Lưu trữ

20/9/09

IR50404 được “giải oan” bởi thực tế sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL



GS.TS. Nguyễn Văn Luật

CAYLUONGTHUC. Tới nay đã có không dưới năm lần ngừng xuất khẩu gạo vì “an ninh lương thực quốc gia”, thì cũng có năm lần có sự chỉ đạo giảm diện tích sử dụng IR 50404, vì khó bán, và giá rẻ. Tuy nhiên, nông dân vẫn tiếp tục dùng. Tương tự như nỗi lận đận với IR 50404, có địa phương như ở tỉnh Trà Vinh, Long An có nơi còn dùng giống OM 576 trên chiếm 30-40% diện tích trồng lúa, cũng được trên khuyến cáo lọai bỏ vì chất lượng gạo không bằng những giống các OMCS 2000, OM 4900, OMCS 21, Ja’mine, VNĐ 95-20, MTL 250, VD20.. Nhiều giống lúa khác ngòai danh mục khuyến cáo dùng trong sản xuất, nông dân ở các địa phương còn dùng trong cơ cấu giống và mùa vụ vừa thích hợp điều kiện đặc thù và tập quán của mình, lại vừa bán được , như giống lúa địa phương Tài nguyên đục ở Sóc Trăng và Trà Vinh, giống lúa ST5, ST đỏ ở Sóc Trăng.

Người nông dân chọn dùng giống lúa nào cho năng suất cao nhất, giảm chi phí nhất trên một đơn vi diện tích hay trên 1 ha, để được lời nhiều hơn. Còn người kinh doanh lúa gạo quan tâm đến giá 1 kg, mua của nông dân lúa nào có thể xuất khẩu gạo được với giá càng thấp, họ càng lời. Sự lựa chọn đúng của nông dân còn được chứng minh bằng sự tồn tại trong sản xuất khá lâu với thời gian và không gian: trong nhiều vụ liên tiếp và trên diện tích rộng, để thu được nhiều lời trên diện tích sản xuất của họ.

Một thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp từ kết quả sản xuất của các vụ liên tiếp: ĐX 2007-08; HT 2008; TĐ 2008; ĐX 2008-09, có kết quả sau: giống IR 50404 luôn chiếm diện tích rộng nhất, lần lượt như sau: 43,8%; 44,0%; 75,0%; và 28,4%. Ở vị trí thứ 2 trong các vụ tương ứng có kết quả sau: Jas’mine (15,3%); OM 1490 (7,48%); Jas’mine (5,3%); Jas’mine 19,4%. Ở vị trí thư 3, thứ 4 và thứ 5 gồm những giống chỉ chiếm diện tích từ 2-3% đến 6-7%, có các giống Jas’mine (HT 2008, 7,32%); VND95-20; VD 20; OM 2514; OMCS 2000; OM 6073.. Nhiều sở nông nghiệp khác cũng có những thống kê tương tự

Vào 9, 10 năm trước đây, TT Khảo Kiểm nghiệm cây trồng Quốc gia cùng với các địa phương điều tra thống kê các giống lúa dùng trong sản xuất đại trà, và xác định 10 giống lúa chiếm diện tích rộng nhất từ cao xuống thấp ở ĐBSCL theo thứ tự sau: OM1490, IR50404, OM576, OMCS2000, VND95-20, IR64, AS996, MTL250,. OM2031, Jas’mine.

Cũng theo Trung tâm này, trong 10 giống lúa chiếm diện tích rộng nhất vùng ĐBSCL năm 2007, thì IR50404 vẫn đứng đầu cả 3 vụ, giống OM576 trong vụ ĐX đứng thứ 5, sang vụ HT thứ 3, và ở vụ TĐ đứng thứ nhì. Giống mới ở hạng “top ten” được sử dụng trong vụ thu đông 2007, thường được lấy hạt giống cho vụ tiếp, là: IR50404 (13% diện tích), OM576 (7,8%), OM2517, Jas’mine 85, OM1490 VND95-20, OM2717, OM3536, OM4498, OMCS2000.

Trên đây là số liệu trung bình của tỉnh, của vùng. Tình hình cụ thể ở từng huyện, từng xã có khác. Chính những sự khác nhau cũng thể hiện tiềm lực tăng sản lượng lúa bằng điều chỉnh cơ cấu giống lúa hợp lý mà không phải đầu tư thêm. Một kết quả nghiên cứu của Đại học Cần Thơ ở 16 xã thuộc tỉnh Long An: gần nửa số xã dùng IR 50404 trên 80 - 100 % diện tích lúa; có 2 xã không dùng IR 50404, như xã Khánh Hưng, Vĩnh Bình.. Có 6 xã dùng OM576, trong đó xã Đông Yên dùng tới gần 36% diện tích lúa. Ở TP Cần Thơ, huyện Cờ Đỏ sản xuất bằng giống IR 50404 dưới 10% diện tích năm 2005, nay là 30%; quận Ô Môn là 70%..

Để lần tìm hiểu vấn đề, chúng ta hãy nghe một ý kiến về việc ngừng xuất khẩu gạo của Gs Võ Tòng Xuân: ..Nhà nước quá tin vào các tổng Cty Lương thực và Hiệp hội Lương thực. Những cơ quan này đang bóp nghẹt sự sống của bà con nông dân trồng lúa.. Họ buộc các Cty mua bán theo quota do họ đưa ra để họ có lợi.. Khi giá lúa cao, họ không mua được, với chiêu bài “vì an ninh lương thực”, họ báo cáo với Thủ tướng là cần ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, không ai dám mua để họ mua lúa với giá rẻ.. Họ cũng chưa từng bỏ một đồng nào để tài trợ các đề tài nghiên cứu về cây lúa.. Gs Xuân còn cho biết vừa nhận được thông tin: Thủ tướng cũng đã thấy và đang chấn chỉnh dần. (Sgtt, 11/9/2009).

“Nỗi oan” của lúa IR 50404 có phải là do “chiêu bồi thêm“ cho chiêu chính của Tổng Cty và Hiệp hội Lương thực không? Kết quả là người nông dân trồng lúa càng thêm khốn khó trong khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo càng lời nhiều. Có ông nông dân kêu trời: sao lại sinh ra hai thứ gạo hột tròn hột dài mà làm gì, sao không chỉ là một thứ thôi, biết làm theo khuyên cáo hay làm theo lợi ích của chúng tôi?. Bởi vì những “thương buôn” (để đánh giá đúng hơn vai trò của “thương lái”) đổ xô mua giống IR 50404 bị khuyến cáo lọai bỏ, nên mua gom được giá rẻ hầu như chỉ để bán cho T Cty Lương thực nắm phần chủ yếu thị trường và thị phần xuất khẩu gạo. Như chúng ta đều biết, có tới 90-95% lượng gạo xuất khẩu là do thương nhân đi mua thu gom thóc của nông dân. Đội ngũ “thương nhân” này có những khyết điểm, như cân non, ép giá, nhưng chưa thể thay thế bằng cách khác được. Họ cũng là người có ảnh hưởng không nhỏ tới nông dân về sử dụng giống và áp dụng kỹ thật mới. Nếu như bằng cách nào đấy tập hợp họ để giáo dục và đào tạo, để tập huấn, thì họ sẽ trở thành một lực lượng khuyến nông mà Nhà nước không phải trả lương, không cần họat động phí mà vẫn góp phần chuyển giao TBKT tới nông dân sâu rộng hơn. Một chuyên gia ở Cục Trồng trọt đã nói chúng ta họp bàn nhiều về việc làm sao để giảm diện tích sử dụng giống IR 50404, nhưng sau đó thương lái đến mua lúa giống đó thì hiệu quả mọi cuộc họp như thế này là bằng không, nông dân lại đổ xô đi mua và trồng giống lúa IR 50404. Nhiều cán bộ khuyến nông cấp cao cũng như cấp địa phương truyền đạt khuyến cáo giảm diện tích dùng giống IR 50404 đã bị nông dân phản ứng lại, do vụ trước nghe và làm theo bị thiệt thòi.

Để có cơ sở thực tế và cơ sở khoa học tham mưu cho lãnh đạo, cần có nhiều đề tài/ dự án xung quang vấn đề trên. Có thể có một số đề tài/ dự án có nội dung sau: Cơ cấu giống lúa hiệu quả kinh tế và môi trường cao cho từng vụ của địa phương nài đó; Tỷ lệ diện tích sử dụng có tính kháng sâu bệnh cao như IR 50404, OM 576.., và nhiễm sâu bệnh như Jas1mine, OMCS 21..là bao nhiêu là thích hợp; Hiệu quả kinh tế tính theo giá thành và giá bán của những giống lúa trên..

GsTs Nguyễn Văn Luật, 18/09/2009
(Tài liệu do tác giả gửi)

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi