây là bước tiến tới kiểm soát toàn bộ các sản phẩm biến đổi gen.

Ngoài 4 loại được cho phép nhập khẩu vào VN, còn rất nhiều loại ngô, đậu biến đổi gen khác thì sao?

Chúng ta cho họ thời hạn đến tháng 3 năm 2015 để nộp đơn, xem xét. Nếu sau đó mà không có trong danh mục sẽ không được nhập khẩu vào Việt Nam.

Có khả năng sẽ có những sản phẩm không trong danh mục nhưng núp danh loại đã được cho phép để trà trộn vào VN?

Khả năng đó bao giờ cũng có thể xảy ra! Vậy nên kiểm soát đầu vào rất quan trọng. Trước hết ta phải kiểm soát trên giấy tờ và sau đó sẽ kiểm soát trên mẫu vật. Đó chính là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT.

Không chịu một sức ép nào

Ông đánh giá ra sao về lộ trình đưa cây trồng biến đổi gen vào VN? Trước đây Bộ NN-PTNT đã rất quyết tâm nhưng thực tế vẫn chậm so với mong muốn?

Bộ NN-PTNT không những trước kia quyết tâm mà giờ càng quyết tâm hơn. Bốn giấy phép này là tiền đề để đưa cây trồng biến đổi gen vào trồng ở VN vì trước khi được trồng chúng phải được cho phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và thực phẩm cho người.

Nếu không được phép sử dụng thì không ai dám mang vào để trồng ở VN cả. Chỉ có trên cơ sở tiền đề này Bộ TN-MT mới có thể phê duyệt và cho phép trồng thương mại.

Trình tự để công nhận vừa qua thế nào thưa ông?

Các công ty nộp hồ sơ ở Văn phòng công nghệ sinh học thuộc Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT). Ở đó họ sẽ xem xét chúng đủ thủ tục hành chính chưa. Nếu đủ mọi thủ tục hành chính rồi bắt đầu đăng lên mạng để công chúng có ý kiến.

Sau khi công chúng có ý kiến sẽ mang ra xem xét. Trong hồ sơ phải có tất cả các đặc tính của cây trồng biến đổi gen, đặc tính về phân tử của cơ thể cho gen, nhận gen, quá trình chuyển gen như thế nào, gen có bền vững hay không, đã thử nghiệm ở đâu, gen biểu hiện như thế nào, ở những bộ phận nào, các thí nghiệm trên vật nuôi xem ảnh hưởng như thế nào…

Ngoài hồ sơ chứng minh về an toàn như ở các nước khác, VN còn đòi thêm một cái rất đặc thù là giấy chứng nhận đã được 5 nước phát triển cho phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và thực phẩm cho người.

Các nhà lập pháp đã tính đến quan ngại của công chúng nên họ đã đưa ra hai bức giáp sắt để bảo vệ. Để cho công chúng đỡ quan ngại thì bằng chứng tốt nhất là loại cây trồng biến đổi gen đó đã sử dụng ở 5 nước phát triển.


Việc công khai cho phép nhập khẩu ngô biến đổi gen làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nằm trong lộ trình công nhận trồng ngô biến đổi gen trong tương lai gần tại Việt Nam

Nếu ở nước khác thì có thể lý luận người ta đói mới phải ăn, thiếu mới phải dùng cây trồng biến đổi gen nhưng đây là Nhật, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, EU… nên không có chuyện do thiếu, đói mà phải dùng. Qua đó ta thấy được các sản phẩm biến đổi gen đưa vào Việt Nam là rất an toàn.

Trong quá trình ngồi ghế hội đồng xét duyệt, các ông có chịu sức ép nào từ phía lãnh đạo, doanh nghiệp hay công luận không?

Tất nhiên ai cũng muốn công việc của mình xong nhưng nhóm làm việc không để một sức ép nào ảnh hưởng đến công việc, phải tuyệt đối tuân thủ theo luật, nghị định, thông tư.

Hội đồng xét an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có 11 người gồm đại diện các Bộ TN-MT, Y tế, Công thương, KH-CN, NN-PTNT. Tôi cũng là một thành viên trong Hội đồng đó.
Các công ty nộp hồ sơ từ tháng 3 năm 2014 đến nay mới được cấp phép vì chúng tôi phải xem xét đi, xem xét lại mà mỗi hồ sơ đều dày như một cuốn từ điển chưa kể phụ lục.

Bà con nông dân đang rất quan tâm đến chuyện cây trồng biến đổi gen bao giờ sẽ ra thương mại?

Hiện hồ sơ xin cho phép trồng thương mại cây biến đổi gen đang nằm trên bàn Bộ TN-MT, đang được xem xét bởi Hội đồng an toàn sinh học quốc gia. Phía Bộ NN-PTNT đã hoàn thành hết trách nhiệm của mình.

Cơ sở khoa học vững chắc

Người tiêu dùng nói chung hiểu rất mù mờ về cây trồng biến đổi gen. Nếu phỏng vấn ngẫu nhiên mười người đang mua hàng ở siêu thị, ở chợ với một câu: “Ông hay bà có đồng ý mua thực phẩm biến đổi gen không?” thì cả mười người đều trả lời là không. Ông bình luận ra sao về vấn đề đó?

Đây là câu chuyện rất hay! Tôi đã đi giảng bài, nói chuyện với công chúng. Tôi đặt câu hỏi thế này: “Các bác đã ăn AND chưa?”. “Không, sợ lắm! Chúng tôi không ăn”. “Các bác đã ăn gen bao giờ chưa?”. “Không, sợ lắm! Chúng tôi không ăn”.

Thực ra tất cả cái chúng ta ăn hàng ngày là gen, là AND. Ăn một hạt cơm là ăn khoảng 40.000 gen. Người ta không tưởng tượng ra được điều ấy.

Biến đổi gen là con đường tất yếu của sinh giới (động, thực vật, vi sinh vật) để thích nghi với điều kiện môi trường luôn luôn thay đổi. Trong hàng triệu năm nay sinh giới đều phải biến đổi gen.

 Ví dụ xuống Trung tâm tài nguyên thực vật lấy một cây lúa dại ra mà xem, nó cao 20cm, một ha cho năng suất chưa đến 1 tạ. Con người đã chọn lọc những biến đổi gen từ lúa dại đó để tạo ra giống lúa như ngày nay.

Kiểu dáng của cây lúa ngày nay đã hoàn toàn khác với cây lúa ngày xưa. Kiểu hình thay đổi chứng tỏ là kiểu gen thay đổi. Đấy là biến đổi gen trong tự nhiên.


"Bản thân ở VN chúng ta đã dùng sản phẩm cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương) hàng chục năm nay mà chưa ai nhức đầu, đau bụng cả", ông Lê Huy Hàm.


Hay là trong lịch sử chọn giống người ta dùng các loại tia phóng xạ, tia ion, tia gamma bắn phá bộ gen tạo nên đột biến, một loại biến đổi gen trong khuôn khổ một cơ thể, còn biến đổi gen ngày nay là lấy từ cơ thể này sang cơ thể khác.

Hiện nay cây trồng biến đổi gen đang có những thông tin trái chiều, có lực lượng chống, cố tình dựng lên những bức tranh ghê sợ theo mục tiêu của người ta.

  Ông nói quá trình biến đổi gen là tất yếu của sinh giới để thích nghi hoàn cảnh biến đổi, vậy hoàn cảnh hiện nay không biến đổi mà cố biến đổi gen phải chăng là phản tự nhiên?


Phải nói thế này, dù ta có lấy gen từ đâu đi chăng nữa nó cũng chỉ là bốn nucleotít: adenine (A), thymine (T), cytosine (C), guanine (G), và bốn cái đó chung cho tất cả động, thực vật, vi sinh vật, cho cả người, khỉ, lúa, vi khuẩn…
 
Gen của sinh vật nào cũng như nhau. Từ gen tạo thành protein. Protein ở đâu cũng gồm 20 axit amin. 20 axit amin này mà sắp xếp theo các trình tự khác nhau thì thành thịt, thành cá, thành gạo, thành rau.


Các cơ thể xây dựng trình tự axit amin theo cách của riêng mình giống như ta lấy chữ la tinh ta viết thì thành tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Rumani đều từ 24 chữ cái. Thiên nhiên chỉ viết bằng bốn chữ cái gồm A, T, C, G nói trên. Ở đây người ta nói nhiều đến gen ngoại lai vậy thế nào là ngoại lai vì ở đâu cũng là A, T, C, G?


Điều đó giống như những viên gạch vậy, anh dỡ nhà nào cũng có viên gạch nhưng cách sắp xếp khác nhau tạo ra các ngôi nhà khác nhau, to lớn, nhỏ bé, hình dạng khác nhau. Cơ sở khoa học đó là vô cùng vững chắc.
 
Xin cảm ơn ông!

 Ngày 11/8/2014, Bộ NN-PTNT chính thức công bố cấp phê duyệt 4 sự kiện ngô biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

Các sự kiện được phê duyệt lần này bao gồm sự kiện Bt11 và MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034, NK603 của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto).

Giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng An toàn Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi biến đổi gen là không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi, đúng trình tự được quy định theo Thông tư 02/2014/TT-BNNPTNT.

Đây là 4 sự kiện biến đổi gen đầu tiên được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.


   




Dương Đình Tường


Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính 
Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con



Người theo dõi