Lưu trữ

3/12/14

Vì sao những người tạo kỳ tích cho VN vẫn nghèo?

CÂY LƯƠNG THỰC. Bàn tròn Một phần tư thế kỷ Việt Nam xuất khẩu gạo. Bài 2: Vì sao những người tạo kỳ tích cho VN vẫn nghèo? Tuần Việt Nam giới thiệu phần tiếp theo Bài 1: Chậm cởi trói, cái giá phải trả rất đắt, với sự tham gia của các khách mời: GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học, Hiệu trưởng ĐH Tây Đô; PGS. TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp; ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang. "Rủi ro lớn nhất ở VN không phải là thời tiết, không phải thương trường mà là chính sách. Từ chính sách tỷ giá, chính sách thuế cũng như hàng loạt các chính sách khác."

Bàn tròn Một phần tư thế kỷ Việt Nam xuất khẩu lúa gạo


"Năm 1989, thế giới cũng đang thiếu gạo cho nên việc Việt Nam đột ngột từ nước "nhập" thành "xuất" đã trở thành một kiện nổi bật"- ông Võ Tòng Xuân nhớ lại.

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn của châu Á cùng với Miến Điện (ngày nay là Myanmar). Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh lớn kéo dài, Việt Nam lại trở thành nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, từ 500.000 đến 1 triệu tấn/năm.

Năm 1989, sau hơn nửa thế kỷ nhập khẩu gạo, Việt Nam trở lại xuất khẩu gạo vô cùng ấn tượng với con số "mở hàng" (số liệu chính thức) 1,4 triệu tấn. Và cho đến nay, hàng năm Việt Nam vẫn duy trì khả năng xuất khẩu đạt từ 3 - 4 triệu tấn gạo và giữ vững ngôi vị "cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 của thế giới".
Song, sau 25 năm, giờ là lúc chúng ta rất cần có một cái nhìn tương đối toàn diện, tổng thể những gì đã làm được và những gì chưa. Với lý do đó, Tuần Việt Nam tổ chức Bàn tròn Một phần tư thế kỷ VN xuất khẩu lúa gạo, với sự tham gia của các khách mời:
- GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học, Hiệu trưởng ĐH Tây Đô, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV; nguyên phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, nguyên hiệu trưởng ĐH An Giang, ĐH Tân Tạo.
- PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp, nguyên hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý NN - PTNT;
- Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Từ trái qua phải: ông Nguyễn Minh Nhị, PGS.TS Vũ Trọng Khải; GS.TS Võ Tòng Xuân. Ảnh: Duy Chiến

Bài 1: Chậm cởi trói, cái giá phải trả rất đắt

Mốc lịch sử của lúa gạo Việt Nam
Thưa các vị diễn giả, nhìn lại chặng đường dài 25 năm xuất khẩu gạo, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến thời điểm lịch sử năm 1989, năm đầu tiên chúng ta xuất khẩu gạo trở lại sau hơn 50 năm "đứt đoạn". Số liệu chính thức công bố năm 1989 ta xuất 1,4 triệu tấn gạo đem về 310 triệu USD. Trong khi năm trước đó 1988 Việt Nam vẫn còn phải nhập gần 500.000 tấn gạo, trước đó nữa có năm phải nhập kỷ lục gần 1 triệu tấn.
GS.TS Võ Tòng Xuân: Khi ấy, thế giới cũng đang thiếu gạo cho nên việc Việt Nam đột ngột từ nước "nhập" thành "xuất" đã trở thành một sự kiện nổi bật. Tôi còn nhớ, sau năm 1989, Hiệp hội xay xát lúa gạo của Mỹ đã mời tôi qua tham dự cuộc họp tại Florida để trình bày tham luận về lý do giúp Việt Nam chỉ "qua một đêm" đã thay đổi kỳ diệu như vậy. Rất nhiều nhà kinh doanh gạo quốc tế có mặt, họ tìm hiểu rất kỹ khả năng cộng tác với Việt Nam để đưa gạo Việt Nam ra thương trường quốc tế.
Lý thú nhất là họ đưa tôi đến thăm đại bản doanh tại Washington, cho vào phòng kỹ thuật có 30 máy telex gõ lách cách cả ngày cả đêm. Người hướng dẫn cho biết, tại căn phòng này họ tiếp nhận tất cả thông tin về số lượng tàu chở gạo giao dịch khắp các châu lục trên thế giới. Từng tàu chở bao nhiều tấn, xuất phát từ cảng nào đến đâu họ đều cập nhật. Họ cho biết năm 1989 Việt Nam xuất khẩu tới 1,89 triệu tấn, chứ không phải 1,4 triệu tấn.
Ngành sản xuất lương thực thế giới ghi nhận việc Việt Nam xuất khẩu gạo năm 1989 là sự kiện lớn được thế giới chú ý. Công ty kinh doanh gạo hàng đầu thế giới Schepens của Bỉ ở châu Âu cũng mời tôi qua trụ sở của họ. Đây là công ty có 3 đời kinh doanh gạo, họ rất quan tâm và muốn làm ăn lâu dài với Việt Nam mình...
TS. Vũ Trọng Khải: Tôi đánh giá việc Việt Nam xuất khẩu gạo trở lại là thành công lớn xuất phát từ chính sách "cởi trói" bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988 với thay đổi lớn là công nhận "Hộ nông dân là đơn vị tự chủ".
Trước đó ta cứ loay hoay mãi với nạn thiếu và đói. Không chỉ phải nhập gạo, tình hình khó khăn tới mức ta phải lấy gạo làm ra ở ĐBSCL bán đi để nhập tấm về nhiều, ăn cho rẻ. Tình hình cuối những năm 1980 bí bách như thế đấy.
Việc thay đổi chính sách đã cho ra kết quả kỳ diệu cho thấy, tiềm lực nền nông nghiệp của ta đủ nuôi sống cả dân tộc và có dư để xuất khẩu. Đó là chưa cần tác động tác động mới để nâng cao năng lực sản xuất. Khi được "cởi trói" nó đã thể hiện rất rõ.
Giờ thì có xót xa đến mấy thì cũng đã lỡ rồi. Vì cái đói của cả nước, vì chậm "cởi trói" kịp thời mà ta phải đầu tư rất lớn khai phá và phá huỷ môi trường sinh thái tự nhiên quý hiếm. Cái giá chúng ta phải trả cho việc này rất đắt.
Nhưng thật sự, nếu chúng ta "cởi trói" sớm hơn thì đâu phải đầu tư tốn kém để biến Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên thành vựa lúa khiến ảnh hưởng tới môi trường sinh thái tự nhiên. Các chuyên gia Hà Lan đã khuyến cáo chúng ta rằng "Hãy giữ lấy sinh thái tự nhiên quý giá của ĐBSCL rồi sau đó phát huy nó, trước hết là du lịch".
 
Giờ thì có xót xa đến mấy thì cũng đã lỡ rồi. Vì cái đói của cả nước, vì chậm "cởi trói" kịp thời mà ta phải đầu tư rất lớn khai phá và phá huỷ môi trường sinh thái tự nhiên quý hiếm. Cái giá chúng ta phải trả cho việc này rất đắt.

Ông Nguyễn Minh Nhị: Cái được thì không phải bàn cãi, có ý nghĩa rất lớn trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu đói kéo dài suốt 10 năm trời. Năm 1986, nhờ Đổi mới để đến năm 1989 có đủ gạo ăn rồi xuất khẩu, từ đó sản lượng xuất khẩu tăng liên tục theo đà "năm sau cao hơn năm trước".
Tuy nhiên cái chưa được không hề nhỏ. Với thành tựu đạt được, có lúc chúng ta đã quá hào hứng, đến mức từng có lãnh đạo Bộ NN - PTNT tuyên bố: "Việt Nam giữ vững an ninh lương thực cho thế giới!". Trong khi đó, càng về sau ý nghĩa của việc xuất khẩu gạo, "cường quốc xuất khẩu gạo" càng không cao, nhất là chất lượng xuất khẩu, giá và lãi, không tương xứng với sản lượng. Đây là điều vô cùng quan trọng thì chúng ta đã lơ là, không nhận ra. Nông dân càng làm ra nhiều lúa gạo hiệu quả lại càng thấp.
Việt Nam giữ an ninh lương thực cho thế giới?
Theo tôi được biết, dư luận cũng từng băn khoăn không biết tại sao Việt Nam ta lại phải có trách nhiệm "giữ an ninh lương thực cho thế giới", trong khi nông dân - những người trực tiếp làm ra hạt lúa xuất khẩu thì bị lỗ, thiệt thòi và khốn khổ trăm bề mà chẳng thấy "thế giới" bù đắp lại phần nào?
GS.TS Vũ Trọng Khải: Theo tôi được biết, Nhà nước ta không có cam kết nào như vậy cả, chúng ta không có bổn phận hay ràng buộc với việc "giữ an ninh lương thực cho thế giới". Tôi biết khi nghe phát biểu như thế, cựu Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Huy Ngọ đã nói: "Đừng bắt nông dân hy sinh một cách vô nghĩa"! [1].

[1]: Tháng 11/2013, Bộ trưởng NN&PTNT khi trả lời chất vấn Quốc hội đã khẳng định: "Cây lúa là lợi thế, là sự sàng lọc của lịch sử. Không phải Việt Nam sản xuất nhiều gạo để bảo đảm an ninh lương thực thế giới mà vì chính chúng ta", Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời trong phiên chất vấn chiều 23/11. ('Việt Nam không gánh trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực thế giới', VnExpress, 23/11/2011
 
Thế giới không ai bắt Việt Nam ta phải có "trách nhiệm" đó, cũng như không ai ghi nhận "công lao" xuất khẩu nhiều, giá rẻ cả của ta.
GS.TS Võ Tòng Xuân: Quả thật ¼ thế kỷ qua nông dân ta làm ra nhiều lúa gạo, bán rẻ giúp người tiêu dùng trên thế giới. Nhờ gạo Việt Nam mà họ được ăn gạo ngon, giá thấp. Tuy nhiên đó là do chiến lược phát triển, quản lý, điều hành sản xuất nông nghiệp của chúng ta kém chứ không phải do ta cố ý "giúp" thế giới. Còn bản thân người làm ra hạt gạo của ta đến nay vẫn chưa được đối xử thỏa đáng khi họ tham gia vào nhiệm vụ này.

Ông Nguyễn Minh Nhị: Đây là vấn đề khoa học quản lý kinh tế chứ không phải lập trường, đạo đức mơ hồ chung chung được.

Nhân đây xin hỏi GS Võ Tòng Xuân, có ý kiến cho rằng, ta bán gạo với giá như hiện nay không chỉ là đang "giúp" thiên hạ không công mà Nhà nước ta còn bao cấp cho khách hàng mua gạo của ta. Xin GS hãy giải thích rõ hơn nội dung này?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Giá gạo của chúng ta hiện nay chưa tính đúng tính đủ các chi phí tối thiểu. Trong tương lai, giá lúa phải được tính đủ các chi phí, nhất là phí khấu hao công trình thủy lợi và phí giao thông như các nước. Nông dân trồng lúa phải trả tiền chi phí khối lượng nước đã dùng. Đây là một sự điều chỉnh quan trọng, chấm dứt thời kỳ nhà nước bao cấp cho những khách hàng mua gạo Việt Nam. Vì như cơ cấu giá như lâu nay thì họ đã được miễn tính chi phí nước vào giá gạo.

Khi làm như vậy, nông dân sẽ bán gạo giá cao, như bên Thái Lan đang thực hiện, và Nhà nước sẽ thu tiền nước để tài trợ lại tiền mua gạo của 20% dân số không làm ruộng. Nếu có được quyết tâm chính trị để thực hiện chiến lược trên đây, cây lúa Việt Nam sẽ được trả lại đúng giá trị và không bị bấp bênh nữa.


Quản lý thế, nông dân còn khổ dài
Có một câu hỏi nhức nhối bao lâu nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Đó là, tại sao người nông dân chúng ta đã tạo nên kỳ tích từ xuất khẩu gạo, kết thúc một giai đoạn thiếu ăn; làm bà đỡ cho cả nền kinh tế đất nước vươn lên, nhưng người trồng lúa Việt Nam vẫn nghèo?
GS.TS Võ Tòng Xuân.
GS.TS Võ Tòng Xuân: Quả thật đây là một nghịch lý xuất phát từ yếu kém có tính hệ thống, mà nguyên nhân sâu xa do giáo dục của ta. Ở các nước tiên tiến, những người được đào tạo đầy đủ mới làm được nông nghiệp. Còn ở nước ta thì ngược lại, vì thế mà người làm nông dễ hài lòng với kinh nghiệm "lão nông tri điền", sản xuất không theo đúng khuyến cáo khoa học, khiến giá thành sản xuất cao, chất lượng sản phẩm kém, thậm chí không an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong khi đó, nhiều trong số những người tham gia trong chuỗi giá trị của hạt gạo từ đồng ruộng đến bàn ăn của người tiêu dùng trong nước hoặc nước ngoài lại có đặc quyền, và sử dụng quyền của họ giành đi phần đáng lẽ để cho nông dân được lời hơn.

Tôi còn nhớ hồi mới xuất khẩu gạo, tôi được mời qua Mỹ và châu Âu, có gặp các tập đoàn kinh doanh gạo. Họ nói thẳng thắn thế này, Việt Nam mới gia nhập xuất khẩu gạo, không dễ bán như Thái Lan hay London đâu. Các công ty quốc doanh kinh doanh gạo của Việt Nam chưa được tin tưởng. Chất lượng không có cơ sở đảm bảo, mua mà không đúng chất lượng thì không kiện được. Cho nên gạo đi từ Việt Nam phải chịu phí rủi ro 40 - 50 USD/tấn. Đó là lý do lâu nay chúng ta hay nghe nói gạo Việt Nam tương đương chất lượng gạo Thái Lan mà giá bán luôn thấp hơn 40 - 50 USD/tấn là vậy.

Theo họ, tốt nhất, nên sản xuất theo chất lượng họ đề nghị, rồi đưa qua dự trữ và bán ở châu Âu, họ chỉ lấy 2% chi phí. Khi ấy, tôi về nước, đề xuất với một cơ quan Trung ương nhưng không được chấp nhận, bởi họ yêu cầu xuất khẩu gạo ra khỏi lãnh thổ phải có hợp đồng và có L/C. Vậy là chịu.
Ông Nguyễn Minh Nhị.
Ông Nguyễn Minh Nhị: Theo tôi, quản lý nông nghiệp của ta chưa có một chiến lược cụ thể: Làm lúa bán cho ai? Giá nào? Ai làm? Ai bán? Người nông dân được gì qua từng năm sản xuất, từng tấn lúa tăng thêm... Thay vào đó, ta hoàn toàn dựa vào "thị trường quen thuộc" và "thói quen làm ăn" như ông cha ta hàng trăm năm trước. Gần đây tôi có nghe nói đến "tái cơ cấu..." mà dường như chưa thấy động tĩnh gì?

Ta đã xuất khẩu gạo vào thị trường gạo cấp thấp: Indonesia, Philippines, Iran, Iraq, Syria, Lybia, Cuba... Nghĩa là xuất khẩu vào thị trường do các công ty quốc doanh kinh doanh lương thực ở đó đảm nhận, cung cấp gạo cho người nghèo. Trước đây, nhờ yếu tố độc quyền và đôi khi cả tiêu cực mà làm ăn trôi chảy, lời lãi do doanh nghiệp hai bên thỏa thuận chia nhau. Nông dân ta được hưởng quyền lợi rất ít, trong khi về mặt chính sách, Chính phủ "yêu cầu tối thiểu phải có lợi nhuận từ 30% cho nông dân". Riêng các nước có quan hệ tài chính - mậu dịch thuộc "phe nhà" thì có khi trời mà biết giá cả, lợi nhuận ra sao.

Từ khi các nước đó thay đổi hoặc tự đổi mới, kinh doanh kiểu ấy không còn, thì xuất khẩu gạo của ta không cạnh tranh được. Ngay những thị trường truyền thống như Philippinnes, Indonesia, Malaysia... cũng phải đấu thầu không còn "đấu cuội" nữa thì ta thua dài dài chớ sao?

Người ta nói "buôn có bạn". Nay "bạn" quốc doanh ở các thị trường ấy không còn hoặc đã bỏ cách làm ăn "một mình một chợ", các quốc doanh lương thực của ta mất đối tác thì làm ăn sao được?

Tất nhiên, trong hệ quả hiện nay đều có cả khoa học quản lý cấu thành. Gần suốt đời tôi ủng hộ kinh tế quốc doanh, nhất là trong kinh doanh lương thực, nhưng nay thấy cách ta làm vừa qua chỉ có nông dân và Chính phủ là thua. Cứ như vậy, từ 2013 dài dài về sau chắc sẽ chứng kiến không ít quốc doanh lương thực đổ vỡ. Tất nhiên tư doanh lương thực cũng không sướng gì, vì nó trong cái khuôn khổ cơ chế đó cả!

Nói như vậy để thấy do cách quản lý của ta là ở trên trời, không ăn nhập với thực tế. Năm 1992, tôi đi qua Đài Loan tìm hiểu, bên đó cũng có quốc doanh độc quyền kinh doanh gạo, đường, muối và rượu, bia, thuốc lá... nhưng nông dân họ sướng vô cùng.

Còn nông dân ta ngày xưa làm lúa mùa, năng suất thấp mà lời lãi còn đến trên dưới 70%, nếu đất thuê thì cũng còn trên dưới 60%. Nay làm cật lực, năng suất gấp 3 lần/ vụ, sản lượng chỉ tính 2 vụ/ năm cũng gấp 5 lần mà cũng chỉ lời lãi trên dưới 30% là may mắn lắm rồi. Nhưng không phải năm nào cũng được "may mắn" như thế đâu.

Cách quản lý sản xuất và xuất khẩu gạo kiểu này thì nông dân còn khổ dài dài.

Vì sao doanh nhân chưa dám xông pha?

Thưa TS. Vũ Trọng Khải, những bất cập về cuộc sống của người nông dân mà chúng ta vừa nêu ra, nếu nhìn từ nguyên nhân chính sách thì có thể rút ra điều gì?

PGS.TS Vũ Trọng Khải.
PGS.TS Vũ Trọng Khải: Thứ nhất, 25 năm qua chúng ta xuất khẩu gạo vẫn dựa trên nền tảng nền sản xuất nhỏ manh mún, lạc hậu chứ chưa thay đổi cơ bản về chất. Nếu có thay đổi thì chỉ là giống và kỹ thuật canh tác. Suốt 25 năm qua vẫn dựa vào nông dân sản xuất nhỏ, quy mô kinh tế hộ là chính. Vẫn những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thô, chưa có chế biến sâu tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tức là chúng ta chỉ dựa vào cái sẵn có, tiềm năng sẵn có. Khi những thứ này được khai thác và mất đi thì vị thế của VN trong cuộc cạnh tranh sẽ giảm theo.

Thậm chí những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mà chúng ta đưa vào như giống mới, kỹ thuật canh tác mới kiểu như "3 giảm, 3 tăng" cũng khó mà phổ cập được với người nông dân quy mô sản xuất chỉ 5 - 7 công đất.

Vì vậy, người nông dân không thể giàu có lên được trong bối cảnh đó. Chúng ta nên nhớ rằng, chính sách "cởi trói" chỉ có giá trị trong một thời gian ngắn vì nó không tạo ra nhân tố mới.

Thứ hai, chúng ta chưa nhìn ra thế giới để định vị lại mình, qua đó tổ chức lại sản xuất cho phù hợp và khôn khéo. Tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch về gạo hàng năm thấp hơn rất nhiều lần so với trao đổi rau quả. Chúng ta có lợi thế nhiệt đới rất lớn về rau quả mà chưa thấy hết. Gần chúng ta có những nước 6 tháng mùa đông không trồng được rau quả như Hàn Quốc, Nhật Bản, phía Bắc Trung Quốc, vùng Siberia, v.v... Đó là chưa kể châu Âu.

Ở đây còn phải nói tới vai trò của doanh nhân. Hình như chúng ta chưa có được lực lượng doanh nhân mạnh mẽ, xông pha thương trường thế giới tìm thị trường. Chẳng hạn, nhìn sang Trung Quốc, thương nhân, doanh nhân của họ "len lỏi" khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới để mua nguyên liệu và bán sản phẩm của họ?

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Thương mại hóa sản phẩm là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải làm hai chức năng chế biến, chế biến sâu và tiêu thụ. Nếu ta có chính sách đầu tư đúng đắn cho doanh nghiệp chứ không phải chỉ dựa vào các tổng công ty nhà nước như Vinafood 1 (Tổng công ty lương thực miền Bắc), Vinafood 2 (Tổng công ty lương thực miền Nam) thì tình hình đã khác...
Thưa ông, từ trải nghiệm bản thân, nói một cách thẳng thắn, tôi thấy lực lượng doanh nghiệp tư nhân của chúng ta còn rất yếu. Tôi từng chứng kiến trường hợp một khách hàng nước ngoài muốn mua gạo số lượng khá lớn, tìm đến một doanh nghiệp tư nhân chế biến và xuất khẩu gạo có tên tuổi của Việt Nam. Thỏa thuận giá cả xong, bàn về hợp đồng để ký. Họ chấp nhận mở L/C và yêu cầu phía Việt Nam cũng phải bỏ bond (ký quỹ) để ràng buộc trách nhiệm. Nghe nói tới đây doanh nghiệp của chúng ta "chạy mất", vì sợ không thực hiện đúng hợp đồng thì sẽ mất số tiền ký quỹ.

Chưa hết, doanh nhân này sau đó chấp nhận làm vệ tinh cho Vinafood kiếm tiền cho chắc ăn. Thử hỏi ông, như vậy thì sao mà dám vươn ra thế giới, sao đủ sức làm ăn đàng hoàng, sòng phẳng với thiên hạ, tham gia vào thương trường thế giới?

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Tâm lý chung của doanh nhân Việt Nam là không chấp nhận rủi ro. Tại sao? Có hai yếu tố:
Thứ nhất, đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành được đội ngũ doanh nhân mạnh, kể từ khi xuất hiện những tên tuổi lớn hồi đầu thế kỷ 20 như Bạch Thái Bưởi, gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (với hãng nước mắm Vạn Vân), v.v... Đặc biệt là ông Nguyễn Sơn Hà, doanh nhân và cũng là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với tư cách đại biểu, ông đã đề nghị phải đưa câu "Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do kinh doanh" vào Hiến pháp năm 1946. Chính doanh nhân Nguyễn Sơn Hà đã sản xuất chiếc áo mưa gọn nhẹ cho bộ đội ta, thay cho chiếc áo tơi nặng nề trước đó.

Tiếc rằng chúng ta đã không duy trì được khí thế đó. Lớp doanh nhân mới lớn lên sau này nhìn vào bối cảnh thể chế kinh tế chung, thấy làm ăn lớn nhiều rủi ro quá. Rủi ro lớn nhất ở Việt Nam không phải là thời tiết, không phải thương trường mà là chính sách. Từ chính sách tỷ giá, chính sách thuế cũng như hàng loạt các chính sách khác. Doanh nhân họ sợ lắm, vì nhiều "ông" đã "chết" vì những thay đổi bất thường như vậy. Rồi bộ máy còn tồn tại quan liêu, nhũng nhiễu cũng góp phần làm thui chột ý chí, khát vọng của doanh nhân.
Thứ hai, những yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa và cơ chế ở ta chưa khuyến khích doanh nhân mạo hiểm, chưa tạo ra được môi trường để họ dấn thân, chấp nhận rủi ro. Đã vậy ngay trong chính sách còn rơi rớt sự kỳ thị với doanh nhân, doanh nghiệp. Ví dụ như chuyện mới đây chuyện quy định không cho doanh nhân lấy tên danh nhân đặt tên gây ồn ào, v.v... Bởi vậy, phần lớn doanh nhân của ta thường chấp nhận làm ăn ở mức đủ ăn đủ sống, trên mức trung bình là được.
Tôi có tình cờ biết doanh nhân "bỏ chạy" mà anh nhắc đến. Cách đây hơn chục năm, ông giám đốc công ty đó cũng nhiệt huyết, xông xáo lắm. Công ty của ông ấy là doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam nhập máy tách màu hiện đại nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên sau lần bị "bầm dập", ông ấy đã chán nản, mất nhiệt huyết.
Những vấn đề này không thể xoay chuyển một sớm một chiều. Và phải bắt đầu bằng thể chế kinh tế.

(Còn nữa)
Duy Chiến

Người theo dõi