Lưu trữ

23/3/12

Mười biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa


NGỌC PHƯƠNG NAM. Mười biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa bao gồm 1)Thời vụ; 2)Vệ sinh đồng ruộng và làm đất; 3) Chọn giống; 4) Dùng giống lúa xác nhận chất lượng cao, ít sâu bệnh, ít nhược điểm; 5) Lượng giống sạ, xử lý hạt giống và cách gieo sạ; 6) Bón phân cho lúa theo nguyên tắc kết hợp phân hữu cơ – vô cơ, phân bón gốc- phân bón lá; 7) Quản lý nước; 8) Quản lý sâu bệnh theo IPM, ngăn ngừa và trừ sâu bệnh kịp thời, sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng, phòng trừ chuột, cỏ dại; 9) Thu hoạch, phơi sấy; 10) Hạt giống cho mùa sau. Bài viết sử dụng: Quy trình VIETGAP lúa; Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa thuần và lúa lai; Quy phạm khảo nghiệm VCU giống lúa; Những tiến bộ mới về cây lúa trong thời gian gần đây. Đây là cẩm nang thực hành để tham khảo áp dụng cho các vùng lúa và vụ lúa ở Nam Bộ, Việt Nam.

QUI TRÌNH CANH TÁC LÚA CAO SẢN NGẮN NGÀY Ở NAM BỘ

1.Thời vụ: Gieo sạ đúng thời vu, đồng loạt tập trung né rầy theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương, cách vụ trước 2-4 tuần.

2. Vệ sinh đồng ruộng, làm đất: Sau khi thu hoạch lúa vụ trước, bà con cần cày đất phơi ải. Vùng có nước lũ nên mở cống xả lũ để rửa phèn (cho lúa vụ 3), lấy phù sa vào ruộng, ngâm đất dùng nước ém cỏ. Khi nước lũ rút tiến hành bừa trục 2-3 lần san sửa mặt bằng, diệt cỏ dại, diệt ốc bưu vàng, diệt chuột (nếu có) trước khi sạ. Đất có mặt bằng tốt, chủ động nước sẽ dễ dàng thực hiện các biện pháp kỹ thuật như khống chế cỏ, bón phân… ruộng lúa dễ đạt năng suất cao.

Đối với vụ Đông xuân:
- Dọn sạch cỏ.
- Trục đánh bùn và san bằng mặt ruộng bằng máy cày bánh lồng.

Đối với vụ Hè thu:
- Cày đất bằng máy với độ sâu từ 15-20 cm.
- Phơi ải trong thời gian 1 tháng.
- Bừa, trục và san bằng mặt ruộng bằng máy kéo bánh lồng có công cụ trang phẳng mặt ruộng kèm theo.
- Sử dụng máy kéo liên hợp với máy phay hoặc bánh lồng và trục bùn. Tuỳ theo diện tích ruộng lớn hay nhỏ mà dùng máy kéo lớn (trên 50 HP), trung bình (20-35HP) hoặc nhỏ như máy xới tay (12-15HP), máy trục bùn tự hành hoặc phay lồng (6-12 HP).
Chú ý: Ruộng phải bằng phẳng, có hệ thống thoát nước tốt và không đọng nước.

3. Chọn giống: Tuyển chọn giống lúa phù hợp với vùng sinh thái. Theo khuyến cáo của Khuyến nông & Cục Trồng trọt, vùng ĐBSCL hiện tại nên sử dụng các giống sau:

+ Lúa thơm, lúa lai, lúa nếp: Giống lúa lai BTE-1, PAC807, HR182 cho vùng sản xuất luân canh lúa – tôm, vùng bị phèn, mặn, hạn sẽ phát huy năng suất tốt; Lúa thơm: Jasmine, VĐ20, OM4900, OM3536, ST5, Nàng Hoa 9,…

+ Lúa giống mới triển vọng: OM10041; OM 54541, OM 6904, OM5472, OM4088, OM6161 (HG2). OM6162, OM4218, OM6073, OM6561, OM4059; Viện Lúa ĐBSCL có bộ giống lúa chịu mặn OM 5464, 2488, 2818, 6379, 6677, 6074, 4276, 6690, 5651, 6521, 5199ĐB, 576, 2517, 5472, 6561, 2395 đã được đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh ven biển

+ Lúa phổ biến: OMCS2000, VNĐ95-20, OM239, OM4498, OM251, MTL384, HĐ1,

Xác định và sử dụng các giống lúa phù hợp yêu cầu thực tế của địa phương , thời gian sinh trưởng khoảng 100 ngày, năng suất cao, chống chịu với một số sâu bệnh chính và có phẩm chất gạo tốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; Luôn cập nhật thông tin theo Cơ cấu giống lúa cho các vùng sinh thái ở Nam Bộ; Giống lúa tốt thích hợp cho ĐBSCL; … , kết hợp với thực tiễn sản xuất tại địa phương để xác định giống lúa chủ lực, giống bổ sung và triển vọng mới, từng bước xây dựng cánh đồng lúa mẫu lớn vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, rà soát quy hoạch những vùng sản xuất lúa đặc sản hoặc cao sản chất lượng cao theo quy trình VietGap có sự tham gia hoặc đặt hàng của doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo; tăng cường củng cố và đầu tư phát triển toàn diện hệ thống sản xuất cung ứng giống lúa chính quy và nông hộ.

4. Dùng giống lúa xác nhận chất lượng cao, ít sâu bệnh, ít nhược điểm.

Sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương cấp xác nhận (theo qui định của Bộ NN & PTNT):
- Độ sạch (% khối lượng) > 99,0%
- Tạp chất (% khối lượng) < 1,0%
- Hạt khách giống phân biệt được (% hạt) < 0,25%
- Hạt cỏ (số hạt /kg) < 10 hạt
- Tỷ lệ nảy mầm (% số hạt) < 85%
- Độ ẩm (%) < 13.5 %

- Không sử dụng hạt giống lúa kém chất lượng
- Không nên lấy lúa thịt làm lúa giống
- Không sử dụng các giống cũ đã thoái hóa, nhiễm nặng sâu bệnh, chất lượng gạo kém (Nông dân phải nắm rõ đặc tính của giống trước khi trồng để chọn, nhất là những giống có nhược điểm năng suất cao nhưng chất lượng kém như IR50404, OM 576, … )

5. Lượng giống sạ, xử lý hạt giống và cách gieo sạ

5.1 Lượng giống sa: khuyến cáo 80-120 kg/ha (nơi đất có mặt bằng tốt, chủ động nước, sạ ướt bằng dụng cụ sạ hàng IRRI SEEDER hay bằng tay; lượng giống sạ cao hơn nơi đất có mặt bằng kém, không chủ động nước, sạ khô, sạ liếp hoặc sạ ngầm)

5.2 Xử lý hạt giống:
· Làm sạch hạt lúa trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm hạt trong nước muối 15% trong thời gian 5-10 phút, loại bỏ hạt lép lửng và lẫn tạp.
· Sau đó, cho vào bao ngâm trong nước sạch 30 giờ.
· Rửa bằng nước sạch, để ráo nước, ủ trong 24 giờ đảm bảo hạt vừa nhú mầm.
· Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng Vina Super Humate, Regent hoặc Carban 3%.
Chú ý: Trước khi gieo sạ 6 giờ, không nên tưới nước cho hạt giống để dễ gieo sạ.

- Chi tiết cách xử lý hạt giống bằng Vina Super Humate
+ Ngâm ½ lít Vina Super Humate + 100kg giống + 300 lít nước 24-36giờ
+ Tẩm: sau khi ngâm nước 24-36g, vớt lên, xả chua, đem ủ 10 giờ cho lúa khô vỏ, nóng lên, lấy ½ lít humate + 4 lít nước lắc đều phun xịt cho 100kg giống, đảo đều.
Sau đó ủ tiếp từ 12-18 giờ là đủ.

- Nếu sử dụng hạt lúa mới thu hoạch cần xử lý phá miên trạng bằng axit nitric nồng độ từ 3-5-8-10 phần ngàn (áp dụng cho lúa cao sản, ngắn ngày)
+ Mới thu hoạch trong vòng 1 tuần: nồng độ 8-10%o
+ Thu hoạch trong vòng 1-2 tuần: nồng độ 5-8%o
+ Thu hoạch trong vòng 2-3 tuần: nồng độ 3-5%o
+ Thu hoạch trong vòng 3-4 tuần: nồng độ 0-3%o

- Nếu có lúa von nhất thiết phải xử lý hạt giống bằng dung dịch nước muối 15% để loại bỏ các hạt lép lửng; Xử lý tiếp lúa von bằng một trong các loại thuốc bệnh Polyram, Folicur sữa, Vicarben, Jivon, liều dùng 1-2 g thuốc cho 1 kg hạt giống (xem kỹ hướng dẫn trên bao bì)

5.3 Cách gieo sạ
· Gieo hàng bằng công cụ gieo hàng kéo tay hoặc liên hợp với máy kéo.(xem hình)
· Lượng hạt giống gieo: 100-120 kg/ha.
· Khoảng cách gieo: hàng cách hàng 20 cm.
Chú ý: Lượng hạt giống cho vào trống của công cụ gieo hàng chỉ bằng 2/3 thể tích trống và trách làm ướt bên trong trống để hạt ra đều.

6. Bón phân cho lúa
(theo nguyên tắc kết hợp phân hữu cơ – vô cơ, phân bón gốc- phân bón lá)

Quy trình bón phân cho lúa cao sản ngắn ngày ở Nam Bộ
- 5-7 NSS: Xịt 1 lít Vina Super Humate/ha
- 8-10 NSS: Bón 4-4-1* (4 bao hữu cơ, 4 bao lân, 1 bao Urê)
*200 kg phân hữu cơ vi sinh)
*200 kg phân lân
*50 kg Urê (1 bao)
- 14-15 NSS: Xịt 1 lít Vina Super Humate /ha
- 17-18 NSS: Cấy dặm
- 19-20 NSS: Xịt 1 lít Vina Super Humate/ha (nơi lúa xấu, mới cấy dặm)
- 20-22NSS: Bón theo thực tế:
*Lúa xấu, đất phèn nhiều, đất cát: Bón 4-4-1* như đợt 1
* Lúa trung bình, đất ít phèn, đất xám: Bón 3-3-1
* Lúa tốt, đất phù sa: Bón 2-2-1
* Đất trũng dư phân: Bón 2-2-0 (cắt Urê)
- 25-28 NSS: Xịt 1 lít Vina Super Humate/ha
- 30-32 NSS: Cắt nước (giúp lúa rễ ăn sâu, kháng đổ ngã,
làm đòng thuận lợi, giảm áp lực sâu bệnh,
bộ lá đứng nhận được nhiều ánh sáng tăng quang hợp)
- 40-45NSS: Xịt 1 lít Vina Super Humate/ha (giúp lúa làm đòng thuận lợi)
Bón phân đón đòng (theo so mầu lá lúa )
* Chỗ vàng tranh: 50kg Urê + 50kg Kali/ha
* Chỗ xanh lợt: 25kg Urê + 75 kg Kali/ha
* Chỗ xanh đậm: 50-100kg Kali/ha
* Đất phèn nên bón thêm 1-2 bao Silica (có 25% Silic và 40% Can-xi giúp hạ độc phèn)

- 55NSS: Xịt 1 lít Vina Super Humate/ha (giúp lúa trổ đồng loạt)|
- 72NSS: Xịt 1 lít Vina Super Humate/ha (giúp hạt vàng sáng, chắc mẩy)
- 80NSS: Xịt ½ lít Vina Super Humate/ha (hạt no, đẹp, tăng NS 200 kg/ha)

7. Quản lý nước
- Giai đoạn cây con (0-7 NSG): rút cạn nước trước khi sạ và giữ khô mặt ruộng trong vòng 3 ngày sau khi sạ, ngày thứ 4 cho nước láng mặt ruộng 1 ngày sau đó rút cạn để đảm bảo đủ ẩm bề mặt ruộng.

- Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng (7-42 NSG): Sau khi sạ được 7-10 ngày, bắt đầu cho nước từ từ vào ruộng và giữ nước trên mặt ruộng ở mức 5-7 cm. Trong giai đoạn này, thay nước trong ruộng lúa từ 2-3 lần, sau mỗi lần thay nước giữ cạn trong 2-3 ngày.

- Giai đoạn sinh trưởng sinh thực (42-65 NSG): Giữ nước trong ruộng ở mức 3-5 cm.

- Giai đoạn chín (65-95 NSG): Giữ nước trong ruộng ở mức 2-3 cm cho đến giai đoạn chín vàng (7-10 ngày trước khi thu hoạch) tháo cạn nước trong ruộng.

8. Phòng trừ sâu, bệnh, chuột, cỏ dại
- Ngăn ngừa và trừ sâu bệnh kịp thời
- Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng
(xem kỹ hướng dẫn khuyến cáo kỹ thuật)

8.1 Phòng trừ sâu hại

- Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) bao gồm:
- Bắt bướm hay rầy trưởng thành bằng vợt hay bẫy đèn, ngắt ổ trứng các loại sâu và các lá có mang sâu.
- Duy trì và bảo vệ các sinh vật có ích như ếch nhái, nhện, bọ rùa, dế nhảy, muỗm muỗm, bọ xít mù xanh, bọ xít nước, kiến ba khoang, ong mắt đỏ, ong kén trắng, ong đen, ong xanh, ong đùi, nấm tua, nấm xanh, nấm phấn trắng, v.v. bằng cách không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu khi trên ruộng xuất hiện nhiều loài thiên địch. Nếu bắt buộc phải phun thuốc khi có dịch thì phải chọn loại thuốc chọn lọc ít độc đến thiên địch.
- Sử dụng chế phẩm sinh học trừ sâu rầy hại lúa như chế phẩm từ vi khuẩn Bacillus thuringienis (Bt) để trừ sâu non của các loài sâu thuộc bộ cánh vảy và 2 chế phẩm từ nấm ký sinh côn trùng như Ometar (chế phẩm nấm xanh) và Biovip (chế phẩm nấm trắng) để trừ các loài rầy, bọ xít và sâu cuốn lá nhỏ hại lúa.
- Không phun thuốc trừ sâu trong vòng 40 ngày đầu sau sạ để bảo vệ hệ thiên địch, chỉ phun thuốc trừ sâu khi mật số tới ngưỡng phòng trừ quy định và phải tuân thủ kỹ thuật 4 đúng:
· Đúng thuốc: Chọn thuốc đúng đối tượng sâu hại.
· Đúng liều lượng: Tuân thủ quy định về liều lượng thuốc và nước pha theo chỉ dẫn ghi trên nhãn chai.
· Đúng lúc: Phun khi mật số sâu hại phát triển nhiều hơn mật số thiên địch.
· Đúng cách: Phải phun trúng vào nơi có sâu rầy sinh sống như rầy ở gốc lúa, sâu ở trên lá hay trên thân.
- Khi thật cần thiết, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau đây để phòng trừ:
· Rầy nâu: Applaud 10BHN, Actara 25WG, Bassa 50ND, Mipcin 25BHN và Trebon 10ND.
· Bù lạch: Actara 25WG, Bassa 50ND, Fastac 5ND, Regent 300WDG và Trebon 10ND.
· Sâu phao: Fastac 5ND, Padan 95SP và Regent hai lúa xanh 300WDG.
· Sâu cuốn lá: DDVP 50ND, Fastac 5ND, Padan 95SP và Trebon 10ND.
· Sâu dục thân: Basudin 10H, Padan 95SP, Regent hai lúa xanh 300WDG và Regent 10H.
· Bọ xít các loại: Bassa 50ND và Padan 10H.

8.2 Phòng trừ bệnh hại
Bệnh đạo ôn:
Bệnh cháy lá là do nấm gây ra. Bệnh xuất hiện và gây hại trong cả 2 vụ ĐX và HT và ở tất cả các giai đoạn của cây lúa. Bệnh thường tấn công trên lá, đốt thân, cổ lá và cổ gié. Bệnh đặc biệt thích hợp với điều kiện thời tiết khí hậu mát lạnh, có sương mù như trong vụ đông xuân. Sử dụng biện pháp sau đây để phòng trị:
· Thăm đồng thường xuyên 5-7 ngày lần để phát hiện bệnh kịp thời.
· Khi thấy có một vài vết bệnh xuất hiện, sử dụng thuốc hóa học Tricyclazole hay Probenazole để phun.

Bệnh khô vằn:
Bệnh khô vằn do nấm gây ra và phát triển mạnh ở vụ Hè thu vào giai đoạn sau khi đẻ nhánh tối đa, hoặc khi tán lúa vừa phủ kín mặt ruộng (35-40 NSS).
Để phòng trừ bệnh này cần áp dụng các biện pháp sau đây:
· Vệ sinh đồng ruộng như làm sạch cỏ và các tồn dư của vụ trước.
· Xử lý đất bằng biện pháp cày phơi ải hoặc cho đất ngập nước trong thời gian 15-30 ngày để diệt mầm bệnh
· Sử dụng thuốc hoá học: không cần phải phun hết cả ruộng mà chỉ phun cục bộ ở từng điểm có bệnh. Sử dụng các loại thuốc sau để phòng trị bệnh: Hexaconazol, Iprodione.

Bệnh Bạc lá
Bệnh Bạc lá do vi khuẩn gây ra, bệnh thường phát triển và gây hại nặng vụ Hè Thu trong giai đoạn 40 NSG trở đi. Bệnh lây lan qua con đường hạt giống. Để phòng trị bệnh chủ yếu sử dụng giống kháng kết hợp với xử lý hạt giống như đã khuyến cáo.

8.3. Phòng trừ chuột
- Phối hợp nhiều biện pháp cùng 1 lúc: Thời vụ tập trung, vệ sinh đồng ruộng, đặt bẫy, đào hang, bỏ khí đá vào hang, bơm nước vào hang, dùng chó săn bắt.
- Đánh bả chuột: dùng lúa mộng hay thức ăn gia súc làm mồi trộn với thuốc Fokeba 5% hay Zinphos 20 % với tỉ lệ 1/50, nên đặt nhiều đợt, cách nhau 4-5 đêm, giá để mồi có thể là ống tre, vỏ dừa. Sử dụng thuốc viên Klerat 0,05 % để nhét vào miệng hang.
- Bẫy cây trồng: trong khu vực khoảng 1 km2 (100 ha) bố trí 5 ruộng gieo trồng sớm hơn 1 tháng, cách nhau 500 m, mỗi ruộng có hàng rào ny lông cao 80-100cm và 8 lồng hom (2/bờ). Sử dụng giống lúa thơm để dẫn dụ chuột.
- Dùng thuốc xông hơi như DDVP, Phosphine hay khí đá bỏ vào hang và bịt miệng hang lại.
- Gặt lúa dồn từ xung quanh vào giữa, cuối cùng bao lưới để bắt.

8.4 Phòng trừ cỏ dại
Sử dụng thuốc diệt cỏ đúng kỹ thuật: Đất bằng, chủ động nước sử dụng thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm; đất không bằng, khó chủ động nước thì nên sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm (xem kỹ hướng dẫn khuyến cáo kỹ thuật trên bao bì). Sau đó cần xịt lại chỗ cỏ sót, gò cao, chỗ cỏ tái sinh… bằng các loại thuốc hậu nảy mầm kết hợp nhổ cỏ, bằng tay giai đoạn đẻ nhánh (20-25NSS), làm đòng (40-45NSS), trổ (60-70NSS) và trước thu hoạch (80-85NSS).

Ngoài việc áp dụng đồng bộ các biện pháp trên, luân phiên sử dụng hóa chất diệt cỏ bao gồm: Sofit 300EC, Meco 60EC, Vigor 33EC, Sirius 10WP, Nominee 10SC, Tiller-s, Ronstar 25EC, OK 720DD, Facet 25SC, v.v.

9. Thu hoạch, phơi sấy.
- Thu hoạch đúng độ chín khi lúa chín 85-90%. Nên sử dụng máy gặt đập liên hợp giảm thất thoát so cắt tay từ 5-6%
-
Chuẩn bị thật tốt sân phơi, lò sấy, tránh hư hỏng lúa sau thu hoạch.

10. Hạt mùa sau: Tuyển giống lúa phù hợp, chọn 1/10 diện tích khử lẫn thật kỹ (4 lần), dùng bao mới, suốt riêng, phơi riêng, tránh lẫn giống trên sân phơi. Lúa giống phơi đến độ ẩm 13%, tồn trữ trong túi yếm khí sẽ bảo quản được lâu.

Biên soạn:
Mai Thành Phụng, Hoàng Kim

Cánh đồng mẫu lớn


Trở về trang chính

CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM

Gia đình nông nghiệp

NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi